Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

GS. HOÀNG XUÂN PHÚ: QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN


QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN
Hoàng Xuân Phú
Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.

Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Nhưng đến nay, biểu tình (ngoài sắp đặt của cơ quan Nhà nước) vẫn còn là một chuyện tương đối xa lạ ở Việt Nam, thậm chí như một điều „phạm húy“. Biểu tình bị ngăn cản, dù có diễn ra thì người ta vẫn quanh co, không dám gọi đúng tên. Đa số người dân nhìn nhận quyền biểu tình như một thứ xa xỉ phẩm, không liên quan đến cuộc sống của mình, thậm chí còn nhìn nó như một miếng mồi nhử nguy hiểm: Ừ thì Hiến pháp cho phép đấy, nhưng cứ thử động vào mà xem... Vốn dĩ thuộc phạm trù đối nội, quyền biểu tình được nêu trong Hiến pháp trên thực tế chỉ còn để đối ngoại.
Cản trở đối với quyền biểu tình của công dân không chỉ xuất phát từ ý muốn được „yên ổn“ của những người cầm quyền, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự nhầm lẫn về mặt lô-gíc: Cả hai phía đều coi việc chưa có Luật biểu tình chính là nguyên nhân khiến quyền biểu tình chưa được hay chưa thể thực thi.
Phía người dân tưởng là khi chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên đa số những người muốn bày tỏ chính kiến... vẫn im lặng. Ngay cả những người đã can đảm xuống đường vẫn cảm thấy chưa yên tâm, lo là hành động của mình có gì đó không ổn về mặt pháp luật, nên mới đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình.
Phía chính quyền thì coi các cuộc biểu tình không do họ hoặc các cơ quan Nhà nước tổ chức là bất hợp pháp, là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì chính quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ... Có lẽ cũng do tin rằng chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên một số người muốn trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình, vì nếu có luật thì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa, vẫn còn lại những quyền tự do tối thiểu, và không phải ai cũng muốn chấp nhận những quyền tối thiểu ấy của người dân.
Câu hỏi đặt ra là: Nên hiểu quyền biểu tình và mối quan hệ của nó với Luật biểu tình như thế nào cho đúng?
Quyền biểu tình trong Hiến pháp hiện hành
Cơ sở pháp lý để đánh giá về tính hợp pháp của hoạt động biểu tình Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.  Điều 69 của Hiến pháp hiện hành quy định:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Mệnh đề „theo quy định của pháp luật“ khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Thật ra, từ „pháp luật“ xuất hiện 60 lần trong Hiến pháp 1992, nhiều khi chỉ là một phạm trù chung chung, không ám chỉ một luật cụ thể nào. Phải hiểu theo quy định của pháp luật“ hay trong khuôn khổ pháp luật“ là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thì còn thiếu rất nhiều luật, và đến bây giờ vẫn còn thiếu, nhưng mọi tư duy lành mạnh đều hiểu rằng: Không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật.
Hiến pháp 1992 viết công dân có quyền biểu tình „theo quy định của pháp luật“, chứ không đòi hỏi cụ thể là „theo quy định của Luật biểu tình. Giả sử, nếu Hiến pháp quy định là công dân chỉ có quyền biểu tình theo quy định của Luật biểu tình, thì công dân có quyền chất vấn và phê phán Quốc hội: Tại sao mấy chục năm rồi mà vẫn chưa ban hành Luật biểu tình? Lúc đó nhân dân nhắc nhở và đòi hỏi Quốc hội phải ban hành Luật biểu tình, chứ không phải chỉ đề nghị, kêu gọi, hay xin xỏ, vì:
Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
(Điều 6, Hiến pháp 1992)
Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ...
(Điều 53, Hiến pháp 1992)
Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép. 

Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với quyền biểu tình
Nếu Quốc hội muốn định hướng hay hạn chế hoạt động biểu tình của công dân trong một khuôn khổ nào đó, thì phải ban hành luật tương ứng. Nếu thấy cần kíp phải có luật để điều tiết hoạt động biểu tình, thì chính Quốc hội và các cơ quan giúp việc phải khẩn trương, chứ dân không phải sốt ruột xin Quốc hội ban hành. Cơ quan quản lý Nhà nước mới phải vội, chứ dân không cần vội. Việc một số công dân đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng điều đó lại góp phần làm cho người dân tiếp tục hiểu sai về quyền cơ bản của công dân, và làm cho những người thuộc cơ quan hành chính Nhà nước thêm ngộ nhận về quyền hạn của họ.
Nếu Chính phủ muốn quản lý hoạt động biểu tình của công dân theo một hướng nào đó thì Chính phủ phải soạn thảo và trình dự án luật (Điều 87, Hiến pháp 1992), để Quốc hội xem xét và ban hành luật, chứ Chính phủ không thể tự tiện đưa ra những quy định hay triển khai những hành động can thiệp trái với Hiến pháp. Hiến pháp 1992 đã quy định rõ:
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp
(Điều 83, Hiến pháp 1992)
và Chính phủ là „cơ quan chấp hành của Quốc hội“ (Điều 109, Hiến pháp 1992).  Điều 115 của Hiến pháp 1992 cho phép
Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị
nhưng phải
Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
Trong tất cả 11 khoản của Điều 112, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính chủ, và cả 6 khoản của Điều 114, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính chủ, Hiến pháp 1992 không có bất cứ khoản nào cho phép Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế hay can thiệp vào quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo.
Trong Luật Tổ chức Chính phủ do Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, Điều 8, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, được viết lại gần như nguyên văn Điều 112 của Hiến pháp 1992. Điều 20, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, là cụ thể hóa Điều 114 của Hiến pháp 1992. Quyền tự do của công dân được nhắc 3 lần trong Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó chỉ khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền của công dân tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền của mình, cụ thể là:
Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...
(Điều 8, Khoản 5)
Quyết định những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...
(Điều 18, Khoản 3)
Thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân...
(Điều 13, Khoản 4)
Nghĩa là: Luật Tổ chức Chính phủ cũng không cho phép Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo. Tất nhiên là phải như vậy, vì Luật Tổ chức Chính phủ không thể có những quy định trái với Hiến pháp.
Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP, do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18/3/2005, quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng, không đề cập đến khái niệm „biểu tình“ được nêu trong Hiến pháp 1992. Ngược lại, khái niệm „tập trung đông người“ được đề cập (21 lần) trong Nghị định số 38/2005/NĐ-CP không xuất hiện trong Hiến pháp 1992. Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về thuật ngữ „tập trung đông người“, không hề quy ước là „biểu tình“ thuộc phạm trù „tập trung đông người“. Tất nhiên, không thể tùy ý dùng thuật ngữ „tập trung đông người“ để chỉ hoạt động „biểu tình“ (cũng giống như không thể dùng thuật ngữ „tập trung 500 người“ để chỉ phiên họp Quốc hội), vì nếu như thế thì vừa thiếu tôn trọng công dân (hay thiếu tôn trọng Quốc hội), vừa thiếu tôn trọng Hiến pháp, bởi không được tùy tiện thay đổi thuật ngữ pháp lý cơ bản được sử dụng trong Hiến pháp và được dùng phổ biến trong thông lệ pháp lý trên toàn thế giới. Vì vậy, nếu hợp hiến, thì Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không chi phối quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp đảm bảo.
Điều 50 của Hiến pháp 1992 khẳng định:
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.
Khi thực hiện các quyền con người (trong đó có quyền biểu tình), công dân chỉ phải tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Khi chưa có luật tương ứng thì công dân không phải chấp hành văn bản pháp quy nào khác ngoài Hiến pháp, bởi công dân chỉ phải „sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Quyền biểu tình của công dân không phải chịu chi phối bởi các quy định nào đó, cho dù chúng có thể được đưa vào luật trong tương lai, lại càng không thể bị cản trở bởi các quy định tùy tiện của các cấp chính quyền, của bộ máy công an, của tổ dân phố, hay của một cấp trên chung chung nào đó. Cho dù là ai, to nhỏ ra sao, nhân danh tổ chức nào, thì họ cũng đều là công dân Việt Nam và cũng không nằm ngoài phạm vi chi phối của nguyên tắc:
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
(Điều 52, Hiến pháp 1992)
Không phải bất cứ một quy định phi lý nào được đưa vào luật cũng là thiêng liêng, bất di – bất dịch. Nếu có Luật biểu tình thì nó không thể chứa đựng những quy định trái với Hiến pháp. Nhân dân có quyền kiến nghị và Quốc hội có trách nhiệm hủy bỏ bất cứ quy định pháp luật nào trái với Hiến pháp, vì
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
(Điều 146, Hiến pháp 1992)
Biểu tình – Quyền hiến định có hiệu lực cùng Hiến pháp hiện hành
Đã đến lúc dân ta (cả dân thường và cả những người đang thuộc bộ máy quản lý Nhà nước) phải chia tay với lối tư duy sai lầm là „trên“ cho làm gì thì „dưới“ mới được làm cái ấy, vì đấy là kiểu quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, hoàn toàn trái với bản năng sống chủ động của mọi loài động vật tự do, trong đó có con người. Dù có muốn, dù có cố, thì cũng không bao giờ quy định được hết mọi chuyện trên đời. Hơn nữa, càng có nhiều quy định thì càng có nhiều điều bất hợp lý và càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các quy định. Chính vì vậy, người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm và không vi phạm những chuẩn mực đạo đức thông thường đã được xã hội thừa nhận. Nhà nước có thể thông qua việc ban hành luật để hạn chế những mặt tiêu cực, nhưng sẽ không bao giờ khống chế được hoàn toàn. Không thể tiếp tục luận tội theo kiểu „lợi dụng sơ hở của pháp luật...“ Lập luận ấy không chỉ sai với thông lệ quốc tế, mà còn hài hước ở chỗ: Sao không trách phạt những người ăn lương của dân rồi làm ra luật... sơ hở, mà lại chỉ kết tội người dân áp dụng đúng luật sơ hở?
Căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản pháp lý liên quan, với tư duy lô-gíc, chỉ có thể rút ra kết luận rằng: Quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp hiện hành đảm bảo và có hiệu lực cùng lúc với Hiến pháp. Cho đến nay, chưa có luật  hay văn bản pháp lý hợp hiến nào hạn chế quyền biểu tình của công dân. Vì vậy, công dân hoàn toàn có quyền tự do biểu tình, theo đúng tinh thần của Hiến pháp, không phải đợi đến lúc có Luật biểu tình hay một văn bản tương tự.
Biểu tình là biện pháp hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và giải tỏa ức chế. Biểu tình cũng là một hình thức hợp lý để công dân bày tỏ chính kiến, góp phần xây dựng Nhà nước và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là phải tôn trọng và bảo vệ công dân thực hiện quyền biểu tình, phải triệt để tuân theo Điều 12 của Hiến pháp 1992:
Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và trình độ hiểu biết pháp luật. Nó cũng thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, mức tự tin vào sự trong sạch và chính nghĩa của bản thân. Một chính quyền vì dân, chỉ làm chuyện đúng, chắc chắn sẽ được đa số nhân dân tin yêu và bảo vệ, không việc gì phải sợ biểu tình. Nếu đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc, làm những chuyện sai trái, thì không bạo lực nào có thể che chở vĩnh viễn.
Nếu thực sự cầu thị và muốn làm tròn bổn phận, lãnh đạo phải biết tận dụng hoạt động biểu tình như một chiếc cầu nối với nhân dân, làm nguồn cung cấp thông tin thực tế từ cơ sở, vốn dĩ hay bị bưng bít bởi bộ máy quản lý cấp dưới. Biểu tình là một phương tiện đắc lực để khắc phục tệ quan liêu – căn bệnh cố hữu của bộ máy chính quyền.
Chẳng có lý do chính đáng nào có thể biện hộ cho việc xâm phạm quyền biểu tình của công dân. Không thể cấm dân lên tiếng nhằm che dấu sự yếu kém. Không thể mượn cớ ổn định mà cản trở sự phát triển. Không được nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng.
Xương máu của hàng triệu người Việt đã đổ xuống vì độc lập và tự do. Độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với tự do của nhân dân. Nếu dân không có tự do thì chính quyền mang quốc tịch nào cũng vậy. Do đó, muốn bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, thì phải tôn trọng các quyền tự do của nhân dân, trong đó có quyền biểu tình. Không thể khác!
Phụ lục (Dành riêng cho những người kiên định...)
Nếu quý vị nào vẫn cảm thấy chưa đủ thuyết phục và vẫn kiên định lập trường cho rằng công dân phải đợi đến khi có Luật biểu tình mới được biểu tình, thì xin dành riêng đoạn tiếp theo để quý vị suy ngẫm.
Hiến pháp 1992 có năm lần nhắc đến từ „Đảng“, trong đó có ba lần ở „Lời nói đầu“, hai lần đề cập đến lịch sử và công lao của Đảng CSVN, lần thứ ba trong câu:
Hiến pháp này... thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.
Hai lần còn lại là ở Điều 4, nguyên văn như sau:
Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, mặc dù Hiến pháp 1992 khẳng định „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“, nhưng trong toàn bộ văn bản Hiến pháp không có quy định cụ thể nào về khuôn khổ mà Đảng CSVN được phép hoạt động, và cho đến nay vẫn chưa có „Luật về Đảng“ (hay tương tự) để quy định về quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi và hình thức hoạt động của Đảng, cũng như hình thức xử lý khi tổ chức Đảng vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Rõ ràng, xét về lô-gíc, tính hợp pháp của việc Công dân... biểu tình theo quy định của pháp luật“ khi chưa có Luật biểu tình không hề yếu hơn so với tính hợp pháp của việc „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“ khi chưa có Luật về Đảng“. Vậy thì quý vị có cho là Đảng CSVN phải... đợi đến khi cóLuật về Đảng“ hay không?
Nếu ý vừa rồi vẫn chưa đủ, thì xin quý vị lưu ý thêm: Hiến pháp 1992 không đề cập đến chuyện ăn, chuyện ngủ... Việt Nam cũng không có luật về ăn, ngủ... Vậy mà hàng ngày 90 triệu người Việt vẫn ăn, vẫn ngủ..., dù biết là phải sống... theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992).  Phải chăng, quý vị cũng coi đấy là hành vi cố tình vi phạm kỷ cương, coi thường phép nước? Vấn đề này có vẻ còn nghiêm trọng hơn cả chuyện biểu tình, vì quyền biểu tình của công dân còn được Hiến pháp ghi nhận đích danh. Vậy thì quý vị có định đòi hỏi mọi người cũng phải nhịn ăn, nhịn ngủ... cho đến khi có luật và được luật cho phép, giống như phải nhịn biểu tình hay không? 
9/8/2011 
*Bài viết do GS. TSKH Viện sĩ Hoàng Xuân Phú gửi trực tiếp cho NXD-Blog 
Xin chân thành cảm ơn tác giả!

