Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỆN ẢNH: KHÔNG PHẠM ĐIỀU CẤM!

Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện:

Dưới đây là bài trả lời PV báo Người Lao động của Ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ông Lê Ngọc Minh hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Vụ việc thất thoát 42 tỷ đồng ở Cục, trong đó có 26 tỷ đồng do Ông Lê Ngọc Minh ký (hiện đang được làm rõ).


Phim Lý Công Uẩn- Đường tới Thăng Long: Không phạm điều cấm (?!)
Thứ Ba, 07/06/2011 10:35

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia, nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động

* Phóng viên: Dù Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã duyệt tới ba lần nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long quá giống phim truyền hình Trung Quốc, ông nghĩ sao?

- Ông Lê Ngọc Minh: Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thực hiện ở Trung Quốc nên đúng là có rất nhiều cảnh, đặc biệt là đại cảnh, mang yếu tố Trung Quốc. Phim cũng có nhiều cảnh đánh nhau khốc liệt, những câu thoại không phù hợp với người Việt. Khi xem phim, Hội đồng Duyệt phim đã thống nhất là không thể phổ biến trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vì bối cảnh Hoa Lư, Thăng Long quay ở nước ngoài sẽ gây phản cảm trong nhân dân. Chúng tôi đã họp 3 lần, yêu cầu cắt gọt tối đa những cảnh phim mang nặng yếu tố nước ngoài, gây hiểu lầm cho người xem, không trung thực với lịch sử. Tuy nhiên, phải nói thẳng là nếu cắt hết thì không cắt được vì phim quay ở nước ngoài, dùng bối cảnh nước ngoài, nhà sản xuất đã khắc phục cơ bản ở các đại cảnh. Với những cảnh máu me kinh hoàng, chúng tôi đã yêu cầu nhà sản xuất cắt bỏ.

Hội đồng Duyệt phim cũng đã yêu cầu nhà sản xuất phải làm sao cho thuần Việt nhất, những gì lộ ra là của nước ngoài phải hạn chế. Những câu thoại nào không trung thực với lịch sử thì phải bỏ hết và họ đã bỏ, ví dụ như trận đánh trên núi Chu Tước, thiền sư Vạn Hạnh khuyên tướng Lê Hoàn: “Con ra trận, chớ sát sinh nhiều”. Lời răn này trong Phật giáo là đúng, nhưng chiến tranh thì làm sao tránh khỏi gươm đao máu đổ. Đại loại những câu nhạy cảm như thế đã bị loại bỏ. Những từ không thuần Việt như “khởi bẩm”, “tại hạ”, “nô tài” cũng đã sửa. Còn lại những gì không minh định được, thôi hãy coi như đó là sự giao thoa về văn hóa, dù mình không khuyến khích điều này như việc người phụ nữ Việt Nam xưa thường mặc váy nhưng trong phim có những nhân vật phụ mặc quần...

Chúng tôi cho rằng phim không sai phạm về tinh thần lịch sử, có tinh thần nhân văn, nếu xét dưới dạng phim dã sử thì có thể phát sóng được.
.
Một cảnh quay trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long:
Từ bối cảnh đến trang phục và diễn viên quần chúng đều của Trung Quốc (ảnh do đoàn phim cung cấp)

* Nhưng thực tế, có những ý kiến lại cho rằng có nhiều nhân vật không đúng với lịch sử? 

- Về nhân vật Dương Vân Nga, trong chính sử chỉ nói về bà có ba đoạn ngắn. Điểm quan trọng nhất của nhân vật này là bà đã trao lại vương quyền cho Lê Hoàn vào đúng lúc nước sôi lửa bỏng, bộ phim đã thể hiện được. Với nhân vật này, Hội đồng Duyệt phim đã thảo luận rất kỹ, nhưng cuối cùng cũng thống nhất với nhau, điều lớn nhất là trao vương miện cho ông Lê Hoàn, bà đã làm được, còn đời tư thì có thể châm chước. Đời tư sử không chép, vậy cũng nên dành một khoảng nào đó cho người ta sáng tạo, còn sự sáng tạo này có được chấp nhận hay không thì phải chờ khán giả. Thực ra, trong văn học, nghệ thuật, các tác giả có thể sáng tác theo quan điểm của mình. Trong phim này, các nhà làm phim muốn thể hiện tinh thần của người phụ nữ, vì không muốn thất tiết mà định tự tử, đó là quyền của người làm phim.

