Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Đi tìm vẻ đẹp Ca trù - Bài 7: CA TRÙ TRONG HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO ĐẠI VIỆT

Hát Ca trù trong đón tiếp ngoại giao cấp nhà nước
Nguyễn Xuân Diện
Một văn bia quan trọng vừa được phát hiện tại kho bản rập của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đó chính là văn bia Bản huyện giáo phường lập đoan bi ký được soạn vào niên hiệu Long Đức 3, dưới thời Lê, tức là năm 1734, ghi nhận một sự kiện đặc biệt: dùng ca trù trong đón tiếp ngoại giao. Đây là một thông tin hiếm hoi và duy nhất về chuyện giới thiệu âm nhạc ca trù của nước ta với bên ngoài. Từ đó cho phép nhận định rằng nghệ thuật ca trù vào thế kỷ XVIII đã là một trong những đại diện của âm nhạc nước ta được giới thiệu trong hoạt động đối ngoại ở cấp quốc gia.
Theo sự ghi nhận của thư tịch cổ, ca trù được tổ chức như sau: Hát thờ: hát thờ tổ (còn gọi là tế tiên sư, có 9 làn điệu chuyên dùng); hát thờ thành hoàng trong các đình làng, hát thờ thần trong các đền miếu. Hát chơi: Hát khao trong các tư gia (mừng nhậm chức, sinh con trai, khánh thành nhà, đám cưới), hát chơi trong dinh thự. Hát thi: Hát thi tại các làng quê (thi giữa các giáo phường để chọn người hát giỏi). Hát chơi trong các dịp đặc biệt: Hát chúc hỗ mừng thọ vua, hát trong nghi lễ đón tiếp sứ giả nước ngoài. Trong bài này chỉ xin nêu 3 trường hợp là hát ca trù trong đón tiếp ngoại giao, trong Thánh lễ của công giáo và trong hát thi.
 
Hát ca trù trong đón tiếp ngoại giao

Giáo phường ca trù không những biểu diễn phục vụ trong các lễ hội dân gian ở các làng xã mà còn vượt ra khỏi địa phương để tham gia vào các nghi thức tiếp khách của nhà nước. Đây là một vấn đề chưa đề cập tới trong bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào trước đây.

 
Tài liệu mà chúng tôi phát hiện được là văn bia Bản huyện giáo phường lập đoan bi ký, bản rập mang số ký hiệu 15639 - 15640, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tấm bia này hiện để tại đình xã Đức Lạp, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Bia được tạo vào niên hiệu Long Đức 3, dưới thời Lê, tức là năm 1734. Tấm bia gồm 2 mặt, khổ 60 x 43 cm, có 40 dòng, mỗi dòng từ 10 đến 31 chữ. Trán bia có chạm mặt trời và mây. Diềm bia không hoa văn.  

Nội dung: Ông trùm giáo phường xã An Thanh, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái là Khổng Đắc Toàn và vợ là Nguyễn Thị Đề cùng các con và gia tộc đã được bản huyện đã chia cho giữ cửa đình Đức Lạp, tổng Yên Xá. Nay vâng lệnh quan phủ cử gấp về kinh để nghinh đón sứ giả, nhưng vì thiếu tiền để chi phí nên bán lại quyền lợi được hưởng ở cửa đình này cho quan viên xã Đức Lạp cùng huyện lấy 85 quan tiền sử để chi dùng. Có kê ra các lễ tiết và quyền lợi được hưởng cùng bản giao ước giữa hai bên.

Đây là một thông tin hiếm hoi về chuyện giới thiệu âm nhạc của nước ta với bên ngoài. Ngoài văn bia này, chúng tôi chưa gặp một tài liệu nào khác cho các thông tin tương tự. Thông tin này cho thấy các giáo phường trong dân gian đã được góp phần tham gia vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước. Từ đó cho phép nhận định rằng nghệ thuật ca trù vào thế kỷ XVIII đã là một trong những đại diện của âm nhạc nước ta được giới thiệu trong hoạt động đối ngoại ở cấp quốc gia. 

