Thuyết trình về Biển Đông lại bị gây rối
Khánh An, phóng viên RFA - 2011-09-27
Thêm một buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông bị gây rối tại Hà Nội vào ngày 24/9.
Những vị khách không mời
Được biết, buổi nói chuyện do một số trí thức và những người yêu nước tổ chức tại một nhà hàng và mời TS. Nguyễn Nhã - chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông - đến thuyết trình. Tuy nhiên, thông tin trong nước cho biết công an đã yêu cầu nhà hàng cắt điện và ngưng phục vụ buổi thuyết trình trên. Ngoài ra, còn có một số vị “khách không mời” mặc thường phục đến quấy nhiễu buổi thuyết trình.
Khánh An có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Nhã và được ông cho biết sự việc như sau:
Đây là cái đầu tiên chính thức công khai quảng rộng. Bước đầu như vậy rất là hay, nhưng các em không thỏa mãn. Tinh thần là các em muốn trao đổi thì lại không được thỏa mãn.
TS Nguyễn Nhã
TS. Nguyễn Nhã: Tôi được đài VTV6 – Đài Truyền hình Việt Nam – mời tôi ra (Hà Nội) để ngày 25 có buổi giao lưu với thanh niên. Trong thời gian đó thì có một số người biết tôi như ông tiến sĩ ca trù Nguyễn Xuân Diện có mời tôi đến nói chuyện với các anh em bên Viện Hán Nôm cùng với một số các bạn trẻ. Tôi thấy việc này rất tốt, nhưng địa điểm không như hồi đầu, tức là các anh em tổ chức tại một nhà hàng. Tôi cũng không ngờ là số (người tham dự) lại đông như vậy. Tôi tưởng chỉ khoảng vài chục người thôi, thì cũng có một sự việc xảy ra nhưng tôi thấy cũng vui, bởi vì tuy không có điện nhưng mọi người lại chăm chú hơn và hỏi tôi nhiều câu hỏi mà tôi trả lời và thấy vui lắm, cho nên tôi thấy không sao.
Đề tài tôi nói là về Chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi đã thuyết trình (đề tài này) ở thư viện ở San Jose rồi với đề tài y hệt như vậy. Trong nước thì tôi cũng đã dự rất nhiều hội thảo về Biển Đông. Tôi cũng có viết bài, ngay cả báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân, cũng đã đăng bài của tôi nói về Chủ quyền không thể chối cãi được. Kỳ này đặc biệt khi cúp điện, tôi lại đưa cả tờ báo giấy ra và tôi nói kỹ hơn về cái này.
Các cử tọa tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9. |
Cuối cùng thì dù thế nào đi nữa, khi trao đổi thì tôi lại thích thú vì các bạn hỏi nhiều câu hỏi hay lắm. Không sao cả! Sau đó anh em cũng rất vui, vì nhiều khi nó cũng giống như ở Biển Đông vậy, có những sự kiện, thách thức thì nó lại là thời cơ đấy.
Khánh An: Được biết trong thời gian vừa rồi, khi tiến sĩ cùng với một số người khác đi trình bày về vấn đề Biển Đông thì đã gặp khó khăn. Đối với những nơi chính thống, do nhà nước tổ chức thì không sao, nhưng ở những nơi như CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình chẳng hạn, hay như hôm 24/9 ở Hà Nội thì lại gặp khó khăn. Vậy việc đi thuyết trình, phổ biến kiến thức cho người dân Việt Nam mà lại gặp khó khăn như vậy thì tiến sĩ có thấy bị chùn bước không, hay phải lựa chọn địa điểm và nơi mời để thuyết trình không?
TS. Nguyễn Nhã: Tôi lại thấy bất cứ ở đâu mà người ta chăm chú nghe và nhiều người được biết tới thì tôi thấy là tốt quá. Cho nên tôi không quan tâm chỗ nào (mời). Cũng giống như ở Biển Đông, nhiều cái thách thức thực ra tốt cho mình bởi vì như vậy mình có dịp được nhiều người biết hơn, đúng không?
