Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

NÊN CÓ CUỘC BIỂU TÌNH LỚN ĐỂ ỦNG HỘ THỦ TƯỚNG?

Thủ tướng đề xuất xây dựng Luật biểu tình

28/09/2011 15:19:25

Bee.net - “Dự án Luật Biểu tình không Bộ nào đề xuất mà chính Thủ tướng Chính phủ đưa ra và giao cho Bộ Công an chuẩn bị” - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 28/9 khi cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII.

Có tên trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, ông Cường dẫn lại ý kiến của Thủ tướng, cần có Luật Biểu tình để cụ thể hóa quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, cũng như đáp ứng đòi hỏi thực tế, sinh hoạt chính trị này diễn ra phải nề nếp, trật tự…

Nhiều ý kiến ủng hộ xây dựng Luật Biểu tình


Dự án Luật Biểu tình đã có tên trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII. Ảnh VOV
Trong báo cáo thẩm tra Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban này tán thành đưa dự án Luật Biểu tình vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII. Việc ban hành luật này là cần thiết nhằm thể hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình. Đồng thời, Nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.

Báo cáo nhấn mạnh, nếu ban hành luật này cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm xem xét, thông qua, điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng kích động quần chúng biểu tình gây rối trật tự an ninh.
Những ý kiến đề nghị chưa ban hành luật này cho rằng nếu ban hành sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng biểu tình chống phá chế độ.

Mặt khác, nếu có Luật Biểu tình thì phải có quy định cụ thể các điều kiện đăng ký biểu tình (nội dung, thời gian, địa điểm); ngược lại các cơ quan nhà nước cũng phải bảo đảm tạo điều kiện để người biểu tình thực hiện. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho địa phương, nhất là các thành phố lớn có diện tích các điểm tập trung chặt hẹp, giao thông tắc nghẽn như hiện nay.

Nữ doanh nhân đề xuất Luật Bảo vệ quyền riêng tư

Cần có Luật Chủ tịch nước
Tại phiên họp, các ý kiến của các Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nhiều đại biểu khác đều cho rằng, cần xây dựng Luật Chủ tịch nước, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, để cụ thể hóa những quy định trong Hiến pháp.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 28/8 bàn về Chương trình xây dựng luật, pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XIII cũng đã ghi nhận hai sáng kiến lập pháp từ phía cá nhân đại biểu QH.

Nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến (ĐB Long An) đã có văn bản đề xuất xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền riêng tư. Một trong những nội dung cơ bản của dự án luật là xây dựng cơ sở pháp lý thống nhất bảo đảm quyền bí mật riêng tư trên cở sở pháp điển hóa các quy định hiện hành về quyền bảo vệ bí mật riêng tư của tổ chức, cá nhân… Thời gian đề nghị xem xét thông qua là từ khi trình dự án cho đến hết năm 2013.

Sáng kiến lập pháp thứ hai là bác sĩ, nhà văn Nguyễn Minh Hồng (ĐB Nghệ An), đề nghị xây dựng Luật nhà văn quy định quyền và nghĩa vụ cơ quan tổ chức cá nhân tham gia hoạt động văn học. Thời gian đề nghị QH xem xét thông qua là từ kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII vào tháng 10 tới đây.

Với sáng kiến lập pháp này chưa đưa vào chương trình dự kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật:.  “không đưa vào chương trình dự kiến là rất phản cảm, ra Quốc hội ăn nói sao với đại biểu. Phải có điều nào trong dự kiến chương trình nhắc đến  việc ấy để Ủy ban Thường vụ QH xem xét, kết luận có làm hay không”,
Xây dựng luật để mở rộng dân chủ
Trong nhóm các dự án luật về lĩnh vực quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình nhiệm kỳ QH khóa XIII, ngoài Luật Biểu tình còn có Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin…

“Chúng ta sắp sửa đổi Hiến pháp và trên quan điểm mở rộng quyền tự do dân chủ của người dân, các cơ quan, tổ chức có thể đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật trưng cầu dân ý, Luật về hội nhưng phải có hồ sơ, cơ sở lập luận đầy đủ, chặt chẽ…”, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lưu ý.