Giáo sư Tiến sỹ khoa học HOÀNG XUÂN PHÚ 

Viện Toán học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg 
Viện sỹ thông  tấn Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria 

Ông cũng đã từng vài lần tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội, và có một bộ ảnh rất đẹp gửi tặng Nguyễn Xuân Diện - Blog, tại đây: Lắng nghe đồng bào tôi nói: Chùm 1- Chùm 2  -  Chùm 3

**Ông là tác giả của loạt bài về Điện Hạt nhân (trong mục Bài quan trọng của Blog này). Loạt bài này đã được gửi tới 63 đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa XIII:


Bài này đăng lần đầu: 16:29 ngày 20.8.2011.

105 nhận xét :

  1. Tuyệt ! Vô cùng cảm ơn GS.TSKH Viện sĩ Hoàng Xuân Phú. Đề nghị mọi người photo bài viết này phân phát cho người tham gia biểu tình và người thân, người quen của mình nhằm phổ biến kiến thức pháp luật.

    Trả lờiXóa
  2. Bài này cần được đưa lên tất cả các trang báo lề phải!

    Trả lờiXóa
  3. Một bài viết thật tuyệt vời! Ngày mai phải đi thực hiện quyền công dân!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết quá hay, đầy sức thuyết phục. Cám ơn bác Hoàng Xuân Phú và bác Diện rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn T.S Hoàng Xuân Phú về bài phân tích rất hay.Có lẽ dân ta phải dần dược học và hiểu về pháp luật , hiện nay còn ngu ngơ lắm.Vì không hiểu nên "SỰ SỢ HÃI" vẫn đang ngự trị.

    Trả lờiXóa
  6. Xin chân thành cảm ơn GS.TS. Hoàng Xuân Phú đã mở mang suy nghĩ cho mọi người. Mong rằng rồi sẽ đến lúc trong QHVN cũng sẽ có những ĐB, có những nhận thức phần nào được như ông. Để nước VN cũng sẽ có luật - pháp như là một quốc gia dân chủ, văn minh.

    Trả lờiXóa
  7. Giáo sư Tiến sỹ khoa học HOÀNG XUÂN PHÚ. Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria đã phân tích thấu tình đạt lý, ngày mai chẳng có lý do gi mà không xuống đường dù nắng hay mưa!

    Trả lờiXóa
  8. Một bài viết phân tích rất lô gich theo quan điểm của luật học

    Trả lờiXóa
  9. Nếu chưa có Luật biểu tình, nhân dân được quyền chỉ tuân theo Hiến pháp - là luật có hiệu lực pháp lý cao nhất. Điều này là đương nhiên. Việc Quốc hội chưa thông qua Luật biểu tình không có nghĩa là nhân dân không được thực thi quyền đã được Hiến pháp qui định.

    Trả lờiXóa
  10. Bác Hoàng Xuân Phú có bà con gì với Cụ Hoàng Xuân Hãn không anh Diện?
    Ngày mai đi biểu tình chúng ta chấp hành chỉ thị của UBNDTPHN, không trương biểu ngữ chống TQ nữa mà giương cao biểu ngữ :" Hoan nghênh TQ trả lại HS-TS cho VN", he he thắm tình hữu nghị.

    Trả lờiXóa
  11. Tuyệt vời!!! Các luận điểm đầy đủ và sắc sảo được thể hiện. Ngày mai bà con phải đi biểu tình.

    Trả lờiXóa
  12. Sau khi đọc song bài này của GS. Hoàng Xuân Phú tôi đã hết sợ. thế thì ta cứ đi biểu tình đàng hoàng, kẻ nào giám ngăn cản ta. phải có cách tuyên truyền thế nào cho mọi người dân viết Nam đều được đọc bài này.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi nhớ người ta còn lưu truyền câu thơ nhại, rằng:
    " bắt quần đùi phải quần đùi
    Cho may-ô mới được phần may-ô".
    Ôi, cái thời xa vắng!

    Trả lờiXóa
  14. Mọi sinh hoạt của người dân đều nằm trong chi phối của pháp luật. Người dân có quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm, chứ không phải chỉ được làm cái gì mà pháp luật cho phép. Đó là tinh thần của bài viết này và đó cũng là đúng tinh thần của Nhà nước Việt nam.

    Trả lờiXóa
  15. Hoan ho GS TSKH Hoang Xuan PHU!
    Vay ma cac lanh dao UBTP HN chang hieu mo te gi ve luat ca.Cu Chup mu hoa mu ,lam nhan dan chung em cu hoang ca len.
    Xin cam on GS TSKH Hoang Xuan Phu rat nhieu!

    Trả lờiXóa
  16. Phải nói là GS TS viết có khác, trình độ lý luận uyên bác, dể hiểu chặc chẽ... Nhân tài nước Việt đâu có thiếu, chỉ không trọng dụng được mà thôi. Xin Cảm ơn GS TS HXP rất nhiều, mong nhận được nhiều bài phân tích lý luận xuất sắc của ông! chúc ông nhiều sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  17. Đồng ý với bài viết rất hay này
    Xin cám ơn

    Trả lờiXóa
  18. Đọc bài này tôi lại sáng ra hơn câu "sống và làm việc theo pháp luật" của nước VN ta hiện nay là thế đấy...
    Cám ơn GS TS Hoàng xuân Phú
    TH

    Trả lờiXóa
  19. chua co bao gio dep nhu hom nay

    Trả lờiXóa
  20. Hiểu ra rất nhiều điều từ bài phân tích tỉ mỉ này. Cảm ơn GS Hoàng Xuân Phú.

    Trả lờiXóa
  21. Đại diện nhân dânlúc 18:50 20 tháng 8, 2011

    Thật là như được sáng mắt ra. Như kẻ mù nhìn được ánh sáng. Thay mặt toàn thể Ban Lãnh đạo và nhân dân VN cảm ơn TS HXP vô cùng!

