Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

TƯNG BỪNG 21.6: NHẬU THỊT CHÓ VÂN ĐÌNH 13 MÓN

Mười ba món Thịt chó Vân Đình

Vân Đình Hùng
Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện:
Vân Đình là một thị trấn nhỏ, nằm ngay bên con đường trảy hội chùa Hương, rộn ràng trong mưa bụi mỗi độ xuân về, là thủ phủ của huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Xưa Vân Đình là một vùng đất cổ thuộc huyện Sơn Minh, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng; năm tháng trôi qua, thiên tai địch họa trải đã nhiều song cũng không xóa được những vết tích cổ kính nơi đây.
Tôi có anh bạn là một tay sành ẩm thực có hạng. Dấu chân anh đã in khắp các miền non nước, và anh thì đã biết đến không biết bao nhiêu là của ngon vật lạ, đặc sản thời trân các nơi. Khi tôi hỏi anh đã biết đến các món vịt cỏ, thịt chó Vân Đình chưa thì anh ta lôi kéo tôi đến ngay mấy cái quán vịt ở đường Láng, và còn hẹn sẽ đưa đi một vòng quanh Hà Nội để đếm xem có bao nhiêu cái quán đề biển Thịt chó Vân Đình, ra vẻ là người sành điệu lắm. Tôi bảo anh ta chỉ là một gã biết ngọn mà không biết gốc....

Tôi còn nhớ mãi đận về ăn cưới ông bạn nối khố ở Vân Đình. Anh chàng lấy vợ ở cái tuổi 30, so với trai làng là “qúa chậm”. Sau một chục năm ở chiến trường về, lấy cô giáo làng vừa trẻ lại vừa xinh, nên bọn bạn chúng tôi lại khen chậm nhưng chậm chắc.

Làng đang vào vụ gặt mùa, tiết trời se lạnh, đường về làng đầy những rơm phơi kín. Chúng tôi được thông báo rằng cỗ cưới ở Vân Đình là cỗ thịt chó. Thấy lạ, bọn lính cũ cùng đơn vị ở Khe sanh năm 1972, thằng nào cũng sắp xếp công việc để vào dự cưới ông bạn Vân Đình.

Ở đây có lệ ăn cỗ dựng rạp trước hôm đón dâu. Chúng tôi vào đúng lúc cả nhà đang tất bật, mỗi người một việc, người đi mượn bàn ghế, người đi mượn phông màn của uỷ ban xã, người chuẩn bị bát đĩa, soong nồi, củi, rơm ...Ông cụ thân sinh ra chú rể đang túi bụi với công việc chuẩn bị cho bữa cỗ ngày dựng rạp và ngày hôm sau đón dâu. Chú rể giới thiệu chúng tôi với ông già, và sau một tuần trà thơm, chúng tôi xin được giúp ông già làm cỗ. Không khí thân mật đã làm mất đi cái khoảng cách chủ khách, chỉ còn lại không khí thật ấm cúng ngày nào, cùng chiến hào của một thời chiến tranh.

