Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

KIẾN NGHỊ ĐẶC BIỆT KHẨN CẤP GỬI QUỐC HỘI SẮP HỌP


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

Cam Lâm, ngày 18 tháng 10 năm 2022

THƯ KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP

Kính gửi:    - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 
- Các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ban Thường vụ Quốc hội
- Ban Dân nguyện của Quốc hội
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
- Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
- Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Đồng kính gửi:
- Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội
- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – Ủy ban Kinh tế -Tài chính Quốc hội.

Tôi tên: Lê Nghị, sinh ngày 10/3/1959, Căn cước công dân số: 056059006978 do Cục Trưởng Cục Cảnh Sát QLHC về TTXH, cấp ngày 28 tháng 9 năm 2021.

Hiện cư trú: Tổ Dân Phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà. 
 
Số điện thoại:..............

Tôi có thư Kiến Nghị Khẩn cấp về việc sau:

Theo Thông Báo và Giấy Mời một số dân, của UBND các xã thuộc huyện Cam Lâm

Từ ngày 16/9/2022- 19/9/2022, Nhân dân các xã huyện Cam Lâm theo lịch, đi nghe “Thuyết minh Đồ án quy hoạch Cam Lâm tầm nhìn 2045”, tại Hội Trường UBND huyện.

Sau khi nghe thuyết minh, tất cả phát biểu đều phản đối đồ án gay gắt.

Tiếp theo, tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Khánh Hoà, chiều ngày 04/10/22 tại Hội Trường UBND huyện Cam Lâm, một lần nữa dân phản đối kịch liệt. Đặc biệt dân đã bày tỏ ý kiến phẩn nộ khi UBND huyện báo cáo 73% dân ủng hộ đồ án. Một báo cáo trái với sự thật và đặc biệt trái với báo cáo nội bộ trước đó vài ngày: 80% phản đối, có đóng dấu treo của UBND huyện.

Theo thuyết minh tóm tắt, đồ án đã thể hiện những sai lầm căn bản như sau:

1. Xâm phạm lợi ích dân cư: dự kiến di dời 26.645 hộ tương đương trên 110.000 dân cư hiện hữu toàn huyện ra vùng ven, sống trong các khu tái định cư được phân 100-150m2/hộ. Để dành đất xây dựng một đô thị tầm cỡ hàng đầu quốc tế cho khoảng 500.000 dân cư đa quốc gia. (Trái với quan điểm của Bộ Chính trị tại văn bản 09 NQ/ TƯ ngày 28/01/2022: Công bằng xã hội và kết hợp kinh tế với quốc phòng)

2. Đào một kênh cắt ngang bán đảo Cam Ranh để đưa nước biển từ đại dương vào cuối vịnh Cam Ranh thường gọi là đầm Thuỷ Triều. Tiếp tục đào thêm trên đất liền khoảng 30km một con sông rộng 300m từ đầm đến gần Quốc lộ 1A, bao gồm 3/4 diện tích 3 xã và thị trấn, vốn là khu trù mật nhất của huyện. Từ đó chia làm một quần đảo với 13 đảo lớn. Tiếp tục mạng kênh rạch chia những đảo lớn thành đảo nhỏ để xây dựng cụm trung tâm đô thị. (Việc làm này hủy hoại môi trường nghiêm trọng, tàn phá mọi thành quả xây dựng công cũng như tư; lãng phí trước mắt và nguy hại không lường được về sau. Trái với quan điểm Bộ Chính trị tại Nghị quyết 09 nói trên: Khai thác bền vững tài nguyên, giữ gìn di sản lịch sử văn hoá; và bảo vệ môi trường trước tình hình mực nước biển ngày càng dâng cao)

Vì những lý do phá hoại an sinh xã hội, phá hoại môi trường sinh thái và đặc biệt là đe dọa thường trực đối với an ninh quốc phòng, nhân dân trong huyện, đã đồng loạt phản đối. Chúng tôi đề nghị hủy đồ án này và lập lại từ đầu. (Chúng tôi đính kèm theo bài tóm tắt tình hình, phân tích tổng quát nguy cơ và nêu nguyện vọng chính của dân để Quý đại biểu tham khảo).

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội:

- Báo cáo ngay với Bộ Chính trị và trước Quốc hội về đồ án bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này.