    Trả lờiXóa
  22. Bài này GSTS HXP viết đã khá lâu, nhưng nay mới cho gửi công bố, thật dúng lúc, thật giá trị. Muôn lần cảm ơn GSTS HXP, kính chúc GS và gia đình mạnh khỏe và cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước, dân tộc!

    Trả lờiXóa
  23. TUYỆT VỜI! ĐÓ MỚI CHÍNH LÀ TƯ DUY CỦA MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN ĐÍCH THỰC -CHÂN CHÍNH ~ VÀ ...NGƯỢC LẠI...!

    Trả lờiXóa
  24. Bài phân tích thấu tình đạt lý !
    Giáo sư Tiến sỹ khoa học HOÀNG XUÂN PHÚ nên gửi bài viết này cho các báo "chính thống".
    Cám ơn GS TS Hoàng Xuân Phú !
    Cám ơn NXD.blog !

    Trả lờiXóa
  25. bài viết rất hay, tôi đọc mà cảm thấy rất hưng phấn. vậy mà xưa nay cứ tưởng tuân thủ pháp luật là ... phải nghe lệnh từ tổ trưởng dân phố trở lên! Cảm ơn các bậc trí thức đã gợi mở rất nhiều, khác với những kẻ có chút quyền trong tay thì cứ nói vung như ta chính là pháp luật!

    Trả lờiXóa
  26. Các nhà Toán Học có TÂM,khi viết về các vấn đề xã hội rất là súc tích,ngắn gọn,cô đọng,rõ ràng,minh bạch và khách quan ,vô cùng thuyết phục.Bài của GS Ngô bảo Châu về vụ án TS CHHV,và bài này là hai bài viết cực kỳ hay.Đọc bài này nếu chưa biết chuy6n ngành của GS cứ tưởng là bài của một siêu chuy6n gia về Luật Pháp vậy.

    Trả lờiXóa
  27. Viet Nam chua co Luat VO CHONG NGU CHUNG, vay dem nay chac phai ngu rieng qua.

    Trả lờiXóa
  28. Các bác là những tấm gương để cháu noi theo !

    Trả lờiXóa
  29. Trong tình thất đất nước gian nan thì chúng ta ngày càng thấy được những ai là thật sự tài giỏi, những ai là những người mà thật sự người dân cần có để lãnh đạo, đưa đất nước đi lên. Không cần phải bàn cãi nữa, GS-TS Hoàng Xuân Phú chính là một con người như thế

    Trả lờiXóa
  30. Yêu nước Việtlúc 19:51 20 tháng 8, 2011

    Biểu tình là quyền của người dân, biểu tình chống quân xâm lược thì lại càng phải khuyến khích chứ sao lại cấm, mà cũng không thể cấm được vì quyền biểu tình của người dân đã được ghi tại Hiến pháp.

    Trả lờiXóa
  31. Lap luan qua sac Cu Giao su nay ma lam luat su thi tuyet voi

    Trả lờiXóa
  32. Tôi đã đi hết từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác,
    từ ngưỡng mộ này đến ngưỡng mộ khác.
    Đầu tiên là GS. Hoàng Xuân là nhà Toán học, nhà khoa học xuất sắc, tiếp theo là chùm bài về điện hạt nhân của thầy, rồi chùm ảnh biều tình yêu nước và bây giờ là bài về quyền biểu tình của công dân.

    Lĩnh vực nào GS cũng xuất sắc. Hình như GS cũng đoán được rằng sẽ có ngày dân chúng cần thêm hiều biết về quyền biểu tình nên đã viết sẵn bài viết này. Cảm ơn GS rất nhiều vì đã trang bị cho chúng tôi thêm các kiến thức bổ ích này. Với kiến thức này thì chúng ta đâu có sợ là vi phạm pham luật, phải không các bác?

    Trả lờiXóa
  33. Bài này nên gửi cho Ô. Đinh Thế Huynh lam tài liệu giảng dạy cho cán bộ tuyên giáo.

    Trả lờiXóa
  34. ngày trước tôi cho rằng các nhân sỹ mà đứng về phía nhân dân ,thì mũi tôi dài cắm đất ,chế tôi rồi bác PHÚ ơi mũi tôi nó đã một gang tay rồi

    Trả lờiXóa
  35. Doc bai nay toi cu nghi rang tac gia la GS Luat chu khong phai la GS Toan. Ong Phu qua gioi khi phan tich cuc ky sau sac ve phap luat VN.Gia ong Bo truong Luan hoc ong Phu vai buoi thi tot...

    Trả lờiXóa
  36. GS - TSKH - VS Hoàng Xuân Phú được tìm thấy trong Viện vinh danh Nhà khoa học của JIPV:

    https://giaosudom.wordpress.com/vi%E1%BB%87n-vinh-danh-nha-khoa-h%E1%BB%8Dc/

    Đúng là GS xịn như bác Phú có khác. Cám ơn bác Phú vô cùng.

    Trả lờiXóa
  37. Cảm ơn TSKH, Viện sỹ. Viện sỹ làm khoa học mà vẫn còn thời gian nghiên cứu sâu sắc Hiến pháp. Tôi là một công dân, một ĐVCS mà chưa nghiên cứu kỹ về Hiến pháp. Quả thực đọc bài viết của VS tôi mới vỡ lẽ ra rằng Quyền biểu tình của mình quy định trong Hiến pháp tương đương với quy định về hoạt động của ĐCS.Chắc răng nhiều lãnh đạo các cấp chính quyền cũng không thông thạo Hiến pháp.Chúng ta đang hô hào xây dựng một nhà nước pháp quyền mà đến mức lãnh đạo Hà Nội không hiểu hiến pháp, ra Thông báo vi phạm hiến pháp thì còn gì để bàn nữa...

    Trả lờiXóa
  38. đúng là đa số dân mình nghèo quá, chỉ biết cắm đầu làm ăn, có biết luật pháp gì đâu, nhiều khi mình làm đúng luật mà cán bộ nó dọa cho cũng sợ vãi đái ra. bài viết của Hoàng Xuân Phú thật là hữu ích, chân thành cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  39. Bài viết công phu và tuyệt vời quá! Tôi đồ rằng tác giả phải mất ít nhất 5 tiếng để viết bài này, vì còn phải tư duy và tra cứu. Thế mới biết có nhiều người thực tâm vì đất nước, sẵn sàng hi sinh thời gian bên gia đình và bạn bè. Kính chúc GS Hoàng Xuân Phú đã cho tôi và bao người khác hiểu được nhiều điều bổ ích về Hiến pháp và pháp luật nói chung và về quyền biểu tình của công dân nói riêng. Đúng là nếu không có những bài viết như thế này thì xưa nay quá nhiều người (trong đó có tôi) thường hiểu sai nhiều điều về luật pháp và các quyền của công dân. Lẽ ra bài này phải do Hội Luật gia Việt Nam viết mới phải. Các vị đi đâu hết rồi mà để GS Hoàng Xuân Phú phải làm thay thế nhỉ?

    Chúc GS luôn mạnh khỏe để tiếp tục thực thi bổn phận của người trí thức chân chính.