Thật ra chúng tôi chỉ ngồi nhặt rau, gọt vỏ chuối, giã riềng và bổ củi. Tôi được ông già cho phụ giúp việc làm thịt chó. Người Vân đình gọi việc vặt lông chó là “sỏi vỏ”. Sau giai đoạn sỏi vỏ là “thui”. Ông già nói ngày mai khi làm cỗ đại trà thì chỉ thui bằng rơm mới thôi. Hôm nay có các anh về dự cưới em nó, bố sẽ thui bằng cây thanh hao cho đúng cách để các anh được thưởng thức hương vị Làng Vân. Mà thật lạ, cái bó cây thanh hao người ta dùng làm chổi quét nước, ấy vậy mà dùng nó để thui chó thì vừa nhanh, thịt chó lại có mùi thơm rất lạ ngay từ lúc nó vừa thui xong. Nhìn con chó vàng ươm, tròn mây mẩy, khuỷu chân trước hơi quá lửa nứt ra, mỡ cháy sủi bọt đã thấy chảy cả nước miếng rồi. Ông già xách con chó vừa thui ra sân giếng khơi, tôi nhanh nhẹn kéo mấy gầu nước đổ đầy cái chậu to tướng. Toàn thân con chó được sát muối, ông cụ bảo làm thế nó sẽ hết mùi hôi, rồi ông lấy một mớ rơm mới chà sát sạch sẽ rồi dội nước. Bởi như ông nói, sau lúc mổ thì không được rửa thịt nữa, sợ nó nhạt(!). Con chó được đặt nằm ngửa trên một chiếc nong đã được rửa sạch, phơi khô, chiếc thớt gỗ nghiến Lạng sơn đã ghi đậm những vết băm chặt của không biết bao lần làm cỗ như thế này đã sẵn sàng. Thịt được phanh ra và các món gần như được định liệu ngay từ khi mổ. Tôi được ông cụ giải thích: ở Vân đình người ta làm cỗ thịt chó thường có 13 món gồm: 5 bát, 8 đĩa. Nếu cầu kỳ, nhất là mấy ông đồ nho gặp bạn văn chương thì có thể hơn. Năm bát gồm có Sáo nạc (bằng thịt nạc, mỗi miếng tái to gần bằng bao diêm) đem ướp kỹ rồi hầm nhừ. Sáo xương, Tam tam (giả thịt ba ba gồm hai cánh sườn, thêm một chút thịt ba chỉ thái con chì, lạc rang chín tới xảy sạch vỏ, giã vỡ đôi, chuối xanh, đậu phụ nướng thái con chì, xương sông, tía tô, mẻ...), Sáo trâu (giả thịt trâu, gồm phần nạc ở vai, cổ, thái mỏng ướp hành khô, tỏi băm, không được dính giềng, nấu với rau cần tuốt hết lá hoặc cọng rau muống non). Và cuối cùng là bát nước chấm được gọi là “Lòng chuột”. Thực ra món này không phải làm bằng thịt chuột, nhưng từ xưa người Làng Vân vẫn gọi món này như vậy, chẳng ai biết xuất xứ của nó từ đâu? Món này làm bằng bộ cuống họng băm nhỏ, phổi, lá lách và các thùy gan nhỏ (còn thùy gan to phải dùng cho món khác) cũng thái nhỏ đem xào chín tới với khế chua vắt nước, lọc mẻ, ớt tươi, trước khi bắc ra thì cho tiết hãm (tiết không bị đông, được hãm như tiết canh) và lá chanh. Riêng lá chanh tôi thấy ông cụ nói rằng sau khi hái không được rửa - sợ mất mùi, mà phải lau sạch từng lá trước khi xé nhỏ cho vào nồi lòng chuột. Món này thay mắm tôm chanh ớt. Người Làng Vân ăn thịt chó không chấm mắm tôm! Món lòng chuột được chấm với chả nướng, thịt luộc, dồi luộc sao cho khi ăn mỗi miếng thịt luộc, dồi hoặc chả được gắp kèm thêm khế, lục phủ ngũ tạng, ớt ... trong bát nước chấm, mới đủ độ ngon.
.
Trong tám đĩa, mỗi thứ một vẻ, đầu vị phải kể đến đĩa dồi, “sống ở đời ăn miếng dồi chó... “, thứ hai là đĩa luộc (hay hấp), thứ ba là đĩa nhựa mận (hay Cháy cạnh) món này làm bằng các loại thịt thừa khi chế biến, thái vuông mỗi chiều hơn một đốt ngón tay, rang cháy cạnh cho chảy mỡ ra, rồi mới cho mẻ lọc vào, khi bắc ra nêm thêm một môi tiết hãm. Món thứ tư là đĩa “Gan sống mỡ gáy", nhưng không phải làm bằng gan sống và mỡ gáy! Món này khi pha thịt phải lựa được hai nửa miếng nầm ngực băm dối, vết dao chỉ làm đứt da, để lại những vạch chéo, ướp riềng mẻ, mắm tôm độ một tiếng trước lúc nướng. Hai thùy gan to nhất cũng được khía dối ướp lẫn. Khi nướng phải có ý, không được nướng phía bì trước, phải úp miếng nầm xuống, nướng chín tới, sau đó hơ qua mặt có bì, hai miếng gan phải nướng sao cho không sống, không chín quá. Lúc thái, thái vuông mỗi chiều bằng một đốt ngón tay, chấm với muối tiêu chanh để ngay ở trên đĩa. Khi ăn phải gắp hai miếng, một miếng nầm nướng, một miếng gan nướng ăn lẫn. Cái sậm sật của sườn non, quện với vị bùi của gan nướng làm cho thực khách ngỡ ngàng khi thưởng thức. Đĩa thứ năm, thứ sáu, thứ bảy là ba loại chả. Chả miếng, giống như các hàng thịt chó thông thường. Nhưng người Làng Vân lúc pha thịt chả thường thái thành từng miếng to sao cho cứ hai miếng đó sau khi nướng thì thái được một đĩa bày mâm. Miếng thịt chọn để nướng chả phải lẫn cả nạc, cả mỡ, cả bì, sau đó kẹp trong một cái gắp bằng tre tươi chẻ mỏng nướng trên chậu than Đục Khê đỏ rực. Khi chín thái mỏng tang, bày lên đĩa, lúc ăn chấm với lòng chuột. Chả bọc làm bằng các loại thịt vụn sau khi chế biến, mang băm nhỏ, nặn thành hình cái bánh mỳ nhỏ, dẹt, lấy mỡ màng tang (hay còn gọi là mỡ chài) bọc ra ngoài rồi đem nướng, có người thích ăn thêm xương sông thì bọc thêm một lượt xương sông ngoài cùng để khi nướng có mùi thơm lạ hơn. Đĩa chả thứ ba cũng là đĩa thứ bảy đó là Chả sầu bóp tiết. Tôi cũng không biết người Làng Vân đình gọi tên này bắt đầu từ một điển tích gì ngay cả cụ già cũng chẳng giải thích gì thêm. Để có đĩa chả này phải lựa những miếng thịt mông cuối, nhiều nạc, ít mỡ, thái vuông quân cờ, ướp riềng, mẻ, mắm tôm trước một giờ, sau đó cho vào một cái lưới dùng để nướng chả. Khi chả vừa chín thì gắp từng miếng nhúng vào tiết hãm pha một chút rượu mạnh để miếng chả có mầu rất bắt mắt, bóng láng như được tráng một lớp men màu bã trầu, cau Đông trầu Quế vôi Đào. Khi bày đĩa phải quay phía bì lên rồi đem vừng trắng rang rắc lên chốc. Mỗi đĩa có sáu miếng, mỗi người trong mâm chỉ được nếm một miếng thôi.

