Bao giờ doanh nhân sẽ là trí thức?
Phạm Gia Minh
Trong thời đại mà anh nông dân có thể làm việc "tày trời" của cả một viện nghiên cứu cơ khí trước đây, giới trí thức có tồn tại nữa hay hòa tan vào xã hội? Liệu có thể hình thành một lớp doanh nhân - trí thức trong xã hội Việt Nam?
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà cơ sở vật chất của nó là nền sản xuất hiện đại càng ngày càng có hàm lượng tri thức cao hơn. Và thực tế là những sản phẩm vi mạch kích thước siêu nhỏ, trọng lượng rất nhẹ mang lại lợi nhuận nhiều hơn hẳn so với các ngành sản xuất truyền thống như sắt thép, xe hơi và máy công nghiệp v.v…
Xu hướng phát triển của những đất nước phồn vinh hiện nay là tăng giá trị GDP, đồng thời giảm dần “cân nặng” của nó đi. Trọng lượng GDP trong một đô la là tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển cao hay thấp.
Tri thức khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quản lý và nhân văn ngày càng trở thành yếu tố phổ biến và tất yếu đối với mọi nền kinh tế. Trong hoàn cảnh đó khái niệm về giới trí thức cũng đang chịu những biến động sâu sắc. Nếu trước kia những người lao động trí óc mới được coi là trí thức thì nay một người công nhân bình thường khi vận hành những cỗ máy theo chương trình chắc sẽ phải hao tổn thần kinh để tập trung theo dõi màn hình vi tính nhiều hơn là nỗ lực của cơ bắp.
Một nông dân có thể lên mạng Internet tham khảo kiến thức nhân loại để sáng chế ra chiếc máy nông nghiệp phù hợp với đồng đất quê mình, tức là anh ta đã làm một việc “tày trời" của cả một viện nghiên cứu cơ khí trước kia! Vậy giới trí thức có tồn tại nữa không hay đã hòa tan vào xã hội của nền kinh tế tri thức đang lừng lững tiến tới?
Bằng cấp chỉ là tấm thẻ vào cửa trường thi cuộc sống
Câu trả lời là giới trí thức đang trở nên hùng hậu hơn bao giờ hết về số lượng, đa dạng hơn về chuyên ngành, mạnh mẽ, sắc sảo hơn về tư duy và có vai trò quan trọng hơn đối với tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, nên chăng cần định nghĩa lại là giới trí thức ngày nay bao gồm những cá nhân tiến hành một cách có hệ thống ít nhất một trong các hoạt động sau:
- tham gia vào quá trình sáng tạo và sản sinh ra những giá trị tinh thần, tư tưởng, kiến thức và trí tuệ cho xã hội
- tái sản sinh , truyền bá và góp phần làm lan tỏa ý nghĩa cũng như giá trị của những sản phẩm trí tuệ và kiến thức vào đời sống xã hội.
Với cách nhìn nhận như vậy thì một người dù có bằng cấp cao nếu không chứng tỏ được trên thực tế năng lực sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần hoặc không có hoạt động hiệu quả và có hệ thống để làm lan tỏa những giá trị tinh thần và trí tuệ vào cuộc sống thì chưa thể coi anh ta là nhà trí thức được. Ở đây rõ ràng bằng cấp chỉ là một tấm thẻ vào cửa của một trường thi rất nghiệt ngã, đó là thực tiễn cuộc sống.
Với 2 tiêu chí trên ta có thể đánh giá được đẳng cấp của trí thức qua giá trị của sản phẩm tinh thần mà anh ta tạo ra xét trên sự công nhận của xã hội (trong nước, quốc tế); và, thái độ cũng như trách nhiệm, lương tâm, và nỗ lực cống hiến của anh ta đối với việc đem tri thức phục vụ dân tộc, đất nước và nhân loại.
Rõ ràng trí thức tiêu biểu của một đất nước là những người ngoài năng lực sáng tạo ra phải luôn luôn trăn trở tìm lời giải cho những vấn đề nóng bỏng và gai góc của xã hội để giúp nó không ngừng tiến bộ.
Doanh nhân trí thức?
Doanh nhân trí thức?