    Trả lờiXóa
  40. Cảm ơn Anh Phú đã phân tích và lập luận rất chặt chẽ, bài viết thể hiện cách suy nghĩ chín chắn và có trách nhiệm của một nhà khoa học yêu nước.
    Mọi người nên cùng đọc và cùng nghĩ, cùng bàn, cùng kiểm tra.
    Các nhà trí thức đấu tranh bảo vệ tổ quốc bằng cái đầu tư duy của mình. Dùng tư duy khoa học để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái quyền mà tòan dân đấu tranh lâu dài gian khổ mới có được
    Không ai được quyền áp đặt , tước đọat quyền làm chủ đất nước của nhân dân
    Thời đại này không phải là thời Phong kiến , nô lệ lạc hậu, cha truyền con nối. Muốn làm gì thì làm.
    Kẻ thù của chúng ta chỉ mong nội bộ ta lục đục, dân ta sống trong hèn kém và tăm tối để dễ bề xâm lăng đồng hóa.
    Chân lí thuộc vào lẽ phải chứ không phải thuộc về số đông, lại càng không phải thuộc về kẻ nắm dược tiền, quyền trong tay.
    Gốc Đề

    Trả lờiXóa
  41. Xin chan thanh cam on GSVS Hoang Xuan Phu da phan tich va cung cap nhung kien thuc co ban rat bo ich cho nhieu nguoi.Cam on tien si NGUYEN XUAN DIEN da tap hop duoc nhung nhan tai de khai tri,mo mang su hieu biet cho cong dong.Chi tiec rang bo may nha nuoc khong tap hop duoc nhung con nguoi tai nang de xay dung dat nuoc ngay mot hung cuong.Mot lan nua xin Cam on GSVS HXP.

    Trả lờiXóa
  42. Người Đà nẵnglúc 21:30 20 tháng 8, 2011

    Vâng giá như tất cả các Vị có học vị, học hàm từ GSTS mà cùng thể hiện lòng yêu nước khẳng khái, rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở còn chút tự trọng bởi mình là người có học vấn để cùng cất tiếng nói giúp cho XH hoàn thiện và phát triển.
    Anh Trương Duy Nhất, đã từng ví "Trí thức Hèn", tôi không nghĩ là vậy, tôi cho rằng chưa phải, chỉ mới dạng bệnh vô tâm thôi.
    Xin hãy mau tỉnh cơ u mê, lú lẫn, ... để nhận diện tà ma phương bắc đang thẩm thấu ở khắp nơi và tạo ra một phần của sự sợ hãi.

    Trả lờiXóa
  43. Nhà toán học mà lại! Không biết thầy đã đi Đức về chưa? Chúc thầy luôn mạnh khỏe để có nhiều bài báo hay và "ứng dụng" kịp thời như bài này.

    Trả lờiXóa
  44. GS Hoàng Xuân Phú nhìn vào cái gì là nó ra cái ấy. Đa số mọi người cũng như tôi, đã vô cảm với các thứ luật rồi, hiến pháp cũng vậy thôi. Ông đã khai sáng cho chúng tôi. Hiến pháp là thành quả đấu tranh gian khổ bao nhiêu máu xương mới có được. Đầu tiên nó được ghi trên giấy. Muốn hiện thực nó thì phải đấu tranh đòi từng điều trong đó phải được thực thi.
    Tôi đã quá phục ông về mấy bài điện hạt nhân, nay lại phục ông về bài này. Hóa ra ngay tại VN mình còn có những bộ óc xuất sắc và tấm lòng vì nhân dân như vậy.

    Trả lờiXóa
  45. Quá rõ và quá chuẩn.
    Một cái thông báo hay quyết định,không những chỉ là của cấp thành phố mà kể cả của chính phủ,cũng không được phép bác bỏ và tự ý quyết định tước đi một quyền của người dân đã được Hiến pháp thừa nhận.

    Trả lờiXóa
  46. Cám ơn anh Phú. Rất rõ ràng, khúc chiết.

    Trả lờiXóa
  47. Này anh em ơi,
    Sáng sớm mai, anh em ta lại bước vào một trận chiến mới: trận chiến bảo vệ cái quyền thiêng liêng nhất của dân đen chúng ta, quyền được yêu nước.
    Hãy cùng xem lại vòng tròn bất tử
    http://www.youtube.com/watch?v=WIf-T9Z1nl8
    Vòng tay mà các anh đã dùng máu của mình để giữ trọn chủ quyền Tổ quốc.
    Hãy nắm tay tạo thành vòng tròn, để tiếng nói yêu nước của chúng ta vang lên dõng dạc mạnh mẽ. Nào anh em ơi!!!

    Trả lờiXóa
  48. Bai viet nay da tiep them suc manh cho toi!

    Trả lờiXóa
  49. Đúng là bài viết của 1 nhà khoa học viết có khác, rõ ràng minh bạch không cãi đi đâu được. Cảm ơn GS rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  50. Cảm ơn nhà khoa học yêu nước Hoàng Xuân Phú!!!
    Bài viết này của anh phải đăng trên các báo chính thống để toàn dân ta hiểu sâu hơn về pháp luật và về quyền của mình.
    Như vậy các cá nhân, tố chức chính quyền, đại diện cho chính quyền đàn áp biểu tình, cấm biểu tình, gây rối phá hoại biểu tình chống trung quốc là vi phạm pháp luật, trà đạp lên quyền công dân.
    Tôi thiết nghĩ, UBND thành phố Hà nội nói cấm biểu tình chẳng qua là để vừa lòng bọn xâm lược trung quốc thôi
    Nếu vẫn có đàn áp biểu tình nghĩa là đã trà đạp lên hiến pháp để làm vừa lòng bọn xâm lược trung quốc như vậy là yêu nước hay bán nước đây???
    Tôi xin được hỏi thêm về chính sách của ta sau một loạt gây hấn của trung quốc. Bô ngoại giao liên tục nói trung quốc phải xin lỗi và bồi thường cho Việt Nam....nhưng đến bây giờ đã được gì hay bọn xâm lược trung quốc kia ngày càng lấn tới gây hấn và đe doạ...
    trung quốc không tôn trọng dân tộc khác, hành xử không tôn trọng luật pháp quốc tế...Chúng ta hãy chung tay vạch mặt bọn trung quốc trước nhân dân và trên toàn thế giới.
    Biểu tình để bài trừ trung quốc!!!
    Biểu tình để thực hiện quyền công dân!!!
    Biểu tình để vạch mặt những kẻ theo trung quốc!!!
    Biểu tình để máu của dân tộc ta đổ xuống Trường xa và Hoàng xa không vô nghĩa!!!
    Biểu tình để thức tỉnh lòng yêu nước!!!

    Trả lờiXóa
  51. TÔI yêu tác giả, nói lời thay lời muốn nói cho hàng triệu ngứoi, hy vọng dân tộc ta càng ngày càng tốt đẹp...

