Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

ĐỀ NGHỊ BỘ CHÍNH TRỊ NGHE VUSTA BÁO CÁO ĐỊNH KỲ

"Đề nghị Bộ Chính trị nghe VUSTA báo cáo định kỳ"

13/08/2011 13:47:40
 
Bee.net.vn - Đó là một trong những nội dung quan trọng trong báo cáo của Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) do GS.VS Đặng Vũ Minh trình bày trong buổi gặp gỡ, trao đổi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội sáng 13/8.
Bee.net.vn xin giới thiệu toàn văn bản báo cáo này.

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khoá X) là văn bản quan trọng khẳng định sự  quan tâm lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức Việt Nam, trong đó có đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Hơn hai năm qua, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tích cực nghiên cứu, tổ chức quán triệt và thực hiện Nghị quyết nhằm góp phần đưa đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Liên hiệp Hội Việt Nam xin báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW như sau:

I. Những kết quả đạt được

1. Tổ chức nghiên cứu và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam

Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW (khoá X) về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; văn bản số 169-TB/TW ngày 02/8/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng thông báo kết luận của Bộ Chính trị về triển khai các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 và Hướng dẫn số 47-HD/TGTW ngày 06/8/2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng Đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng Chương trình hành động số 1900-CT/ĐĐLHH ngày 25/12/2008 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW với 3 nhóm nhiệm vụ chính là: (1) Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, (2) Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết và (3) Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang ghi chép ý kiến của các nhà khoa học.

2. Tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 1900-CT/ĐĐLHH trong  hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam

2.1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW

- Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã chỉ đạo và tổ chức nhiều hội nghị nhằm quán triệt nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động của Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam tới đông đảo cán bộ, đảng viên trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, cụ thể như sau:

+ Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam khoá V (nhiệm kỳ 2004-2009) đã ra Nghị quyết số 538-NQ/LHH về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 1900-CT/ĐĐLHH ngày 25/12/2008 của Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (tại hội nghị ngày 12/3/2009);

+ Đảng bộ Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW trong toàn Đảng bộ (ngày 25/11/2008);

+ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã phổ biến Nghị quyết số 27-NQ/TW tới tất cả các Hội ngành toàn quốc, Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam thông qua các hội nghị giao ban năm 2008-2009, đó là Hội nghị tổng kết hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc (tại Hà Nội, ngày 30/12/2008); Hội nghị giao ban Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố theo 2 khu vực là miền Nam và Tây Nguyên (tại Đăk Lăk, ngày 6/10/2009), miền Trung và miền Bắc (tại Ninh Bình, ngày 26-27/10/2009); Hội nghị giao ban các Hội ngành toàn quốc (tại Hà Nội, ngày 5/11/2009).

- Hướng dẫn các Liên hiệp hội tỉnh, thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy tổ chức quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW cho các tổ chức thành viên và trực thuộc tại địa phương.

Buổi gặp gỡ trao đổi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà khoa học thuộc VUSTA có sự tham dự của: ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ông Vũ Ngọc Hoàng, phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính....
- Đã chỉ đạo các cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trích đăng hoặc đăng toàn văn Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 1900-CT/ĐĐLHH lên các báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử và báo điện tử của Liên hiệp Hội Việt Nam để phổ biến nội dung Nghị quyết tới đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân.

2.2. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW

- Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tiến hành đánh giá tổng kết 10 năm Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trên cơ sở đó, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các Ban của Đảng, các Bộ, ngành đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động với nhiều giải pháp khác nhau nhằm củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp Hội Việt Nam. Thực hiện việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam,  rà soát, điều chỉnh và xây dựng các quy chế, quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam. Thành lập mới 03 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố, nâng tổng số Liên hiệp hội tỉnh, thành phố lên thành 57. Tiếp tục thúc đẩy việc thành lập Liên hiệp hội ở 6 tỉnh còn lại. Tiếp nhận mới 04 hội ngành toàn quốc gia nhập là thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam, nâng tổng số Hội ngành toàn quốc lên 72. Thành lập mới 48 đơn vị trực thuộc và nâng tổng số các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam lên 300.

- Đảng ủy Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp với Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch làm tốt công tác lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tập trung vào nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, động viên trí thức, đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tích cực triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các tổ chức thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam.

