Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Đi tìm vẻ đẹp Ca trù - BÀI 3: HÁT CỬA ĐÌNH

 
Hát cửa đình
Nguyễn Xuân Diện

500 năm về trước, tại đình làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã diễn ra lễ hội đầu xuân cầu phúc trong không khí đại lễ trang nghiêm, hào hùng. Trong ngày hội lớn đó 8 giáp trong làng cùng nhau thưởng đào ở đình làng. Các cô đào hát những bài thơ ca ngợi thành hoàng làng và cầu phúc cho dân làng. Lê Đức Mao đã thay mặt 8 giáp viết 9 bài văn để các giáp đọc và khen thưởng cho các cô đào. Đó là tư liệu sớm nhất để khẳng định ca trù đã có mặt trong văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XV. Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX, hát cửa đình là một sinh hoạt không thể thiếu trong mỗi dịp tế thần Thành hoàng làng, trở thành một nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Những cuộc hát cửa đình này đều do các giáo phường đảm nhiệm. 
.
Bức chạm tiên gảy đàn Đáy ở đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang

Ở thế kỷ XV ca trù đã là một bộ môn hoàn chỉnh về lối chơi
(qua phát hiện tư liệu sớm nhất về ca trù Việt Nam) 
 
Trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ca trù có từ thời Lý - Trần -Hồ, thế kỷ XI, XII khi căn cứ vào các bức chạm khắc ở các chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Thái Lạc (Hưng Yên) và mấy chữ ả đào, đào nương trong các sách cổ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Công dư tiệp ký.

Gần đây với các tài liệu khảo cổ học, mỹ thuật học và nhất là tài liệu bằng chữ Hán Nôm xác thực và tin cậy, chúng ta chỉ mới có tài liệu về ca trù sớm nhất là khoảng thế kỷ XV. Căn cứ về khảo cổ học là các bức chạm khắc đàn đáy - một cây đàn 3 dây đặc biệt chỉ dùng riêng trong ca trù, tìm thấy ở các ngôi đình làng, chùa làng ở Bắc bộ thế kỷ XVI. Tư liệu chữ viết là bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Tiến sĩ Lê Đức Mao (1462- 1529) trong sách Lê tộc gia phả (A.1855) soạn trước năm 1505, tức là khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Đây chính là tư liệu sớm nhất mang hai chữ Ca trù. Đây cũng là Bài thơ cổ nhất hiện biết có hai chữ Ca trù lần đầu tiên có mặt trong văn học viết.

Bài thơ cho chúng ta thông tin quan trọng: ngôi đình Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội có trước năm 1500 và hát cửa đình đã có trước năm 1500. Bài thơ cho ta mường tượng ra không khí đại lễ trang nghiêm, hào hùng của lễ hội đầu xuân cầu phúc của làng Đông Ngạc hồi cuối thế kỷ XV. Trong ngày hội lớn của làng Đông Ngạc bấy giờ có ít nhất là 8 giáp, đã cùng nhau thưởng đào ở đình làng. Các cô đào hát những bài thơ ca ngợi thành hoàng làng và cầu phúc cho dân làng.

Đình làng Đông Ngạc. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện
Trong bài thơ này, chữ “ca trù” xuất hiện hai lần: Thọ bôi kể chục, ca trù điểm trăm và Mừng nay tiệc ca trù thị yến. Ở câu thơ thứ nhất, chữ “ca trù” cho thấy đây là lối hát dùng thẻ (trù) để thưởng cho người hát người đàn (đào và kép). Mỗi khi thấy hay, người cầm chầu gõ một tiếng “chát” vào tang trống để thưởng và khi đó sẽ thả một thẻ tre (mỗi thẻ tương ứng một số tiền) vào chiếc chậu thau (để tiếng ném thẻ vào chậu thau sẽ báo cho đào kép biết là làng thưởng khiến cho họ hát càng hay hơn nữa). Ở câu thơ thứ hai cho thấy tiệc ca trù được mở để thờ thần. 