    Trả lờiXóa
  52. bão tố ngoài khơilúc 23:03 20 tháng 8, 2011

    Mời ACE xem hình ảnh của bác Hải.
    http://gocsan.blogspot.com/2011/08/fiddler-in-park-tieng-trong-cong-vien.html

    Trả lờiXóa
  53. Những nhận thức về hệ thống Luật của chúng ta, về những thiếu và yếu kém của nó chắc nhiều người đều thấy, ngay cả những người được gọi là CHUYÊN GIA LUẬT!. Nhưng viết hay và sâu sắc như HXP có lẽ chỉ có Ông- Đúng là TSKH có khác!.
    Cám ơn Ông đã trang bị thêm dũng khí mới cho những người con yêu nước. Ngày mai lại lên đường!!!!!!!!!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là bác Hoàng Xuân Phú đã có thời gian học tập và nghiên cứu ở Tư bản giẫy chết đó nghe, nếu cứ ở hoài Thiên đường XHCN có khi giờ còn ngon hơn nữa. Cảm tạ GS. Hoàng Xuân Phú, nhân dân đang nối gót anh.

      Xóa
  54. Qua bài viết về quyền biểu tình của công dân của ông Hoàng Xuân Phú, một giáo sư về ngành toán, chúng tôi thấy thêm một ví dụ đẹp nữa về tương quan giữa toán học với luật học. Các vẻ đẹp của toán học hiện rõ qua bài trình bày về luật của ông: giản dị mà uyên bác, trong sáng mà chặt chẽ, rõ ràng mà sâu sắc, nội suy có dẫn chứng, ngoại suy có bắc cầu. Bài toán về biểu tình đã có bổ đề cơ bản rồi và giáo sư Hoàng Xuân Phú chính là người đã chứng minh đúng đắn, đẹp đẽ, sáng sủa bổ đề cơ bản đó. Anh em đồng tình bỏ phiếu cho Gs. Phú giải Fields về BIỂU TÌNH nhé.

    Trả lờiXóa
  55. Xin cam on TSKH Hoang Xuan Phu ve bai viet,Cam on rat nhieu!!!Lap luan chat che,logic cua mot nha khoa hoc them dung khi cho nhung nguoibinh dan yeu nuoc! Le Thang-Praha

    Trả lờiXóa
  56. Quá tuyệt vời. Đề nghị anh Diện đưa vào thư mục bài đặc biệt.

    Trả lờiXóa
  57. Một bài viết tuyệt vời! Xin cảm ơn GS!

    Trả lờiXóa
  58. Gan sang roi "Day ma di hoi dong bao oi".

    Trả lờiXóa
  59. Bài viết thật tuyệt vời! Xin gửi cho mấy ông ở UBND Hà Nội, ngày hôm nay.

    Trả lờiXóa
  60. Bài viết thật lôi cuốn , tâm huyết , mạnh mẽ và thuyết phục . Xin chân thành cám ơn TS Hoàng Xuân Phú .

    Xin bổ sung thêm ý này ( không biết có nhớ lầm không ) : Công dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm .

    Trả lờiXóa
  61. Bài viết của GS. TSKH Viện Sĩ Hoàng Xuân Phú quá hay. Cảm ơn GS về bài viết.

    Trả lờiXóa
  62. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  63. toi that su kham phuc va nguong mo tai nang cung nhu tam long cua gs ts hoang xuan phu qua loat bai ong da viet ma toi da duoc doc nthuc su rat mong co them nhung bai viet toi day cua ong co tac dung dich thuc de nang cao dan tri cho toan dan viet nam ta.

    Trả lờiXóa
  64. Cám ơn bài viết giải thích rât là luật. Vấn đề là khi bị bắt rồi thì có giải thích được không vì ai cho giải thích và giải thich cho ai?

    Trả lờiXóa
  65. Bài viết thật là chặt chẽ, sáng sủa logic. Tôi nghĩ các trang mạng và Blog nên đăng tải nội dung bài viết này thật rộng rãi để thật nhiều người cùng đọc được; đồng thời nên gửi bài viết này dưới dạng kiến nghị cho các cơ quan công quyền, người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội, Cơ quan công an, và các cơ quan báo chí lề phải.

    Trả lờiXóa
  66. Hà Lê : Quả thực đây là bài viết rõ ràng, hay và có sức thuyết phục. Nhưng đáng ngại trong tiếng Việt nhà ta như bác Phú nói " Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về thuật ngữ „tập trung đông người“, không hề quy ước là „biểu tình“ thuộc phạm trù „tập trung đông người“ . Vì không rõ ràng nên nhà chức trách vẫn quy sự tập trung này là vi phạm nghị định 38 vì yếu tố tập trung đông người để biểu tình.Và cái lý thường thuộc về kẻ mạnh, bác ạ. Hơn nữa, biểu tình tự phát nên không thể đăng ký với chính quyền được... He he.

    Trả lờiXóa
  67. Thông tin tham khảo từ Đức:
    Ở CHLB Đức việc biểu tình cần được báo trước cho chính quyền 48 tiếng - có thể báo online. Nếu không có Quyết định cấm (để cấm được biểu tình bên Đức rất khó khăn - vì động chạm đến một trong những Quyền cơ bản của con người do Hiến pháp quy định!) thì được biểu tình. Tuy vậy lọai biểu tình tự phát không cần báo trước vẫn được phép nếu lý do phát sinh nó quá gấp, hình thức thứ nhất thể hiện qua việc cuộc biểu tình không có ai đứng ra tổ chức. Hình thức thứ 2 dạng tự phát, hợp lệ là không cần giữ đúng trước 48 tiếng (do các lý do dẫn đến biểu tình quá gấp gáp), tuy nhiên vẫn phải báo cho chính quyền.

    Nguyễn Hòang Hải

    Trả lờiXóa
  68. Quá hay!
    Chỉ tiếc người như GS-TS Hoàng Xuân Phú thì ít mà người như PGS-TS Vũ Duy Thông thì nhiều!

    Trả lờiXóa
  69. Nguyên tắc của biểu tình là phải có nhiều người tập trung lại với nhau, mà nhiều người tập trung lại thì thành "tụ tập đông người", mà tụ tập đông người thì sẽ ....bị dẹp! (Cái này gọi là quy tắc tam đoạn luận đây mà)!

    Trả lờiXóa
  70. Bài viet của ông thật rõ ràng khúc chiết và logic đến mức độ có thể nói là đa số người đọc sáng mắt sáng lòng thể hiện rõ tài năng và tấm lòng của ông với dân với đất nước!Không chỉ nói lên tính hợp hiến hợp pháp của người dân về quyền biểu tình của công dân mà nói lên nhiều điều còn bất cập có ý nghĩa chính trị quan trọng!Bản thân tôi nhận thấy mình và rất nhiều người dân khác(Mà theo nhận định của cá nhân tôi thì những "com"như tôi và những "com" khác đã tham gia diễn đàn này đa số đều có một trình độ học vấn nhất định) đã không hiểu rõ hiến pháp và pháp luật kể cả những người làm lãnh đạo,hay quản lý nhà nước,cơ quan hành pháp!...Như công văn cấm biểu tình của UBND TP Hà Nội là một minh chứng,càng nghiêm trọng hơn nếu những người trong các cơ quan quản lý nhà nước,cơ quan hành pháp,tư pháp... biết rõ luật trên mà vẫn cấm(nghĩa là biết luật mà vẫn cố tình phạm luật)Ở đây ngay tức thì tôi đã nhìn thấy 2 vấn đề trực quan nhất.Còn nhiều điều nữa nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy sự nguy hiểm của đất nước ta hiện nay.

