NGUỒN GỐC CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TRUNG QUỐC TRONG THẾ KỶ XXI
Sayed Reza Hussaini
Nguyễn Trung Kiên lược dịch
*
Chủ nghĩa dân tộc là một diễn ngôn tương đối mang tính đương đại tại Trung Quốc. Lương Khải Siêu, người được cho là nhà trí thức nhiều ảnh hưởng nhất của Trung Quốc hiện đại, là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa dân tộc vào năm 1901 khi sống lưu vong ở Nhật Bản trong những năm tháng suy tàn của triều đại nhà Thanh. Từ quan điểm của chế độ cộng sản Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một lực đẩy mới cho sự thống nhất quốc gia. Không phải nói quá khi cho rằng phong trào cộng sản Trung Quốc trong nửa đầu thế kỷ XX là một phong trào dân tộc chủ nghĩa và chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ĐCSTQ năm 1949 đã được mô tả là là một chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc lẫn chủ nghĩa cộng sản. ĐCSTQ đã có thể đánh bại Quốc Dân đảng phần lớn nhờ vào khả năng lôi cuốn tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng. Trong ba thập kỷ đầu tiên của chế độ cộng sản Trung Quốc, chủ nghĩa Marx đã sát cánh với chủ nghĩa dân tộc.
Một loạt hành động trong phần tư cuối cùng của thế kỷ XX đã khiến cho chủ nghĩa dân tộc trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà chính trị Trung Quốc. Một mặt, vào năm 1978, Trung Quốc đã tránh xa sự cứng nhắc về ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản khi Đặng Tiểu Bình đề xuất một cách tiếp cận thực dụng nổi tiếng bằng cách nói: “không quan trọng là mèo đen hay mèo trắng, nếu bắt được chuột thì đó là một con mèo tốt”. Mặt khác, một thập kỷ sau, chủ nghĩa cộng sản đã mất đi sức hấp dẫn trên toàn thế giới và nền thống trị của chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, bao gồm cả chính Liên Xô. Với cái chết của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành trụ cột ý thức hệ duy nhất mà ĐCSTQ có thể dựa vào nhằm mục đích chính danh hóa, và nó đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc như chất keo gắn kết Trung Quốc lại với nhau. Sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, ĐCSTQ đã chú ý đến chủ nghĩa dân tộc và cố gắng khắc sâu tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người Trung Quốc thông qua các chương trình cụ thể như “Chiến dịch Giáo dục Lòng yêu nước”.
Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là một con đường hai chiều. Có thể nói, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc không nên bị giới hạn trong các chiến dịch tuyên truyền của Đảng; nó còn bao gồm chủ nghĩa dân tộc phổ quát. Chủ nghĩa dân tộc phổ quát thường gắn chặt với những trang đen tối của lịch sử Trung Quốc, được gọi là “Thế kỷ của sự Sỉ nhục Quốc gia”, thời đại mà Trung Quốc bị tan rã bởi các thế lực đế quốc và người dân Trung Quốc phải chịu những nỗi đau khổ không thể kể xiết dưới bàn tay của các thế lực ngoại bang. Những ký ức cay đắng trong quá khứ, cùng với thành tựu kinh tế của Trung Quốc vốn đã cải thiện mức sống của người dân nước này, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Ngày nay, quần chúng Trung Quốc công khai kích động nhiều nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và các nước phương Tây, vì các nước này coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, không ngừng theo dõi các lãnh thổ của Trung Quốc, thúc đẩy định kiến chống lại Trung Quốc, bôi nhọ Trung Quốc, thúc đẩy nền độc lập cho Tây Tạng, gây áp lực kinh tế đối với Trung Quốc, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc nhân danh nhân quyền, v.v… Mỗi yếu tố này đã có thể đưa người Trung Quốc xuống đường biểu tình, cả bên trong Trung Quốc lẫn tại nước ngoài. Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc như một chủ đề đương đại, vốn có thể có ý nghĩa khác nhau đối với cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, đã làm gia tăng mối quan tâm trong giới học thuật. Nghiên cứu này khám phá những yếu tố nào giải thích rõ nhất nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
1. TÓM TẮT CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY
Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã sát cánh với chủ nghĩa cộng sản sau cuộc cách mạng của Mao vào năm 1949. Khi chủ nghĩa cộng sản mất đi sức hấp dẫn sau khi Trung Quốc cất cánh về kinh tế, chủ nghĩa dân tộc đã thay thế chủ nghĩa cộng sản để trở thành hệ tư tưởng chính thức duy nhất của Trung Quốc kể từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX. Tại Trung Quốc, bên cạnh các yếu tố khác, thành công về kinh tế trong bốn thập kỷ qua đã đóng vai trò lớn trong việc củng cố chủ nghĩa dân tộc. Như Fareed Zakaria chỉ ra, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang trỗi dậy như một sản phẩm phụ của tiến trình phát triển kinh tế của nó. Mặt khác, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là cách tạo ra tính chính danh cho chế độ cộng sản. Sau sự suy đồi nhanh chóng của ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa, nhà nước cộng sản đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một công cụ do nhà nước kiểm soát để củng cố tính chính danh ngày một suy yếu của nó. Do đó, nhà nước nhiều lần tuyên bố với người dân Trung Quốc rằng nó sẽ làm cho Trung Quốc trở nên thịnh vượng và mạnh mẽ trở lại, đồng thời khôi phục sự tôn trọng của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế.