Tuy đại đa số đảng viên trong Đảng bộ là các đồng chí đã kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, rất nhiều đồng chí là lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhưng Đảng ủy rất quan tâm tới việc phát triển đảng viên trẻ và thành lập các chi bộ trong các hội thành viên nhằm làm tốt công tác lãnh đạo chính trị đối với hoạt động của các hội thành viên.

Hiện nay toàn Đảng bộ có 50 chi bộ với 447 đảng viên, đã thể hiện được vai trò đầu tầu gương mẫu có tác dụng lôi cuốn quần chúng trí thức. Hàng năm, Đảng bộ luôn được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đánh giá là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức quần chúng như Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam từng bước được củng cố, kiện toàn và phát triển. Hầu hết các Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có tổ chức cơ sở đảng, đã thành lập Đảng đoàn Liên hiệp hội địa phương ở 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đối với các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trên các lĩnh vực:

+ Tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Tập hợp nhiều trí thức tiêu biểu, các nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện các đề án, chính sách lớn có tính chất phức tạp, liên ngành, đa ngành của đất nước như các dự án: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xit tại Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2030, Xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020,…

+ Hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức góp phần nâng cao dân trí: Thông qua hệ thống 197 báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử và Nhà xuất bản Tri thức, Liên hiệp hội Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ trong nhân dân;

+ Hoạt động xã hội hoá khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế, xoá đói giảm nghèo: Toàn hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoá khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế, phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo, tạo được uy tín nhất định đối với các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và của xã hội, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tạo được sự tín nhiệm của cộng đồng các nhà tài trợ nước ngoài và quốc tế hoạt động tại Việt Nam.

+ Hoạt động hợp tác quốc tế: Liên hiệp hội Việt Nam tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác và đối tác tốt đẹp với các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà tài trợ song phương và đa phương. Liên hiệp hội Việt Nam chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Liên đoàn kỹ sư các nước ASEAN lần thứ 28 (Hội nghị CAFEO 28), Cuộc thi - triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 năm 2010 tại Hà Nội năm 2010. Liên hiệp hội Việt Nam tham gia triển khai thực hiện dự án phòng chống HIV/AIDS do Quỹ toàn cầu tài trợ cho Việt Nam. Nhiều Hội ngành toàn quốc cũng tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tốt với các tổ chức quốc tế và quốc gia trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

+ Hoạt động tôn vinh trí thức và các giải thưởng, hội thi: Trong thời gian qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức tốt việc gặp mặt trí thức tiêu biểu có nhiều đóng góp cho đất nước ở trung ương cũng như ở các địa phương. Đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước đổi mới, nâng cao chất lượng Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và các giải thưởng, cuộc thi khác do Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên chủ trì. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Liên hiệp Hội Việt Nam và qua hoạt động này đã tuyên dương nhiều nhà khoa học có đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

2.3. Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác để giải quyết những vấn đề chung của đất nước

- Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc và báo cáo trực tiếp với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số Ban của Đảng về tình hình hoạt động của cả hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo và đề xuất các kiến nghị, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chỉ thị số 42-CT/TW, tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2010-2015); tư vấn và tham mưu cho Đảng các vấn đề liên quan đến công tác vận động trí thức, các chương trình và dự án quan trọng của đất nước trước khi Bộ Chính trị xem xét và thông qua.

- Đối với Quốc hội: Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số Uỷ ban và cơ quan của Quốc hội tạo điều kiện để Liên hiệp Hội Việt Nam (trong đó có nhiều Hội ngành toàn quốc) tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản luật liên quan; tham gia xây dựng một số dự thảo văn bản luật; phối hợp, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội là đại diện cho trí thức KH&CN trước dịp diễn ra các kỳ họp Quốc hội. Liên hiệp Hội Việt Nam tích cực tham gia hiệp thương và giới thiệu trí thức KH&CN tiêu biểu trong toàn hệ thống tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016.

- Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương: Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao và theo chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam; tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và một số sở, ngành địa phương nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt trong việc thực hiện các đề án theo Thông báo Kết luận số 353-TB/TW ngày 25/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương và Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 12/5/2011 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Liên hiệp Hội Việt Nam. Các Hội ngành toàn quốc triển khai nhiều chương trình hợp tác với các Bộ, ngành trong các lĩnh vực liên quan.