Bảy món đĩa trên đều được ông bố chú rể hướng dẫn tôi một cách tỷ mỉ. Song tôi nghe cũng như vịt nghe sấm, nghe thì hay, thì thích, thấy rõ lạ, nhưng nó lại chạy từ tai trái sang tai phải rồi chạy đi đâu mất?

Đĩa cuối cùng ông già nói rằng kể cho anh nghe cho đủ, nhưng anh không phụ giúp tôi được đâu. Cứ trông cái bộ dạng lóng nga lóng ngóng của anh là tôi đã phải làm lấy một mình rồi. Tôi chăm chú nhìn ông già thao tác, đầu tiên ông lấy toàn bộ bì lạng lẫn chút mỡ, cuốn lại rồi lấy lạt giang buộc, bỏ vào nồi luộc. Các miếng thịt nạc ngon nhất được ướp hành khô, giềng, mắm muối sau một lúc, đem nướng chín tới. Ông thái mỏng các miếng thịt nạc vừa nướng tới vẫn còn lòng đào, ông gọi là “tẩy” tái dê, tuyệt nhiên không có chữ thái ở đây. Tay nghề của ông thật điêu luyện, miếng thịt trông thì to bản nhưng mỏng. Bì luộc vớt ra để nguội thái chỉ như tẩy nem chạo. Cả hai thứ được hộn lại, rồi đem muối, bột ngọt, thính trộn đều. Thính dùng cho món tái dê phải được rang bằng đậu tương, xay nhỏ thành bột mịn trộn thêm một quả thảo quả (có nơi gọi là quả tò ho) nướng than chín cháy vỏ, rồi cũng đem giã nhỏ như đậu tương vậy. Lúc bày ra đĩa rắc thêm ít lá chanh thái chỉ.

Trong các món đĩa thì món tái dê làm thật công phu và dân bợm nhậu cũng sẽ rất khoái vì hương vị đặc biệt của nó. Không phải thịt dê, nhưng ăn nó na ná.

Mười ba món thịt chó trong một mâm cỗ như hội tụ tất cả hương vị độc đáo của một vùng quê. Tôi không dám nói dân Làng Vân có trình độ “Văn hoá ẩm thực”, nhưng nếu bạn được chứng kiến từ đầu một bữa cỗ bằng thịt chó của người Làng Vân thì mới thấy hết cái tinh xảo trong chế biến, cái hợp lý trong cách dùng gia vị và điệu nghệ trong nấu nướng của họ.
.
Công việc nấu nướng lại là của các bà, các cô, họ nêm gia vị, mắm muối rồi ngửi món đang nấu, tuyệt nhiên không thấy ai nếm bao giờ. Khi ăn chưa thấy thực khách nào chê mặn hay nhạt vì món nào cũng vừa vặn. Các món được nấu chín, cách trình bày cũng thật độc đáo. Họ bày rất hài hoà từ đĩa rau thơm đến tám món đĩa, năm món bát, nhìn mâm cỗ cứ như là một tác phẩm nghệ thuật vậy. Điều đặc biệt nữa mà chỉ người Làng Vân mới làm còn các nơi khác chưa thấy nói tới là: nếu ăn thịt chó ở Vân Đình trong mùa lạnh thì các bát nấu khi bưng mâm ra thường được đặt trên một cái đĩa men lam Bát Tràng đựng rượu mạnh. Lúc cả mâm nâng chén, người bưng mâm sẽ châm lửa đốt rượu trong đĩa nhằm giữ cho bát nấu được nóng. Các cụ Vân Đình gọi là ăn bát sáo hỏa thang.Chuyện vãn một hồi, ông già mời chúng tôi xơi cơm. Mâm cỗ được bày ra, bốn anh em chúng tôi, và hai bố con chú rể ngồi thưởng thức cái vất vả, nhưng phấn khởi như một niềm vui nhân đôi. Rượu được rót ra, tiếng mời chào râm ran...

Hôm sau vào ngày đón dâu, bữa tiệc trước lúc đón dâu dễ tới năm chục mâm, mâm nào cũng năm bát, tám đĩa đều chằn chặn. Phải tới hơn ba mươi năm rồi, kỷ niệm về một vùng quê cứ hiển hiện trong tôi như một giấc mơ đẹp. Khó có một vùng quê nào nấu thịt chó mà có những mười ba món như người Vân Đình.
.
Chú thích ảnh: Lâm Khang đi nhậu về, say quá! Chẳng chụp được ảnh thịt chó Vân Đình. Đành lấy tạm mấy cái trên mạng, nhưng không phải TC Vân Đình. 
.
*Bài viết do thi sĩ Vân Đình Hùng gửi riêng Nguyễn Xuân Diện - Blog.