 
Hát ca trù trong Thánh lễ Thiên chúa giáo

Trong quá trình điền dã nghiên cứu, Gs. Nguyễn Hồng Dương (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) ghi chép được một số bài thơ thể hát nói (ca trù) trong thánh lễ nhà thờ công giáo ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tiếc rằng chung ta không biết là các bài thơ này được hát lên như thế nào, và khi tấu các bài thơ này lên thì có dùng nhạc đàn đáy và cỗ phách ca trù hay không. Được biết, đây chính là vùng đất mà Nguyễn Công Trứ được cử đến làm Dinh điền sứ, trông coi việc khẩn hoang ở đây và lập nên các làng mạc. Có thể, vì Hy Văn Nguyễn Công Trứ là một tài tử, ham mê đàn hát ả đào mà ảnh hưởng đến cả một vùng này khỉến cho việc phụng thờ, kính chúa cũng ít nhiều tiếp thu nghệ thuật ca trù vào sinh hoạt của người công giáo. Đây là một hiện tượng hy hữu trong nghiên cứu về ca trù cũng như ảnh hưởng của sinh hoạt ca trù trong xã hội.
 
Một cuộc hát thi

Theo thư tịch cổ, kết hợp với sự khảo cứu của các học giả đi trước, và tham khảo các nghệ nhân ca trù, chúng tôi thấy có các trường hợp thi trong hát ca trù như sau: Thứ nhất: Thi giữa các giáo phường với nhau để chọn đào kép hay nhất vào hát thờ ở cửa đình, phục vụ lễ hội địa phương (cuộc thi do Hội đồng chức sắc địa phương tổ chức); Thứ hai: Cuộc thi do Ty giáo phường tổ chức để chọn lấy đào kép hay để phục vụ hát chúc hỗ trong các khánh tiết của nhà nước; Thứ ba là cuộc sát hạch do giáo phường tổ chức để công nhận người đào nương đã đạt đến trình độ được phép hành nghề (gọi là lễ mở xiêm áo).


Về cuộc thi thứ nhất, chỉ thực hiện ở những làng giàu có về kinh tế, hoặc chỉ tổ chức vào những năm đặc biệt như làng được triều đình ban thưởng hoặc làng có người đỗ đạt cao. Thể lệ thi hát được thể hiện dưới các bản thông báo treo tại đình khi làng tổ chức thi hát.


Dưới đây xin giới thiệu về thể lệ thi hát, được chép trong sách Quang Liệt xã Văn Hội điều lệ (A.995/1-2). Thể lệ này được thể hiện dưới các bản yết thị, thông báo treo tại đình Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, khi làng tổ chức thi hát.


Bảng thông báo có nội dung như sau: Ngày, tháng, năm, niên hiệu, các quan viên sắc mục... của bản xã, kê ra thể thức ở dưới đây: Báo cho giáo phường bản huyện cùng các giáo phường ở các phủ, xứ được biết: ngày...tháng...năm nay, bản xã theo lệ, có mở tiệc cầu phúc, xướng ca thờ thần. Bản xã theo lệ có mở cuộc thi nghề ca hát. Khi thông báo, các giáo phường sẽ đợi ở đình ngoài. Mỗi ngày, nếu là trong huyện thì đào nương và quản giáp một đôi, nếu là các phủ, xứ khác thì hai đôi. Tất cả đều vào thi. Tôn trọng theo phép tắc, không được tranh giành. Đợi đến ngày ra bảng, ai trúng thì có tên yết trên bảng, ngay hôm đó vào hát nhận giữ thẻ. Nếu ai không trúng, không có trong bảng, sẽ nhận tiền phấn sáp, mỗi đôi 3 mạch 30 văn cổ tiền và không được vào hát nữa để phép thi được nghiêm.


Ngày vào thi, thông báo về thể thức như sau: Năm...tháng...ngày... các quan viên, sắc mục bản xã, bản tổng, kê ra đây các thể thức như sau:Báo cho giáo phường bản huyện cùng các giáo phường trong các phủ, xứ được biết. Hễ bản xã vào tiệc cầu phúc, hát xướng thờ thần, có lệ thi hát. Khi biết thông báo này, đào nương quản giáp xếp lượt rất đông, nên phải theo thứ tự vào thi. Khi biết ngày thi, cứ mỗi ngày 5 đôi cho vào thi. Nam thi thơ, nữ thi phú, mỗi người vài câu. Ngay ngày hôm đó treo bảng ghi tên người đỗ. Người nào trúng sẽ vào thi tiếp. Người nào không trúng, phát cho tiền trầu cau, mỗi đôi cổ tiền 1 mạch 20 văn, và không được vào thi nữa.


