Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Đi tìm vẻ đẹp Ca trù - BÀI 4: GIÁO PHƯỜNG CA TRÙ


Giáo phường ca trù
Nguyễn Xuân Diện


Giáo phường ca trù được tổ chức quy củ, chặt chẽ. Quyền lợi lớn nhất của giáo phường được xác nhận trong một tấm bia đá dựng ngay trước cửa đình là được quyền giữ cửa đình này. Đào nương và kép đàn đều phải thuộc các giáo phường. Mỗi giáo phường là một họ, như: họ Xuân, họ Đông, họ Thịnh, họ Từ ... Người thuộc về họ nào, lấy chữ họ đó đặt lên trước tên mình. Ví dụ tên là Thuận mà thuộc về họ Thịnh thì gọi là Thịnh Thuận. Lối gọi này chỉ dùng trong giáo phường với nhau. Đó là hình thức nghệ danh độc đáo trong làng ca hát Việt Nam thời trước. 

Giáo phường ca trù được tổ chức quy củ, chặt chẽ. Quyền lợi lớn nhất của giáo phường được xác nhận trong một tấm bia đá dựng ngay trước cửa đình là được quyền giữ cửa đình này. Đào nương và kép đàn đều phải thuộc các giáo phường. Mỗi giáo phường là một họ, như: họ Xuân, họ Đông, họ Thịnh, họ Từ ... Người thuộc về họ nào, lấy chữ họ đó đặt lên trước tên mình. Ví dụ tên là Thuận mà thuộc về họ Thịnh thì gọi là Thịnh Thuận. Lối gọi này chỉ dùng trong giáo phường với nhau. Đó là hình thức nghệ danh độc đáo trong làng ca hát Việt Nam thời trước.

Một văn bia xác nhận quyền lợi của giáo phường
Cách tổ chức giáo phường

Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, khi “thong thả nhân gian nghỉ việc đồng” thì cũng là lúc các làng vào đám. Khắp các làng quê thường mở hội để tế thần, tế thành hoàng, cầu mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Trong phần tế lễ không thể thiếu việc hát thờ thánh. Theo lệ, các giáo phường lại xách đàn, phách đến các đình đền để hát thờ trong suốt kỳ lễ hội.

Xưa, các đào kép được tổ chức thành các giáo phường. Nhiều giáo phường được đặt dưới sự quản lý của Ty giáo phường. Theo ghi chép của các văn bia thì Ty giáo phường là một tổ chức quản lý hoạt động ca xướng tương đương cấp huyện. Giáo phường các xã thuộc về Ty giáo phường của huyện. Ty giáo phường huyện quản lý hoạt động của các giáo phường các xã trong huyện. Mỗi huyện thường có một Ty giáo phường. Người đứng đầu Ty giáo phường là một ông trùm. Ty giáo phường phân chia việc giữ các cửa đình trong huyện cho các giáo phường. Việc giữ này được truyền từ đời này sang đời khác. Theo đó các giáo phường này được phép toàn quyền biểu diễn tại đình làng này, hoặc được phép tuỳ ý mời giáo phường khác đến hát giúp trong những ngày tiệc của làng và hưởng quyền lợi. Đặc biệt là giáo phường sẽ được hát trong lễ xông đình trong dịp hoàn thành công việc tu tạo sửa chữa đình làng. Ngược lại, giáo phường cũng phải có một số trách nhiệm đóng góp vào các nghi thức hát xướng tế lễ của làng, theo mức độ quy định giữa làng xã sở tại với giáo phường. Quyền lợi của giáo phường được xác định bằng một tấm bia đá đặt trang trọng ngay trước cửa đình làng mà giáo phường được quyền hưởng lợi.
.
Hát múa ca trù. Chạm gỗ thế kỷ 18. Đền Lê Khôi, Hà Tĩnh