52 nhận xét :

  1. Bác Diện đang món ăn cho bọn cháu phải không, cũng được nhưng cháu không ăn được thịt chó làm sao đây hả Bác?

    Trả lờiXóa
  2. Bác Diện cho đăng bài này vào ngày nóng quá. Ngon thật nhưng có lẽ đành "để dành cho mùa đông". Riêng em lại thèm bát canh rau sắng quê em cùng với cà muối để "hạ hỏa" trong những ngày "nóng cả trong lẫn ngoài" này.

    Chí Tuyến

    Trả lờiXóa
  3. Đề nghị bác Diện cho xin địa chỉ để dân ẩm thực chúng em vào thưởng thức với nhé. Cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
  4. Tôi chân tình khuyên Lâm Khang không nên ăn thịt chó , vì:không có lợi cho sức khỏe , sẽ thừa đạm , dễ phát nhiều bệnh tật (gut, mỡ máu, thoái hóa,...)
    Với Lâm Khang tôi khuyên nên ăn nhiều rau xanh , hoa quả. Thịt nên chỉ ăn cá. Trước đây tôi cũng là loại khoái RTC, nhưng 10 năm gần đây mắc bệnh , nghe theo lời bác sĩ tôi không ăn chẳng những TC mà chỉ ăn rau , quả và cá. Còn thịt thì hãn hữu . Quả nhiên bệnh tật thuyên giảm hẳn.

    Trả lờiXóa
  5. Trời ơi, chảy nước miếng rồi!

    Trả lờiXóa
  6. Cầy (tên khoa học là Viverridae) là một họ động vật thuộc bộ Carnivora.
    Chó là một loài động vật thuộc họ Canidae. Họ Canidae là một họ thuộc bộ Carnivora.
    Bộ Carnivora bao gồm nhiều họ động vật khác nhau. Theo phân nhánh trong đó thì Cầy có họ hàng gần với Mèo hơn là Chó.
    Dân miền Nam nhà em rất thích ăn thịt chó nhưng cũng thích đạo Phật. Mà đạo Phật lại cấm thịt chó nên phải "gọi lén" thịt chó là "thịt cầy".
    Tuy nhiên với tình hình thịt chó khan hiếm, với lại có một số người quyết tâm giữ gìn giới luật nhà Phật nên chuyển sang ăn món thịt heo giống thịt chó và gọi nó là "giả cầy". Đó là những người "tu thật".
    Hôm nọ vào ăn món "cầy hương" ở quán nọ thì lại được chủ quán chào món "giả cầy". Nó là cầy thật tại sao lại còn phải "giả cầy"?
    Các bác ạ! Em rối trí lắm rồi.

    Trả lờiXóa
  7. Bác Lâm Khang là chiến sĩ cách mạng mà lại ăn thịt chó ư?
    Theo em thì cần phải "Nêu cao chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Nhất định không ăn thịt chó". Đây là một điều đã được đồng chí Tố Hữu quán triệt ngay từ thời thực dân phong kiến qua bài thơ "Hỏi cụ Ngáo":

    Nay lão vác tròng đi thịt chó,
    Chó vàng, chó mực tội gì đâu?
    Sao không chặt hết bao con đó,
    Liếm gót giày Tây, béo mượt đầu?
    Các nhà thơ Cách mạng, các anh Bộ đội Cụ Hồ nhất định không ăn thịt chó vì không những các anh có lòng yêu quê hương đất nước, có lòng căm thù giặc sâu sắc mà còn có lòng yêu thương động vật. Không phải như bọn Pháp, Mỹ. Bọn Pháp Mỹ và bọn phong kiến tay sai nó hành hạ súc vật ghê tởm lắm.
    Em còn nhớ lúc nhỏ xem vở cải lương, trong đó có đoạn một tên ác ôn nguỵ trổ tài bắn súng cho quan thầy Mỹ xem. Hắn và tên cố vấn Mỹ cùng ngồi uống rượu và ăn thịt cầy với nhau trong ánh nến (đèn cầy). Tên ác ôn mỗi lần hô lên một câu "Con cầy thứ nhất!", "Con cầy thứ hai!" là một lần hắn bắn một ngọn nến tắt phụt. Sau khi ngọn nến cuối cùng tắt, hắn trổ tài bắn trong bóng tối vào chiến sĩ ta (đang bị trói).
    Tôi nhớ lúc nhỏ xem bộ phim trong đó có cảnh bọn lính Pháp đang ngồi xung quanh chỗ con chó bị thui và nốc rượu. Ống kính quay cận cảnh hàm răng trắng ởn của con chó. Bọn Tây ăn uống nhồm nhoàm.
    Nói chung là hình ảnh ăn thịt chó của bọn giặc được các tác phẩm nghệ thuật ta (nhất là ở miền Nam) mô tả rất là đáng kinh tởm. Còn dân ta và các chiến sĩ Cách mạng coi mãi không thấy vở cải lương nào diễn tả cảnh ăn thịt chó.
    Vài lời cho bác cân nhắc… he he….
    Chúc các bác một ngày vui!

    Trả lờiXóa
  8. huuson2512@Gmail.comlúc 14:42 21 tháng 6, 2011

    Tôi đang ở Cần Thơ, trời mưa phùn, lành lạnh giống trời thu đất Bắc . Đọc bài này, thấy phảng phất mùi thơm của thịt chó nướng, vừa đọc vừa thòm thèm. Thế là móc điện thoại gọi cho thằng bạn như một phản xạ, không ý thức: " Đi ăn thịt chó mày ơi".