Về nhân vật Lê Hoàn, thực ra, để nói về một nhân vật anh hùng dân tộc như mình mong muốn thì phim làm cũng chưa tới, nhưng đẩy ông Lê Hoàn từ một ông vua được kính trọng sang thái cực khác thì không phải. Một ông vua cũng có những giây phút đời thường, cũng có những lúc quyết liệt, có lúc buồn đau, sung sướng. Theo tôi, hãy để công chúng luận bàn.

Phải khẳng định không phải Hội đồng Duyệt phim ủng hộ tuyệt đối với phim này. Nhưng trong phong trào xã hội hóa, một phim dã sử, cổ trang cũng đáng được ghi nhận. Phim không phạm vào những điều cấm, không quá sai lệch lịch sử, không thóa mạ danh nhân. 

* Ông vừa nói phim không quá sai lệch lịch sử?

- Có những phim trung thực với lịch sử, có phim theo tinh thần lịch sử, có phim dã sử, thậm chí có những phim phản biện lịch sử.

* Vậy thì Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long có thể gọi là gì? 

- Phim làm theo tinh thần lịch sử. 19 tập phim này không thể coi là phim lịch sử, gọi là dã sử cũng được. 

* Ông nghĩ gì khi có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên phát sóng bộ phim này? 

- Chốt lại, phim không phạm vào những điều cấm. Vậy nên trong văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là bộ phim có thể phát được, nhưng phát sóng phim vào thời điểm nào là tùy đài và phải hạn chế những cảnh bạo lực. Là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi phải có trách nhiệm nhắc nhở như vậy, nhưng quyết thế nào là tùy đài. Luật đã ghi  rõ giám đốc đài chịu trách nhiệm về việc phát sóng bộ phim. Phải nói thêm rằng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một thời điểm nhạy cảm nên Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mới duyệt phim này chứ thời điểm khác thì lãnh đạo đài phải chịu trách nhiệm, chúng tôi làm sao có thể duyệt được tất cả các phim phát trên sóng truyền hình. 

* Khi tham gia duyệt bộ phim này, ông có gặp áp lực gì không? 

- Thực lòng mà nói, nếu không phải duyệt bộ phim này là tốt nhất. Nhưng là cơ quan quản lý Nhà nước, việc đến tay thì phải làm. Luật Điện ảnh khuyến khích việc xã hội hóa, mình cũng nên động viên họ. Còn hay dở thế nào thì để khán giả quyết định. Nếu phim hay, khán giả sẽ đón nhận, còn nếu ngược lại, biết đâu sau vài tập, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ dừng như những phim khác.
 
Ý kiến bạn đọc 
Hãy tôn trọng lịch sử, văn hóa dân tộc

LTS: Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 6-6, đăng bài “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Vẫn là phim Trung Quốc... nói tiếng Việt!”, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối của độc giả về nội dung bộ phim và quyết định cho phát sóng trên VTV. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu

“Dân tộc ta, nhân dân ta đã rất tự hào về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam, nếu những gì mà bộ phim thể hiện theo như lời của GS Lê Văn Lan thì đúng là xuyên tạc lịch sử, hạ thấp lòng tự hào, tự tôn dân tộc”.
CaoTung

“Nếu sự thật đúng như GS Lan nói, chúng ta cần cấm hẳn bộ phim này không những trên sóng truyền hình mà trên cả các phương tiện khác. Đây cũng là bài học cần thiết cho những người làm văn hóa, hãy biết tôn trọng lịch sử và văn hóa của đất nước ta”.
Hà HN
“Phim lịch sử Việt Nam mà đi mướn Trung Quốc làm thì làm sao ra cái hồn Việt Nam được. Cái gì cũng đều có thể đặt hàng được nếu có kinh phí nhưng riêng về văn hóa thì phải chính con người Việt Nam làm thôi”.
LTD

