Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

GIÁO SƯ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN ĐÃ CÓ SỰ NHẦM LẪN?

GS sử học Lê Văn Lan đã có sự nhầm lẫn? 

(CL)- Tin VTV dự định phát sóng bộ phim dài tập Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long - từ 30/6 đang gây xôn xao dư luận trong đó có đăng ý kiến khá dữ dội của nhà sử học Lê Văn Lan...



Phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng long”.

Ông Lê Văn Lan thì cho rằng một số góp ý của mình không được làm đúng yêu cầu. PV báo NB&CL đã tìm gặp nhà sản xuất bộ phim để tìm hiểu rõ hơn quá trình thực hiện bộ phim cũng như sự hợp tác của GS sử học Lê Văn Lan với nhà sản xuất.

Ông Trịnh Văn Sơn- Giám đốc công ty Trường Thành- đơn vị sản xuất bộ phim, đồng thời là tác giả kịch bản cho biết: Trên thực tế, khi bắt tay vào xây dựng kịch bản phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long”, phía nhà sản xuất đã liên hệ và thoả thuận ký hợp đồng với nhà sử học Lê Văn Lan với vai trò là người thẩm định và tu chỉnh kịch bản. Theo những ý kiến đã được nhà sử học góp ý chỉnh sửa, nhà sản xuất đã tiếp thu các ý kiến phù hợp để đưa vào phim, tuy nhiên bên cạnh đó có một số ý kiến không phù hợp với nghệ thuật điện ảnh hoặc tư tưởng của bộ phim, nhà sản xuất đã không đưa những nội dung này vào trong kịch bản. 

Anh nói gì về việc GS Lê Văn Lan vạch ra những điều sai trong phim như: “Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 – 981) là niềm tự hào của tất cả những người VN chân chính. Nhưng phim này lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi ất ơ nào đó tên là núi Chu Tước. Ở lần xem phim thứ nhất, thì tại trận (núi Chu Tước ất ơ này – lời GS Lan) diễn rõ cảnh Thiền sư Vạn Hạnh khuyên và trao cẩm nang cho Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, nói rằng: Không cần đánh! Giặc sẽ tự tan. Và trên thực tế của phim, vai diễn Lê Hoàn còn ra lệnh: Kẻ nào bàn đánh. Chém!

Đến lần xem phim thứ hai và thứ ba (tức là lần duyệt cuối), sau ý kiến phản kháng kịch liệt của tôi, họ đã sửa lại nhưng vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta thời đó vẫn vào trận núi Chu Tước ất ơ ấy.” 

Trận chiến tranh chống Tống của Lê Hoàn (980 - 981) đúng là một trận chiến thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Nhưng trong điều kiện cũng như mục đích phản ánh, bộ phim không đi sâu khai thác sự kiện này mà chỉ gợi nhắc để làm rõ những mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử với ý nghĩa là bối cảnh thời đại và xã hội (cảnh đại chiến 12 sứ quân trước đó). Ngoài cảnh Lê Hoàn chống Tống được nhắc đến ở Ải Chi Lăng, để cụ thể hơn quy mô cuộc chiến, nhà sản xuất đã có lời bình dẫn chuyện tổng kết về cuộc chiến cả ở trên trận tuyến Tây Kết và Bạch Đằng như tư liệu lịch sử đã chép lại. Hơn nữa, bộ phim không có tham vọng khai thác và mô tả chi tiết mọi sự kiện lịch sử mà chủ yếu làm nổi bật chủ đề tư tưởng cũng như hình tượng nhân vật chính Thái tổ Lý Công Uẩn, cuộc đời và sự nghiệp của Ngài từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, lên ngôi và quyết định dời đô. 

“Nhà sử học Lê Văn Lan đã nhầm cơ bản chi tiết lịch sử…?” 

+ Những câu phân tích khá chi tiết và cụ thể của GS về phim sau đây thì sao: “Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, chủ yếu là đấu đá nội bộ, chém giết, sát phạt nội bộ và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn, thậm chí có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Long Đĩnh, thì đã chết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất rùng rợn.” 