    Trả lờiXóa
  9. Đối với ai không gút hoặc đã trình đồng hay đi tu thì thịt chó chỉ để cho đẹp.
    Tui quê Vân đình mà chỉ thấy thịt chó 8 món thôi, chưa thấy 13 món bao giờ. Có thể đã có những món du nhập từ địa phương khác về chăng ?
    Tuy nhiên thì thịt vịt cỏ Vân đình quả là đáng nhớ.

    Trả lờiXóa
  10. Một trải nghiệm thú vị, đọc xong, mồ hôi lưỡi chảy dầm dề, hix

    Trả lờiXóa
  11. Bài ni Văn công Hùng đã đăng rồi.So lại còn "gửi riêng"?

    Trả lờiXóa
  12. Chà ... tuyệt hảo!

    Trả lờiXóa
  13. Chúc mừng bác nhân ngày nhà báo. Chúc bác luôn có những bài viết mới cùng sự trải nghiệm thú vị để bạn đọc được tiếp cận nhiều hơn nữa những góc cạnh đa dạng và muôn chiều của cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  14. Tôi nghĩ nhân dân VN đang thèm món gỏi lưỡi bò hơn đó bà con ! hề hề.

    Phải cắt ngay cái lưỡi bò này nấu lưỡi bò 7 món cho dân chài Việt Nam nhậu !!!

    TS Diện có thích thì mời luôn mấy bợm bên chiếu rượu quêchoa sang "Vô" hì hì

    Trả lờiXóa
  15. @Bác Nặc danh 13:33: Thịt chó đúng là có nhiều đạm (19%) nhưng hàm lượng không hề cao hơn thịt gà (24,68%) … Và đặc biệt là chắc chắn thấp hơn đậu nành (40%).
    Em nhớ lúc còn bé đọc một bài báo giải thích về hiện tượng người thờ Quan Công hay tập Võ Thần Quyền ăn thịt chó bị “lên cơn” (người ta gọi là “ông hành”). Đại loại giải thích trong thịt chó có NHIỀU chất đạm LẠ. Sau này đọc báo chí thì thấy người ta hiểu sai lời giải thích này thành “Thịt chó rất giàu đạm” hoặc “Hàm lượng đạm trong thịt chó rất cao”. Theo cái hiểu của em ý của bài báo trên thì “nhiều” có nghĩa là nhiều về số lượng, chủng loại. Còn chữ LẠ bị người ta cắt đi kia có nghĩa là những loại amino acid không nằm trong 8 loại amino acid thiết yếu hoặc 22 loại amino acid cần thiết. Vì vậy muốn khỏi bệnh gout mà chỉ kiêng thịt chó (mà không kiêng các loại thịt, đậu khác) thì cũng như không.

    Trả lờiXóa
  16. Mừng ngày nhà báo bằng thịt chó 13 món ?TS quả là xông xênh đấy nhé (lưu ý :TS bảo các chú nhà báo ăn ít thôi không có mùi thịt chó ngấm vào người suốt cả năm lại thành làm ơn mang oán đấy)

    Trả lờiXóa
  17. Một bài về chủ đề này là đủ rồi . Bác Diện không nên phát triển thêm nữa vì có nhiều người không ăn thịt chó và có rất nhiều nước trên thế giới người ta coi chuyện ăn thịt chó là man rợ . Chuyện này mình chỉ nói nhỏ với nhau thôi tuy Hàn Quốc họ cũng ăn thịt chó đấy .

    Trả lờiXóa
  18. Đếch chịu nổi.
    Chỉ cần 4 món thôi: Hấp,dồi,nướng và dựa mận là đủ.

    Trả lờiXóa
  19. bác Diện ơi là bác Diện, bác mà cứ đăng bài ẩm thực thế này thì anh em bứt rứt lắm bác ạ.

    Trả lờiXóa
  20. hay quá bac cho e xin địa chỉ

    Trả lờiXóa
  21. Troi oi sao tri thuc mien Bac thich an thit cho the? Mot van hoa khong duoc nhan dao va van minh chut nao. Sorry!

    Trả lờiXóa
  22. Tôi từng biết bác Diện xưng mình là phật tử sao lại đi ăn thịt chó vậy bác, tôi ko ủng hộ bác cái món này rồi!
    http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=5465:phat-tu-nguyen-xuan-dien-gui-cac-dao-huu&catid=4:tintuc&Itemid=6

    Trả lờiXóa
  23. cái này cho ta đọc thôi, chứ Tây đọc nó thù bác Diện lắm đó. Ai đời đem con vật cưng (pet) ngà đời của nhân loại ra mà xơi thịt bao giờ. Tôi dân miền Nam không ăn thịt chó.
    Nhân đây tôi cũng đưa ra lí do do tôi nghĩ ra. Có lẽ khi cùng các Chúa Nguyễn đi vào miền Nam, dân di cư mang theo rất ít vật nuôi, mà chó là thứ họ cần nhất nơi vùng đất lạ đầy nguy cơ, hiểm trắc, nên họ yêu quý con vật cưng này nhiều hơn nơi cố hương, thành ra xuất hiện tập tục không ăn thịt chó nữa. Bác Diện có vào miền Nam nhớ không nên đi nhậu Cầy tơ, mặc dù ở đây có đủ nhưng dân Nam có cái phản cảm khá rõ với người ăn thịt chó, đặc biệt là tín đồ Phật giáo.
    Hoàng lan

    Trả lờiXóa
  24. Ặc..ặc...vừa đọc vừa nuốt nước miếng ! Bác Diện chơi ác quá !

