Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

AI SẼ CỨU BẢO TÀNG GỐM CỔ GÒ SÀNH BÌNH ĐỊNH?

Thưa chư vị,
Như chúng tôi đã trình với chư vị, vừa qua do dính vào một vụ kiện, đội thi hành án của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã niêm phong Bảo tàng Gốm Gò Sành - bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Bình Định (QĐ của UBND tỉnh Bình Định). Hàng ngàn cổ vật giờ có nguy cơ bị tẩu tán ...mà ông GĐ không biết được số phận của nó ra sa, vì khi chuyển hiện vật đi, ông đang ở Hà Nội thì bất thình lình Bảo tàng của ông bị cưỡng chế, nên không được chứng kiến!

Khuôn viên của Bảo tàng Gốm Gò Sành tại 173 Lê Hồng Phong, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định giờ sắp thành ra trụ sở Ngân hàng ACB. Cổ vật được đưa về Sở VH - TT - DL Bình Định. Ai sẽ chịu trách nhiệm về các hiện vật này: vỡ, mất cắp, tẩu tán...? 

Chuyện quy trách nhiệm cho ai, xin hậu xét, đó là việc của các cơ quan thực thi pháp luật. Chúng tôi chỉ muốn nói đến chuyện: Ai sẽ là người cứu lấy cái Bảo tàng này?

Xin thưa, đó là 2 nhân vật "hot" nhất trên truyền thông tuần qua. Đó là Bầu Kiên và ông Vương Đình Huệ.

Được biết, từ 02 năm nay, Ngân hàng ACB do Bầu Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã muốn được sở hữu mảnh đất 173 Lê Hồng Phong, Tp Quy Nhơn - nơi tọa lạc của Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya - Champa - Bình Định, là bảo tàng tư nhân do ông Nguyễn Vĩnh Hảo là Giám đốc.

Nay, mảnh đất ấy đang bị cưỡng chế bất hợp pháp. Thiết nghĩ, ông Bầu Kiên cũng không nên vì ham mảnh đất đẹp mà lấy đi một cơ sở văn hóa được coi là địa chỉ vàng của du lịch Bình Định mà ai đến cũng muốn ghé thăm.  Làm như thế, khác nào tự hủy hoại thanh danh của mình!? Đây, có ảnh minh chứng:

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa 
và Bí thư tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà thăm Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh, và Thứ trưởng Lê Tiến Thọ
thăm Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành.

Ông Dương Trung Quốc, ĐB QH, Tổng thư ký Hội Sử học và Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - chuyên gia về gốm, thăm Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành.

Năm 2008, mảnh đất ấy được oánh giá là 7 tỷ VNĐ, nay có thể lên đến 15 - 20 tỷ. Ông Bầu Kiên là một đại gia, chắc cũng không nỡ lòng nào lấy đi một bảo tàng quý giá của Bình Định làm trụ sở của Ngân hàng ACB. Làm thế, khác nào hủy hoại thanh danh chỉ vì một vụ mua hời trong khi chủ nhân miếng đất thân cô thế cô đang cơn quẫn bách.

Người thứ hai có thể cứu Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành là Ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Đã đành ông Huệ là nhà tài chính, không có quan tâm nhiều đến văn hóa, nhưng thấy ông có mặt trong Lễ Khánh thành nhà bia tưởng niệm nghĩa quân Tây Sơn tại chùa Kim Sơn - Hà Nội, thì ta biết ông cũng chẳng phải là người vô tình! Chắc ông Vương Đình Huệ cũng sẽ có tiếng nói về một vấn đề văn hóa xã hội tại địa bàn mà ông là Đại biểu Quốc hội.


Báo Bình Định cho biết: "Ngày 13.9, tại chùa Kim Sơn (Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra Lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm các nghĩa quân Tây Sơn (ảnh). Đến dự lễ có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định; đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa tại Hà Nội, Bình Định…".