- Quốc hội lập một Tổ công tác đặc biệt xem xét đồ án đang được UBND tỉnh Khánh Hoà tiếp tục triển khai trình duyệt. Chúng tôi mong muốn tổ công tác đặc biệt của quốc hội đến tận địa bàn xem xét thực địa cũng như lắng nghe ý kiến chính đáng của người dân để có cơ sở báo cáo Bộ Chính trị và chuyển ý kiến cho Chính phủ.

Kính mong Quốc hội và Quý đại biểu quan tâm, kính chúc sức khỏe và trân trọng Kính chào.

Kính thư
Lê Nghị

* Đính kèm bài giải trình tóm tắt tình hình và phân tích tổng quát.

VĂN BẢN ĐÍNH KÈM THEO THƯ KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP
NGÀY 18/10/2022 CỦA ÔNG LÊ NGHỊ.


CẦN HỦY BỎ ĐỒ ÁN "QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ MỚI CAM LÂM, VỪA ĐƯỢC LẤY Ý KIẾN DÂN CỦA TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2045”. LẬP LẠI ĐỒ ÁN MỚI PHÙ HỢP VỚI Ý ĐẢNG LÒNG DÂN.

Tôi là cư dân Cam Lâm ( nhân thân đã trình bày trong đơn).

Vì vậy để tránh hiểu lầm, nhất là những người cố tình hiểu lầm việc cư dân xôn xao về đồ án quy hoạch Cam Lâm tầm nhìn 2045.

Theo tất cả những gì tôi được biết: cán bộ cũng như nhân dân Cam Lâm cùng ủng hộ chủ trương nâng huyện lên đô thị tầm cao. Tuy nhiên tuyệt đại đa số lại phản đối đồ án vừa lấy ý kiến dân.

Dân có phân tích những sai lầm nghiêm trọng, những mâu thuẫn liên quan đến tính bất khả thi, những thiệt hại to lớn trước mắt cũng như hệ lụy lâu dài. Họ diễn đạt bằng những ngôn từ khác nhau tuỳ trình độ, lứa tuổi… nhưng trước hết là họ nói thực lòng, và làm mọi cách để sớm được chính phủ quan tâm. Bản chất sự việc chỉ đơn giản vậy thôi.

Xin tổng hợp vài ý quan trọng của dân như sau:

1. Cán bộ và người dân đi nghe thuyết minh đồ án, không phải ai cũng đi dự và dự đủ các buổi. Vì mỗi buổi dành cho 2 xã tổ chức tại hội trường UBND huyện Cam Lâm. Nhưng không thấy clip nào phát biểu ủng hộ. Ngược lại chỉ nghe phản đối, kể cả lời lẽ gay gắt và phẫn nộ.

2. Sau đó, UBND huyện cũng tổ chức điều tra theo phương pháp xã hội học. Phát ra bao nhiêu phiếu không rõ. Chỉ tính phiếu thu về: 350. Trong đó phản đối đồ án chiếm 281/350 ~ trên 80%. Đồng ý 18%, và cũng vui vui: hơi giống Liên Hiệp quốc có cả phiếu trắng: 2%.

Theo phát biểu trực tiếp, người dân Cam Lâm ủng hộ chủ trương Quy hoạch mới, đưa Cam Lâm từ một huyện trở thành một đô thị trong 23 năm tới.

Bởi họ nhận thức rõ ràng:

Quy hoạch để phát triển là trách nhiệm của một nhà nước dân cử. Xu hướng đô thị hoá là khách quan, tất yếu của thời đại. Vấn đề then chốt là nội dung quy hoạch xây dựng đô thị thế nào là đúng hướng, là phù hợp và khả thi.

Con số thống kê lấy ý kiến dân trên chỉ đơn thuần là thuận và không thuận. Rất hiền lành, nhưng nó cũng chỉ ra một mâu thuẫn giằng xé nội tại giữa ý và lòng. Vì vậy thiển nghĩ, không nên vội vàng trước sự nghiệp 1/4 thế kỷ của trên 110.000 dân và cán bộ hiện sinh sống, tác động trực tiếp đến thế hệ hiện nay và những thế hệ tiếp nối trên mảnh đất mà họ đang làm chủ.

Một lần nữa cần nhấn mạnh: Phản đối nội dung đồ án chứ không phải chống lại chủ trương phát triển thành đô thị của Đảng và nhà nước. Đơn vị lập đồ án chỉ là một cơ quan tham mưu. Cơ quan tham mưu mắc sai lầm nghiêm trọng là chuyện bình thường, người phụ trách gây hậu quả thiệt hại đi tù là chuyện bình thường.

Vì vậy, việc bác bỏ nội dung của đồ án không thể đánh đồng với phản đối chủ trương của nhà nước. Mong muốn của dân Cam Lâm là chính phủ cho lập lại đồ án phù hợp. Vì đồ án vừa đưa lấy ý kiến quá nhiều sai và sót. (Những sai sót tồng thể và chi tiết sẽ nêu, vì thuyết minh đồ án dài 141 trang, sẽ được những chuyên gia có trình độ quy hoạch mổ xẻ ở những bài viết khác. Ở đây chỉ nêu vài ý chính.)

Ban chấp hành huyện ủy Cam Lâm cũng vừa ban hành công văn kết luận và biểu quyết đồ án. Theo văn bản có 7 nội dung lớn đề nghị đồ án cần làm rõ hơn, nghĩa là chưa hiểu rõ, còn mơ hồ.

Buồn cười nhất là huyện ủy cũng chưa biết trung tâm hành chính nằm ở đâu. Quả thật, người lập quy hoạch say sưa bố trí quảng trường, điểm nhấn, khu trung tâm thương mại, thiên đường mua sắm, khu phơi mình tắm thỏa thích…Trung tâm hành chánh như chẳng liên quan gì đến đồ án này. Trước mắt khu hành chánh cũ bị xoá, tìm đau cả mắt cũng không thấy thể hiện trung tâm quyền lực của địa phương.

Thật là quá quắt! Một đồ án coi thường dân đã đành lại coi thường hệ thống lãnh đạo và chính quyền Cam Lâm!

Lạ lùng rằng BCH Huyện uỷ nêu chưa hiểu rõ, còn mơ màng nhưng biểu quyết ủng hộ đồ án 100% (28/28).

Nhưng đó là cách nhìn và thái độ của cơ quan lãnh đạo huyện. Còn ở góc độ dân Cam Lâm họ ý kiến với 2 tư cách.

- Tư cách cư dân: phản đối việc di dời trắng, tái định cư toàn huyện. Theo dân, tái định cư chỉ dành cho số ít cần thiết di dời khi làm hạ tầng mới, nhưng không áp giá đền bù mà theo giá thị trường kể cả đất ở và đất nông nghiệp.

- Tư cách công dân: phản đối việc đưa nước biển vào đất liền, biến khoảng 1/5 đất liền, khu trung tâm hành chính, thương mại, dân cư hiện hữu ổn định và phồn thịnh nhất của huyện thành quần đảo nhỏ, phục vụ cho du lịch.

Để giải thích lý do phản đối, người dân nêu đại để như sau:

Về quốc phòng:

Xin hỏi 500.000 dân đa quốc gia đến “ở, học tập, làm việc”. Vậy nếu chiến tranh xâm lược xảy ra thì nửa triệu người đa quốc gia này có ở lại chiến đấu hay là đổ xô ra sân bay Cam Ranh vù về nước? Còn cư dân bị đẩy ra rìa, có phải chiến đấu hy sinh như ông bà cha mẹ họ đã từng, để giữ lại mảnh đất này nữa không?

Đó là chưa nói đến vấn đề nhạy cảm: Số dân cư đa quốc gia đó thuộc những quốc tịch nào? Tỉ lệ phân phối ra sao? Liệu dân Mỹ, châu Âu vốn khí hậu ôn đới, quê hương họ đất rộng nhà đẹp, dễ kiếm việc làm, có cần đến ở và làm việc tại xứ nhiệt đới, dân đang xuất khẩu lao động không? Hay là “anh bạn vàng” đẻ sai, đất chật dân đông, cận khí hậu, liền biên giới, nay đã giàu có hơn dân Việt đến “ở, làm việc và học tập”? Tại Nha Trang, Cam Lâm trước dịch Covid, khách quốc tế nào lén lút đến thuê đất dân cư mở cửa hàng, nhà hàng, khách sạn đón riêng dân mình du lịch, tiêu xài mua sắm trong cơ sở riêng của họ ? Trung Quốc và chỉ Trung Quốc mà thôi!

Xin mở ngoặc nói thêm: Trung Quốc đã và đang chiếm một phần chủ quyền lãnh thổ của Khánh Hoà tại Trường Sa. Tượng đài tưởng niệm và tôn vinh chiến sĩ Gạc Ma còn trước mắt. Hệt Nga đã và đang chiếm Crimea, vốn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Nếu TQ lại bắt chước Nga xâm lược tiếp đất nước từng là anh em như hiện nay, liệu 500.000 cư dân thông minh có ở lì, ly khai và trưng cầu dân ý như ở Ukraine không?