Doanh nhân là những người đặt mục tiêu cung cấp các sản phẩm và dịch vụ (vật chất và tinh thần) nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội để kiếm lợi nhuận. Trong xã hội trước kia ở những nước Á châu chịu ảnh hưởng Nho giáo thì hàng ngũ thương nhân luôn bị đặt ở vị trí thấp nhất trong thứ tự: sỹ, nông, công, thương. Thấp nhất vì bị cho là tầng lớp thiếu trung thực và vụ lợi. Các xã hội phương Tây lại nhìn nhận và đánh giá tầng lớp này trong mối quan hệ mật thiết giữa khoa học - kỹ thuật, sản xuất công nghiệp và thương mại nên coi họ là một động lực chính của nền kinh tế thị trường.
Rõ ràng chúng ta cần một cách nhìn khác về mối quan hệ doanh nhân - trí thức trong nền kinh tế thị trường ngày càng có hàm lượng tri thức cao và mang tính cạnh tranh toàn cầu khốc liệt. Mọi thành công trên thương trường ngày nay là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 4 loại yếu tố:
- doanh nhân mưu lược, tài ba và bản lĩnh (là yếu tố then chốt)
- nhân tài khoa học- kỹ thuật- công nghệ (là yếu tố chủ lực)
- nhân tài quản lý (là nền tảng)
- hệ thống giáo dục (là mạch nguồn).
Sự kết hợp cộng sinh giữa các yếu tố trên sẽ thúc đẩy sự ra đời của những tập thể doanh nhân - trí thức mới. Họ là người kinh doanh giỏi khi biết lựa chọn những phân đoạn thị trường nào cho phép đạt giá trị gia tăng cao nhất và áp dụng chiến lược tham gia thị trường hiệu quả nhất, đồng thời họ cũng là những nhà phát minh tài ba khi luôn đưa ra những sản phẩm và dịch vụ làm hài lòng người tiêu dùng.
Yếu tố thiếu trung thực và vụ lợi của những “con buôn” trước kia sẽ dần được loại bỏ khi chúng ta xây dựng thành công một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự trong đó văn hóa kinh doanh mang tính nhân văn vừa là mục tiêu phấn đấu của xã hội vừa là yếu tố góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trung thực, minh bạch , sáng tạo và năng động sẽ là những nét chính của giới doanh nhân - trí thức trong tương lai.
Bỏ "ngăn sông, cấm chợ" với sáng tạo tinh thần
Ngày mai tươi sáng phải được chuẩn bị từ hôm nay với bao nhiêu điều còn ngổn ngang bề bộn. Xuất phát điểm của mọi cải cách phải được bắt đầu từ lĩnh vực giáo dục, nơi sản xuất ra các loại nhân tài cho xã hội. Môi trường kinh doanh phải được làm cho thông thoáng, bình đẳng và lành mạnh. Trí thức phải được cọ sát trong và ngoài nước đồng thời phải gắn kết máu thịt hơn với doanh nghiệp .
Các quỹ đầu tư mạo hiểm do các doanh nghiệp bỏ vốn ra nên được nhà nước hỗ trợ thành lập giúp trí thức khoa học- kỹ thuật và công nghệ có cơ hội biến tri thức của mình thành sức mạnh kinh tế của đất nước.
Tri thức cũng là một dạng hàng hóa đặc biệt, nếu ta đã bãi bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ để làm khởi sắc sản xuất, kinh doanh khi bắt đầu công cuộc Đổi mới thì việc xóa bỏ những rào cản, hạn chế đối với quá trình sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần cũng cần được thực hiện bởi những qui định pháp lý cụ thể và sự đầu tư tài chính đúng người, đúng việc.
Một doanh nhân vẫn có thể kiêm luôn là một trí thức, và ngược lại. Vấn đề hòa hợp, một bên là óc nhạy bén trong thương trường, và một bên là làm chủ khối lượng kiến thức đủ để am hiểu thế giới xung quanh một cách khoa học, sẽ luôn quan trọng, cần thiết cho cá nhân lẫn xã hội. Chỉ sợ nhà trí thức chuyển mơ ước giàu sang lên hàng đầu của mục đích cuộc sống, còn doanh gia nuôi mộng mua bằng cấp nhằm trang hoàng lộng lẫy thêm khuôn mặt đại gia của mình cho những mưu đồ đơn thuần vật chất, lúc ấy giá trị thực chất mới trở nên nhòe nhoẹt, bất định...