Hát thờ ở cửa đình Đông Ngạc cho thấy cái trống chầu đã có vai trò riêng: để thưởng và để phạt (để khen và để chê), điều này nói lên rằng việc thưởng thức ca nhạc đã đạt được đến một chuẩn mực, một trình độ đáng kể. Chính việc khen chê như vậy (khen gọi là thưởng đào, hoặc thướng đào) đã góp phần nâng cao các thành tố trong cuộc biểu diễn lên một trình độ mới. Tiếng hát, tiếng phách của đào nương, tiếng đàn đáy của kép và lời thơ đã có cái tiêu chuẩn để đánh giá. Trải qua nhiều thế kỷ, tục hát thờ thần ở đình Đông Ngạc vẫn được duy trì và tạo thêm nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc, trong đó có lệ thưởng đào thị yến đã trở thành một nét đẹp về sự trân trọng của cộng đồng đối với nghệ thuật và nghệ sỹ.
.
Bức chạm nhạc công đàn Đáy ở đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: NXD

Thế kỷ XVI - Ca trù gắn với ngôi đình làng ở Bắc bộ
 
Thế kỷ XVI sự phát triển và phổ biến của ca trù được ghi nhận bằng các bức chạm khắc dân gian tại các đình làng. Các bức chạm đình Lỗ Hạnh (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) và đình Tây Đằng (xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) đều có các bức chạm hoặc tượng hình người cầm đàn đáy. Đình Tây Đằng có tượng tròn hình người đứng cầm đàn đáy. Đình Lỗ Hạnh có bức chạm tiên nữ ngồi trên mình con hươu cầm đàn đáy và một bức chạm khác có cả đám nhạc công đang hòa nhạc trong đó có 1 người đàn ông ngồi cầm đàn đáy. Hình ảnh này cho thấy ca trù đã có mặt trong những sinh hoạt văn hóa dân gian tại các làng quê và có mặt trong điêu khắc đình làng. 

Ở chùa Cói (Thần Tiên tự), xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có bức chạm người phụ nữ gảy đàn đáy. Tiếc rằng hiện vật đã bị cháy cùng với ngôi chùa, và chúng ta chỉ còn lại bức ảnh chụp bức chạm này. Đây là tư liệu mỹ thuật về đàn đáy duy nhất hiện biết tìm thấy ở một ngôi chùa. 

Qua những hình chạm người cầm đàn đáy ở các đình, đền, có thể thấy rằng: dàn đáy đã trở nên phổ biến ở thế kỷ XVI, ở đồng bằng Bắc bộ. Đàn đáy mới đầu được sử dụng trong các cuộc hoà nhạc, cùng với các nhạc khí khác trong một đám đông (có khi có cả người múa), mà người đàn có thể là nam, có thể là nữ với tư thế là đứng hoặc ngồi. Về sau ca quán thính phòng ra đời, đàn đáy là loại đàn duy nhất trong cuộc hát.

Thế kỷ XVII và XVIII nghi lễ hát cửa đình rất thịnh trong các làng quê
 
Tiếp tục dòng chảy của của điêu khắc đình làng từ thế kỷ trước, sang đến thế kỷ XVII và XVIII chúng ta vẫn bắt gặp sự ghi nhận của dân gian đối với cây đàn đáy. Điều này càng chứng tỏ cây đàn đáy đã có một chỗ đứng trong đời sống và phong tục dân gian, và hoạt động diễn xướng ca trù đã trở thành một nét sinh hoạt phổ biến tại các đình làng dân gian. 

Những ngôi đình có niên đại thế kỷ XVII như đình Đại Phùng (xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), đình Hoàng Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), đình Xốm (xã Hùng Lô, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ) hiện còn giữ các bức chạm những người đang sử dụng đàn đáy. Đặc biệt ở đình Đại Phùng đặc tả hộc đàn ở mặt sau hộp đàn đáy, còn bức chạm ở đình Xốm miêu tả cả đám nhạc công đang hòa nhạc.
Hai ngôi đền có niên đại thế kỷ XVIII là đền Tam Lang (xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và đền Lê Khôi (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng cho các cứ liệu rất cụ thể về đàn đáy, phách và sinh hoạt diễn xướng ca trù ở thế kỷ XVIII. Các bức chạm này có nét điêu khắc tinh tế hơn chứ không còn vẻ mộc mạc thô phác của các bức chạm trước đó. Điều này thể hiện rõ nhất là những đặc tả về trang phục và vũ điệu mềm mại của các nghệ sĩ dân gian. Các nghệ sĩ đã mang trang phục của nghi lễ hát thờ, với chiếc mũ trên đầu, hoặc búi tóc gọn ghẽ và khá kiểu cách, và những bộ trang phục của những vũ công chuyên nghiệp. Đây cũng là tư liệu rất quý, làm cơ sở cho việc phục hồi các nghi thức hát thờ tại các đình đền trong dân gian. 
 