- Về chi tiết lịch sử này thì nhà sử học Lê Văn Lan đã nhầm cơ bản vì theo những tư liệu lịch sử cũng như nội dung phản ánh trong bộ phim thì Hạng Lang là nhân vật thời nhà Đinh (con trai của vua Đinh Bộ Lĩnh) còn Lê Long Đĩnh thì là vị vua nhà Tiền Lê, 2 nhân vật lịch sử này thuộc 2 triều đại lịch sử khác nhau, không thể là anh em ruột với nhau và họ cũng không hề sống cùng thời, làm sao lại chém giết nhau được. Chắc nhà sử học Lê Văn Lan đã lẫn lộn điều này với thông tin lịch sử nào khác chăng?
Nguyễn Xuân Diện giải thích: Khi GS Lê Văn Lan trả lời PV mà NXD-Blog phát trực tiếp thì ghi là Long Đĩnh. Như thế là SAI. Nhưng khi đưa lên Báo Tiền Phong (cả bản GIẤY và bản ĐIỆN TỬ) thì đã sửa lại là ĐINH LIỄN. Như vậy, Giáo sư Lan và tôi đã đưa đến cho bạn đọc rộng rãi trên báo chính thức thông tin đúng, không sai.
+ Nhân vật Lê Hoàn cũng bị GS Lê Văn Lan phản đối vì “Lê Hoàn còn hiện ra như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì lại để cho giặc cỏ nó bắt được, sa thải các trung thần”. Với điều này, anh có cái nhìn thế nào?

- Nhân vật vua Lê Hoàn được bộ phim làm nổi bật ở những công trạng khác như ông là một vị vua có tấm lòng nhân nghĩa biết chăm cho thiên hạ, đi thị sát trong dân chúng để hiểu thực tế tình hình đất nước, tiến hành lễ cày tịch điền để thúc đẩy nông nghiệp, yên ổn lòng dân quay lại với ruộng đồng… Còn những chi tiết như xây vườn Vạn Hoa hay nuông chiều Hoàng hậu Dương Vân Nga hay chi tiết nhà vua đi vi hành gặp nạn… thì chỉ là những chi tiết hư cấu trong điện ảnh góp phần làm cho nội dung phim thêm phần hấp dẫn, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến thanh danh của Ngài. 

Điện ảnh cho phép lấp đầy những khoảng trống của lịch sử một cách hợp lý

Nhân vật lịch sử Thái hậu Dương Vân Nga cũng khiến GS không hài lòng, phân tích: “hình tượng một Dương Vân Nga ủy mị, sướt mướt, thậm chí đã treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Trong khi chính sử chép rõ bà là người thông tuệ, sắc sảo và quyết đoán...” 

Đứng trước vận mệnh của đất nước đang ngàn cân treo sợi tóc, các con chém giết lẫn nhau… nên việc trao gửi vận mệnh của giang sơn, xã tắc cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn vì sự an nguy của nước nhà với Dương Hoàng hậu lúc bấy giờ là hành động sáng suốt và đáng khâm phục, thể hiện sự mạnh mẽ và quyết đoán của bậc mẫu nghi thiên hạ. Bên cạnh đó, bà sống chuẩn mực và tiết hạnh nên mặc dù rất ngưỡng mộ tài năng của vua Lê Hoàn, Dương Vân Nga vẫn phải hi sinh tình cảm đó để giữ phẩm giá của mình với tư cách là Thái hậu một nước. Nên việc Dương Vân Nga có ý định tự vẫn khi vua Lê Hoàn tỏ tình cũng là điều phù hợp với đạo lý thời bấy giờ. Điện ảnh cho phép lấp đầy những khoảng trống của lịch sử một cách hợp lý trong điều kiện có thể. Điều đó tôi nghĩ rằng không làm tính cách bà ủy mị mà hoàn toàn thể hiện sự quyết đoán và mạnh mẽ. 

Thế còn việc GS có nhắc đến: “Một sự kiện quan trọng bậc nhất là việc Thái tổ Lý Công Uẩn lên ngôi. Rành rành lịch sử viết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lại lên ngôi ở… một ngôi chùa…Trung Quốc”? 

