Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

NGUYỄN MINH THUYẾT: TÔI SẼ XẤU HỔ NẾU NÓI SAI SỰ THẬT

Nguyễn Minh Thuyết:Tôi sẽ xấu hổ nếu nói sai sự thật

Hoàng Hường (thực hiện) 

“Người dân rất tinh. Nếu đại biểu QH hoạt động vì dân sẽ được dân tín nhiệm. Nếu ai đó vào QH với động cơ không trong sáng, dân cũng sẽ nhận ra ngay” – nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết.

Đã có lúc nổi tiếng hơn một ngôi sao, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không chỉ làm nóng diễn đàn Quốc hội khóa XI, XII mà tên ông còn phủ kín các mặt báo với những phát biểu mạnh mẽ, khảng khái, sắc sảo về những vấn đề thời sự nóng của đất nước. 

Tuy giờ đây cử tri và nhân dân cả nước không còn được mong chờ đến phiên đăng đàn của ông, nhưng vị đại biểu đã hết nhiệm kỳ vẫn chưa hết nhiệt huyết với sự phát triển của đất nước.

Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông về Quốc hội khóa XIII đang có phiên họp đầu tiên.

Có nhiều doanh nhân trong QH là tốt, nhưng...

Ông có theo dõi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra?
 

Tôi và nhiều đại biểu đã hết nhiệm kỳ được mời tham dự các phiên họp chính thức. Tuy nhiên, vào đúng ngày khai mạc, tôi lại đi công tác cùng Hội đồng Di sản Quốc gia nên không dự được. Tôi theo dõi qua ti vi và báo chí.
 
Qua mắt một đại biểu cũ, ông có suy nghĩ và kỳ vọng gì vào khóa Quốc hội mới này? 

Quốc hội khóa XIII bắt đầu nhiệm kỳ trong điều kiện có khá nhiều vấn đề đang tồn tại, cả thuận lợi và khó khăn.

Thuận lợi lớn nhất là với tinh thần đổi mới của Đảng, Quốc hội ngày càng phát huy được vai trò của mình là đại diện cho nhân dân để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Nguyên ĐBQH Nguyễn  Minh Thuyết

Hoạt động của Quốc hội các khoá gần đây, nhất là khóa XII vừa rồi, đã được người dân hết sức quan tâm, tán thành. Đấy là một thuận lợi lớn cho Quốc hội khóa XIII tiếp tục phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, theo như thống kê, Quốc hội kỳ này có số đại biểu trình độ học vấn cao nhiều hơn so với khóa trước. Đó cũng là một tiền đề tốt cho các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này hoạt động có hiệu quả hơn. 

Nhưng thử thách đối với đại biểu kỳ này nhiều hơn thuận lợi. 

Thứ nhất, Quốc hội khóa XIII nhận nhiệm vụ giữa lúc kinh tế của đất nước có rất nhiều khó khăn, lạm phát cao, đời sống của người lao động không được đảm bảo.

Thứ hai, về mặt chính trị - xã hội, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tổ quốc đang đặt ra gay gắt. Sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đã tạo ra những vấn đề xã hội đáng quan tâm. Người dân đang trông đợi Quốc hội ra Nghị quyết về Biển Đông.

Theo tôi đây sẽ là thử thách đầu tiên đối với uy tín và bản lĩnh của Quốc hội. Tôi tin rằng với một nghị quyết hợp lòng dân, QH sẽ xác lập được uy tín của mình ngay từ những ngày đầu hoạt động. 

Thứ ba, cuộc đấu tranh chống tham nhũng mặc dù đã được thể chế hóa bằng quy định của pháp luật, bằng tổ chức, cụ thể là thành lập và đưa các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương vào hoạt động, nhưng vẫn chưa có được chuyển biến căn bản. 

Trung ương đã nhiều lần thể hiện quyết tâm - ít nhất là bằng các nghị quyết và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo - nhưng trên thực tế, kết quả của cuộc đấu tranh này vẫn còn xa mới đáp ứng được yêu cầu. Phải nói thẳng là nếu không chống được tham nhũng thì sẽ mất lòng dân, giảm sút sức mạnh của đất nước, từ đó sự tồn vong của chế độ, của đất nước cũng bị đe dọa, nhất là trong thời điểm nước ngoài đang đe dọa chủ quyền của ta. 