“Một bộ phim đã không đủ chất lượng, nội dung sai lệch lịch sử; cảnh trí, phục trang, diễn viên phụ, diễn viên quần chúng người Trung Quốc sao lại cho phát sóng trên đài truyền hình quốc gia? Một bộ phim như vậy không thể cố chiếu lấy được. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam xem xét lại chuyện này. Chưa kể trong thời điểm này, càng không thể đơn giản đem chiếu cho người Việt Nam xem được”.
Trịnh Minh Anh

“Cần phải xem vì sao Đài Truyền hình Việt Nam lại lên lịch phát sóng bộ phim “Trung Quốc hóa” này? Ai ra quyết định, nhằm mục đích gì? Là người xem, chúng tôi kiên quyết phản đối, nhất định sẽ tẩy chay không xem phim này”.
Minh Ngọc

“Hy vọng bộ phim này không vì lý do đã lỡ làm và quá tốn kém kinh phí rồi lại chạy chọt để được công chiếu, thu hồi vốn. Người Việt Nam phải có lòng tự tôn dân tộc. Đã làm phim về đề tài lịch sử thì phải đúng, không được bóp méo hay xuyên tạc. Đài truyền hình quốc gia mà công chiếu bộ phim này thì hệ thống giáo dục trong nhà trường về môn lịch sử Việt Nam sẽ như thế nào đây?”.
Đặng Sơn

“Nếu những nhà làm phim, những người có trách nhiệm liên quan còn lòng tự tôn của dân tộc Việt thì không thể cho phát sóng bộ phim này. Và tốt nhất là không bao giờ phát sóng nó nữa. Tiền cũng quan trọng nhưng lịch sử, văn hóa, lòng tự tôn của một dân tộc còn quan trọng hơn rất nhiều”.
Vũ Viết Tuân

“Có hai cách lý giải: Một là, đây là phim “lỡ làm” thôi cho chiếu giống như cách giải quyết đối với các loại “lỡ” trước đây; hai là, xem lại tư cách của những người làm phim có khách quan, vô tư?”.
Thanh Thư

“Theo tôi, VTV3 không nên chiếu bộ phim này vì với những sai sót nghiêm trọng về nội dung, phục trang và cách diễn xuất giống với các phim Trung Quốc, nếu công chiếu sẽ phản tác dụng, tôi và gia đình tôi sẽ không xem phim này, đặc biệt là với các con cháu tôi. Tôi không hiểu vì sao và vì cái gì mà phải “cố đấm ăn xôi” để chiếu phim này?”.

Phạm Sĩ Hùng
Hoàng Lan Anh thực hiện

28 nhận xét :

  1. Chắc là có sơ múi gì rồi! Ôi sẽ quay về thời kỳ Bắc thuộc nữa rồi! Thiện tai, thiện tai

    Trả lờiXóa
  2. Với những câu nói đầu tiên của chính cái mồm ông LNM như trong bài đã đưa cũng đủ thấy chẳng có lý do gì để cho bộ phim này được có mặt trên đời chứ chưa nói gì đến trình chiếu ở VN. Không hiểu cái công ty (nghe đã rất TQ, có gốc gác TQ rồi) là Trường Thành là cái gì mà nhiều quan chức cao cấp phải lên tiếng bênh vực thế không biết? Đã thừa nhận mọi thứ đều rất TQ, đã cắt bớt mà vẫn chưa đạt, ấy thế mà vẫn còn cố vớt vát được rằng "không phạm vào điều cấm". Có cơm thà đổ cho chó ăn còn hơn dùng để đóng thuế cho lũ này. Thế nó phạm vào điều cấm ở Biển Đông đấy, mang cái mặt thịt ra mà bảo với nó.lkk

    Trả lờiXóa
  3. Rõ quá còn gì,Điện-ảnh ơi !
    Ngôi nhà không-móng sập nghiêng rồi !
    Xáo-xào Văn-hóa lai căng trộn...
    Hồn-Nước cũng thành...món-nhậu chơi ?