Thứ nhất: Trong phim có cảnh người dân quỳ lạy thỉnh cầu Lý Công Uẩn lên ngôi tại Chùa Lục Tổ (lúc này do không thể ở lại triều đình phục vụ cho vị hôn quân Lê Long Đĩnh nên Lý Công Uẩn đã bỏ về chùa Lục Tổ. Lúc đó, người dân vốn biết và cảm phục tài đức của Lý Công Uẩn, đã kéo nhau đến chùa Lục Tổ để đồng lòng thỉnh cầu Lý Công Uẩn lên làm vua. Sự kiện này là cơ sở để Lý Công Uẩn lên ngôi sau này. Còn cảnh lên ngôi được nhà sản xuất dàn dựng công phu, trang trọng tại Kinh đô Hoa Lư trước sự đồng lòng, nhất trí của văn võ bá quan trong triều đình. Trong sự kiện này, nhà sử học Lê văn Lan đã nhầm lẫn. 

Trước kết luận gay gắt của GS, anh nói gì: “Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế qua đây thì việc giáo dục về truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”? 

Về vấn đề này, chúng tôi cũng có trao đổi với một thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia duyệt phim “Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long” và được biết rằng Nhà sử học Lê Văn Lan không là thành viên trong hội đồng duyệt phim quốc gia trong lần duyệt cuối cùng Bộ VH-TT &DL tổ chức. Ông không đủ căn cứ để nói như vậy. Việc nhà sử học Lê Văn Lan không hề xem bản chỉnh sửa lần cuối bộ phim nhưng khẳng định về việc “đấy là cảnh trên phim, ở lần duyệt cuối cùng và những cảnh đó sẽ được chiếu trên Đài truyền hình quốc gia” liệu có phải là sự thật và là khách quan về bộ phim hay không?

Hơn nữa, chính nhà sử học Lê Văn Lan đã từng nhầm lẫn về những chi tiết hoàn toàn không có thật trong phim: nhân vật Hạng Lang với Long Đĩnh và cả việc Vua Lý Thái Tổ lên ngôi diễn ra ở một ngôi chùa… Liệu rằng các thông tin mà nhà sử học Lê Văn Lan đưa ra liệu có đáng tin cậy, hay đây đều là sự “nhầm lẫn”.


Hằng Nga
Nguyễn Xuân Diện: 

Giáo sư Lê Văn Lan hiện đang đi công tác tỉnh ngoài (dự kiến tối nay NXD-Blog sẽ cập nhật hình ảnh "ăn chơi nhảy múa" của ông). Các thông tin xung quanh các phản hồi của ông Trịnh Văn Sơn - GĐ hãng Trường Thành đều đã được thư ký tập hợp và chuyển đến ông ngay trên đường công tác. 

Vào chiều tối thứ Hai tuần tới, Giáo sư Lê Văn Lan về đến Hà Nội và làm rõ một số vấn đề xung quanh câu chuyện này. NXD-Blog sẽ thông tin kịp thời đến chư vị!

16 nhận xét :

  1. Ối giời ạ. Ông Sơn bảo:
    "Còn những chi tiết như xây vườn Vạn Hoa hay nuông chiều Hoàng hậu Dương Vân Nga hay chi tiết nhà vua đi vi hành gặp nạn… thì chỉ là những chi tiết hư cấu trong điện ảnh góp phần làm cho nội dung phim thêm phần hấp dẫn, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến thanh danh của Ngài"
    Thế bây giờ có ai đó kể chuyện ông đi TQ làm phim được chiều chuộng, được đút lót, được thế này thế nọ, hay kể là ông đi chơi gặp nạn bị nhét.... vào mồn hay đại khai như thế. Rồi bảo là đây là những chi tiết hư cấu, không ảnh hưởng gì tới thanh danh, tới gia đình vợ con ông... như thế ông có nghe được không hả ông Sơn ?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi không hiểu Ông Sơn đang cố nói lấy được hay là Ông quá dốt, đến nỗi không đánh giá nổi những hệ lụy mà các chi tiết trong phim mang lại? Như "Còn những chi tiết như xây vườn Vạn Hoa hay nuông chiều Hoàng hậu Dương Vân Nga hay chi tiết nhà vua đi vi hành gặp nạn… thì chỉ là những chi tiết hư cấu trong điện ảnh góp phần làm cho nội dung phim thêm phần hấp dẫn, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến thanh danh của Ngài". Liệu Ông ấy có hiểu và cảm được tâm tư của Hoàng hậu và Vua Lê Hoàn không? Chẳng lẽ ông gán ghép cho Vua Lê Hoàn chỉ biết đến "tửu sắc" đơn thuần hay sao mà "nuông chiều hoàng hậu", chẳng lẽ Ông Sơn cho rằng đó chỉ là chuyện trai gái đơn thuần thôi sao? Chẳng lẽ ông Sơn chẳng có chút tự hào nào về vị Minh Quân Lê Hoàn đến thế ư? Tôi kêu gọi, tất cả chúng ta, nếu phim này được công chiếu trên VTV thì chúng ta sẽ xuống đường "tụ tập ôn hòa" trước trụ sở VTV và tẩy chay tất cả mọi sản phẩm liên quan đến Nhà sản xuất phim này