Khánh An: Dạ. Nhưng dù sao đi nữa, trong những lần đi mà gặp sự kiện bất thường như thế, thì ông có sợ trong tương lai nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đi thuyết trình hay không, chẳng hạn như họ sẽ hạn chế những lần đi thuyết trình của ông hoặc kiểm tra kỹ lưỡng hơn?
Tôi cũng nói với các anh em rằng khi mà mình đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, không kể chính kiến, tôn giáo, sắc tộc thì tôi đâu có sợ.TS Nguyễn Nhã
TS. Nguyễn Nhã: Không. Tôi tin tưởng rằng bởi vì tôi chỉ nói về học thuật thôi mà thì ai mà chả nghe được. Tôi cũng nói với các anh em rằng khi mà mình đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, không kể chính kiến, tôn giáo, sắc tộc thì tôi đâu có sợ. Và như vậy thì tôi nghĩ rằng khi mọi người biết như vậy thì cũng tạo điều kiện cho tôi thôi, chứ ai ngăn làm chi?
Khánh An: Nhưng trên thực tế thì người ta đã ngăn cản rồi phải không?
TS. Nguyễn Nhã: Ngăn cản thì tôi nghĩ cũng do một cái gì đấy, quy định nọ kia để mình phải làm đúng quy định. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi nghĩ đến vấn đề hiệu quả. Cái gì có hiệu quả tốt thì mình phải trân trọng nó chứ, đúng không?
Chính thức công khai
Khánh An: Dạ. Trở lại với đợt đi thuyết trình vừa rồi ở Hà Nội, giữa hai nhóm thính giả của hai lần thuyết trình ở VTV6 và nhóm của TS. Nguyễn Xuân Diện cùng những người bạn và những người quan tâm khác, thì tiến sĩ có một so sánh nào không?
TS. Nguyễn Nhã: Có chứ. Ngày 25 (ở VTV6) thì tôi nói có mấy phút thôi vì thời giờ dành cho nó ít quá, còn cái này thì tới 2 tiếng cơ mà. Ngay cả thời giờ và nội dung thì nó phải hơn nhiều chứ. Khi tôi nói có thể thuyết phục được mọi người và đi cặn kẽ hơn thì dĩ nhiên tôi thấy hiệu quả nó cao hơn. Tôi thấy những người ở VTV6 đâu có được nghe tôi nói nhiều đâu.
TS Nguyễn Nhã tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9. |
Có một nhóm đi theo tôi đi dự (ở VTV6) thì khi về tôi có trao đổi thì các em nói là “được” cũng có vì đây là cái đầu tiên chính thức công khai quảng rộng. Bước đầu như vậy rất là hay, nhưng các em không thỏa mãn. Tinh thần là các em muốn trao đổi thì lại không được thỏa mãn. Còn cái vừa rồi thì các em thích thú quá thì tôi cho đó là hiệu quả.
Khánh An: Vâng, một câu hỏi cuối thôi, nếu nói thật thì ông thấy việc ông đi thuyết trình mà gặp những sự việc bất thường như vậy thì cảm nghĩ của ông như thế nào?
TS. Nguyễn Nhã: Tôi thì ngay cả ở bên San Jose, đối tượng như vậy thì tôi cũng rất thích thú, mặc dù có những ý kiến cực đoan nọ kia. Ở đây thì tôi lại thấy thích thú hơn nữa là vì tôi thấy ở tuổi trẻ cái lòng, cái tâm hồn yêu nước rõ quá. Tôi nói tới đâu thì tôi thích tới đó. Các bạn thì chăm chú và có vẻ sôi nổi, được như vậy là quá hay rồi, còn gì mà trách ai nữa, phải không? Tôi lại cám ơn.