    Trả lờiXóa
  71. Bài viết của Ông Hoàng xuân Phú thật tuyệt vời.Lân sau đi biểu tình mang theo biểu ngữ "SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT" và photo bài của Ông Phú đẻ phân phá cho nhưng ai còn chưa hiểu và cho nhưng người ra văn bản trái luật,hoăc phản đối biểu tình !!! OK

    Trả lờiXóa
  72. Tại sao chúng ta không lấy ý kiến miễn nhiệm ĐBQH Hoàn Hữu Phước ?

    Trả lờiXóa
  73. Trời đã gần sáng rồi ! Chúng ta hãy thức dậy và hát bài "Nố vòng tay lớn".

    Trả lờiXóa
  74. Đây mới là GS-TS chính hiệu. Sao ông không 'xin' một giải thưởng nhà nước đi. Nói vui chứ ông đã có giải thưởng trong lòng người dân VN rồi

    Trả lờiXóa
  75. Bài viết rất hay. cháu cũng đông ý là nên phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân VN. Toàn dân VN hãy dũng cảm tiến lên!!! Hò zô ta nào!

    Trả lờiXóa
  76. Nhà kia cô thân cô thế bị ông hàng xóm to béo kéo đông quân sang cướp nhà cướp đất. Thay vì la làng để xóm giềng tới cứu, thì chủ nhà lại lấy giẻ nhét vào miệng vợ con và trói quặt tay vợ con lại không cho chống cự. Ông ta luôn mồm ca ngợi quân cướp là "Đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt".Thử hỏi: vụ cướp này sẽ kết cục ra sao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ví von quá đúng.Nó cụ thể và rất khớp với thực tế hiện nay.

      Xóa
  77. Đỉnh cao nhân loại, giá như GS. TS HXP làm tổng thống VN. Chúng ta hãy vote và chờ.

    Trả lờiXóa
  78. Tôi yêu anh, Hoàng Xuân Phú.

    Trả lờiXóa

  79. Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
    Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.
    Xin lỗi GS-TS tôi muốn sửa chút xíu câu trên:
    Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì sợ bị bắt, bị đàn áp, bị bỏ tù, bị phá tiệt đường sống, đường làm ăn. Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.

    Trả lờiXóa
  80. chất liệu đặc biệt của người công sản chân chính chính là đây - giám bộc lộ chân lý, việc đúng nên làm . Giáo sư Phú không những là nhân tài,anh không những là người hiền tài mà cao là Thiên tài của đất nước.Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm bài viết của Hoàng Xuân Phú.

    Trả lờiXóa
  81. Tuyệt vời và tôi vô cùng cảm phục GS-TS Hoàng Xuân Phú. Tôi nhìn thấy ở anh một tương lai, một cơ may cho dân tộc này. Hãy dùng những hiểu biết của mình, uy tín của mình để cứu nhân dân mình Tổ Quốc mình, bởi nhân dân đang cơ cực lầm than, bởi vận mệnh Tổ Quốc đang ngàn cân treo sợi tóc. Tôi cũng sẽ noi gương anh để làm một việc dù nhỏ để cứu nhân dân, cứu tổ quốc.
    Tôi mong GS NGÔ BẢO CHÂU và nhiều trí thức có lương tri khác hãy dấn thân, hãy dùng tài năng và uy tín của mình cho sự nghiệp vẻ vang của nhân dân. Tổ Quốc đang lâm nguy, nhân dân đang bị cướp bóc, đang không được không được quyền làm người, gánh nặng ngàn cân đang đặt trai vai các quý vị, các quý vị không thể cam tâm ngồi nhìn, không thể làm ngơ được nữa rồi.

    Trả lờiXóa
  82. Có một HHP u mê ám chướng thì phải một HOÀNG XUÂN PHÚ THÔNG MINH SÁNG LÁNG.tôi ngưỡng mộ ông
    bao nhiêu thì tôi khnh bỉ kẻ kia bấy nhiêu.Rất cảm ơn ông.

    Trả lờiXóa
  83. Ăn ngủ của dân chưa có luật quy định, toàn đảng toàn dân vi phạm bao đời mà chưa bắt. Quốc hội tụ tập đông người 500 nhân khẩu; mà không giải tán.Yêu nước biểu tình mà lươn lẹo gọi "tụ tập đông người' rồi ra tay bạo lực..
    Thật là CQ của Tôm?.

    Trả lờiXóa
  84. Thật tuyệt vời những gì bác đã bày tỏ và truyền lửa cho mọi người (không phải hô hào "nhom lò" rụt rè như TBT). Tôi ngưỡng mộ bác, kính nể bác và mang ơn bác!
    Yêu cầu các ứng viên và các đại biểu quốc hội, các lãnh đạo của đảng và nhà nước cũng phải tham gia bày tỏ hiểu biết, lập luận và tấm lòng của mình để cùng tranh biện rộng rãi trước công chúng như TSKH - GS Hoàng Xuân Phú đã sống và chia sẻ!!
    Xin cảm ơn TSKH - GS Hoàng Xuân Phú và blog Tễu!

    Trả lờiXóa
  85. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  86. Ở các nước Tư Bản người dân được bày tỏ kiến qua nhiều kênh , thường xuyên là báo chí , kế đến là biểu tình . CP muốn biết nhân dân ủng hộ tới đâu phải có cơ quan chuyên phân tích báo chí, các cơ quan thông tấn . Ngay tại Nghị Trường có hai viện . Vì đa đảng cho nên việc năm bắt ý nguyện của cử tri là điều sống còn của một đảng .
    Còn ở VN, Đảng và NN lúc nào cũng được báo cáo là đa số nhân ủng hộ Đảng và NN, các tầng lớp nhân dân quyết tâm theo Đảng. Đó là những thành phần tốt luôn chiếm đa số. Còn những người chưa thuận ý với Đảng và NN thì được phân tích rất kĩ và chia ra nhiều thành phần. Thành phần đáng ngại nhất là thế lực thù địch. Thành phần này nhất định phải hạn chế và tiêu diệt . Thành phần này gây xáo trộn trật tự xã hội. Dưới mắt Đ và NN hiện thời cấm biểu tình , không để cho các thế lực thù địch lợi dụng !

    Trả lờiXóa
  87. Một bài viết rất thuyết phục và xây dựng. Tuyệt vời!

    Xin góp ý cùng tác giả GS-TS Hoàng Xuân Phú và mọi người: câu cuối trong phần "Quyền biểu tình trong Hiến pháp hiện hành", thay vì viết: "công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép", nếu được sửa thành: "công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như đã minh định tại Hiến pháp".