Đừng hỏi vì sao dân cứ bàn vấn đề nhạy cảm. Bởi vì họ vốn yêu nước. Nên mừng hay nên trách người yêu nước?

Về lợi ích kinh tế chung:

Đồ án chưa phân tích được một con số: GDP/ dân cư cũ trước và sau thực hiện đồ án là bao nhiêu? Trước mắt họ chỉ thấy từ tiểu chủ vùng đất, họ biến thành người làm thuê cho những ông bà chủ lớn, có trên 10.000 tỉ mới được đầu tư trong du lịch và và dịch vụ khác. Mà có chắc họ được tuyển không? Người trên 60, ở nông thôn vốn có thể sống nhờ nuôi gà, trồng rau, hoa. Người ở phố cho thuê mảnh đất trống người khác bán cà phê, quán ăn, đủ thong thả. Nếu lấy hết nhà đất, nhà thì tạm ổn, còn đất trống mà bù với giá rẻ mạt thì số tiền đó có đủ họ sống đến cuối đời không?

Còn những người 40-50 tuổi làm thuê thì thu nhập bao nhiêu để đủ tiền mua một căn hộ cho 2 con lập gia đình ra riêng? Cứ tính lương tháng 7 triệu, mỗi tháng dành 2tr. Coi như không chi cho tại nạn, bênh đau, phải 100 năm dành dụm mới mua được căn chung cư! Khác với chuyện còn 200 m2 đất cho liền 2 con cất nhà.

Hơn nữa, người trẻ nếu được thuê thời gian đầu, sau đó ông bà chủ đưa người cùng quê thay chân thì họ sẽ làm cho ai? Cứ xem các cửa hàng, khách sạn của người Hoa nấp danh ở Nha Trang, Cam Lâm trước dịch Covid, có người Việt nào lao động trong các cơ sở đó không thì khắc biết.

Tại sao không đưa một đồ án cho dân Cam Lâm tự chủ, tự phát triển? Tại sao không giúp cho dân từ tiểu chủ nhỏ thành tiểu chủ lớn, lại biến tất cả thành kẻ làm thuê? Tại sao phải nhập cư 500.000 mới phát triển? (Mật độ dân số của Việt Nam dày hơn Trung Quốc rồi đó). Lợi ích mang lại dành cho ai? Nhà cao cửa rộng đó ai hưởng.

Về tầm vóc phát triển:

Tuyệt đại đa số dân cư Cam Lâm tỏ thái độ cương quyết không di dời, trừ khi nhà họ rủi nằm trên cơ sở hạ tầng quy hoạch mới. Nhưng cần phải thay đổi tư duy và giải pháp không như trước đây khi giải tỏa đền bù. Trước khi nói tới lợi ích cần nói tới công bằng…Dân đi nơi khác là đã thiệt thòi về tình cảm, bị gián đoạn làm ăn, thu nhập. Nếu suôn sẻ cũng mất một thời gian mới ổn định sinh kế so với người được ở lại. Hạ tầng tốt hơn thì những người được ở lại sẽ sinh lợi nhiều hơn, sẽ đóng thuế cho ngân sách lớn hơn.

Ngân sách có thể ứng trước đền bù thoả đáng, thậm chí cao hơn một ít theo giá thị trường đất còn lại, sau đầu tư hạ tầng. Như vậy mới gọi là lẽ sống: mình vì mọi người, mọi người vì mình. Dân Cam Lâm ủng hộ điều này: một đứa con có hoàn cảnh phải đi xa lập nghiệp, cha mẹ và những đứa con còn lại góp một ít tiền gửi người đi là truyền thống, là đạo lý dân tộc, là nhân văn.

Nói cho rõ hơn, dân Cam Lâm sẽ chấp hành di dời khi phần đất mình ở vướng phải công trình phúc lợi: cơ quan công quyền, đường sá, bệnh viện công, trường học công…vì lợi ích chung. Nhưng phải được bù cao hơn giá thị trường.

Còn chợ búa, công trình điện, nước, kể cả công viên có thu, bệnh viện tư, trường học tư… trong quy hoạch đều là công trình sinh lợi thì phải giá thoả thuận, dân chấp nhận thì tự dời đi, họ ôm tiền lập nghiệp nơi họ tự chọn, cần gì phải tái định cư? Như thế mới gọi là công bằng xã hội.