Được biết, Ông Nguyễn Vĩnh Hảo, GĐ Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya - Champa - Bình Định là người khởi xướng và dốc lòng thực hiện dự án tại Chùa Kim Sơn, Kim Mã, Ba Đình, HN với ba hạng mục: Vườn Mai Tây Sơn, Nhà bia Tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn và Phố Mai Bình Định, theo chủ trương xã hội hóa văn hóa, ngân sách tỉnh không hỗ trợ kinh phí. Xem văn bản do Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định ký:
.

Vậy thì ông Nguyễn Vĩnh Hảo, đúng là đang cơn quẫn bách không nhà không cửa, hành trang chỉ có vài bộ quần áo, đang lang thang ở Hà thành, lấy Kim Sơn tự (Chùa Kim Sơn) làm nơi giao dịch nhưng đâu phải là thân cô thế cô?!

Bấy nhiêu người đã từng ra vào Bảo tàng của ông, đã chứng minh và tán thán công đức của ông, mỗi người xúm vào nói một câu, thì chắc là cái bảo tàng của ông sẽ không thành ra tan nát như cái QĐ cưỡng chế của Đội thi hành án của Tp Quy Nhơn đang mong muốn!

Cho dù là mấy trăm tờ báo vẫn còn im hơi lặng tiếng, chưa có lấy nửa dòng tin về câu chuyện này ...

Nguyễn Xuân Diện 

19 nhận xét :

  1. Buồn cho cách hành xử vô văn hóa với một địa chỉ văn hóa tại quê hương tôi. Chắc là không về quê nữa đâu

    Trả lờiXóa
  2. Khi nghe ong bau Kien phat bieu ve van nan tai VFF, mac du minh khong biet ro ong tu truoc nhung thay rat cam phuc. Nhung sau khi nghe chuyen ve cach ong co Cong Vinh tu tay bau Hien,cai cam phuc do khong con nua. Bay gio lai den chuyen ngoi nha bao tang Binh dinh, quyet dinh cua ong se danh gia chinh con nguoi ong.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Diện ơi! Mình có thể soạn một bức tâm thư gửi bầu Kiên để ông ấy dừng lại ý định này không ạ? Nếu ông ấy là người có lòng tốt thì có lẽ ông ta sẽ rút lui thôi.

    Trả lờiXóa
  4. việc trước mắt là can thiệp sao cho các cổ vật không bị thất thoát, hư hại cái đã, những việc khác từ từ rầu tính tiếp. Là 1 người dân Quy Nhơn, tui rất là vui khi ở TP mình lại có 1 địa chỉ văn hóa như vậy, nhưng nay lại ra nông nỗi này, tiếc quá

    Trả lờiXóa
  5. Tôi không phải là người Bình Đinh, cũng không có nhiều hiểu biết về vấn đề văn hóa- bảo tàn, nhưng có lẽ đây là vấn đề rất đáng được quan tâm. Tiền bạc là phương tiện tốt, có thể đem lại vật chất để nuôi sống con người, nhưng không vì tiền bạc mà người ta có thể cướp đi quyền sống, quyền làm văn hóa của một con người chứ?????????
    Xã hội thay đổi, đồng tiền dường như lấn át tất cả, người ta có thể dùng mọi thủ đoạn để có tiền, có thể chà đạp thậm chí giết chết người khác vì tiền. Nhưng dù thế nào tôi vẫn tin rằng : sức mạnh của đồng tiền ghê gớm nhưng nó không đủ sức để hủy hoại một nền văn hóa, không đủ sức để cướp đi nét đẹp trong nhân cách con người.....
    Tôi mong những người đã yêu, hy sinh, cống hiến vì bảo tàng đừng bao giờ mất niềm say mê và hy vọng. Mong những nhà chính trị, những người có tiền, có quyền, có thể "ra tay" giúp đỡ bảo tàng hãy suy nghĩ để cứu lấy một kho tàng quý báu của nền văn hóa nhân loại!

    Trả lờiXóa
  6. Những người có khả năng cứu được Bảo tàng này mà ra tay cứu thì chứng tỏ họ là người CÓ VĂN HOÁ. Ngược lại họ không động lòng về nguy cơ mất bảo tàng quý như vậy thì cùng lắm họ chỉ là những TRỌC PHÚ không hơn, không kém.
    Đề nghị những vị lãnh đạo, nghệ sĩ đã từng tới thăm Bảo tàng Vịjaya - Champa - Bình Định, đã biết rõ giá trị của Bảo tàng này hãy lên tiếng để cứu lấy Bảo tàng.