    Trả lờiXóa
  4. Về bộ phim ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG : KHÔNG PHẠM ĐIỀU CẤM!
    Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia, nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động.
    -----------------------
    Theo Luật xuất bản của nước CHXHCNVN ban hành năm 2008 , các bác xem thử ông Lê Ngọc Minh có phạm điều cấm không để biết mà xử lý nhé .

    ĐIỀU 10 : Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản
    ...
    4/ Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

    Trả lờiXóa
  5. Thằng cha này nói mà ko biết ngượng miệng, lời nó nói đã lộ ra cái đuôi hết rồi, lỡ nuốt tiền của doanh nghiệp rồi ko ói ra được thì dành phải ị ra ra phân, chỉ tội người dân phải "hưởng" những cái bã này...

    Trả lờiXóa
  6. Kính gửi ông Lê Ngọc Minh Phó Cục trưởng Cục ĐA. Tôi chỉ là một thảo dân. Tôi thành thật xin lỗi ông và bà con cư dân mạng vì lời nói thiếu văn hoá khi bàn luận. Nhưng bực không thể chịu nổi. Ông có học, làm tới chức Phó Cục trưởng sao mà ngu thế. Nếu không phạm điều cấm mà cứ làm bất chấp sự thật lịch sử, bất chấp dư luận đúng đắn, bất chấp lòng người, bất chấp lợi hại...nghĩa là bất chấp tất cả thì ông đúng là một kẻ ngu hết thuốc chữa( trừ khi tiền đã làm mờ mắt ông ). Hơn nữa ông nói ngu hơn người ít học.Có bao điều pháp luật không cấm nhưng Đảng chưa muốn dân làm, ông cứ thử làm đi xem nào. Cái lý của ông là cái" lý điềm" theo cách nói của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Nếu ông giỏi thì cứ trực tuyến trên mạng với choa thử xem

    Trả lờiXóa
  7. Nếu phim này được chiếu trên TV của ta, tôi chắc là ông Lê Ngọc Minh sẽ sớm nhận được hàm "siêu Tiến sĩ" (giấy) !!! Rồi bạn xem, dự báo của tôi sẽ trúng 100% đấy. "Tiến sĩ" được phong tại đất Việt ta hiện nay đều gần như cùng một loại cả !!!
    Các bạn cứ xem lại ý kiến vừa "tâm sự" của ông Nguyễn Khoa Điềm (nguyên uỷ viên BCT, nguyên trưởng Ban TTVH) thì sẽ rõ là hiện nay, những người phụ trách ngành Văn hoá của ta đang bán rẻ, đang thoá mạ, đang hạ nhục, đang xuyên tạc truyền thống văn hoá của dân tộc ta là như thế nào !!! Vì ... họ chính là những người vô văn hoá, các bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  8. Ông này nói quá đơn giản, tựa như một cháu bé, khi xem phim này thấy hình ảnh "hơi đẹp". Nếu đã phạm điều cấm thì không cần nói, bàn về bộ phim này nữa cho phí thì giờ. Nếu vi phạm điều cấm trong luật hình sự thì truy tố, nếu vi phạm điều cấm trong luật khác thì bị xử theo quy định.
    Cái đáng bàn là phim này có nên chiếu không, nếu chiếu được thì VTV, một kênh tuyên truyền của Đảng, Nhà nước có nên phát sóng không? Phát để làm gì, ai hưởng lợi nếu VTV cứ "phát"?

    Trả lờiXóa
  9. sự thật trước sau chỉ có một, sai 1 chút cũng là sai. Sao 1 vị quan chức (sắp) Tiến sĩ có thể tuyên bố xuề xòa vậy được nhỉ.

    Tuyên bố của ông Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng "xứng đáng" nằm trong số Những phát ngôn ấn tượng

    Trả lờiXóa
  10. Bán nước cầu vinh đây mà!

    Trả lờiXóa
  11. Lời phát biểu của ông Lê Minh Ngọc không có tính thuyết phục,ông quá gượng ép để cố tình bao biện cho bộ phim này.Những lỗi lớn,bôi nhọ lịch sử như vậy mà ông nói không vi phạm vào điều cấm.
    Việc khác thì sáng tạo được,lịch sử thì phải đúng,ai cho phép sáng tạo lịch sử theo kiểu bôi nhọ hỡi ông cục phó LMN.Nói về cái sai của ông trong bài phỏng vấn thì nói cả ngày không hết.
    Tôi không hiểu ông vì cái gì và trình của ông cao đến đâu mà phát biểu kiểu ba phải như vậy.