    Trả lờiXóa
  3. Hiện nay bộ phim phản quốc này đang là mãnh đất màu mỡ để các báo đi "gieo cải" kiếm tiền tồn tại trong thời điểm cơm cao gạo kém mà. Hằng Nga cũng như bao phóng viên khác đã được Công ty Trường Thành "dúi" cho phong bì đừng rất nhiều tiền để viết những bài trái với lương tâm này.
    Hằng Nga ạ! (có thể là bí danh) Bạn bên viết những gì mình viết chứ đừng nên viết những gì bạn không biết, hoặc ít nhất là bạn chưa được học, chưa nghiên cứu chuyên sâu. Viết như thế thì người khác họ cười cho thì xấu hổ lắm.
    Còn ông Trịnh Văn Sơn - Sơn Trường Thành đang cố gắng để thanh minh thanh nga là điều đương nhiên, ông ấy đang cố gắng để bảo vệ quan điểm và việc làm của mình mà (cho dù đó là việc sai trái, không đúng với chuyên môn). Nên các PV không nên hùa theo vào để bảo vệ những cái ko thuộc về sự thật, như thế gọi là đồng lõa đấy các bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Là một giáo sư những lời nói ra cần phải chuẩn xác chứ sao có thể nói bừa thế được. Giải thích là đã sửa trên báo giấy thật là vô duyên! Mà tôi thiết nghĩ một giáo sư nhất la giáo sư sử học thị ko nên vào mấy trang blog rẻ tiền này ma tranh luận! có thể những j tôi viết ko dc đăng nhưng thằng nào làm chủ topic sẽ phai đọc và cũng nên nhục dần đi!

    Trả lờiXóa
  5. " Nhưng đã là GS sử học thì nên chỉ nói những gì mình biết chắc chắn thôi, còn chỗ nào chưa rõ thì thôi, chứ không phải chỗ nào cũng biết cả. Đặc biệt là đừng vì những mục đích cá nhân mà để toàn dân không được xem. Về chuyên môn thì đã có hội đồng, về pháp lý đã có giấy phép của cơ có thẩm quyền chẳng lẽ chỉ một ý kiến cá nhân mà dừng lại thì kỷ cương phép nước ở đâu?"

    Cái này là ý kiến của đọc giả em thấy rất hợp tình hợp lý . Các nhà đầu tư làm phim lịch sử có thừa thông minh để hiểu làm phim sai lịch sử là đi vào chỗ chết, nên để bộ phim công chiếu thay vì mọi phán xét của người khác áp đặt cho nó. Phim LCU dừng phát sóng và HSTĐ lại tiếp tục công chiếu, phải chăng đây là sự cạnh trạnh của các nhà làm phim? Thương thay cho số phận của "ĐTTTL" chỉ vì những mục đích cá nhân mà bị vùi dập. Cá nhân em chưa xem nên cũng ko dám phát biểu bừa bãi như GS sử học của nước nhà ta (Cảm ơn bài viết của Phóng viên Hằng Nga trên báo Công luận đã chỉ ra đâu là cái đúng của lịch sử)

    Trả lờiXóa
  6. Nói chung Ông Sơn này lập luận chả có gì mới, toàn những ý cũ mèn hoặc nhằm đánh tráo sự thực lịch sử. Buồn! Một người Việt Nam yêu nước chắc chắn không bao giờ làm thế. Hay đây lại là con cháu của Trần Ích Tắc đây nhỉ???