Văn Tiến 
Nguồn: Bee.net.

28 nhận xét :

  1. Ủng hộ Thủ Tướng. Nhưng không nên phát động biểu tình Ủng Hộ, vì luật chưa ra nên chưa đc quy định rõ ràng, không khéo lại bị bắt oan uổng nữa. Thủ Tướng đã đề xuất vậy thì khi Luật đc thông qua. Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên đứng trước Đại Sứ Quán "Tàu" lạ để phản đối.

    Trả lờiXóa
  2. Hình như Nhà nước (của dân, do dân, vì dân) cũng không thể né tránh mãi được quyền của công dân đã ghi trong hiến pháp. Tôi ủng hộ ý kiến của TT về việc cho ra đời luật biểu tình.

    Trả lờiXóa
  3. Rất hay! chúng ta nên có 1 cuộc biểu tình để ủng hộ ý kiến của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.! Như vậy sau này bà con mình biểu tình không bị cáo buộc là phạm pháp nữa

    Trả lờiXóa
  4. Nhiệt liệt hoan nghênh TT Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất ban hành Luật BT.Một Quyền tối thiểu và căn bản của con người,một quyền mà Hiến pháp Nhà nước đã thừa nhận đã quá lâu rồi.Đề nghị TT đôn đốc,chỉ đạo BỘ CA gấp rút hoàn thành với chất lượng tốt nhất,phù hợp với đất nước,và cộng đồng Quốc tế để QH sớm thông qua.Nhiệt liệt hoan nghênh TT.NHIỆT LIỆT!

    Trả lờiXóa
  5. Xin mọi người chờ nội dung đã rồi bình luận !!!

    Trả lờiXóa
  6. ung ho Thu Tuong Nguyen tan Dung 100%

    Trả lờiXóa
  7. Như vậy là chính thức Quốc hội đã nợ Nhân dân về một điều luật chưa có, chưa đi kịp với cuộc sống. Vậy thì còn gì mà phải suy nghĩ để kéo dài món nợ này ? ai nuôi nhà nước, chả có nhẽ không phải là Nhân dân ?
    Nhưng vấn đề ở chỗ là : tại sao người đứng đầu chính phủ - cơ quan hành pháp - lại đi làm luật ? liệu có trái hiến pháp không ?

    Trả lờiXóa
  8. Hãy để cho Thủ tướng có thời gian vật chất điều hành công việc Quốc gia đại sự. Không nên làm cuộc biểu tình lớn ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng làm Luật Biểu tình mà nên ủng hộ Thủ tướng qua các kênh thông tin truyền thông chính thức (báo chữ, Tivi, hội thảo chuyên đề...) và bán chính thức (như các blogs từ trước tới nay) để đóng góp thúc đẩy quá trình làm Luật. Cái chính là thực hiện đúng quyền công dân : giám sát, kiểm sát hoạt động của chính phủ ... để Luật Biểu tình sớm được thông qua và thực thi. Những người yêu nước chân chính phải được Luật pháp bảo vệ.

    Trả lờiXóa
  9. Các bác danh sỹ cần lobby Quốc hội thật mạnh mẽ khi dự luật được trình lên, để tránh Luật biểu tình sẽ vẫn xin xin cho cho như luật đình công, hay là bản sao của nghị định 38/2005.

    Trả lờiXóa
  10. Không biểu tình ủng hộ TT mà là mit-tinh ủng hộ. Hehe. Mit-tinh tự phát luôn.