Về các nhạc cụ và trình diễn các nhạc cụ, các bức chạm này không những miêu tả một cảnh hòa nhạc vui vẻ, với sự góp mặt của đàn đáy và cỗ phách, của sáo, trống cơm, chũm chọe. Điều này cho biết trong sinh hoạt ca trù tại các cuộc vui mang tính cộng đồng như thế, ngoài đàn đáy và phách, sự góp mặt của các nhạc cụ khác càng làm cho không khí thêm rộn ràng và ca trù trong lúc này không chỉ có ba thứ nhạc cụ là trống chầu, đàn đáy và phách như ca trù về sau.
 
Như vậy, qua các ngôi đình có các bức chạm các cảnh sinh hoạt ca trù và việc sử dụng cây đàn đáy, chúng ta biết ca trù có mặt ở các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Tĩnh. 
 
Nguồn tư liệu văn bia cũng cho biết giáo phường ca trù đã phục vụ hát thờ ở khắp vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Đó là các tỉnh Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định. Tỉnh có nhiều bia nhất là Hà Tây cũ (33 bia), trong đó các huyện có nhiều bia là Quốc Oai (10 bia), Phúc Thọ (8 bia), Thạch Thất và Đan Phượng (mỗi huyện 6 bia). Trong các huyện của các tỉnh thì huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều bia nhất, với 19 bia. Hà Nội có 11 bia, chủ yếu ở ngoại thành và đều thuộc thế kỷ XVIII. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định mỗi tỉnh 1 bia. Những tỉnh thành khác, tuy không có các văn bia ghi nhận nhưng thực tế, sinh hoạt ca trù đã có mặt ở hầu khắp các làng quê mỗi dịp tế thần. Các bản hương ước, tục lệ của các làng quê có ghi nhận về những ngày tiệc lớn trong làng đều có hát thờ ở cửa đình, nhiều khi là kéo dài vài ba ngày thậm chí cả nửa tháng trời. 
 
Hát cửa đình là hát thờ nên các bài bản đều có quy định khá thống nhất, trở thành một lệ tục. Mỗi giáo phường được quy định được phép hát ở các cửa đình mà mình được Ty giáo phường phân chia. Hàng năm, cứ đến ngày tế lễ ở các làng này là các giáo phường lại xách đàn phách đến hát hầu trước cửa đình theo lệ. Đi hát như vậy gọi là hát lệ. 
 
Các ả đào đứng trước điện, tay cầm lá phách hát các bài hát thờ như Thét nhạc, Bắc phản, Hát Giai, Độc phú...trong tiếng hòa âm của các nhạc khí. Giáo phường được mời đến hát nhất định sẽ hỏi cho bằng được tên huý của các Thánh thờ trong đình để khi hát đến những chữ ấy thì tránh đi. Các cô đầu hát đến những câu có chữ ấy thì hát thật nhỏ, và tránh đi; ví như chữ Hiển thì đọc là Hởn, chữ Lã thì đọc là Lữ. Nếu cô đầu không nhớ ra, cứ thế hát thẳng không kiêng thì người cầm chầu sẽ gõ liên hồi vào tang trống và cho ngừng cuộc hát. Bấy giờ người quản giáp của giáo phường phải đến nói khó với các cụ trong làng để xin cho làm lễ tạ với thánh và xin các cụ chiếu cố cho. Khi ấy, người đào nương sẽ biện cơi trầu , đến trước điện làm lễ tạ lỗi với Thánh và các quan viên.

Trong làng, người được làng tín nhiệm cầm chầu phải là người am hiểu về âm luật, biết thưởng thức ca trù và là đại diện cho cả làng để khen chê đào nương, bình luận và tán thưởng về các ngón đàn, các luyến láy của giọng ca. Thưởng phải công minh thì làng mới phục, vì nếu thưởng “rộng rãi” thì làng tốn tiền, thưởng mà “hẹp” thì đào nương chê là ky bo, chê là không biết nghe hát nghe đàn. Có khi, người cầm chầu mà không biết thưởng thức, không biết khen ngợi những câu hát công phu, những tiếng phách cao siêu, những tiếng đàn bén quyện mà đào kép công phu rèn tập, gặp phải cô đào đanh đá, cô ta sẽ hát một câu khiến người cầm chầu phải xấu hổ mà bỏ roi chầu không dám cầm chầu nữa. Làng tôi ở Đường Lâm, năm xưa đã xảy ra chuyện ấy, khiến cho cô đào phải hát rằng: “Nào những ông nghè ông cống ở đâu/ Để cho ông lão móm ngồi câu con trạch vàng”. Ông lão móm ấy đã phải bỏ cuộc. Vì thế dân gian vẫn bảo: “Ở đời có bốn thứ ngu/ Làm mai, Lãnh nợ, Gác cu, Cầm chầu”.