    Trả lờiXóa
  7. Đầu tư cú này lỗ to rồi ông Sơn ơi, ông bà mình nói trái gì màu đỏ chưa chắc là trái chín . Nếu phim này được chiếu trên truyền hình thì với dư luận hiện nay nó đã trở nên phản tác dụng ( những tình tiết trên là chuyện nhỏ} vì nó không xứng đáng để chiếu , nó gây phân hóa xã hội ,sự mâu thuẫn của người dân với chính quyền , được lòng ông bạn 4T ...là điều không ai mong muốn . Làm lại từ đầu thôi !!!-

    Trả lờiXóa
  8. Bạn nặc danh 18.51 ơi , bạn nhầm rồi 100 tỷ là của bọn TQ chuyển cho Trường Thành để chuyển lại cho TQ làm phim và lo lót phát sóng tiếng Việt xong sẽ phát sóng bản tiếng Trung khác hẳn cho mà xem, bon Tàu khựa "tốt " như thế đấy! chỉ có TS Hà Vũ "đọc" ra bản chất của chúng và đề nghị CẤM phát sóng, nhưng Không ai nghe,TS Hà Vũ lại còn bị bắt giam nữa chứ, tiếc thay!

    Trả lờiXóa
  9. Ô hay! Khi duyệt phim thấy bảo có người của Bộ Công an và nhiều thành phần chức năng khác nữa cơ mà nay, chỉ thấy có mỗi GS Lan lên tiếng!? Xin các thành phần chức năng có đôi nhời để chúng tôi còn biết rõ thực hư mà ủng hộ hay phản đối chứ? Mong lắm thay!

    Trả lờiXóa
  10. Thiết nghĩ bác Diện nên nói rõ chỗ nhầm lẫn Long Đĩnh và Đinh Liễn là do đâu để mọi người có thông tin chính xác, không phê phán kiểu đoán mò. Có phải là lỗi đánh máy (?) hay lỗi do GS Lan trả lời gấp quá, nhầm.
    Cho dù là GS Lan nhầm thì ông Sơn cũng nên nói rõ có chi tiết đâm Đinh Liễn từ sau ra trước không? Nếu có thì chi tiết này có được sửa trong bản cuối? Đó là điều chúng tôi cần biết.
    Trả lời Pv mà nhắm vào cái nhầm của người khác hơn là thông tin mà độc giả cần biết cho thấy anh chỉ tìm cách biện bạch thôi.

    Trả lờiXóa
  11. Mục đích của Trương thanh là áp phe ăn theo đại lễ, nhưng họ không có am hiểu lịch sử và nghề, nên nhờ ô "bạn vàng" quá nhiều và bị cài cắm cái có lợi cho TQ. Nay cãi chầy cãi cối để được phát sóng gỡ vốn...Kể cả là Ô Lan có nói sai vài chỗ thì cái sai của TRương Thanh còn to tổ bố gấp bội. Riêng trận đánh thắng quân Tống của Lê Hoàn Thập đạo tướng quân mà làm bôi bác ất ơ đã hỏng cơ bản chứ đừng nói cái khác làm gì...

    Trả lờiXóa
  12. Chỉ một chi tiết về cách búi tóc thôi (đỉnh đầu hay sau ót) cũng đã khiến cho lớp trẻ nhầm lẫn tai hại như vụ Đỗ thị Ngọc Bích hôm nào.

    Trả lờiXóa
  13. Các bác cãi nhau về bộ phim này nhiều quá tốn thơi gian và giấy mực, nếu đã ko đạt mục đích ban đầu là chiếu vào dịp đại lễ thì quên luôn nó đi.

    Trả lờiXóa
  14. Mất thời gian xem phim dã sử của VN là dại rồi. VN còn lâu mới làm được phim dã sử với những tư duy kiểu " Xin thề anh...".

    Trả lờiXóa
  15. Nếu là phim thị trường hay phim dã sử thì cứ việc hư cấu,như của TQ : Phim về Tào Tháo cũng 5,7 bộ,phim về các nhân vật Đông Chu liệt quốc thì loạn xà ngầu,nhưng không ai nói gì và cũng chẳng ai phân biệt đúng sai.
    Còn phim về Lý Công Uẩn là phim lịch sử.
    Mục đích ra đời là kỷ niệm 1000 năm Thăng long lịch sử.

    Nên quên luôn bộ phim này đi.

    Trả lờiXóa
  16. Tẩy chay bôh phim này, nhìn hình chụp là đã thấy ko có chút j của Viêt Nam rồi

    Trả lờiXóa