    Trả lờiXóa
  7. Nguyễn Đăng Hưnglúc 18:23 23 tháng 9, 2011

    Nhận dịp nghĩ hè tại Quy Nhơn, cách đây ba năm tôi co đến thăm bảo tàng này. Tôi rất đỗi cảm kích vì đây là công sức của một tư nhân. Những di vật gốm rất tinh xảo và quý hiếm đã được quy tụ, bảo quản giữ gìn rất là cẩn thận ngăn nắp. Chủ nhân là một người hào hiệp nhiệt tình với công tác cộng đồng. Tôi tự bảo Tp Quy Nhơn phải cám ơn chủ nhân đã bỏ công sức nhiều năm để làm được chuyện này, một nghĩa cử đáng đước đề cao. Phải cám ơn vì đây là một địa chỉ rất bổ ích cho ngành du lịch ngành văn hóa Quy Nhơn...
    Thế mà nay cơ sự đi ngược với những gì tôi chờ đợi...
    Rất mong Ủy ban Nhân dân Tỉnh Tp Quy Nhơn, ngài Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhanh chóng can thiệp để có chính sách hợp lý, ngay trước mắt là bảo quản các di vật tài sản quý hiếm sau đó là duy trì phát huy xây dựng tại Quy Nhơn cố đô của Vương Quốc Chăm, một Viện Bảo tàng gốm...

    Trả lờiXóa
  8. Mong rằng hai Ông Kiên và Huệ sẽ vì một nền VH lâu đòi của Đất nước của Dân tộc sẽ ra tay cứu giúp để mai sau con cháu của chung ta có cái HỒN DÂN TỘC mà tôn thờ.Được biết Ông Kiên là con của một gia đình là giáo viên,Ông Huệ bản thân đã từng là giáo viên tôi tin rằng các Ông là những người rất hiểu biết về giá trị VH và ra tay cứu lấy

    Trả lờiXóa
  9. Chán cho cảnh vô văn hóa đã và đang diễn ra ngày một nhiều, đặc biệt là có sự đóng góp cảu các cơ quan công quyền. Đề nghị TS Diện nói rõ cho bà con lý do tại sao bảo tàng tư nhân này bị cưỡng chế lấy đất và quá trình diễn biến vụ việc...

    Trả lờiXóa
  10. Tôi thấy vụ này là khó. Gần đây còn có vụ Giám đốc một ngân hàng của ACB Tây ninh(cấp dưới của bầu Kiên) còn chơi Giám đốc Ngân hàng Đông Á Tây ninh bằng chiêu dụ người ta phạm lỗi để tố cáo. Xong rồi đến vụ bầu Kiên chơi bầu Hiển qua thương vụ Công Vinh thì việc bầu Kiên sẽ nhả mảnh đất của bảo tàng ra tôi nghĩ là không có đâu. Anh em xem nghĩ cách nào khác đi chứ chờ vào bầu Kiên thì tôi e rằng kết quả chỉ là "zero" mà thôi.

    Trả lờiXóa
  11. Thú thực là tôi đã cố gắng đọc kỹ cả bài này lẫn bài trước mà vẫn chưa hiểu đầu đuôi sự việc ra sao cả. Nhưng dù sự việc ra sao đi nữa, thiết nghĩ những cổ vật văn hóa không chỉ là tài sản riêng của những người đang sở hữu chúng về mặt pháp lý, chúng còn là "sở hữu" của toàn dân tộc, của cả quốc gia. Nếu tôi nhớ không lầm thì VN chúng ta đã có luật về chuyện này. Mà nếu luật chưa lường trước được tình huống như câu chuyện Bảo tàng Bình Định, thì đây chính là một đòi hỏi cấp bách dành cho các nhà lập pháp trong Quốc Hội.

    Tại sao một chuyện quan trọng của quốc gia như vậy lại chỉ tùy thuộc vào "lòng từ tâm" của một hai cá nhân? Theo tôi, Nhà Nước và đặc biệt là Bộ Văn Hóa Thông Tin có thẩm quyền và có trách nhiệm thương lượng với các bên liên quan để "cứu" bằng được Bảo tàng này, nếu cần thì có thể kêu gọi nhân dân đóng góp.

    Riêng ông Nguyễn Vĩnh Hảo, một người có tâm huyết với di sản văn hóa quốc gia, có công trình cụ thể chứng tỏ khả năng và sự tận tụy, thiết nghĩ Nhà Nước cần tuyên dương và hỗ trợ ông không những về tinh thần mà cả về vật chất để khuyến khích ông tiếp tục công việc quí hóa này. Một giải thưởng chẳng hạn, nhân danh Bộ Văn Hóa Thông Tin?

    Hoặc nếu không, tôi kính đề nghị Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Việt Nam đứng ra thương lượng để "cứu lấy" Bảo tàng này. Kinh phí ư? Hãy tin vào nhân dân! Còn đó rất nhiều người Việt hết lòng vì nền văn hóa nước nhà. Chỉ cần một lời kêu gọi của các vị thôi. Tôi tin thế!

    Trả lờiXóa
  12. Các bác trên diễn đàn cần bình tĩnh, nhận định một cách khách quan, không nên cảm tính. Có hai vấn đề tách bạch ở đây: ngôi nhà và hiện vật gốm cổ.
    Thứ nhất: ngôi nhà đã được ông Hảo thế chấp ngân hàng để vay vốn kinh doanh, ông Hảo bị thua lỗ mất khả năng trả nợ ngân hàng và bị thua kiện, đội thi hành án chỉ thực hiện phán quyết của toà và người đấu giá trúng là ACB bank.
    Thứ hai: Các hiện vật hiện nay đang lưu giữ tại Sở VH-TT Bình Định có biên bản giao nhận rõ ràng, về nguyên tắc thì phải tin tưởng chính quyền chứ?
    Không lẽ ông Hảo thế chấp nhà để vay ngân hàng nhằm kinh doanh, không có tiền trà NH, ngân hàng phải chịu mất trắng sao? phải có công lý chớ?

    Trả lờiXóa
  13. Ý kiến của vị khách trên diễn đàn vừa nói có thể được xem là có cân nhắc trước sau về lý nhưng có lẽ chưa thật kỹ lưỡng và sâu sắc. Theo tôi được biết, ngôi nhà 178 Tăng Bạt Hổ, (cạnh ngôi nhà 173 Lê Hồng Phong) là thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Vĩnh Hảo. Đã nhiềulần ông Hảo đề nghị chính quyền trả lại cho gia đình ông nhưng do vây cánh trong nội bộ chính quyền đã không hề xem xét vấn đề trên. Cái sai của ông Hảo do các luật sư nhận xét là ông đã không mạnh tay trong vấn đề này, để đến khi sự việc đã đi quá xa, ông đã gặp quá nhiều khó khăn.
    Nguyễn vĩnh Hảo đã từng là một người buôn đồ cổ tiêu tiền không biết đếm, nhưng vì lý tưởng ông đã không buôn bán nữa mà quyết định làm bảo tàng. Việc này KHÔNG PHẢI LÀ KINH DOANH. Trước khi làm bảo tàng( năm 2006) ông đã phải cống hiến một số tài sản của gia đình và thế chấp ngôi nhà 173 Lê Hồng Phong, đồng ý chịu một khoản nợ là 90 lượng vàng. Thời thế thật không may mắn, làm bảo tàng không có tiền, chẳng có lãi lờ, trong khi giá vàng năm 2006 với giá vàng hiện tại thì chênh lệch quá nhiều....Ông Hảo cũng đã thực hiện rất nhiều dự án như " Vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn", " Một ngàn cái bánh tét cho người nghèo".........mà không được sự hỗ trợ khinh phí của chính quyền, ông đã lặn lội đi quyên góp từ những cá nhân, tổ chức hảo tâm khác.....quý vị cũng nhìn thấy quyết định của UBND rồi chứ?
    Số cổ vật và đồ đạc trong ngôi nhà của ông hiện được sở văn hóa thông tin cất giữ và có biên bản giao nhận nhưng theo tôi "đồ gốm sứ gò sành" dễ vỡ, và lại là đồ cổ, dễ bị đánh cắp. Nếu trường hợp đó xảy ra thì ai sẽ có trách nhiệm? Đến văn phòng của Bộ tư pháp còn bị mất cắp kia mà, quý vị cũng biết điều đó trong tin tức của yahoo đúng không?
    Ông Hảo không vay vốn của ngân hàng mà nợ một chủ đầu tư khác. Ngân hàng chỉ là người mua lại ngôi nhà với giá rẻ mạt thôi....đó là đục nước béo cò
    Tôi nghĩ phải có con mắt nhìn tinh tế hơn về vấn đề này nếu không sẽ bị kẻ xấu lợi dụng.

    Trả lờiXóa
  14. Vừa đọc thêm hai nhận xét, một của bác ẩn danh lúc 10:00, một của bác Hoàng Mai. Tôi thấy hai bác đều có lý của mình. Mà đầu đuôi câu chuyện ra sao thì coi bộ còn... ẩn khuất quá, nên chẳng biết nghe bác nào!

    Nhưng như đã nói, miếng đất hay nhà cửa gì gì của bác Nguyễn Vĩnh Hảo là một chuyện, các cổ vật văn hóa lại là một chuyện khác. Chính chuyện sau mới là vấn đề quan trọng mang tầm vóc quốc gia. Các cổ vật rủi bị thất thoát hay hư hoại thì rất khó, hoặc thậm chí vĩnh viễn không thể, phục hồi. Đồng ý với bác ẩn danh rằng "phải tin tưởng chính quyền chứ", nhưng ngược lại, cũng... phải tin tưởng nhân dân chứ? Nếu dư luận hết sức lo lắng cho số phận của các cổ vật, thì ắt phải có lý do! Không biết bác ẩn danh nghĩ sao chứ tôi thì tôi rất lo! Việc bảo quản các cổ vật phải do người có chuyên môn sâu và rất có tâm huyết với văn hóa dân tộc đảm trách, nghìn lần không thể khinh suất!

    Chúng ta không thể ép ngân hàng ACB hay ông bầu Kiên phải một mình hy sinh cho việc chung, cùng lắm chỉ có thể kêu gọi họ như là kêu gọi tất cả các tổ chức và cá nhân khác trong toàn quốc và quốc tế thôi. Điều đó thì tôi đồng ý.

    Theo tôi, đã đến nước này thì chính cấp Bộ phải vào cuộc, còn nếu không thì cần một tổ chức xã hội có uy tín nào đó, một tổ chức mang tầm vóc toàn quốc - mà tôi đề nghị là Viện Nghiên Cứu Hán Nôm - được Nhà Nước đồng ý và nhân dân tin cậy, cho phép đứng ra lo liệu. Tôi tin là rất nhiều người nhân Việt, thậm chí cả quốc tế, sẵn sàng đóng góp kinh phí.

    Riêng về ông Nguyễn Vĩnh Hảo, một người có công và có lòng như thế, rất đáng được khen thưởng và trọng dụng.

    Rất mong Bảo tàng này được "cứu" và được "xã hội hóa" cách nào đó, dù có dời địa điểm đi nơi khác. Và rất mong ông Nguyễn Vĩnh Hảo được mời trở lại làm việc với vị thế xứng đáng ở Bảo tàng "mới" này.

    Trả lờiXóa
  15. Tôi đồng ý với ý kiến của Ha Le. Đành rằng mọi người đều không rõ ràng về vụ viêc,nhưng vấn đề nợ và vấn đề văn hóa phải xem xét kỹ lưỡng,rõ ràng.
    Ông Hảo mắc nợ, nợ thì phải trả nhưng với việc gây khó dễ của chính quyền địa phương về kinh tế( thông qua việc Không giải quyết vấn đề đòi lại ngôi nhà 178 Tăng Bạt Hổ( trị giá trên 5 tỉ đồng) của ông Hảo, và việc không hỗ trợ kinh phí thực hiện những dự án lớn mang tầm cỡ dân tộc( Chương trình vườn mai nghĩa sĩ Tây Sơn.v.v.......), cùng với những bè cánh ghen ăn tức ở liên tục tạo ra áp lực về tinh thần khiến ông không chưa thoát khỏi những khó khăn này đã gặp phải những khó khăn khác.Trong khi đó, theo tôi được biết, hiện tại vợ và các con ông hiện đang sinh sống tại Mỹ, ông sống một thân một mình trong ngôi bảo tàng này, vừa lo biết bao nhiêu chuyện của bảo tàng, vừa phải tự lo cho cuộc sống cá nhân mình. Nếu không phải là một người say mê nhiệt tình, và có tâm huyết với việc sưu tầm , bảo tồn văn hóa thì làm sao có thể đứng vững được.
    Những ẩn khuất thì còn nhiều nhưng những quyết định của chính quyền vẫn còn đó, có dấu đỏ đàng hoàng và được post lên đầy đủ. Quyết định thành lập bảo tàng vẫn còn giá trị nên việc cưỡng chế của thi hành án là chưa đúng pháp lý. Đội thi hành án chỉ được phép tháo biển và kê biên bảo tàng khi đã ra quyết định rút bảo tàng Gốm cổ gò sành ra khỏi danh sách bảo tàng của tỉnh, của quốc gia...
    Về việc trả lại quyền hoạt động cho Bảo tàng và mời ông Nguyễn Vĩnh Hảo làm việc trở lại, tôi nghĩ chuyện đó cũng không phải dễ dàng. Bởi vì thi hành án đã làm sai pháp lý, đồng thời như thế là hạ nhục nhân cách của một con người có lòng tự trọng. Cho dù ông Hảo ko có tiền nhưng số tiền ông nợ là vì lý do gì? Ông Hảo đâu có định quỵt tiền của người khác đâu?
    Tôi mong các cấp chính quyền của Nhà nước dân chủ Việt Nam hãy tỉnh táo để xem xét vụ việc. Bởi vì nhà nước Việt Nam là CỦA DÂN- DO DÂN- VÌ DÂN. Giữ lại Bảo tàng CỦA DÂN này cũng là VÌ DÂN, Hãy để nhân dân có quyền lên tiếng và giúp họ thực hiện ước nguyện như lời Bác Hồ kính yêu từng nói "Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân"!

    Trả lờiXóa
  16. Tôi nghĩ là đừng mong chờ ông Kiên ABC cứu bảo tàng. Có thể ông ta cũng là người tham gia quá trình bức tử nhanh bảo tàng ấy chứ... Ông Kiên là dân kinh doanh, nên ông ta chỉ biết lợi ích của cá nhân ông ta khi có được lô đất vàng ở Bình Định với giá hời...

    Tôi đánh giá thế, bởi vì xem cách hành xử của ông ta trong làng bóng đá là hiểu rồi - lời nói và việc làm mâu thuẫn với nhau.

    Link: http://vnexpress.net/gl/the-thao/bong-da/2011/09/bau-kien-bi-phan-ung-vi-mua-cong-vinh/

    Giờ chỉ trong chờ vào dư luận và sự động tâm của những lãnh đạo CP từng tham quan bảo tàng và những con người còn có lòng yêu - gìn giữ văn hóa...

    M.N

    Trả lờiXóa
  17. Bộ sưu tập gốm cổ Gò sành là sở hữu pháp lý của ông Nguyễn Vĩnh Hảo, nhưng là di sản chung của cả nước.Riêng đối với Bình Định nó có ý nghĩa như một điểm nhấn tham quan du lịch trong không gian văn hóa Champa, vốn rất phân tán ở địa phương này.
    Tỉnh Bình Định dù đã có thời gian khá dài ( hơn 2 năm) từ lúc có quyết định đến khi thực hiện thi hành án đối với ngôi nhà nơi đặt bảo tàng nhưng không hề có giải pháp giúp hỗ trợ cho bảo tàng tiếp tục hoạt động là điều đáng tiếc trong việc đối xử với một di sản văn hóa như vậy.
    Blog Nguyễn Xuân Diện đưa tin và đặt ra vấn đề kêu gọi giúp bảo trợ cho bảo tàng được tiếp tục hoạt động trong lúc này là rất thích đáng và kịp thời.
    Cách đây khoảng một tuần , trên VTV có đưa tin về một người Bình Định khác là ông Trần Bắc Hà -Tổng giám đốc ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- đã khánh thành nhà gỗ và bia đá tại chùa Kim Mã ở Hà Nội tưởng niệm các nghĩa sĩ Tây Sơn đã hy sinh trong trận đánh Đống Đa lịch sử, trong buổi lễ này có các vị lãnh đạo ở trung ương và tỉnh Bình Định đến dự.Việc làm này gây xúc động và hết sức có ý nghĩa được nhân dân đồng tình.Qua đó ông cũng đã biến ngôi chùa Kim Mã thành một địa điểm hành hương tham quan của không chỉ những người Bình Định .
    Được biết, ông Trần Bắc Hà cũng đang tài trợ vốn cho dự án đầu tư một khu du lịch lịch sử -sinh thái - tâm linh tại khu vực chùa Linh Phong núi Bà tỉnh Bình Định với qui mô khá lớn.Theo tôi một con người có lòng như vậy và với trọng lượng tiếng nói của ông Hà rất lớn, hãy nên kiến nghị ông giúp đề nghị chủ đầu tư khu dự án nêu trên tích hợp bộ sưu tập gốm cổ Gò Sành như một hạng mục phát sinh vào dự án, nhằm giúp cho bảo tàng này ở lại, tiếp tục phục vụ khách tham quan du lịch, ngay trên vùng đất xưa của kinh đô Chàm cổ Đồ Bàn.

    Trả lờiXóa
  18. Tôi cứ sốt ruột quay lại trang này hoài để mong có tin gì mới. Cám ơn bác ẩn danh 19:13, 26/8 về thông tin đáng phấn khởi trên. Ý kiến của bác có thể là giải pháp khả thi đây. Tôi nghĩ chỉ cần có một đơn vị, tổ chức hay kể cả cá nhân nào đó hào hiệp đứng ra cứu ấy Bảo tàng, sẽ có nhiều người góp tay vào ủng hộ.

    Có thể nào bác Trần Bắc Hà vận động lập một dự án riêng cho Bảo tàng này không nhỉ, như là một "hạng mục" nằm trong tổng thể dự án khu du lịch lịch sử-sinh thái-tâm linh ở Bình Định? Nghĩa là Bảo tàng này sẽ có thể hoạt động lại như một điểm kinh doanh văn hóa du lịch, vốn sẽ được huy động như một công ty cổ phần, có Hội đồng Quản trị đàng hoàng và bác Nguyễn Vĩnh Hảo sẽ được mời về làm Giám đốc với tiền lương và sự đãi ngộ xứng đáng?

    Tôi không rành về chuyện làm ăn kinh tế. Nếu có giải pháp nào, nghèo mấy thì nghèo, tôi cũng sẽ ủng hộ hết khả năng tôi có thể mà không đòi tí quyền lợi nào hết. Lo lắng quá! Không chỉ lo các cổ vật bị hư hại, tôi lo nhiều hơn là chúng có thể bị mua bán lậu qua các đường lắt léo rồi bị tuồn ra thị trường nước ngoài, điều đó sẽ là một tổn thất rất lớn cho quốc gia, cả về mặt kinh tế lẫn mặt học thuật! Không hiểu sao các Bộ, Ngành có trách nhiệm cho đến giờ vẫn chưa có động thái gì nhỉ?

    Trả lờiXóa
  19. Lãnh đạo tỉnh ở đâu? Chắc chắn họ biết chuyện này và thừa hiểu dư luận sẽ ra sao? Vậy thì vì lẽ gì mà nhắm mắt làm ngơ? Có phải vì ma lực của đồng tiền không? Nếu đúng như vậy thì tổ tiên sẽ không tha thứ cho họ

    Trả lờiXóa