Lại có chuyện nực cười mà một đào nương già (hiện còn sống) đã kể lại với chúng tôi rằng: Bà đi hát ở một làng kia, khi hát, các thẻ tre thả xuống rất nhiều làm cho đào kép rất phấn chấn, bà đã nhẩm đếm được đến hàng trăm thẻ. Thế nhưng cuối cuộc hát, khi làng đếm thẻ để trả tiền cho giáo phường thì chỉ thấy có vài chục thẻ! Lại có chuyện khi người cầm chầu thưởng tiếng “chát” vào tang trống, nhưng chú nhỏ ngồi bên cạnh lại buồn ngủ quên cả việc ném thẻ khiến cho đào kép không vui, nên hát qua loa cho xong chuyện mà về.

Đã nửa thiên niên kỷ trôi qua, hát cửa đình là một sinh hoạt văn hóa tinh thần rất độc đáo của người Việt trên khắp châu thổ Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của sự hoà quyện giữa văn chương và âm nhạc vừa hoang sơ mộc mạc mà khúc triết tinh tế, dân gian mà bác học. Đó là “chút hương hỏa của tổ tiên” để lại cho cháu con hôm nay. 

N.X.D

1 nhận xét :

  1. Hi hi, mặc bác Diện đã đăng tới bài thứ 10, tôi cứ thủng thẳng đọc. Đọc chậm, đọc kỹ từng bài. Đọc lúc việc hãng việc nhà thư thư. Vừa đọc vừa thả hồn về lại những năm tháng xa xưa, tưởng tượng như mình thực sự đang sống giữa một cộng đồng kỳ diệu, xác thân cần cù lam lũ nhưng tinh thần lại rầt tế nhị thanh cao: "hoang sơ mộc mạc mà khúc triết tinh tế", bình dị dân dã mà lại cũng "bác học", cũng triết lý chẳng kém ai!

    Đàn Chim Việt xa xưa một mặt bám rất chặt lấy Đất, sẵn sàng đổ mồ hôi xương máu ra hòa với đất thiêng để biến thành cơm gạo; nhưng mặt khác cũng rất biết cách gần gũi với Trời, đó là "kéo Trời xuống" thật gần với cõi nhân sinh nặng nhọc, khám phá ra và hết lòng mến mộ những gì là văn vẻ, là đẹp, là thiện hảo, là linh thiêng, ẩn tàng trong mọi mặt cuộc sống thường nhật của cộng đồng.

    Sáng tạo và trình diễn nghệ thuật không phải chỉ cần riêng các nghệ nhân bay bổng là đủ. Cộng đồng cùng tham gia với nghệ sĩ trong những buổi hội Đình tôn vinh cái Thiêng cái Đẹp ấy. Giáo phường Ca trù có thể đến rồi đi, nhưng thời điểm "cử hành nghệ thuật" ở Làng thì phải hòa mình vào cộng đồng như những con em chính hiệu của Làng: kính tôn những gì mà Làng tôn kính; không dám mạo phạm những thánh danh, thần danh mà Làng kiêng kỵ.

    Làng cử một vị đại diện thay mặt cộng đồng để cùng làm "chủ tế" với nghệ nhân trong những buổi cử hành vừa hồn nhiên lại vừa nghiêm cẩn ấy. "Cầm chầu" không phải chỉ là cái vinh dự, cái chức cái quyền, cái mâm cao chiếu cả. Vinh dự thì có đấy, nhưng đồng thời vệc nhận trọng trách đó cũng là một thứ... "ngu". Khi cô đào "đanh đá" phang luôn một câu chửi cái ngu của vị cầm chầu, có lẽ toàn dân làng sẽ hoặc là hể hả vì cô đào nói thay tiếng nói mình, hoặc là sẽ xấu hổ tự xét mình xem sao lại có thể cử một người đại diện kém cỏi đến thế!

    Nghe câu chuyện xưa, tôi bất giác nghĩ đến các "quan văn nghệ, quan văn hóa, quan giáo dục" thời hiện đại. Co lẽ hơn hết các chức quan khác, các quan này phải luôn nhớ lấy lời của ca nương năm xưa mà tự răn mình: "“Nào những ông nghè ông cống ở đâu / Để cho ông lão móm ngồi câu con trạch vàng”.

    Trả lờiXóa