Việc thi hát và thi kỹ thuật trình diễn gồm 3 vòng thi trong đó vòng 1 gồm 22 điệu; vòng 2 gồm 11 điệu; vòng 3 gồm 21 điệu. Ca trù cách thức mục lục (VNv.160, thư viện Hán Nôm) giới thiệu các điệu hát trong 3 vòng thi với thứ tự như sau:

Vòng 1 gồm: Giáo cổ (giáo trống), Thư cách, Hát nam, Thư phòng, Hát giai, Tiến chức, Thăng quan, Nhạc hương, Thét nhạc, Hà nam, Độc phú, Ngâm vọng, Bắc phản, Hát mưỡu, Hát nói, Cung bắc, Dồn đại thạch, Hãm, Dựng, Huỳnh, Bỏ bộ, Dồn dựng.

Vòng 2 gồm: Rung trống, Chạy đuổi, Hát giai, Hát tầng, Ngâm hát gái, Hát nam, Hát truyện, Hát mưỡu, Hát nói, Dựng, Huỳnh.

Vòng 3 gồm: Giáo cổ, Thư cách, hát giai, Thư phòng, Tiến chức, Thăng quan, Nhạc hương, Thét nhạc, Ngâm vọng, Bắc phản, Hát mưỡu, Hát nói, Dồn cung nam, Gửi thư, Đại thạch, Hãm, Dựng, Huỳnh, Nói dồn, Gióng chinh phu, Biếm gái.
Những người thi đỗ sẽ được hát chính thức trước điện thờ, còn những người không trúng đều được làng phát tiền phấn sáp hoặc tiền trầu cau để vui vẻ ra về. Xem thế đủ biết lệ thi hát ở những làng xã ngày xưa là một dịp so tài sắc vui vẻ thu hút sự tham gia của đông đảo các giáo phường xa gần.
 
Ai hay hát mà ai hay nghe hát

Có lẽ trong các lối hát và ngâm vịnh cổ truyền Việt Nam hiếm có một lối hát nào lại xâm nhập sâu rộng hầu hết các sinh hoạt văn hóa tinh thần như là lối hát ca trù. Có thể nói, nghệ thuật ca trù trải mấy trăm năm, cả Thần và Người đều chuộng. Ở nơi đình miếu, đền đài thâm nghiêm các vị thần thánh nghe hát trong hương trầm đượm tỏa, trong sự sùng phụng của con dân. Trước khi dâng lên các vị thần thì các chức sắc địa phương cũng đã nghiêm trang thẩm định để chọn ra những đào hay kép giỏi, để những đào kép giởi nhất dâng thần khúc hát tuyệt kỹ. Nơi giáo đường thênh thang uy nghiêm, Đức Chúa cũng nghe những lời xưng tụng của con chiên thành kính. 
 
Và trong dân gian, mỗi khi khao vọng, cho dù là khao thọ, khao thi đỗ, khao được thăng chức, hay khai trương cửa hiệu, hoặc mừng đón nhau về hoặc mừng tiễn nhau đi đều vời đến đào kép ca trù đến, tùy việc tùy duyên mà thưởng ngoạn câu thơ khổ phách cung đàn.

Rồi những khi thư thả việc công, những khi buồn thế thái nhân tình, hoặc câu chuyện tình duyên gặp khi trắc trở, ai đó lại đến một ca quán vịn vào tiếng hát, tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách ca trù, để sẻ chia tâm sự, để hoà mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm, để hào hứng dốc sạch túi tiền vào một cuộc hát mà thưởng cho một ngón nghề tài hoa.


Có thể nói ca trù đã đồng hành cùng tâm hồn Việt, trải biết mấy thăng trầm cùng lịch sử vẫn lại đang về tìm lại chỗ đứng trong đời sống văn hóa văn nghệ phong phú đa dạng hôm nay. Vâng! Của tin vẫn một chút này!


N.X.D

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét