Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

ĐÊM CUỐI TUẦN: LÒNG NHƯ CỬA LƠI THEN



Đêm rượu cần
Lê Đình Cánh


Rượu cần trúc vít mềm tay
Người ơi uống cạn đêm nay với người
Uống cho tỉnh một say mười
Cho mắt có lửa, cho lời có men
Cho lòng như cửa lơi then
Rừng đêm trăng gọi tiếng khèn vào khuya

Lời bình của Vân Đình Hùng:
Lòng như cửa lơi then

Bữa rượu bắt đầu lúc chạng vạng của một chiều xuân Tây Bắc. Ngoài trời, hoa ban trắng đua sắc với cánh đào phai phớt hồng, cả hai đang phô sắc xuân sơn cước. Trong nhà, bên bếp lửa hồng, các cô gái Thái mặc áo trắng đính hai hàng khuy bướm bạc lấp lánh ánh lửa, cạp váy quấn thổ cẩm thêu sặc sỡ. Vò rượu cần đặt chính gian giữa, chủ nhà đãi nhà thơ bữa rượu tri âm. Tiệc đơn sơ bày lên chiếc khạp mây, các món bày lên khạp lót lá chuối xanh. Một chút thịt luộc, một chút thịt nướng than hồng, một con cá suối xinh xinh vừa nướng chín tới, cong mình làm duyên, một đĩa muối trộn mắc khén làm nước chấm, vài cọng rau thơm rừng lơ thơ. Hũ rượu cần đã đổ đầy nước suối đầu nguồn đang sủi những hạt tăm nhỏ trên mặt lớp lá ổi tím tái vừa được bung ra thoát khỏi những chiếc cật tre găm chúng bao ngày. Cóng xôi nếp nương bốc khói thơm nức...


Lời viện dẫn chẳng cần nhiều, chủ mời khách, khách vít cần trúc. Rượu như con trăn trườn nhẹ, lách nhẹ vào lục phủ, ngũ tạng. Tất cả có lẽ vậy để làm nên Đêm rượu cần của nhà thơ Lê Đình Cánh.

Phải gần vãn tiệc rượu, những câu thơ này mới đột nhiên bật ra. Lời thơ dâng trào như một tất yếu trước đấy - bởi rượu đã vào thơ qua cần trúc.

Rượu cần nhẹ, nhưng ngấm lâu, đến chầm chậm. Duyên bén chậm mà không đừng. Khổ thế! Thế mới bật ra uống cho tỉnh một say mười. Đấy là định lòng vậy để đáp lễ chủ nhà. Hay bởi bóng áo trắng có hàng khuy bạc lấp lánh cứ lấp loáng bên bếp lửa hồng.

Cho mắt có lửa, cho lời có men

Lời có men, nhà không then cửa. Mắt có lửa để cửa khép hờ. Lời tỏ tình với bạn tình ở nhà sàn là nhịp gậy chọc sàn, đúng chỗ nàng nằm. Nó là lời gọi mời thắm thiết để đôi trai gái muốn gặp nhau trong một đêm trăng non. Trăng như chiếc liềm cong cong trên trời. Ngoài kia sương giăng nhẹ, hoẵng đi ăn đêm, để lại tiếng trên lá khô trải thảm. Đáp tiếng gậy chọc sàn, người con gái xuống thang, đi theo tiếng gọi bạn tình. Đêm ấy, sau những cái vít cần trúc, rượu cần như nước thánh, dọn đường cho tình yêu bật mầm dưới trăng khuya.

Cho lòng như cửa lơi then là câu thơ thần trong khung cảnh này. Nó gây cho người đọc một đồng cảm thật mộc mạc như trai gái miền núi vậy. Nó là sự bằng lòng để vượt rào lễ giáo. Một sự cảm thông vừa vô tình mà hữu ý. Câu thơ cất cánh bay khỏi xác chữ của văn bản. Đường bay dường như không có chân trời (chữ của Trần Dần). Bởi nó thăng hoa từ một cuộc tình đựng đầy nụ cười sơn cước, bất chợt chói sáng.

Bài thơ chỉ có ba câu lục bát, bốn mươi hai chữ không hơn. Thế mà chúng đã vật ngã người đọc như vừa cùng uống cả đêm rượu cần với tác giả. Những câu thơ gợi mở có sức lay động kỳ lạ. Nó gợi trí tưởng tượng, dẫn lối cho người đọc vào mê cung. Chữ ít mà gợi. Đó là cảm nhận khi đọc hết bài thơ. Nhịp chẵn trên nền nhịp điệu dân gian. Nhịp đôi ấy dìu nhau đi, cặp đôi người đọc - nhà thơ cứ chuệnh choạng, liêu xiêu... đi mà không lạc lối.

Các tửu đồ đọc xong Đêm rượu cần đều có chung một ước nguyện. Nó dễ cảm thông, đồng cảm với tác giả, và trong thẳm sâu là sự nể phục.

Vân Đình Hùng.
Bài đăng trên Văn Nghệ (Hội VHNT Gia Lai) số TẾT TÂN MÃO.

6 nhận xét :

  1. Bài thơ đẹp như ca dao vậy! (Tôi muốn nói đẹp hơn ca dao nữa, nhưng nghĩ lại, dùng chữ "như" thôi là đủ tỏ lòng trân trọng thích thú rồi. Sợ tác giả ngại, hi hi). Và bài bình tuy ngắn gọn nhưng rất hay!

    Cám ơn hai bác Lê Đình Cánh và Vân Đình Hùng! Cám ơn bác Diện nữa, bài đăng trên blog toàn là "đáng đồng tiền bát gạo"!

    Trả lờiXóa
  2. ĐÊM CUỐI TUẦN CỦA MÙA THU!!!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi có thắc mắc, người dân tộc phía bắc không uống rượu cần mà là thường uống rượu bằng bát (miền nam thường gọi là chén)
    Trong tiếng khèn mà có rượu cần thì nghe không ổn. Vậy mong mọi người lý giải giùm cho.
    Bài thơ hay nhưng câu cuối bị đuối và chẳng ăn nhập gì với bài thơ cả

    Trả lờiXóa
  4. Câu cuối rõ mười mươi còn không hiểu.
    Cửa lơi then rồi. Tiếp theo thì phải mời gọi vào chứ sao... mà gọi đây là gọi vào lúc khuya...hehe để làm gì nhỉ?
    (Rừng đêm trăng) gọi (tiếng khèn) vào khuya.
    ^^

    Trả lờiXóa