Còn người trong diện nhà bị quy hoạch cơ sở phúc lợi, phải được đền bù chỗ sống “ngang bằng hoặc tốt hơn” như lời Thủ Tướng yêu cầu. Đồ án chưa chứng minh được như yêu cầu của Thủ Tướng. Vì vậy, theo dân đồ án phải lập lại. Bỏ ý tưởng di dân toàn bộ-áp giá đền bù- phá hoại môi trường.

Là công dân một nước, dù bất cứ ở đâu, mọi người đều phải lo lắng đến an nguy tổ quốc đã nói trên. Nhưng dù buộc phải rời đất cũ đều có nghĩa vụ lên án việc hủy hoại môi trường. Nếu không đào trên 1000ha kênh mương dẫn nước mặn vào đất liền thì không có giải pháp xây dựng được đô thị tầm cỡ hay sao? Có muốn đột phá thì lấn biển như Dubai, Singapore để nền đất không những mở rộng mà còn bảo vệ nền cũ trước xu hướng mực nước biển ngày càng dâng cao. Người ta xây kè giữ đất, ngăn mặn, dẫn nước rửa mặn. Xin chỉ giùm chỗ nào trên thế giới “dẫn hải nhập điền”?

Trước khi nói xây dựng cái mới, hãy lấp kín trên 1000ha của dự án Bắc Bán đảo Cam Ranh mở rộng đã. 20 năm, một thế hệ rồi còn gì? Hãy xây dựng khu “ Tân định cư” cao tầng giải quyết tăng dân số tự nhiên khoảng gấp 1,5 lần dân số hiện nay để tiết kiệm đất nông nghiệp đi. Kèm theo đó lá những khu du lịch sinh thái cao cấp, cụm công nghiệp dọc từ Cù Hin lên quốc lộ 1A. Đó mới chính là vùng trên 10km2 hoang hoá cần phát triển.

Nếu thấy cần thêm hãy thử xây dựng đột phát một chỗ ví dụ này đi! Trên 5km từ chân đèo Cù Hin đến giáp ranh Nha Trang, có đủ đất đá tại chỗ tạo đảo, xây dựng một cụm đô thị du lịch biển núi, nối liền Cam Lâm - Nha trang, dân đây ủng hộ hết mình! Eo đèo Cù Hin - Ba Lố có thể làm một cảng nhỏ cho du thuyền nhỏ cập từ tháng 4 đến tháng 9 đấy. Eo Yến Sào- Bắc Mia có thể làm cầu cảng cho du thuyền tầm trung cùng thời gian trên: Mùa du lịch biển.

Hãy đột phát những chỗ đó đi. Lạy các thầy, đừng chọn chỗ thơm, đột phá nữa. Phải dành cho cư dân phát triển sinh thái vườn đầm. Tốt thì hỗ trợ vốn ngân hàng ưu đãi, không có thì dân cũng tự lo. 20 năm quy hoạch treo không cho cư dân phát triển như trước chưa đủ sao bây giờ tiếp tục cầm chân 25 năm nữa!?

Khi nào các nhà đầu tư lớn lấp kín những chỗ nói trên thì mới nói tới vùng đất khác. Dân Cam Lâm chưa giàu, nhưng không cần hiến ngay hết đất trồng rừng phía Tây đường cao tốc để cho người giàu có chơi golf, còn mình đi cắt cỏ kiếm tiền.

Đừng kèo nài chỉnh sửa cái đồ án quái dị này nữa. Hủy nó đi, lập đồ án mới cho đúng với chủ trương ích nước lợi dân. Dân đã và đang khổ tâm lắm rồi!

Ảnh trích từ đồ án:

Ảnh 1: Dẫn nước biển cắt ngang bán đảo Cam Ranh vào đầm thủy triều. Đào thêm 1.000ha làm một dòng sông uốn quanh đất liền, bề rộng 300m, dài 30km, cộng với những kinh rạch từ dòng sông chia nhỏ đất liền thành quần đảo.

Ảnh 2: Vị trí các khu tái định cư toàn huyện.
 

 

&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

Văn Thư trên đã được gửi đi vào ngày 18.10.2022.







1 nhận xét :

  1. PHÉP THỬ HIỆU NGHIÊM
    Sau thời hạn quy định, nếu:
    - Quốc hội trả lời kiến nghị này: Đó là QH của chúng ta
    - Quốc hội im re kiến nghị này : Đó là QH của chúng nó

    Trả lờiXóa