2.4. Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị

- Sau khi Ban Bí thư Trung ương ra Thông báo số 353-TB/TW ngày 25/6/2010 về việc xác định các đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và Hướng dẫn số 106-HD/TGTW ngày 25/5/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam xây dựng Chương trình hành động số 05-CT/ĐĐLHH ngày 09/8/2010 của Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

- Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW và Chương trình hành động 05-CT/ĐĐLHH tới các cán bộ, Đảng viên tại Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam; tới các tổ chức thành viên và trực thuộc tại Hội nghị giao ban các Hội ngành toàn quốc (tại Vĩnh Phúc, ngày 22/9/2010), Hội nghị giao ban các Liên hiệp hội địa phương khu vực miền Bắc (tại Hoà Bình, ngày 30-31/8/2010), khu vực miền Nam (tại Hậu Giang, ngày 13-14/9/2010), khu vực miền Trung-Tây Nguyên (tại Đà Nẵng, ngày 28-29 /10/2010).

- Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng 5 đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW theo Thông báo số 353-TB/TW ngày 25/6/2010 và trình Ban Bí thư xem xét, bao gồm:

+ Dự thảo Luật phổ biến kiến thức và dự thảo Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp để trình Quốc hội đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.

+ Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với các hội thành viên và với các liên hiệp hội ở tỉnh, thành phố. Nghiên cứu thành lập tổ chức thu hút trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước.

+ Cơ chế phát huy vai trò của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước, chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, các chương trình, dự án lớn, trong đó có việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam (thay thế Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ).

+ Cơ chế, chính sách về tài chính và các điều kiện khác bảo đảm hoạt động có hiệu quả của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Quy chế hoạt động của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật và các đảng đoàn, ban cán sự đảng có liên quan.

- Liên hiệp Hội Việt Nam đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ theo Thông báo số 116/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Liên hiệp Hội Việt Nam, trong đó có một số nhiệm vụ chủ yếu là:

+ Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo Kết luận số 353-TB/TW.

+ Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam.

+ Phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo đúng tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, trong đó đã xác định Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội.

+ Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Liên hiệp Hội Việt Nam theo quy định pháp luật.

+ Lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới của Liên hiệp Hội Việt Nam bảo đảm tương xứng với vai trò, vị trí và tính chất hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

+ Phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn thành các đề án đã được giao tại Thông báo số 353-TB/TW để báo cáo đúng thời hạn quy định.

II. Những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai

1. Những khó khăn, tồn tại

- Công tác củng cố và phát triển tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW chưa được quan tâm đúng mức; tổ chức phát triển nhanh về số lượng, nhưng năng lực và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; tỷ lệ tập hợp trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, trí thức Việt kiều vào các tổ chức hội thành viên còn thấp, chỉ khoảng 1/3 số lượng trí thức trong cả nước. Chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động và cơ chế quản lý của cơ quan Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương chưa được hoàn thiện. Hệ thống cơ cấu tổ chức, bộ máy bộc lộ nhiều điểm bất cập, thiếu tính đồng bộ và thống nhất. Tính định hướng và sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đối với các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc chưa sâu sát và thiết thực.

- Hoạt động của Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương, đặc biệt ở các Liên hiệp hội địa phương còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc. Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương vừa thiếu cán bộ chuyên trách, vừa thiếu cán bộ có năng lực và kinh nghiệm hoạt động trong tổ chức của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Phần đông cán bộ của các Hội ngành toàn quốc là cán bộ cao tuổi đã nghỉ hưu, thiếu cán bộ trẻ có năng lực và tâm huyết trong hoạt động hội.

- Liên hiệp Hội Việt Nam chưa tổ chức được nhiều hoạt động lớn, chưa có cơ chế để Nhà nước giao kinh phí thực hiện các chương trình, dự án quy mô quốc gia để tập hợp, thu hút đông đảo trí thức tham gia giải quyết, đặc biệt là những vấn đề lớn, bức xúc của đất nước trong phát triển KH&CN, GD&ĐT, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công tác vận động trí thức. Một số hội ngành toàn quốc ch¬ưa phát huy được vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học kỹ thuật. Mặt khác, Liên hiệp Hội Việt Nam còn chậm tổng kết, đánh giá và phổ biến ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.

2. Nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại

- Một số cơ quan Đảng, Nhà nước chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về vị trí, vai trò của các hội trí thức, đặc biệt là về Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết trí thức ở trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, việc thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 27-NQ/TW thành các chính sách, chế độ, quy chế cụ thể chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời; hành lang pháp lý vẫn chưa thuận lợi cho Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên hoạt động và phát triển. Một số bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương chưa thực sự tạo nhiều điều kiện để các Hội ngành toàn quốc và các Liên hiệp hội địa phương hoạt động có hiệu quả.

Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, nhưng chưa được tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí và biên chế để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao.

- Phương thức hoạt động tại Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam cũng như tại các Hội thành viên đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh; chưa chú trọng hướng dẫn thống nhất cho các địa phương về tổ chức, nhân sự và hoạt động; cơ chế phối hợp điều hành còn yếu, sự liên kết dọc, ngang trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam chưa được xây dựng và thực hiện có hiệu quả, làm giảm sức mạnh tổng hợp của Liên hiệp Hội Việt Nam.

- Liên hiệp Hội Việt Nam chưa thực sự chú trọng quảng bá và giới thiệu có chiều sâu hoạt động và hình ảnh của tổ chức. Nhà nước vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi để các hội của trí thức thực hiện các dịch vụ công, tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát hoạt động nghề nghiệp…

- Chính sách hỗ trợ tài chính cho các hội khi thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước chưa được thực hiện nghiêm túc. Các hội thành viên còn lúng túng và gặp khó khăn trong việc tạo nguồn tài chính cho các hoạt động; các hội ngành toàn quốc không có biên chế cán bộ, phải tự trang trải mọi chi phí nên khả năng tập hợp trí thức, đặc biệt là trí trẻ còn nhiều hạn chế. Số lượng biên chế cán bộ của cơ quan Liên hiệp hội ở trung ương và địa phương quá ít, nguồn tài chính hạn hẹp không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cho hoạt động, nhất là kinh phí cho công tác chính trị tư tưởng, công tác đảng, đoàn thể. Điều kiện làm việc tại Cơ quan Trung ương cũng như ở các hội thành viên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển để cán bộ trẻ yên tâm làm việc lâu dài.

III. Một số đề xuất, kiến nghị

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Liên hiệp Hội Việt Nam có một số kiến nghị với Đảng và Nhà nước như sau:

1. Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị là sự cụ thể hóa rất quan trọng Nghị quyết số 27-NQ/TW đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ hoạt động trong Liên hiệp Hội Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương đã có Thông báo kết luận số 353-TB/TW ngày 25/6/2010 về việc xác định các đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng nghiên cứu, quán triệt đầy đủ mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ và giải pháp của Chỉ thị số 42-CT/TW, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương về vị trí, vai trò của các hội trí thức, đặc biệt là về Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết trí thức ở trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và có hình thức tuyên truyền phù hợp trong nhân dân; chỉ đạo các cơ quan Nhà nước thể chế hóa kịp thời Chỉ thị số 42-CT/TW nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển trở thành tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh; chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị.

Vướng mắc rất lớn hiện nay là Chỉ thị số 42-CT/TW đã xác định rõ Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động cho Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương như các tổ chức chính trị - xã hội khác, nhưng trên thực tế việc thực hiện kết luận đó trong Chỉ thị còn gặp khó khăn do Liên hiệp Hội Việt Nam hiện đang bị điều chỉnh bởi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động hội, coi Liên hiệp Hội Việt Nam là một hội đặc thù giống như các hội xã hội - nghề nghiệp khác.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, đưa Liên hiệp hội Việt Nam ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này để phù hợp với tinh thần của Chỉ thị số 42-CT/TW, tuy vậy vẫn chưa có tiến triển trong việc sửa đổi Nghị định. Đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo xử lý nhanh chóng vướng mắc này. Việc ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đồng thời cũng cần phải xác định một căn cứ pháp lý khác cho Liên hiệp Hội Việt Nam, vẫn đảm bảo là một tổ chức chính trị - xã hội có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, song hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam nên tạo thành một môi trường mở, linh hoạt, tránh bị hành chính hóa và gây thêm khó khăn về bộ máy, về biên chế và kinh phí cho nhà nước.

2. Lực lượng trí thức khoa học và công nghệ tập hợp trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng đông đảo và đã trực tiếp tham gia giải quyết nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực ở Trung ương cũng như ở các địa phương, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức tin cậy của Đảng và Nhà nước.

Đề nghị Đảng và Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi để Liên hiệp Hội Việt Nam là một đầu mối chính thức phản ánh, cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến công tác trí thức và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội Việt Nam chủ động tham mưu, đề xuất cho Đảng và Nhà nước, tư vấn, phản biện những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

3. Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư định kỳ nghe Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam báo cáo trực tiếp những vấn đề liên quan đến công tác trí thức khoa học và công nghệ.