    Trả lờiXóa
  25. Quốc Toản (Sơn Tây)lúc 19:25 21 tháng 6, 2011

    Nhà thơ Vân Đình Hùng lên Sơn Tây trực tiếp làm đầu bếp để chế biến thịt chó 13 món. Hôm đó bạn bè văn nghệ sỹ Sơn Tây "tâm phục khẩu phục" tài nghệ của lão.
    Một lần lão rủ VNS chúng tôi đi nhậu. Cứ nghĩ chỉ quanh quẩn Hà Nội, ai ngờ lão dẫn xuống tận Vân Đình quê lão để thưởng thức thịt chó 13 món.
    Ngoài cái danh nhà thơ có lẽ phải đặt thêm cho lão một cái danh là: Nhà Ẩm thực học Vân Đình Hùng. Ngồi gõ mấy chữ này mà nước bọt lại ứa ra. Khổ thế!
    Hôm nào lại dẫn đi anh Hùng nhé. Thèm quá rồi...

    Trả lờiXóa
  26. Nghe nói ông Diện là phật tử mà.Chó là bạn của con người,không là phật tử cũng ghê sợ khi cắn miếng thịt bè bạn nữa là...

    Trả lờiXóa
  27. Thịt chó là thịt cẩu, cẩu trong từ Trung Cẩu

    Trả lờiXóa
  28. Trời ơi, MỘC TỒN hi hi hi

    Ngon quá bác ạ! Nhưng em sợ rồi, chỉ số axit uric hơi cao rồi bác ạ!

    Bác làm tí cho máu rồi lại chiến đấu tiếp trên mặt trận sự thật nhé!

    Trả lờiXóa
  29. Nguyễn Xuân Diện xin trả lời chung chư vị:

    1- Tôi là một Phật tử. Tuy nhiên, tra khắp các sách của Phật, chỉ thấy cấm sát sinh, không thấy cấm ăn thịt chó. Cái gì mà luật không cấm thì ta được phép làm.

    2- Tác giả Vân Đình Hùng gửi cho chúng tôi bài này đã rất lâu, từ Blog đời cổ. Khi ấy chưa có blog nào đăng bài này. Vì thế tôi ghi "gửi riêng" đúng như bản in lần đầu trên Blog Nguyễn Xuân Diện.

    3 - Bác nào không thích ăn thịt chó, xin tạm lánh ít hôm. Hôm sau sẽ mời các bác chén món khác, hợp sở thích hơn.

    Lâm Khang chủ nhân

    Trả lờiXóa
  30. Mấy đoạn trên là em chọc ghẹo mọi người thôi chứ không có ác ý gì đâu nhé. (nhưng mà thực sự là vậy)
    Phật tử ăn thịt chó được hay không? Theo em thì tùy vào quan niệm của từng tông phái. Nhưng đại để thì thịt chó là giới cấm của tu sĩ (cả Nam Tông hoặc Mật Tông dù ăn thịt vẫn không được ăn thịt chó). Cái này có nằm trong tạng luật.
    Còn phật tử thì em chưa thấy tài liệu nào đề cập nhưng em thấy phật tử hầu như rất ít người ăn. Nhưng có một điều trong Ngũ giới là một điều cấm nhưng khó Phật tử Nam giới nào tránh được. Đó là "cấm các chất say", ở miền Nam em thấy rất nhiều tu sĩ (kể cả sư nữ) hút thuốc... chứ nói gì đến phật tử. Mà ăn thịt chó mà không uống rượu chắc nó cũng kỳ kỳ. Em chưa ăn thịt chó nhưng thấy cũng kỳ kỳ thật.
    Học võ không những võ Thần mà ngay cả học võ Ta, khi học đến bài Siêu Ông (một bài quy định của thi võ cử nhân thời Nguyễn) cũng thấy mấy ông thầy cấm ăn thịt chó. Em không tin lắm nhưng cũng thấy mình chẳng có nhu cầu thưởng thức.