    Trả lờiXóa
  11. Các bác mừng vội quá và ấu trĩ nữa, luật biểu tình mà giao cho công an sọan thảo thì có khác gì luật điện lực lại do điện luật soan thảo, luật môi trường do bộ môi trường sọan thảo rốt cuộc thì người dân vẫn lãnh đủ

    Trả lờiXóa
  12. Vớ vẩn thật, có gì để mà nhiệt liệt hoan nghênh! Điều này lẽ ra quốc hội có trách nhiệm phải làm, không thể ngang nhiên tước đi cái quyền đó của người dân được! Việc để Bộ CA làm luật chả khác gì vừa làm trọng tài, vừa đá bóng. Đừng có mà mơ về sự công tâm ở trong đó! Tôi chả đến mức đa nghi, nhưng cũng chả đủ ngây thơ để tin đây là một điều hay!

    Trả lờiXóa
  13. Việc ban hành luật biểu tình là cần thiết nhưng phải để xem luật đó cụ thể như thế nào, có vi hiến không đã (khả năng này là rất cao) rồi mới "nhiệt liệt hoan nghênh" được, thưa bà con!

    Trả lờiXóa
  14. Còn quá sớm để "hoan nghênh nhiệt liệt".

    Trả lờiXóa
  15. Luật "bóp nghẹt biểu tình" ư? Không chừng!

    Trả lờiXóa
  16. Hãy đợi đấy...!!!
    Coi chừng lại là cái vòng "kim cô" thít vào đầu dân yêu nước.
    Có người bảo VN mình có cả rừng luật nhưng chỉ thi hành luật rừng mà thôi...
    Ráng chờ, ráng đợi...chứ biết sao đây.

    TH

    Trả lờiXóa
  17. Nên nhớ luật biểu tình lần này, nếu có, là soạn mới, nên không khí háo hức theo kiểu :" ủng hộ 100%" có vẻ giống như những đứa trẻ thấy bóng khách đến nhà là reo to : " có quà rồi, hoan hô !" mà chẳng thấu đáo xem họ đem bánh kẹo hay roi mây đến . Giả sử luật biểu tình ra, với nội dung "bóp" nhiều hơn "cởi", chẳng hạn chỉ được phép tổ chức biểu tình sau khi đã "xin phép" chính quyền trong khuôn khổ "định hướng" đến mức mất hết ý nghĩa, sức mạnh cần có của cuộc biểu tình ấy, liệu các bạn còn "ủng hộ" nồng nhiệt như hiện nay nữa không ?

    Trả lờiXóa
  18. Phải xem nội dung luật như thế nào rồi ủng hộ củng không muộn.

    Trả lờiXóa
  19. Theo em nghĩ, dù có luật biểu tình nhưng chắc chắn quyền biểu tình của người dân vãn không thay đổi nhiều so với trước. Nhưng phải khẳng định đây là một bước tiến lớn trong việc mở rộng tự do, dân chủ nói chung và trong quyền được biểu tình nói riêng.

    Vì vậy, nếu có một cuộc biểu tình để ủng hộ đề xuất của thủ tướng là rất hay. Nó cho những người đứng đầu Đảng, nhà nước, chính phủ thấy nhân dân luôn ủng hộ họ nếu họ làm đúng. Nếu nhà nước làm sai thì việc biểu tình của nhân dân là một điều tất nhiên.

    Mong rằng văn hóa biểu tình sẽ dần dần hoàn thiện ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  20. Khoan mừng vội.
    Thấy vậy mà không phải vây đâu.
    Hãy đợi đấy!

    Trả lờiXóa
  21. Đừng mừng vội , có những cái giấy tờ có nhưng thực tế chưa biết ra sao , huống hồ bộ luật này lại do cơ quan HÀNH PHÁP soạn thảo . Vậy cơ quan LẬP PHÁP ở đâu ??? . 30 chưa phải là tết , có luật chỉ để hợp thức hóa thì sao ?? , xin cấp phép biểu tình ko được thì sao ??? . Thực tế sẽ trả lời

    Trả lờiXóa
  22. Thủ tướng ơi. Chỉ đạo ra bộ luật biểu tình nhanh lên. Ông nên tạo ra dấu ấn tốt trong nhiệm kỳ này. Đừng để dấu ấn như vụ Vinashin trong nhiệm kỳ trưo1c thì buồn lắm! Luật biểu tình mà được ban hành trong năm nay thi cả nước sẽ ghi ơn ông đấy! Mong lắm thủ tướng ơi!