Liên hiệp Hội Việt Nam xin báo cáo và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước.

GS.VS Đặng Vũ Minh
Nguồn: Bee.net.vn.
.

8 nhận xét :

  1. "Hơn hai năm qua, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tích cực nghiên cứu ..."
    Chỗ này, tác giả báo cáo viết tắt rất cẩu thả và kém về mặt ngôn ngữ. Không thể viết tắt "Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam " là " Liên hiệp Hội Việt Nam" được. Ở VN hiện có bao nhiêu là hội đoàn. Đơn cử những hội lớn, nào là: Hôi Cựu chiến binh, Hội LH Phụ nữ, Hội Nông dân VN, v.v. Vậy những hội này có nằm trong " Liên hiệp Hội Việt Nam" không? Viết như vậy, người đọc nếu không chú ý sẽ nghĩ rằng đây là tất cả các hội ở VN.
    Lẽ ra,nếu muốn viết tắt,nên để nguyên tên tắt có sẵn là VUSTA hoặc phải được viết là " Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam" hoặc "LHHKHKT Việt Nam" mới ổn.

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Đăng Hưnglúc 11:41 15 tháng 8, 2011

    Là nhà giáo đã nghĩ hưu, đã có 40 năm hoạt động khoa học tại Bỉ, đã xuất bản trên 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế về ngành cơ học tính toán, nay tôi đã hồi hương và có lại quốc tịch VN, tôi tự hỏi tôi có được đương nhiên là thành viên VUSTA không? Hình như vẫn chưa có "cơ chế" nào cho trường hợp này? Thiếu sót này làm cách nào chỉnh sữa vì không có là làm ngơ trước một "bộ phận không thể tách rời" của dân tộc Việt đặc biệt những nhà khoa học người Việt đang sinh sống ở nước. Ở các nước tiên tiến việc này được coi là đương nhiên chẳng cần cơ chế cơ chiếc gì cả !

    Tôi xin phép góp ý về bản "đề nghị cho Bộ Chính Tri" của GS.VS Đặng Vũ Minh, được đăng tải lại nguyên văn trên đây. Tôi chỉ góp ý về cái quan trọng nhất. Chi tiết khác, nhiều lắm, xin dành cho dịp khác, trong khuôn khổ sinh hoạt của VUSTA là tốt nhất.

    Tôi thấy đề nghị này không bàn đến một việc cơ bản có liên quan đến sự sống còn của dân tộc Việt Nam: Thái độ của các nhà khoa học Việt Nam ngày nay về lãnh hải Việt Nam, chánh sách khoa học của Chính phủ Việt Nam về biển Đông Nam Á đặc biệt về việc TQ biến Biển Đông Nam Á thành ao nhà của Trung Quốc qua áp đặt đường lưởi bò, vi phạm luật biển quốc tế, chà đạp lên quan hệ hữu nghị Việt-Trung đã bao lần khẳn định qua những tuyên bồ chính thức của chính phủ và Đảng CS TQ.
    1. Tôi đề nghị các nhà khoa học VUSTA phải lên tiếng vì TQ muốn đặt cả thế giới trước chuyện đã rồi và ngang nhiên chỉ đạo cho các nhà khoa học TQ tuyên truyền trái phép trên các bài báo quốc tế về địa lý, mội trường khí hậu, công bố bản đồ TQ có kèm theo đường lưởi bò chiếm đoạt trái phép đến 80% biển Đông.
    Cho đến nay các nhà khoa học Việt kiều đã đồng loạt lên tiếng phản đối, có người đã trực tiếp gởi thư phản đối trực tiếp đến các cơ quan báo chí quốc tế nhưng VUSTA, một Hiệp Hội khoa học chính thức đại diện cho khoa học của 85 triệu dân VN vẫn chưa có động tác nào cụ thể?
    Đây là một sơ sót đáng trách và nếu tiếp tục như thế, hình ảnh của VUSTA sẽ bị tác hại nghiêm trọng trước thế giới và dân tộc Việt Nam.