Thách thức thứ tư, theo tôi, là tăng cường dân chủ. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề cao dân chủ và chúng ta đều đánh giá đó là một điểm nhấn của Đại hội. Nhưng trên thực tế, quyền lợi của dân ở nhiều nơi vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Ý tôi muốn nói đến những quyền và lợi ích rất cụ thể, thiết thân trong đời sống hằng ngày, chứ chưa nói đến cái quyền to hơn là làm chủ đất nước. Khẩu hiệu 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra' vẫn chưa đi vào thực tế, cơ chế để dân thực hiện vẫn chưa có gì mới. Lúc này lúc khác đã có hiện tượng dân chưa thật tin vào lãnh đạo, và ngược lại, lãnh đạo cũng chưa thật tin vào dân. Nếu không khắc phục được hiện tượng này thì làm sao củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc? Cần nhấn mạnh rằng nếu không thực thi được dân chủ thì không thể xây dựng được một xã hội phát triển bền vững. 

Thứ năm, là thách thức về văn hóa - giáo dục. Các giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang sa sút nghiêm trọng. Còn về giáo dục, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Sự phát triển của văn hóa - giáo dục bao giờ cũng có độ trễ so với kinh tế. Nếu không có những kế sách đúng đắn ngay từ bây giờ, e rằng hết nhiệm kỳ này, văn hóa - giáo dục sẽ không có gì tiến bộ. 

Đây là năm thách thức cơ bản đối với các đại biểu Quốc hội đương nhiệm; cũng là thách thức đối với các thành viên Chính phủ. 

QH khóa này được nhìn nhận là một trong những nhiệm kỳ có nhiều doanh nhân (được đề cử và tự ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội). Ông đánh giá điều này sẽ tác động tới Quốc hội ra sao?

Số doanh nhân tham gia Quốc hội khoá này nhiều hơn các khoá trước thật. Nhưng khi chúng ta đã xác định xây dựng nền kinh tế thị trường thì doanh nhân là những nhân vật mới của xã hội, là những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Họ xứng đáng được có tiếng nói trong xã hội mà cơ quan đại diện cao nhất cho người dân trong xã hội ấy là Quốc hội. 

Nhưng việc có nhiều doanh nhân tham gia diễn đàn Quốc hội cũng đặt ra một cảnh báo là làm sao các đại biểu - doanh nhân đóng đúng vai đại biểu của dân, chứ không phải đại biểu riêng cho lợi ích giới kinh doanh hay lợi ích của doanh nghiệp mình. 

Tôi đặc biệt quan tâm đến một tin gần đây trên Tuần Việt Nam là một đại biểu - doanh nhân trong những ngày đầu tham gia Quốc hội đã tuyên bố với báo chí: hạn chế tín dụng đối với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán là bất hợp lý. Không biết doanh nhân này muốn gửi tín hiệu gì đến QH. Nhưng qua phát biểu đó, người dân có quyền lo lắng đại biểu QH sẽ không thật khách quan trong việc quyết định chính sách.

Chúng ta phải luôn nhớ đến lời Bác Hồ nói với các đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước ta được bầu ra năm 1946: "Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của dân tộc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng".

Đó là hai điều mà tôi với tư cách công dân muốn nhắn gửi tới các vị đại biểu QH.

Trước khi QH mới chính thức ra mắt, cũng có ý kiến lo ngại về động cơ tham gia QH của một số doanh nhân. Ông có thấy sự băn khoăn đó có cơ sở không?
Đàng hoàng, bản lĩnh, khiến tôi nhớ nhất là Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong khóa XI, có lần, tôi yêu cầu Thủ tướng, với cương vị đứng đầu Chính phủ, phải xin lỗi nhân dân vì từ ngày thành lập nước tới nay chưa bao giờ có chuyện lãnh đạo nhiều bộ, ngành vi phạm kỷ luật, thậm chí phải ra tòa như khóa này.
Sau đó lên phát biểu trên diễn đàn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước QH và nhân dân. Giờ nghỉ, tôi đang đứng hút thuốc ngoài sảnh thì Thủ tướng chắc bị mấy nhà báo "bủa vây", vô tình bước đến. Ông bắt tay và trò chuyện với tôi rất cởi mở.

Đúng là vào QH thì có rất nhiều cơ hội tiếp xúc, vì phần lớn lãnh đạo trung ương và tất cả lãnh đạo địa phương đều hoạt động trong QH cả. Theo quan sát của tôi thì không chỉ doanh nhân đâu, mà cũng có những người thuộc giới khác tranh thủ thiết lập quan hệ, tạo thuận lợi cho công việc của mình. Nhưng người dân dễ tập trung quan sát doanh nhân hơn. Đó cũng là điều nhắc nhở các đại biểu - doanh nhân giữ gìn hơn, làm việc công tâm hơn. Người xưa chẳng có câu "Qua ruộng dưa, chớ sửa giầy" là gì! 