    Xuất phát từ tư tưởng nhân dân là chủ thể cao nhất của xã hội. Nhân dân tạo ra Hiến pháp - căn cứ pháp lý tối thượng thể hiện ý chí chính trị của mình trong quản lý xã hội. Nói một cách khác, cũng như cái cày, cái cuốc trong tay nhà nông, Hiến pháp là chỉ là công cụ của nhân dân. Hiến pháp tuyệt nhiên không phải vật thể đứng trên nhân dân, có quyền ban phát, cho phép nhân dân.

    Xin cảm ơn GS - TS Hoàng Xuân Phú về bài viết đặc sắc này.

    Trả lờiXóa
  88. Bài viết rất bổ ích cho mọi người muốn tìm hiểu sâu hơn, đúng hơn về quyền tự do của công dân nói chung và quyền biểu tình nói riêng. Trên các diễn đàn và báo cáo Đại hội hoặc hội nghị của TW ĐCSVN đều khẳng định đa số nhân dân tin và quyết tâm theo đảng, nhưng đó đã là quá khứ . Hiện nay tình trạng kinh tế, chính trị, xã hội tồi tệ đã tác động vào nhận thức về chính trị của nhân dân ..Biểu tình là cách thể hiện tư tưởng, ý chí của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước lẽ ra phải lấy đó để xem xét lại điều chỉnh, sửa đổi..đường lối, chính sách của minh đối với nhân dân .Nhưng lại đàn áp, bắt giam, kết tội vô căn cứ.. Như vậy, đảng và nhà nước đã đổ dầu thêm vào lửa . Cấm nhân dân biểu tình là vi phạm Hiến pháp 1992.

    Trả lờiXóa
  89. Cảm ơn tất cả comment đã biểu lộ cảm xúc hộ tôi đối với bài viết này. Tôi và rất nhiều người càng tự tin sống hơn!

    Trả lờiXóa
  90. Chân thành cám ơn ngài, GS.TSKH.VS. Hoàng Xuân Phú. Kính chúc ngài sức khỏe, để có nhiều hơn nữa những bài viết vì dân tộc như thế này.

    Trả lờiXóa
  91. Có vẻ đảng rất lúng túng hiện nay. Thế hệ già tham chiến ngày xưa đã đi gần hết. Thế hệ trẻ sau chiến tranh không có đủ đạo đức để gõ đầu cả dân tộc. Đảng không có chiến lược cho giai đoạn chuyển tiếp này, dẫn đến khủng hoảng về đường lối, bởi không thể cứ lấy thắng mỹ thắng pháp ra mà chiêu dụ nhân dân được, nếu cuộc sống ngày càng khó khăn do cơ chế kinh tế cộng với tha hóa quyền lực không kiểm soát được dẫn đến ngõ cụt. Đó là lý do tôi cho rằng một số vị muốn kéo dài tuổi hưu cho những vị cầm quyền hiện nay. Trong vòng 5 năm tới tôi cho rằng xã hội sẽ có thay đổi thực sự, hoặc là đóng cửa đi theo đường lối của Bắc Hàn nhằm giữ thể chế độc tài, hoặc cải cách kiểu Nga Xô - nghĩa là có đảng đối lập, tuy nhiên vẫn bị ràng buộc bởi tàn dư cũ để lại. Chúng ta phải kiên trì và dũng cảm đấu tranh vì xã hội tiến bộ, không được sợ hãi lùi bước.

    Trả lờiXóa
  92. Biểu tình là quyền đã được Hiến định; Ai nói không có luật biểu tình thì không đwọc biểu tình là một cách nói vi Hiến. Có luật hay chưa là việc của quốc hội của chính phủ, Người dân biểu tình là thực hiện quyền làm những điều mà pháp luật không cấm (vì chưa có luật). Biểu tình mà không vi phạm các luật khác như trật tự trị an hay cản trở giao thông công cộng thì không thể cản trở hay bắt bớ.

    Trả lờiXóa
  93. Theo hién pháp, người dân có quyền biểu tình... theo qui định của pháp luật.
    Cho đến nay, quốc hội vẫn chưa một động cựa gì về luật biểu tình. Đó là tội của đảng không lãnh đạo làm luật biểu tình.
    Nói cho vuông - không làm được luật biểu tình đâu - lộ rõ bản chất và hành động phát xít,
    mà luật gì đi chăng nữa cũng chẳng cản được dân ta phẫn uất xuống đường biểu tình, tranh đấu.
    Chanh phủ khônng được vin vào cớ " chưa có luật biểu tình " mà cấm đoán, đàn áp biểu tình.
    Ngăn cản, đe dọa biểu tình cũng là vi hiến rôi.
    Khốn nại là đảng bắt dân sống theo pháp luật, còn đảng đếch coi pháp luật là gì.
    Nên chi dân ta biểu tình ôn hòa - không đập phá, gây rối gi, lại biểu tình
    bày tỏ lòng yêu nước, chống Tàu xâm lăng biển Đông, vẫn cứ bị sai công an, côn đồ phá rối, bắt bớ, đánh đập.
    Và khốn nạn hơn nữa lại nhăm nhăm một ghế hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc.

    Trả lờiXóa
  94. Đề nghị TS Nguyễn xuân Diện và GS-TS Hoàng Xuân Phú, gửi bài này cho 700 tổng biên tập các tờ báo của lề phải. Có thể họ không đăng nhưng cũng thêm được 700 người biết.

    Trả lờiXóa
  95. Khi tập trung biểu tình chống trung khựa nhớ in bài viết của bác H X PHÚ phân phát cho công an ,cành sát ,dân phòng và quản lý đô thị đọc để hiểu rằng họ đang vi phạm pháp luật VN nếu cản trở công dân thực hiện nghỉa vụ và quyền lợi của mình ,nếu có ai bị mời về đòn công an hảy tập trung thậy đông để phổ biến nhửng quyền hiến định đả ghi trong hiến pháp VN ,có như thế mới đúng là dân chủ hơn bọn tây gấp van lần

    Trả lờiXóa
  96. Ngày mai có đi biểu tình mang theo khẩu hiệu "PHẢI CÓ NGAY LUẬT VỀ ĐẢNG VÀ LUẬT BIỂU TÌNH"

    Trả lờiXóa
  97. TS HOÀNG XUÂN PHÚ LÀ NGƯỜI CÓ HỌC VẤN RẤT RỘNG,KHÁC MỘT SỐ TS GIẤY ,TS MÁC LÊ.

    Trả lờiXóa
  98. Cám ơn Giáo sư về bài viết hay, chặt chẽ, thấu lý đạt tình.
    Tôi cũng thường mong đợi được đọc những chùm thơ yêu nước của Giáo sư.

    Trả lờiXóa
  99. Xin nga mu chao Xuan Phu.
    Vietnam thuc su can nhung nguoi nhu anh : tai gioi , dung cam dau tranh cho mot nen dan chu thuc su o Vietnam.

    Trả lờiXóa
  100. Rất cám ơn giáo sư, bài viết rất hay. Việt Nam thực sự cầm những người yêu nước như ông.

    Trả lờiXóa