Ngay ở Biển Đông, tôi cũng cám ơn Trung Quốc vì cơ hội như thế. Tôi bảo là nếu không có đường lưỡi bò thì làm gì (Việt Nam) có thế như hiện nay. Tôi cũng nói ở bên San Jose là người Việt phải bình tĩnh. Khi bình tĩnh rồi thì biết đâu nước mình mấy chục năm nữa nó khác đi. Nó không tụt hậu, không yếu kém như hiện nay bởi vì đất nước hùng cường. Tôi có nói thời cơ giống như người Nhật, sau chiến tranh thế giới thứ hai thì thế toàn cục thay đổi hoàn toàn, người Nhật khai thác được và cuối cùng họ là người thua trận mà có ai bắt nạt được đâu? Tôi thấy biết đâu bây giờ lại là thời cơ tốt cho Việt Nam. Người Việt nên bình tĩnh, đúng không?
Khánh An: Vâng, rất thú vị được nói chuyện với tiến sĩ. Cám ơn tiến sĩ rất nhiều về buổi nói chuyện này.
Nguồn: RFA Tiếng Việt.
"Người Việt nên bình tĩnh, đúng không?"
Trả lờiXóaĐúng! Cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Nhã.
VQL.
Rất mong có được nhiều buổi thuyết trình về đề tài này trên khắp mọi miền đất nước VN chúng ta (và cả ở nhiều nơi trên thế giới) về chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Vận mệnh đất nước hiện nay không cho phép chúng ta chậm chân được nữa.
Trả lờiXóaChúc TS Nguyễn Nhã dồi dào sức khỏe.Cảm ơn TS
Trả lờiXóaRất mong tại Saìgòn có buổi thuyết trình như thế và được quảng bá đến mọi người dân và nhất là không cúp điện thì hay biết mấy
Trả lờiXóaCám ơn TS Nguyễn Nhã, chúc ông dồi dào sức khoẻ
TH
Đọc bài Ts. Nguyễn Nhã trả lời phỏng vấn của đài RFA, lòng càng thêm kính phục ông cụ!
Trả lờiXóaLời lẽ bình dị, nhẹ nhàng, dí dỏm nữa, nhưng theo cảm nhận của tôi, đó là kết tinh của cả một thời gian dài nghiền ngẫm sâu xa về "vận nước", ý thức rất rõ những vấn nạn gai góc của thời cuộc, và là chìa khóa giải quyết tưởng chừng đơn sơ nhưng rất hiệu nghiệm cho hiện tình Việt Nam hôm nay: "Người Việt nên bình tĩnh, đúng không?".
Ông không phải là một nhà sử học chỉ biết chăm chăm vào chuyên môn hẹp của mình. Ông "ôn cố" và "tri tân". Ông sẵn sàng "bôn ba" đi thuyết trình về cơ đồ tổ quốc nhưng lời lẽ của ông toát lên một phong thái ung dung điềm tĩnh lạ lùng. Nhẹ nhàng mà nặng ký, lạc quan mà không hão huyền, thanh bình mà đầy sáng tạo, nhu mì nhỏ nhẹ nhưng lại có sức làm dịu đi "những cái đầu nóng" ở cả trong lẫn ngoài nước.
Những câu hỏi "gay cấn" của phóng viên càng là cơ hội làm nổi bật lên cái chìa khóa giản dị mà ông chia sẻ với đồng bào đó, trong giai đoạn đầy thử thách hiện nay. (Tôi không trách phóng viên Khánh An, cái nghề làm báo nó phải vậy).
Nghe những câu hỏi "đúng không?", "đúng không?" của ông, tôi có cảm tưởng như đang được nghe lại lời của một hiền triết phương Nam bất diệt, chứ không phải chỉ là một nhà khoa học thời hiện đại.
"Người Việt cần bình tĩnh, đúng không?" - một... "công án" tuyệt vời!
Chào TS Nguyễn Nhã em rất hâm mộ anh!
Trả lờiXóaTS Nguyễn Nhã một con người yêu nước, chính trực ngay thẳng, rất đáng quý trọng.
Trả lờiXóa