Tôi tin là người dân rất tinh. Nếu đại biểu QH hoạt động vì dân, sẽ được dân tín nhiệm. Nếu ai đó vào QH với động cơ không trong sáng, dân cũng sẽ nhận ra ngay. 

"Vợ tôi đánh giá cao ĐB Phạm Thị Loan" 

Trong QH khóa XII, ông cùng với đại biểu Phạm Thị Loan (là một doanh nhân) được nhắc đến như những đại biểu sắc sảo và bản lĩnh trên diễn đàn, tạo được những đột phá và diện mạo mới cho cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Khi mãn nhiệm kỳ, ông đã tìm được gương mặt đại biểu nào trong QH khóa XIII có thể tiếp tục tạo ra những đột phá như vậy? 

Về khóa trước, tôi đánh giá rất cao trí tuệ và bản lĩnh của các đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh; Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật; Vũ Hoàng Hà, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Thông thường, những người đứng đầu cơ quan của QH, Chính phủ hoặc tỉnh thành như các đại biểu đó rất ít khi phát biểu ý kiến ở QH. Nhưng ba vị ấy là những đại biểu thường xuyên xuất hiện trong các phiên thảo luận, chất vấn, với những ý kiến rất sâu sắc và thẳng thắn, không ngại va chạm. Ngoài ra, còn nhiều đại biểu khác cũng sắc sảo và bản lĩnh như các ông Lê Văn Cuông, Dương Trung Quốc, Nguyễn Đình Xuân,... 

Riêng về đại biểu Phạm Thị Loan, vợ tôi đánh giá chị ấy rất cao. Vợ tôi giải thích: thứ nhất, chị Loan là một phụ nữ; thứ hai, chị ấy là một doanh nhân. Phụ nữ thì luôn bận rộn, ít thời gian nghiên cứu, nhưng ý kiến của chị Loan thường rất sâu sắc. Doanh nhân có rất nhiều thứ phải lo bảo vệ, nhưng chị Loan không ngại nêu những ý kiến rất khảng khái. Đó là một nữ đại biểu sắc sảo, mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng lớn. 

Trở lại với QH khóa này, một số đại biểu khóa trước có những hoạt động hiệu quả, được cử tri yêu mến như Dương Trung Quốc (đại biểu tỉnh Đồng Nai), Danh Út (đại biểu tỉnh Kiên Giang), Ngô Văn Minh (đại biểu tỉnh Quảng Nam),... vẫn tiếp tục tham gia QH. Tôi hy vọng họ sẽ là ba trong số những đại biểu góp tiếng nói có trọng lượng trong nhiệm kỳ này. 

Bên cạnh các đại biểu đó, chắc chắn sẽ xuất hiện những gương mặt mới ghi dấu ấn đậm đà. Tôi tin như vậy vì tin vào nhận xét của Cụ Nguyễn Trãi về nhân tài nước Nam: "Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Song hào kiệt đời nào cũng có."
 
Sự 'phiền toái' cũng chỉ lặt vặt...

Cá nhân tôi cũng như nhiều độc giả từng rất hồi hộp theo dõi những tiếng nói khảng khái của ông trên diễn đàn QH. Giờ sự kiện đã qua, xin hỏi ông một chút riêng tư, động lực nào thôi thúc ông có được bản lĩnh đưa ra những ý kiến mạnh mẽ như vậy, và ông có gặp khó khăn gì với những ý kiến đó không? 

Trước hết đó là vì trách nhiệm của đại biểu. Đại biểu là người thay mặt cho dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, không thể vì lo ngại cho mình mà không dám nói lên tiếng nói của nhân dân. Hai nữa, trí thức thường có thói quen suy nghĩ độc lập. Tôi sẽ rất xấu hổ nếu nói sai sự thật. 

Dịp biểu quyết về mở rộng địa giới Hà Nội, lúc bỏ phiếu thăm dò, một nửa số đại biểu ủng hộ, một nửa không. Nhưng khi các tổ Đảng họp quán triệt tinh thần ủng hộ, hầu hết các đảng viên đều theo. Lúc đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi vừa là đảng viên, vừa là đại biểu của dân, phải như thế nào? 

Tôi nghĩ một điều đơn giản: mình là trí thức, mình nghĩ thế nào thì nói thế ấy, và nói thế nào phải làm thế ấy. Nếu bây giờ mình bỏ phiếu ngược với điều mình nói thì tự mình sẽ chê cười mình, và tôi bấm nút "không tán thành". 