Việc giữ cửa đình này được truyền từ đời này sang đời khác, tuy nhiên nếu cần tiền để lo việc quan hoặc để chi dùng các việc, giáo phường có thể sang nhượng lại quyền này cho quan viên trong chính làng xã có đình, từ đó làng xã này không phải trả tiền cho giáo phường như quy định trước đó nữa. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có bản rập của 64 văn bản mua bán này. Trong đó có 14 văn bản soạn vào thế kỷ XVII, có 39 văn bản soạn vào thế kỷ XVIII, có 9 văn bản soạn vào thế kỷ XIX và 2 văn bản không ghi rõ niên đại. Căn cứ vào niên đại của các văn khế mua bán quyền giữ cửa đình, chúng ta thấy việc mua bán xảy ra phổ biến nhất là vào thế kỷ XVIII. Và trong số các bia thuộc thế kỷ XVIII thì phần lớn là thuộc về nửa sau của thế kỷ này. Việc soạn văn bản sang nhượng, mua bán các lệ hát cửa đình phần lớn đều do các giáo phường và quan viên làng xã có đình thực hiện, không ghi rõ tên người soạn bia, nhưng có xác nhận của các bên với họ tên và chức vụ rõ ràng. Có 3 văn bia ghi rõ soạn giả soạn bản giao kèo về việc sang nhượng quyền giữ cửa đình do các Tiến sĩ soạn. Đó là TS. Phan Lê Phiên soạn 1 bia, TS. Đào Hoàng Thực soạn 2 bia. Những tư liệu văn bia về hát cửa đình với lượng thông tin phong phú cho thấy trong suốt thời gian lịch sử dài lâu (ít nhất là từ năm 1672) đông đảo nhân dân đã yêu thích ca trù, coi việc thưởng thức ca trù như một nhu cầu văn hóa, và quan trọng hơn, việc biểu diễn ca trù đã đem lại nguồn lợi kinh tế cho cả người nghệ sĩ dân gian lẫn các nhà tổ chức.
.
Những nét đẹp nhân văn của giáo phường xưa

Xã có thể có một hoặc nhiều giáo phường. Mỗi giáo phường là một họ riêng. Văn bia về việc các giáo phường được tập hợp theo “họ”, thể hiện trên bia 11 bia có bản rập lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Các họ thống kê được trên bia gồm 8 họ: họ Xuân (2 bia), họ Đông (4 bia), họ Thịnh (1 bia), họ Từ (1 bia), họ Hoàng (1 bia), họ Việt (1 bia), họ Kiều (1 bia), họ Khổng (1 bia). Đứng đầu họ là một ông trùm họ. Người thuộc về họ nào, lấy chữ họ đó đặt lên trước tên mình. Ví dụ tên là Thuận mà thuộc về họ Thịnh thì gọi là Thịnh Thuận. Lối gọi này chỉ dùng trong giáo phường với nhau. Những văn bia này đã cung cấp cho chúng ta một tư liệu quý về sinh hoạt và quan hệ giữa các cá nhân và có thể coi là một nét đẹp trong một giáo phường ca trù thời trước.
.
Gia đình nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi, 27 Thuỵ Khuê, HN - Ảnh: tác giả cung cấp

Giáo phương ca trù xưa còn tôn vinh tri ân người có công truyền nghề. Bia Bản huyện giáo phường lập bi, tạo năm Vĩnh Trị 5 (1681), đặt tại đình xã Trung Việt, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Văn bia cho biết có vị trong Ty giáo phường xã Đông Lâm, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, vì có ngoại tổ họ Hà là Phúc Đạo, ở xã Trung Trật trước có mở nghiệp giáo phường, sinh con gái Hà Thị Khánh lấy chồng họ Nguyễn ở Đông Lâm và tạo nên giáo phường ở đây. Nay các vị trong giáo phường xã Đông Lâm nhớ đến ân nghĩa sinh thành của ngoại tổ, tỏ lòng báo đáp, đặt ra lệ, hễ đình Trung Trật có mở tiệc thì các khoản tiền tiệc, tiền khao và tiền lễ xông đình, các khoản tiền làm cỗ, thảy đều do giáo phường Đông Lâm trang trải. Bia còn ghi tên các vị ngoại tổ họ Hà do dân xã Trung Trật cúng giỗ. Đây cũng là một nét đẹp nhân văn của một giáo phường ca trù, vừa tôn vinh nghề tổ, vừa thành kính tri ân người có công gây dựng nghề cho giáo phường.

