Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

TRẦN VŨ LONG: VÀI SUY NGHĨ NHỎ VỀ LÒNG YÊU NƯỚC

Tác giả Trần Vũ Long và nhà văn Phạm Xuân Nguyên
Vài suy nghĩ nhỏ về lòng yêu nước
Trần Vũ Long

Trong một xã hội mà mọi giá trị, mọi quan hệ đều được nhẩm tính thành lợi nhuận. Khi mà con người ta chỉ lo nghĩ cho cá nhân mình, bàng quan với những số phận xung quanh, bàng quan với xã hội mình đang sống, bàng quan với vận mệnh của dân tộc trước hiểm họa xâm lăng và những hiểm họa tiềm ẩn. Mọi thứ đối với họ đều như nước chảy bèo trôi, miễn là đừng có ảnh hưởng đến nồi cơm nhà mình, ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân. Vậy mà bên cạnh đó lạị có những con người gác mọi công việc, toan tính cá nhân để xuống đường thể hiện lòng yêu nước. Thử hỏi, họ làm như vậy thì sẽ được lợi gì cho bản thân, hay chỉ chuốc thêm phiền toái vào mình: đội nắng đi ngoài đường, nói khản cổ, rồi không may bị công an, đàn áp bắt bớ, đến nhà hỏi han nhiêu khê. Thậm chí còn bị không ít người kích bác cho là điên, dở người. Thực tế là kẻ viết bài này cũng đã một lần xuống đường (24/7), sau khi những ngư dân của ta bị đàn áp ngoài khơi, và trong đất liền những người biểu tình yêu nước cũng bị “tặng” những cú đạp “thần sầu” vào mặt. Quả thực tôi đã vô cùng sốc, và gần như bật khóc khi tiếp nhận những thông tin đó. Cảm thấy lòng tự tôn dân tộc của mình đang bị chà đạp, tôi quyết định xuống đường để trải nghiệm cùng những người yêu nước. Mặc dù trước đó tôi đã rất muốn xuống đường nhưng vì điều kiện cá nhân nên rất khó để tham gia. Sau đó ít ngày, có một nhà báo đã nói với tôi bằng thái độ không thiện chí, thậm chí có phần kích bác. Tôi nói lại với anh ta rằng: “khi nào ông có thái độ nghiêm túc và hiểu biết đúng đắn thì tôi sẽ nói chuyện với ông về việc này”. Tôi cũng đã đọc ở một blog nào đó bài viết của họa sĩ Đỗ Đức, kể lại câu chuyện khi ông công tác châu Âu, tình cờ gặp một số nhà văn nhà thơ ở bên đó. Câu chuyện trà dư tửu hậu của họ lại dẫn đến chuyện những người biểu tình phản đối Trung Quốc. Có ông nhà thơ đã lên giọng để phản bác việc làm đó. Tôi còn được biết, sau khi về nước ông nhà thơ kia còn rêu rao đây đó đầy miệt thị những người biểu tình. Kể ra như vậy không phải là để khoe mình có tấm lòng yêu nước, hay để chỉ trích anh chàng nhà báo cũng như ông nhà thơ là không yêu nước. Có thể tình yêu nước trong mỗi chúng ta có một sắc thái khác nhau, có cách thể hiện khác nhau và chúng ta cần phải trân trọng nhau, trân trọng tình cảm thiêng liêng đó trong mỗi con người. Chúng ta vẫn thường xem, đọc tin tức ở nước này nước kia, người dân xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh đang diễn ra ở một quốc gia xa lắc xa lơ nào đó. Vậy thì tại sao khi tổ quốc mình bị đe dọa mà ta lại không thể xuống đường thể hiện lòng yêu nước. Chúng ta phải đoàn kết và đặt niềm tin vào nhau thì mới mong xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình chứ. Vâng, tôi muốn nhấn mạnh hai chữ Niềm Tin. Niềm tin của con người dành cho nhau. Niềm tin của người dân vào các cơ quan công quyền và ngược lại. Mặc dù hai chữ đó đang ngày càng mai một, đang ngày càng trở nên xa xỉ. Nhưng không phải vậy mà chúng ta mất hy vọng.