Những 'phiền toái' cũng lặt vặt thôi. Ví dụ, trong QH khóa XI, tôi chất vấn Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin tại sao để thị trường sách tham khảo (giáo dục phổ thông) loạn như vậy. Bộ trưởng có vẻ không bằng lòng. Sáng hôm sau, lúc trả lời chất vấn, Bộ trưởng nói: nhiều vị chất vấn thế thôi, nhưng bản thân họ cũng viết sách tham khảo, nếu cần tôi sẽ công bố với QH. 

Tôi nghe vậy thì rất buồn, vì mình chất vấn vì việc chung, sao Bộ trưởng có thể nói như thế.

Mà tôi thì chưa viết một cuốn sách tham khảo nào. Sau đó, chắc đã kiểm tra lại thông tin, cũng không thấy Bộ trưởng nói gì nữa. 

Lần khác cũng ở khoá XI, tôi chất vấn Bộ trưởng Y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến lúc truy vấn lần thứ hai thì Bộ trưởng đã có vẻ phật ý: "Bộ trưởng không thể nào đi hết các chợ để kiểm tra được". Cách đây vài hôm tôi gặp lại bà trong thang máy. Bà nửa đùa nửa thật nói với những người xung quanh: "Ông này ngày xưa làm khổ tôi lắm đây."

Đàng hoàng, bản lĩnh, khiến tôi nhớ nhất là Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong khóa XI, có lần, tôi yêu cầu Thủ tướng, với cương vị đứng đầu Chính phủ, phải xin lỗi nhân dân vì từ ngày thành lập nước tới nay chưa bao giờ có chuyện lãnh đạo nhiều bộ, ngành vi phạm kỷ luật, thậm chí phải ra tòa như khóa này.

Sau đó lên phát biểu trên diễn đàn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước QH và nhân dân. Giờ nghỉ, tôi đang đứng hút thuốc ngoài sảnh thì Thủ tướng chắc bị mấy nhà báo "bủa vây", vô tình bước đến. Ông bắt tay và trò chuyện với tôi rất cởi mở.

Nói chung va chạm quan điểm là bình thường, QH thì phải vậy. Chỉ không được phép chụp mũ hay đe nẹt nhau thôi. Đó là văn hóa nghị trường.
 
Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Tuần Việt Nam (VNN)

24 nhận xét :

  1. Những đại biểu tâm huyết với dân như ông Thuyết không nhiều. Chắc kỳ này người dân ít được nghe những ngời đại biểu của dân nói trúng nguyện vọng của dân.

    Trả lờiXóa
  2. "Dịp biểu quyết về mở rộng địa giới Hà Nội, lúc bỏ phiếu thăm dò, một nửa số đại biểu ủng hộ, một nửa không. Nhưng khi các tổ Đảng họp quán triệt tinh thần ủng hộ, hầu hết các đảng viên đều theo. Lúc đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều."
    Dân mình bây giờ kém hiểu biết , để Đảng , Nhà nước lo cho. hay!!! thật!!!

    Trả lờiXóa
  3. Giá như có thêm nhiều người "biết xấu hổ" như GS thì đất nước tôi đã không đến nông nỗi này!

    Trả lờiXóa
  4. Lo rằng Đại biểu như ông Thuyết, kỳ QH này,không có !!!

    Trả lờiXóa
  5. Hinh anh Bac Thuyet song mai trong long nhan dan ca nuoc.Chuc Bac cung gia dinh luon luon manh khoe, cong hien nhieu cho dat nuoc, dan toc.

    Trả lờiXóa
  6. Rất mong có bác Thuyết2,hoặc3 ở QH kỳ này, nhưng không phải ông Dương Trung Quốc, ổng lấp lửng gữi kẽ quá, bị thúc lắm mới ho he tí chút

    Trả lờiXóa
  7. Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết một bài rất hay bác Lâm Khang xem thử đem về 'bình' được không ?

    Giá của sự ngây thơ
    http://quechoa.info/2011/08/04/13420/

    Trả lờiXóa
  8. Như thế mới đúng nhân cách một sĩ phu Bắc Hà chân chính ! Nhưng ngày nay người còn giữ được cốt cách kẻ sĩ hình như hơi bị hiếm và xa xỉ!

    Trả lờiXóa
  9. Đọc bài pv ĐB Nguyễn Minh Thuyết ta như thấy lại giọng hào sảng, tha thiết của bác với đất nước trước quốc hội. Tiếc cho đất nước này!

    Trả lờiXóa
  10. Nguyen Thiet Thachlúc 16:30 4 tháng 8, 2011

    Cám ơn, biết ơn, ghi ơn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhiều nhiều....