Giáo phường ca trù ở nông thôn hoạt động bán chuyên nghiệp. Họ là những người nông dân vẫn phải lo việc đồng áng, chăn tằm dệt cửi. Họ được cha mẹ hoặc các đào kép lớn tuổi trong “họ” dạy dỗ về nghề. Người trong giáo phường đều phải tuân thủ các phong tục và luân lý trong làng trong họ. Họ không được phép làm những việc bất chính. Nếu vi phạm, họ bị các bậc cao niên và người Quản giáp luận tội và bắt phạt, thậm chí đến bị đuổi ra khỏi giáo phường và thông báo cho các giáo phường khác biết để không giáo phường nào cho vào nữa. Việc đi hát ở các đình miếu bao giờ cũng do người Quản giáp cắt đặt, và thường là chồng đàn vợ hát, anh đàn em hát, bố đàn con hát. 

Trong giáo phường xưa, việc thờ kính thầy dạy rất được xem trọng. Trò coi thầy như cha mẹ, “sống tết, chết giỗ”. Những ả đào già có tài thường dạy dỗ được nhiều học trò thành nghề và rất được kính trọng. Mỗi khi các học trò đi hát được trả tiền công vẫn thường trích ra một khoản tiền để góp với giáo phường cung dưỡng thầy. 

Đối với giáo phường, tất cả các công việc như lễ tế tổ hàng năm, các lệ kiêng tên tổ ca trù, việc thờ thầy, việc chia tiền hát, lệ mở xiêm áo để công nhận một cô đào bắt đầu được hành nghề đều được tổ chức và tuân thủ nghiêm ngặt và tự nguyện. Chính cách tổ chức giáo phường như thế đã tạo nên những nét đẹp nhân văn của giáo phường, khiến cho đào kép ngày xưa rất được cộng đồng làng xã trân trọng và kính nể. 

Ca trù còn lại được đến hôm nay chính là nhờ các đào kép xưa đã từng sống trong các giáo phường như thế truyền lại. 

N.X.D

12 nhận xét :

  1. Rất cảm ơn tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đã có loạt bài về ca trù. Nếu có thể được, kính xin bác cho địa chỉ email, em xin kính biếu bác một số ảnh đẹp chụp ca trù để bác lưu làm tư liệu.

    Trả lờiXóa
  2. Xin chân thành cảm ơn Bác!
    Email của NXD là:
    lamkhanghn@yahoo.com.vn

    Rất mong sớm nhận được các tấm hình đẹp Bác gửi tặng!

    Lâm Khang kính thư

    Trả lờiXóa
  3. Quyển "Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù" bán ở chỗ nào vậy Bác Diện? Mai về HN công tác em sẽ tìm mua. Hồi trước em tìm được một quyển nói về ca trù Cổ Đạm nhưng mấy lần chuyển nhà thất lạc đâu mất.

    Trả lờiXóa
  4. Tin về biển Đông trên RFA: "Ấn độ và Việt Nam hôm nay ký kết thỏa thuận khai thác dầu khí trên vùng biển Đông Việt Nam, bất chấp tình trạng tranh chấp kéo dài giữa Hà Nội và Bắc Kinh về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa."
    Nói thế này thì khác gì RFA công nhận HS, TS cũng có phần của Trung Quốc. Đây khồng phải là "chanh chấp" và mà Trung Quốc đang "chiếm đóng Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam".
    http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/india-vn-sing-energy-coope-acc-10122011085722.html
    Rất cẩn thận khi đọc các bài viết trên trang này.