Trả lờiXóaCác doanh nhân như Châu Thụ Thu Nga ,Đỗ Thị Hoàng Yến hay kẻ giết sông Thị Vải lần 2 Đỗ Thị Thu Hằng thì mãi mãi không bao giờ có thể là trí thức được.
Trả lờiXóaBà con vào đây :
Trả lờiXóahttp://vn.360plus.yahoo.com/nguyendinhdong/article?mid=7099
Thăm Bác Diện !
"Bao giờ doanh Nhân là trí thức" sao lại thế được, ngày xưa doanh Nhân gọi chung là con Buôn, còn dù lai nếu có đầy dủ học vấn, tri thức vẫn là trí thức
Trả lờiXóaKhó à nha. Xin hỏi có bao nhiêu doanh nhân ở đất nước này không lợi dụng tính yếu của pháp luật, của quan chức để đi đêm và trục lợi cho các phía?
Trả lờiXóaDoanh nhân trí thức không phải là tầng lớp chỉ biết kiếm tiền dựa trên tính dễ tổn thương của nền kinhh tế, chỗ khuyết của pháp luật để kiếm ăn. Và càng không phải những gian thương thuê người viết báo, viết sách.....để thể hiện mình là trí thức thông qua các công cụ ấy.
Xin các bác cứ làm doanh nhân lương thiện là phúc cho xã hội rồi. Khi nào có các doanh nhân thành danh nhân như ông chủ Microsoff, Sony, Panasonic...thì lúc đó doanh nhân nghiễm nhiên là trí thức.
TS Phạm Gia Minh nói không có gì sai nhưng tôi nghĩ là không nên rắc rối hóa vấn đề đơn giản. Làm doanh nhân lương thiện, có ích cho xã hội là tốt rồi. Doanh nhân đó có thể giàu tri thức mà cũng có thể là người ít học nhưng có tài kinh doanh với cái tâm lương thiện. Nếu doanh nhân mà học rộng , tài cao thì càng quí. Không nên đòi hỏi doanh nhân phải là trí thức. Trí thức có yêu cầu riêng, có vị trí riêng trong xã hội rồi
Trả lờiXóaTheo tôi không nên cứng nhắc cứ phải là thế này thế kia làm gì. Nếu DN mà ham học hỏi , hiểu biết rộng lớn , có tâm với cuộc sống , không vì món lợi nhỏ mà quên tầm nhìn xa...thì DN đó còn quí hơn vạn lần trí "ngủ" , và cũng ngược lại , nếu trí thức có khả năng quản trị tốt , doanh nghiệp phát triển , làm ăn đứng đắn ,...thì càng tốt chứ sao! Cái quan trọng dù "anh" là cái gì (trí thức hay DN) thì cũng phải có tâm , có tầm với dân ,với nước.
Trả lờiXóatheo tôi, nên phân biệt rõ ranh giới giữa doanh nhân và trí thức. Hai giới có những đặc thù trong công việc và mục đích công việc khác nhau. Thực sự thời điểm hiện tại, không nên khuyến khích những doanh nhân trở thành trí thức hoặc ngược lại.
Trả lờiXóaRiêng tôi, có thể hơi cực đoan, nhưng hoàn toàn phản đối chuyện ra đời một tầng lớp mới gọi là " Doanh nhân - trí thức ", biết bao nhiêu doanh nhân nước ta cũng tự nhận là trí thức đấy, hãy nhìn vào việc họ làm xem họ có xứng đáng là 1 doanh nhân chân chính không chứ đừng nói là một trí thức giỏi
Ẩn danh 17:21
Trả lờiXóaKhông cần phân biệt rõ như bạn 00:34 , nhưng lại cần có thái độ rõ với các doanh nhân nào mà không có tâm với nước , với dân , VD: sẽ không mua gạch của anh nữa khi anh có thái độ như vậy...Chúng ta nên tránh sự thái quá dễ dẫn đến tiêu cực ngay từ trong nhận thức. Tôi hiện vừa là DN nhưng cũng tham gia các công tác XH nhiệt tình không vụ lợi. Mọi điều chỉ là tương đối thôi. Nhưng sẽ là tuyệt đối với ai đó không không thể hiện lòng yêu nước , thương dân.