    Trả lờiXóa
  11. Lần này chỉ mong Quốc hội bác bỏ cáu đường sắt cai tốc và trục Hồ tây -Ba vì mà khóa trươc đã mướt mồ hôi mới bác bỏ được để chứng minh Quốc Hôij đúng là Cơ quan độc lập, phản ánh đúng nguyện vọng của dân

    Trả lờiXóa
  12. Ngày xưa dân chủ hơn bây giờ! Ngày càng ít người chất vấn dũng cảm như GS Thuyết và cũng rất hiếm người đàng hoàng, bản lĩnh đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi nhân dân vì những cái sai họ đã làm hay những lời hứa họ chưa làm được... Ngày càng buồn lắm thay!

    Trả lờiXóa
  13. Đọc bài trả lòi phỏng vấn của ông Nguyễn Minh Thuyết, ngôn từ trong sáng, bộc bạch, suy tư, cũng nhẹ nhàng mà nặng sâu vậy mà tự dưng hai hàng nước mắt trong tôi cứ chảy dòng. Hai dòng cảm xúc hòa lẫn vào nhau: xúc động và lo âu?Vận nước không biết rồi sẽ về đâu?

    Trả lờiXóa
  14. Mong Bác THUYẾT thật nhiều sức khỏe, ở cương vị nào Bác cũng vì Nước vì DÂN. Trân- Trọng./

    Trả lờiXóa
  15. Trên VTV1 nói Ông Cù Huy Cận nói Vũ là người bất trung bất nghĩ bất hiếu. Nói anh em Vũ phải lên tiếng thất vọng. Nói hàng xóm chê đủ thứ về vũ. Còn nói Vũ đánh người gây thương tích, chửi tất cả cha chú....
    Những điều này có đúng hay không?
    Chú Diện làm ơn cho cooment của cháu lên để mọi người giúp cháu hiểu rõ nhé

    Trả lờiXóa
  16. TRANG CỦA BÁC CÓ VẤN ĐỀ GÌ KHÔNG? CẢ NGÀY NAY TÔI KHÔNG VÀO ĐƯỢC.

    Trả lờiXóa
  17. Moi nguoi da xem thoi su luc 19h30 chua?

    Trả lờiXóa
  18. Vì không biết, nên tôi xin hỏi, nhờ Bác Diện hoặc có bạn nào vui lòng giải thích :
    - Sao bác Thuyết không tiếp tục ứng cử ở khoá 13 ?
    - Vì hết quyền tái ứng cử theo luật định ?
    - Vì MTTQ không đưa vào danh sách ?
    - Hay vì bác Thuyết không muón tiếp tục nữa ?
    Cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  19. Tại sao bạn phải tin vàovtv1. Mà nếu vậy thì đâu có phải đến mức phải ở tù đâu.Tại sao phải bêu rếu TS CHHV vậy nếu muốn thì hãy đem những tài liệu của ông đăng lên thì mới tính thuyết phục.Để mọi người cùng đọc và nhận xét. VTVT1 quá tồi khi đưa tin như vậy.

    Trả lờiXóa
  20. Cam on ,Cam on rat nhieu GS Nguyen minh Thuyet vi nhung gi ma GS da lam trong nhiem ky DBQH vua qua

    Trả lờiXóa
  21. Vì không còn cái gì hợp pháp đưa ra cho quốc dân biết để kết tội LS Vũ nên phải đưa ra các chứng cứ bịa đặt (vì của những người đã khuất, họ không thể sống lại để xác nhận có hay không) hay những thứ lặt vặt người tôn trọng riêng tư không bao giờ chấp nhận đem ra để bêu rếu nói xấu nhau.Tôi rất tin vào bài bào chữa của 4 luật sư,trong đó đặc biệt bài của luật sư Trần văn Thuận một cán bộ cao cấp mới rời khỏi nghị trường, 1 cựu tù nhân Côn đảo vào sống ra chết và là người chồng của bà Vỏ thị Thắng nổi tiếng với bức ảnh "Nụ cười chiến thắng". Những người như vậy không bao giờ đi ngược lại lí tưởng của 1 Đảng lấy dân làm gốc.

    Trả lờiXóa
  22. Tôi không rõ ông Cù Huy Hà Vũ sống như thế nào. Nhưng VTV1 mà làm phóng ựu bêu rếu người ta như vậy thì thật nhục cho đất nước này quá! Tòa có phán xét về lối sống đạo đức của ông ấy đâu. Xin Bác Diện cho đăng comment này lên để mọi người hãy nhìn nhận một cách khách quan.

    Trả lờiXóa
  23. Tôi quí ông đại biểu quốc hội này. Ông ấy nói lên tiếng nói của chúng tôi.

    Trả lờiXóa
  24. Người thầy giáo của tôi .

    Trả lờiXóa