    Trả lờiXóa
  31. Thiết tha đề nghị Mr Diện sau khi uống rượu thịt chó đặc sản Vân Đình sẽ có loạt bài( dạng phóng sự càng tốt) về đặc sản phố cẩu( tầu) ở Ninh Bình. Nghe nói ở đó có khoảng 1600 con( theo VIT).Cẩu đang tung hoành khắp các nơi, Tây nguyên Thành thị Biển đảo Việt nam...( vàng vện đốm )

    Trả lờiXóa
  32. Đấy, cái văn hóa nó đa đạng và lắm khúc mắt, anh Diện ơi. Khi người miền Bắc đưa thú ẩm thực thịt cầy lên hàng Văn hóa vị giác ( culture of gastrology, thì người miền Trung và Nam bộ đa số coi là phản văn hóa. Trong một nước đã khác nhau đến thế huống gì ta và TQ mà không choảng nhau về VH mới lạ. Xin bà con cô bác Yêu Chó thông cảm, Bác diện uống trà khan lâu nay đành phải theo Lỗ Trí Thâm một phen vậy. Tuy nhiên, về mặt khoa học, tôi khuyên Bác không ăn thịt ĐỎ nói chung sau tuổi 40 (bò, vịt, chó là thịt đỏ. Lơn, gà là thịt trằng. Thị đỏ chỉ tốt cho người dưới 30 tuổi khi cơ thể cần phát triển, từ 30-40 ăn không quá 3 lần/tháng, Sau 40 thì kiêng hẳn. Lí do nó gây bệnh tim mạch cao gấp 5 lần so với thịt trằng và cá. Bác phải kiêng đi, không thì tôi mách Tang Phu Nhân đấy. Mà bác ốm rồi lấy ai coi sóc quán trà. Không thuê O-sin làm mmaays việc ni được mô!!!
    Nếu bác Diện chưa tin tôi xin mạn phép bác cho đăng ở đây một bài nói về thịt trắng thịt đỏ trong công trình ngâm cứu mới nhất tại xứ Huê-kỳ nhé.
    Chư vị không xơi được Ch, xin chỉ trích ít thôi. Chủ quán hơn mà đóng cửa ta biết đi về đâu???

    Hóng Hớt

    Trả lờiXóa
  33. Quang Tiến - tiencq@yahoo.comlúc 22:18 21 tháng 6, 2011

    He he he, nghe nói bác Diện đã quy y Phật rồi mà cũng thích món thịt chó à?

    Trả lờiXóa
  34. Con số 13 nghe chẳng hay. Sao không bỏ bớt 1 món cho nó ra 12 con giáp hay hơn, hay là chơi đếm sanh - Lão - Bệnh - Tủ cho ra trực SAnh
    ZZ

    Trả lờiXóa
  35. Thôi, các bác cứ căng với tôi thế này thì từ rày tôi không ăn thịt chó nữa vậy! hề hề ...

    Trả lờiXóa
  36. 21.6 mà đi ăn thịt chó à, phải ăn báo chứ Diện.

    Trả lờiXóa
  37. Nghe các bác ở trên nói về việc Tây không ăn thịt chó, nguyên nhân là họ quan niệm chó là bạn của người. Ngựa cũng là bạn vào sinh ra tử với người, đặc biệt là trên chiến trường, nhưng Tây lại chén ầm ầm.

    Ẩm thực xét cho cùng nó là văn hóa của mỗi nước và mỗi dân tộc. Đã là Văn Hóa thì anh không thể nói Văn hóa của tôi hay lắm, còn của anh thì dở ẹc.

    Trả lờiXóa
  38. Hôm nay là ngày nhà báo nên bác Diện đi 'xã xui' ấy mà.

    Trả lờiXóa
  39. Hà Tĩnh quê choa!lúc 23:44 21 tháng 6, 2011

    Bác Lâm Khang cũng đi nhậu à. Vậy mà em cứ tưởng là bác tu để thành chín quả chứ!

    Trả lờiXóa
  40. Thịt chó sành ăn...bỏ mắm tôm ?
    Eo ôi ! Ăn thế để...tanh mồm !
    Hấp ngon nhất đẳng : thịt vùng bẹn,
    Giò chó cuốn bì,dồi nướng thơm...
    Chà...chà,nhậu thế mới bõ,Thực là
    "Tửu túy cầm vi chẩm
    Thi cuồng thạch tác tiên !"

    Trả lờiXóa
  41. Bac nac danh tren noi dung lam, cai nay thuoc van hoa roi, lam sao phai tu bo cai van hoa ngan doi nay di chu. Dung co bat truoc tay. Tay thi hay ho gi hon ta chu. Chung ta len tu hao nhung gi chung ta dang co, co gang trau truot de no tro len dep de trong mat moi nguoi. Nhu uong tra thi co gi la hay ho dau ma dan nhat no dua len thanh tra dao, trong khi viet nam minh tra nong, tra da la liet day via he.

    Trả lờiXóa
  42. Hoan hô Bác Diện!
    Nếu lãnh đạo mà biết nghe quần chúng blog khuyên răn như bác thì đất nước phồn vinh là cái chắc. Bác chỉ mới cho mình một bữa vui chơi sau bao ngày vất vả nơi trà đình mà quần chúng đã la lối om sòm rồi. Rõ thật đã làm người của công chúng rồi không tự tiện làm gì thì làm được. Tựu trung tôi kết luận: ăn thịt chó cũng như thịt bao gia súc khác không sai (chó không phải động vật quý hiếm); bác Diện tuyên bố không ăn nữa vì lí do sức khỏe: bác cần có trái tim khỏe để tiếp tục biểu tình, bác cần khỏe để Trang Phu Nhân đỡ phải nhọc nhằn vào ra bệnh viện. Thôi thì vừa thỏa lòng quần thần vừa bảo vệ long thể. Đôi bề toàn vẹn. Hoan hỷ!!!
    HL