Sẽ thật là đáng buồn nếu như lòng yêu nước của mỗi công dân lại không được nhìn nhận một cách khách quan và đúng đắn. Và cũng thật đáng thương và xót xa cho những con người có thái độ vô cảm trước đồng loại và vận mệnh của dân tộc.
Đêm Vu lan 2011.

5 nhận xét :

  1. Đồng cảm với Trần Vũ Long!

    Trả lờiXóa
  2. Cái Ác sắp lên ngôi,nếu không bị ngăn chặn

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi thì cái ác, sự dối trá đã lên ngôi trong xã hội này rồi đấy chứ, bác Nokiax6 ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều ông được gọi là nhà thơ nhà văn nhạc sĩ họa sĩ ở nước mình, tiếng là hoạt động văn hóa nhưng trình độ văn hóa hạng bét, chỉ cần nhìn thái độ thờ ơ của đại đa số bọn họ trong nhiều năm tháng qua trước sự suy thoái về văn hóa đạo đức của xã hội là đủ biết. Hạng giá áo túi cơm không hơn không kém. Chỉ tội cho những người nông dân làm ra hạt gạo nuôi bọn họ!

    Trả lờiXóa
  5. Bạn Trần Vũ Long mến. (Xem hình thì bác trẻ hơn tớ, nên xin phép gọi tiếng "bạn" quí mến nhé!).

    Tớ chỉ mới rời quê hương 5 năm nay thôi. Trước đây tớ sống ở miền Nam nhưng bạn bè gốc Trung, gốc Bắc của tớ cũng khá đông, nên tớ nghĩ có lẽ tớ không lầm đâu khi nói thế này: bạn và những người biểu tình ở Hà Nội vào "những Chủ Nhật Yêu Nước" hai tháng qua KHÔNG CÔ ĐƠN đâu. Thoạt nhìn sự vô cảm chung quanh thì chúng ta có thể buồn lòng thật, nhưng tôi tin rằng tình yêu non sông, yêu dân tộc vẫn còn rất đậm đà, âm ỉ sâu trong lòng rất nhiều người dân Việt "thầm lặng". Họ chưa lên tiếng đó thôi, hoặc tình yêu đó chưa có được cơ hội thuận tiện để bùng phát.

    Và, thà chúng ta thắp lên một que diêm còn hơn mãi ngồi nguyền rủa bóng tối! Tôi tin rằng ngọn lửa thiêng của giống nòi dân Việt sẽ lại bùng cháy. Việt là "Vượt": vượt qua đau thương tang tóc, vượt qua nghi ngại chia rẽ, vượt qua ù lý chậm lụt, vượt qua những thất vọng và mất niềm tin... Tôi tin!

    Ở Mỹ cũng có nỗi buồn bạn ạ. Năm ngoái năm kia cộng đồng Việt Nam ở đây cũng tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc. Tớ đọc lời kêu gọi biểu tình trên báo, hết sức buồn khi thầy in hàng chữ rất to, đại ý: "tuyệt đối không chấp nhận bất cứ ai mang cờ đỏ sao vàng hay những biều tượng tương tự đến tham dự", trong khi nơi tớ sống có rất nhiều du sinh Việt Nam...

    Đúng, tớ cũng đồng ý với bạn rằng: "Chúng ta phải đoàn kết và đặt Niềm Tin vào nhau thì mới mong xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình chứ!"

    Tấm hình chụp bạn, bác nhà văn Phạm Xuân Nguyên và cô bạn trẻ Trịnh Kim Tiến đang cùng giăng biểu ngữ trên tay, đối với tôi là một trong những hình ảnh cảm động nhất và đẹp nhất thời gian qua. Ý tớ muốn nói đến nội dung tấm biều ngữ ý. Chúng ta hãy cùng thắp lại Hòa Giải và Niềm Tin, để mà "Vượt", bạn nhé!

    Mong có ngày tớ được về thăm quê hương, ôm lấy tất cả các bác mà khóc vì vui mừng!

    Trả lờiXóa