    Trả lờiXóa
  5. Bác Xuân Diệu kính mến,
    Tôi là người được sinh ra ở miền Nam VN cho nên về Ca Trù thì nhờ diễn đàn của Bác tôi mới biết đến. Khi đọc những giòng chữ của Bác về Ca Trù thì tôi mới nhận thức rằng đây là môn âm nhạc cổ kính tuyệt vời của miền Bắc, quê hương chúng ta. Cảm ơn Bác rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  6. Bác Diện xem phần cuối đoạn phim này có hình ảnh chiếc mũ sắt và bài thơ rất hay. Tự hào lắm Việt Nam.
    http://www.youtube.com/watch?v=VuGLCC3wHS0&feature=related

    Trả lờiXóa
  7. Trời mưa phùn , ngồi nhâm nhi , nghe ca trù...là nhất. Bố tôi 80 tuổi mỗi khi nghe thấy ca trù là lại quên ăn. Không biết trên mạng có ca trù để coipy không các bác nhẩy? Tôi muốn tự tay làm cho ông cụ một đĩa ca trù , nếu Ts Diện có link tôi xin được không? Hậu tạ...

    Trả lờiXóa
  8. Thưa Bác,
    Lâm Khang tôi xin có lời thăm ân cần Cụ thân sinh của Bác.
    Bác cho tôi địa chỉ để tôi gửi tặng Cụ CD Ca trù nhé! Hoặc mời Bác đến chơi, tôi đưa CD gốc, tự tay Bác sao chép copy để tặng Cụ.

    Kính thơ
    Lâm Khang

    Trả lờiXóa
  9. Quí mến gửi Ts.NXD: địa chỉ của bố tôi : Nhà giáo Đinh Khắc Ngãi , Thị trấn Neo , huyện Yên Dũng , Tỉnh Bắc Giang. (Hoặc tôi sẽ đến thăm Ts- theo đ/c nào?)
    Rất cảm ơn Ts.

    Trả lờiXóa
  10. Nếu không phiền TS Diện vui lòng gửi cho tôi chương trình về ca trù nhé, xin cám ơn!

    Trả lờiXóa
  11. Ca trù là tên gọi chung,còn tuỳ vào từng thời điểm hát,tuỳ vào từng địa phương có tên gọi khác nhau như hát ả đào,hát cửa đình,hát cửa quyền,hát nhà tơ,hát cô đầu,hát nhà trò,hát cô công...
    Ca trù khởi đầu từ những lối ca vũ trong cung vua chúa thời xưa,nó chịu ảnh hưởng một phần từ Trung Quốc và Chiêm Thành và của các rợ do những lần chinh phục đời lý,đời Trần du nhập vào.
    Ca trù là nghệ thuật pha trộn nhạc với thơ,ca trù là lối hát đầy nghệ thuật trong đó diễn viên cũng như người nghe đều là nghệ sĩ,bản tính của ca trù là thú chơi tinh thần,phải có sự cố gắng làm việc bằng tinh thần của cả người nghe và người hát.Nghe hát ca trù không như nghe ca nhạc ngày nay,phải biết lắng nghe tâm sự của cổ nhân sống lại qua tiếng nhạc và lời ca,người nghe còn điểm xuyến bằng tiếng trống chầu nó biểu lộ cá tính của mình.
    Âm luật ca trù có năm cung gồm cung bắc,cung nam,cung huynh,cung pha,cung nao,sau này có thêm một cung nữa là cung phu.
    Ca trù đã để lại cho Việt Nam ta một áng văn chương bất hủ,nó có sức cảm hoá lòng người rất lớn,ca trù đã cống hiến một thể thơ đặc biệt đó là hát nói.Hát nói là kiểu văn chương tự do nhưng không bình dân,đài các nhưng không bị ràng buộc bởi những luật lệ khắt khe.
    Đây là lối hát hấp dẫn nhất ngày xưa,Tú Xương đã phải thốt lên rằng:
    Nhân sinh quý thích chí
    Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu.

    Trả lờiXóa
  12. Tuyệt quá bác Diện ạ! Càng đọc càng thấy nghệ thuật Ca trù của cha ông ta thiệt là đẹp! Rất xứng đáng là di sản văn hóa màng tầm thế giới!

    Cũng xin cám ơn bác "Chậm hiểu" đã góp thêm nhiều thông tin quí giá. Có lẽ cứ... "đeo" theo các bác, thế nào tôi cũng sẽ được nghe thử xem ngũ cung: Bắc, Nam, Huynh, Pha, Nao và sau còn có Phu, nó ra làm sao, có tương tự như ngũ cung Hò Xự Xang Xê Cống mà tôi đã được học không.

    Trả lờiXóa