    Trả lờiXóa
  12. Câu đó đẻ nhân dân nói chứ không phải viên chức nhà nước nói. Không ai cấm Tổng Thống khiêu vũ với các vũ công trong một lễ hội văn hóa. Nhưng là TT anh không được nhảy với một cô quá 3 phút. Không ai cấm anh làm phim dã sử nhưng đừng vẽ lại biểu tượng dân tộc. Nay mai có người làm phim dã sử về các lãnh tụ đương đại Cục còn dám nói thế nữa không. Hãy nghe lời nhân dân đi. Không chiếu thì không chiếu có sao đâu. Cấp cho TrT một khoản khác làm phim về Vạn lý TRường thành chẳng hạn. Xong. Êm. KHỏi tai tiếng. Tại sao các vị LĐ thích làm những việc ngược lòng dân làm gì nhỉ? Nếu tôi là phó cục. Tôi kết luận như sau, do dư luận bất thuận từ phía các trí thức, các nhà nghiên cứu và đông đảo khán giả, tôi Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh xin Cục trưởng ra chỉ thị cấm chiếu vô thời hạn phim này trên toàn lãnh thổ VN. Nếu công ty TrT có thấy bị thiệt thòi trước QĐ này có thể làm ông văn trình bày lên cấp trên và cấp trên nữa hay tiến hành khởi kiện theo hợp đồng...
    Xin hết.

    Trả lờiXóa
  13. Xin lỗi.Tôi muốn nói về ông Lê Ngọc Minh cục phó cục điện ảnh lại viết nhầm là Lê Minh Ngoc.
    Chậm hiểu 11:50.

    Trả lờiXóa
  14. Ông Lê Ngọc Minh này nhìn cũng ra dáng trí thức đấy chứ. Nhưng tôi thấy ông có mắt như Mù vậy.Ông không phân biệt nổi đâu là Việt nam đâu là Trung quốc?
    Hay ông lụy vì Tiền

    Trả lờiXóa
  15. Cấm và chỉ có cấm. Không chiếu bộ phim này!!! Đó là mệnh lệnh của lịch sử mà một ai còn chút lương tri đối với văn hoá Việt hãy làm ngay. Ngược lại sẽ bị dư luận nhổ toẹt vào mặt và quay lưng!!!

    Trả lờiXóa
  16. Một lời nói không có "tâm" với nghề, với đất nước. Đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhưng "tầm nhìn" cũng hạn chế, nếu không muốn nói là thiếu tầm nhìn vấn đề lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc và quản lý nhà nước.

    Trả lờiXóa
  17. Đề nghị những người hướng dẫn, phản biện LA của ông phó Cục coi kỹ luận án ông này. Nếu phát hiện kém cõi hay viết thuê, tiền trảm hậu tấu.

    Trả lờiXóa
  18. Có cái bóng mây nào đó che tầm mắt hay có lời ngon nọt nào đó khiến bùi tai hay có...

    Trả lờiXóa
  19. Ông Minh không thể ngụy biện, theo kiểu dã sử, pháp luật không cấm . Ông là cục phó mà tầm nhìn,quản lý, nói như thế mà được à. Xin lỗi ông, mượn vào cớ đó, thời gian sau người ta dựng phim xuyên tạc nhân vật này, nhân vật kia hiện nay mà không đúng với lịch sử thì có nên? hay vẽ vời, sai về ông, về dòng họ nhà ông có được không? Phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật ông ạ. Còn phim mà diễn ở tầu, cảnh tầu, hậu kỳ tầu... thì thôi, vứt đi, tiếc làm gì.Ông lo mà giải trình với công an đi. Tiền làm lóa mắt các ông rồi.