    2. Tôi đề nghị VUSTA nên thành lập nhanh chóng một ban nghiên cứu quốc gia về biển Đông Nam Á đặt biệt chú trọng đến việc nghiên cứu và phổ biến bằng tiếng nước ngoài những tài liệu lịch sử khẳn định chủ quyền của VN trên hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một tiểu ban về luật quốc tế cũng nên thành hình để chuẩn bị đối mặt với việc đưa ra nhờ Liên Hiệp Quốc hay tòa án quốc tế xét xử khách quan về những tranh chấp trên Biển Đông Nam Á. Dù muốn hay không ngày xét xử cũng sẽ đến vì một nạn nhân thành viên khối ASEAN là Phi Luật Tân đang đi đúng hướng trên lĩnh vực này. Các ban này nên mở rộng cho việc tham gia của các trí thức Việt kiều năm châu vì họ là những chuyên gia được quốc tế nễ trọng, họ giỏi ngoại ngữ, họ có nhiều phương tiện nghiên cứu.
    TQ bỏ ra hàng chục triệu USD hằng năm cho việc nghiên cứu Biển Đông Nam Á, TQ đã có chủ tâm tuyên truyền sâu rộng lập trường phi pháp của họ. Ta có chính nghĩa, có lịch sữ minh định lẽ nào ta im lặng chấp nhận sự việc đã rồi trước sự chê cười của dư luận quốc tế?
    GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng

    Trả lờiXóa
  3. ý kiến của bác Đăng Hưng xác đáng và "thời sự" quá. Cháu hoàn toàn bị thuyết phục bởi ý kiến này. Chúc bác Hưng phẻ mạnh để có nhiều cống hiến hơn nữa cho nước nhà

    Trả lờiXóa
  4. Cháu vừa định giới thiệu bài trên blog của bác Nguyễn Đăng Hưng vào đây thì đã nhìn thấy comment của bác. Là một người làm khoa học, cháu hoàn toàn đồng ý với đề nghị của bác. Cứ quan sát việc đường lưỡi bò của Trung Quốc đã nhiều lần được xuất hiện trên các tạp chí khoa học khác nhau của thế giới, trong đó có các tạp chí nổi tiếng, thì thấy được một sự gắn kết chặt chẽ giữa giới khoa học và các nhà cầm quyền Trung Quốc. Trong khi đó, quỹ nghiên cứu biển Đông hình như chưa quy tụ đủ nhân lực cần thiết nên còn chậm khi đưa ra những phân tích đi thẳng vào điểm yếu còn tồn tại của chúng ta, ví dụ như công hàm 1958. Việc phản bác lại các bài báo công bố đường lưỡi bò của Trung Quốc trên các tạp chí thế giới đa phần là do các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài làm nhưng với tư cách cá nhân. Thời điểm này rất cần sự đoàn kết giữa các trí thức trong và ngoài nước.

    Trả lờiXóa
  5. Tuổi 60 là cái tuổi sung sức của các nhà KH, nhưng ở VN thì "nghỉ luôn" giống như các công chức NN!
    Tổ chức VUSTA giống như cái "nhà dưỡng lão" sống bằng "chế độ" NN thì hoạt động ko thể có hiệu quả!
    Các nhà KH phải thật sự có tài (ko cần bao cấp),và phải có trái tim kẻ sĩ!

    Trả lờiXóa
  6. Tôi có ý kiến này:
    1. Nhà nước hình như đánh giá các nhà khoa học rất thấp
    2. Các nàh khoa học chớ có tưởng bở về lương lậu bổng lộc từ phía nhà nước. hãy mang chất xám của mình đi bán cho ai cần và trả tiền cao, các vị hãy đóng thuế thu nhập cá nhân, đó thiết tưởng cũng là đóng góp cho tổ quốc đấy.
    3. Đừng mơ hồ nữa, nếu SD ngân sách NN để nghiên cứu khoa học thì thực chất là vô bổ, bấy lâu có thấy CT khoa học nào đáng giá đâu. Hãy dùng ngân sách của mình, hay của ai đó đầu tư (trừ NN) kết quả thì các vị cũng biết rồi đấy

    Trả lờiXóa
  7. Rất đồng tình với ý kiến của bác Nguyễn Đăng Hưng. VUSTA cần phải lên tiếng và quan tâm đến vấn đề nóng bỏng ở biển Đông mới xứng là đại diện cho giới trí thức nước nhà.

    Trả lờiXóa
  8. Nội dung chính tắc của NGS.VS Đặng Vũ Minh trình bày trong buổi gặp gỡ, trao đổi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội sáng 13/8; Với ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng chứng tỏ VUSTA chưa thống nhất cao, VUSTA chúng ta cần nghiên cứu lại.

    Trả lờiXóa