    Trả lờiXóa
  23. Lê Dũng ơi! Thủ tướng chỉ đề nghị thôi, chứ có làm luật đâu mà đã nói " hành pháp" làm luật.

    Trả lờiXóa
  24. Thủ tướng dù là người bên Hành pháp nhưng cũng là một công dân, có quyền "đề xuất" với Quốc Hội chứ! Có điều việc Thủ tướng "giao cho" Bộ Công An soạn thảo luật biểu tình thì tôi thấy kỳ quá, chỉ có Quốc Hội mới có quyền "giao" thôi.

    Xin đề nghị: khi luật đã soạn xong (dù ai soạn đi nữa), trước khi Quốc Hội biểu quyết và ban hành, nên làm một cuộc trưng cầu ý dân rộng rãi đã, vì đây là một quyền quan trọng vốn được khẳng định trong văn bản luật quan trọng nhất: Hiến pháp.

    Trả lờiXóa
  25. luật mới ra rồi có khi biểu tình tự phát như vừa qua sẽ bị phạt án tù giam ko chừng

    Trả lờiXóa
  26. CHỜ NỘI DUNG THỰC TẾ HÃY KHEN, ĐỪNG VỘI. MẤT LÒNG TIN QUÁ NHIỀU, QUÁ SÂU, QUÁ LÂU RỒI. ĐỂ LẤY LẠI LÒNG TIN+ LỜI KHEN, PHẢI XEM THỰC TẾ TIẾP THEO THẾ NÀO .....!

    - NẾU THỰC SỰ TỐT ĐẸP DÂN KHEN, DÂN ỦNG HỘ, DÂN LẬP MIẾU THỜ !

    Trả lờiXóa
  27. Tham khảo: Biểu tình tự phát ở Đức cơ bản không có vấn đề gì, nếu lí do phát sinh nó quá gấp, cũng như không có ai đứng ra tổ chức. Cơ quan hành pháp sọan thảo Luật tôi nghĩ là một điều bình thường ở các nước, vì chỉ có các Bộ mới có một bộ máy nhân viên khổng lồ làm việc giải quyết trực tiếp hàng ngày, sọan thảo Luật mới có thể sát, chứ Ủy ban pháp luật hay Ủy ban tư pháp vài chục con người không thể đảm nhiệm sọan thảo tất cả các Bộ Luật được. Chỉ có khi xét duyệt và đặc biệt đưa ra Quốc hội biểu quyết thì lúc đó Quốc hội là Cơ quan ban hành Luật phải thẩm tra thấu đáo trước khi biểu quyết. Theo tôi biết mỗi người dân cũng có quyền tham gia vào việc ra Luật thông qua góp ý vào trang "Nhân dân góp ý xây dựng Luật" của Quốc hội (hay gửi thư trực tiếp cho Quốc hội)
    Vì thế nếu Luật có "vi hiến" thì không nên chỉ trông chờ vào Quốc hội (nước ngòai còn có Tòa án hiến pháp - ta chưa có), mà từng người dân đều thực hiện "Quyền làm chủ đất nước của bản thân" mạnh dạn đề xuất bác bỏ những điều đó, tránh khi đã ra Luật rồi sẽ khó bác bỏ!!!
    Hòang Hải

    Trả lờiXóa
  28. Nên có càng sớm càng tốt Luật Biểu tình, dù cho Bộ Công an soạn thảo. Vì trong quá trình soạn thảo luật là công khai một bước để người dân góp ý, rồi khi ban hành thực tế sẽ chứng minh và hoàn chỉnh trong quá trinh công khai hóa. Rất tốt.

    Trả lờiXóa