    Trả lờiXóa
  20. Ông này nói bao biện để bảo vệ cái văn bản của cơ quan mình gửi nhà đài, cái nhìn về bộ phim của ông Minh thật đơn giản quá và đó đâu phải là tầm nhìn của nhân dân. Nhân dân đã lên tiếng, xin "các cụ" lắng nghe!

    Trả lờiXóa
  21. Gửi một lời đến ông Lê Ngọc Minh:
    - Không cần kiểm duyệt hoặc được duyệt 100 lần không có ý nghĩa gì cả khi công chiếu mà công chúng không thèm xem và cũng không muốn xem. Vậy, công chiếu để làm cái gì ? Vì cái tôi hay vì cái lợi ích cốt lõi của các ngài ? Hay là có cái lưỡi dao dí đằng sau bắt các ngài công chiếu ? Lịch sử điện ảnh Việt Nam trong phần tội đồ sắp ghi tên những người chuẩn bị làm điều ngu ngốc ý đấy, vết nhơ trong lĩnh vực văn hóa khó gột rửa lắm. Xem và nhìn lại cho kỹ các ngài nhé !

    Trả lờiXóa
  22. ông Minh đúng là loại tiến sĩ giấy.Phim hay dở thế nào không đưa ra được ý kiến khăng định mà lại nói do khán giả quyết định sau khi xem thì các ông nên về vườn mà đuổi gà ở lại làm gì tốn tiền đóng thuế của nhân dân

    Trả lờiXóa
  23. Nói như ông Minh tóm lại là phim DTTTL vẫn còn "những cảnh phim mang nặng yếu tố nước ngoài, gây hiểu lầm cho người xem, không trung thực với lịch sử" dù đã "cắt gọt tối đa"! Vậy yêu cầu các ông lãnh đạo phim ảnh, đảng, nhà nước dục nó vào thùng rác luôn đi. Chiếu một phim mà dân thấy nhục, Tàu thấy sướng thì chiếu làm gì?

    Trả lờiXóa
  24. Ông Lê Ngọc Minh cố tình lập lờ, đánh lận con đen. Dư luận không khen chê bộ phim này hay hay dở mà lên án "BỘ PHIM NÀY RẤT PHẢN ĐỘNG VÀ XUYÊN TẠC LỊCH SỬ". Đó mới chính là nguyên nhân gây sự căm phẫn trong nhân dân. Ống ấy dốt hay có ẩn tình gì đây ?

    Trả lờiXóa
  25. Nếu đã nhận tiền chung chi rồi thì kiểu gì cũng phải cho phát sóng,há miệng mắc quai.Nếu không nhận hối lộ,thì việc gì phải phát sóng để chịu lời chửi rủa,đừng vì đồng tiền bẩn của tàu khựa mà bán đi linh hồn.

    Trả lờiXóa
  26. Đúng là không phạm vào những điều luật hiện hành, chỉ phạm vào lương tri và lòng tự hào dân tộc thôi. Mà những thứ này e rằng ông Cục...cục không có mới khổ chứ!

    Trả lờiXóa
  27. Một ông quan cỡ bự về văn hóa mà không hiểu gì về văn hóa. Một ông quan ăn bỗng lộc bằng tiền thuế của dân mà luôn luôn trút trách nhiệm lên dân thì thật...
    Các bác ơi thế nào là chính sử và thế nào là dã sử vậy? Quan lớn dường như đã hiểu dã sử là cái gì vậy?...

    Trả lờiXóa
  28. Theo tôi hiểu (không biết đúng hay sai, xin đựợc chỉ bảo thêm) , chính sử là sử liệu được các quan viết sử ghi lại qua các triều đại. Nói chung, chính sử ghi lại những sự việc có thật diễn ra trong triều đình hoặc có liên quan đến triều đình. Còm dã sử là những sự việc xãy ra trong hàng dân dã, không có ghi trong chính sử. Dã sử có thể có thật, cũng có thể là hư cấu của nhà văn dựa vào các sự kiện có thật trong chính sử, nhưng tuyệt đối không bóp méo lịch sử. Phim nói về cuộ đời của Lý Thái Tổ Công Uẩn không thể là một câu chuyện dã sử được. Xin đừng dùng từ ngữ để nhập nhằng.

    Trả lờiXóa