    Trả lờiXóa
  43. Có lẽ ít người biết thịt chó cũng là một món "quốc hồn quốc túy" của người Thụy Sĩ. Tuy họ không nâng nó lên hàng nghệ thuật như người Việt mà chỉ âm thầm thưởng thức như là một món ăn dân dã khó bỏ mà thôi. Xin xem ở đây: http://www.euroveg.eu/evu/english/news/news964/dogs.html
    Nói về ăn uống, nó là văn hoá, không nên áp đặt. Ví dụ người Hồi giáo hay Do Thái cho thịt lợn là món ăn kinh tởm. Người Ấn (hay người theo đạo Hindu - Bà La Môn nói chung)lại coi con bò là thần thánh, không thể ăn thịt bò. Nhưng họ không hề bảo người châu Âu là kém văn minh vì ăn những thứ đó. Trong khi đó châu Âu dè bỉu Nhật vì tội nghiện thịt cá heo (bạn của người!?). Thực dân Anh lúc cai trị Hong Kong còn qui định ăn thịt chó là một tội hình sự. Người Anh còn ghét cả người Pháp nữa nên gọi họ là bọn "frog eaters"!
    Ở Việt Nam, có những "thuần phong mĩ tục" đúng là dã man thật so với chuẩn văn hoá chung của đa số nhân loại hiện nay như tục chọi trâu, đâm trâu. thế mà người ta còn đang cổ xuý nâng nó lên thành lễ hội. Cái đó mới gọi là dã man, và lại còn tự hào về sự dã man của chính mình. Nói thế, thì cũng phải nhắc đến môn thể thao đấu bò của Tây Ban Nha. Nhưng môn này chắc rồi cũng có ngày phải bỏ vì các nước Âu châu khác đều "phản cảm" với Tây Ban Nha về vụ này.

    Trả lờiXóa
  44. Mến gửi một số còm: tôi chỉ khuyên TS Diện không nên ăn thịt chó vì :
    +Phải giữ sức khỏe cho cuộc sống nóng bỏng này.
    +Đây là những trải lòng thực tế của những người 6X chúng tôi. Ai chưa đến độ tuổi này thì vẫn ăn được. Nhưng ít nhất đã đến tuổi naỳ , nói thật nhé, biết tay cái anh RTC này ngay thôi. Bàn nhiêu làm gì, "mọi lí thuyết chỉ là màu xám" !

    Trả lờiXóa
  45. Đặt hàng bác Diện bài về món nhậu lưỡi bò nữa nhé.

    Trả lờiXóa
  46. Thịt "CẨU (CHÓ)" vừa ngon lại vừa rẻ tiền, nhất là con chó "TRUNG (lớn trung bình)" theo tôi là ngon nhất. Nói túm lại, viết theo ngôn ngữ "nước lạ" là thịt TRUNG CẨU (không phải cẩu trung đâu nhé!) là OK. Không biết trong hình Tiến sĩ cho xem loại CẨU nào nhưng mới nhe răng ra đã rớt nước miếng muốn ăn tươi nuốt sống nó rồi. Tôi còn ngửi được mùi thơm và mùi cháy khét của nó nữa mới ghê chứ lị. Khà khà...
    Đồng Bào.

    Trả lờiXóa
  47. Bác Diện chỉ giáo cho em trong bài viết có từ "soong". Em muốn biết chính xác viết đúng là "soong" hay "xoong"

    Trả lờiXóa
  48. Thưa bác Tứ Bùi Xuân,

    Theo Đại từ điển Tiếng Việt, do Nguyễn Như Ý chủ biên. Nxb Văn hóa thông tin, ấn hành tại HN năm 1999 thì là soong bác ạ.

    Thân mến
    NXD

    Trả lờiXóa
  49. Hà Tĩnh quê choa!lúc 11:48 22 tháng 6, 2011

    Nặc danh nói...
    Đặt hàng bác Diện bài về món nhậu lưỡi bò nữa nhé.
    10:19 Ngày 22 tháng 6 năm 2011

    Món này phải sang Ông anh Trung Quốc mới 'Đạt Hot' vì ông anh này mới tự 'bào chế' ra ở thế kỷ hai mốt.

    Trả lờiXóa
  50. Thiện Tai, Thiện Tai anh TS XD ơi

    Trả lờiXóa
  51. Các bạn yêu thích thịt chó Vân Đình, ẩm thực Vân Đình, mời các bạn ghé thăm website vandinh.vn nhé

    Trả lờiXóa
  52. Chào anh Diện, team của em đang xây dựng website vandinh.vn để quảng bá và giới thiệu về ẩm thực Vân Đình, cũng như các thông tin về Vân Đình, website cũng đang trong quá trình hoàn thiện và sưu tầm thông tin.
    Cách đây hơn 10 năm, thế hệ trẻ Vân Đình cũng gia sức quảng bá Vịt cỏ Vân Đình, bây giờ nó cũng rất nổi tiếng, nhưng thịt chó Vân Đình thì chưa được, mặc dù cũng rất đặc sắc và ngon, giai đoạn này Team của em cũng đang kế hoạch quảng bá món ẩm thực này.
    Rất mong anh có thông tin, tài liệu,, chia sẻ.
    Cảm ơn

    website: vandinh.vn

    Trả lờiXóa