Một số tác giả khác tin rằng quan điểm về chủ nghĩa dân tộc theo kiểu “từ trên xuống” là không đầy đủ. Chính trị học về chủ nghĩa dân tộc không bao giờ là con đường một chiều. Chủ nghĩa dân tộc phổ quát đóng một vai trò trung tâm trong chính trị học về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ngày nay. Callahan đã xem diễn ngôn về sự sỉ nhục là nền tảng cho cả chủ nghĩa dân tộc do nhà nước lãnh đạo lẫn chủ nghĩa dân tộc phổ quát, và coi một thế kỷ dài của sự sỉ nhục quốc gia như là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, ĐCSTQ đã chuyển sang sự sỉ nhục trong quá khứ như một chiến lược để nhắc nhở người dân về những gì đã xảy ra với cha ông họ khi Trung Quốc suy yếu và tan rã bởi các thế lực đế quốc, và liên tục thúc đẩy tình cảm dân tộc theo cách này. Những ký ức nhục nhã trong quá khứ đã có thể kích động chủ nghĩa dân tộc phổ biến trong rất nhiều trường hợp. Như Moore chỉ ra, ngay cả ngày nay, phần lớn người dân Trung Quốc (90%) đã trích dẫn vấn đề lịch sử như là lý do tại sao họ không cảm thấy gần gũi với Nhật Bản. Vấn đề của lịch sử không phải thuộc về quá khứ, mà vẫn đang rất sống động trong tâm trí của người Trung Quốc.
Một số lập luận cho rằng, chính sách của các chính quyền phương Tây đối với sự thiên vị của truyền thông phương Tây chống lại người Trung Quốc cũng là nguồn gốc mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Tình cảm dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là trong xu hướng chống phương Tây, đã đạt đến đỉnh cao vào thập niên 1990 sau khi không quân NATO bị cáo buộc ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade vào tháng 5 năm 1999. Có thể nói rằng chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc không phải là sản phẩm của một thế lực; tất cả các yếu tố kể trên liên kết với nhau để thổi phồng tình cảm dân tộc ở Trung Quốc.
Iain Johnston bác bỏ khẳng định chung rằng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang trỗi dậy liên tục. Theo quan điểm của ông, bằng một cách thức nào đó, chủ nghĩa dân tộc đã giảm đi kể năm 2009. Hơn nữa, Johnston kết luận rằng người trẻ tại Trung Quốc thực sự ít có tinh thần dân tộc chủ nghĩa hơn người già. Jessica cho rằng thấy thái độ của người Trung Quốc nói chung là mang quan điểm bảo thủ, và người trẻ có xu hướng bảo thủ hơn người già. Jessica kết luận rằng còn sớm để nói rằng thanh niên Trung Quốc ít tinh thần ‘dân tộc chủ nghĩa’ hơn người lớn tuổi, ít nhất là trong các lựa chọn ưu thích trong chính sách đối ngoại của họ. Hơn nữa, Gries kết luận rằng chủ nghĩa dân tộc là lực đẩy mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nó thể hiện cả ở trên mạng Internet lẫn các cuộc biểu tình trên đường phố, vốn đã đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng của ĐCSTQ với các quốc gia khác trong những năm gần đây.
Gregory J. Moore, trong tác phẩm ‘History, Nationalism and Face in Sino-Japanese Relations ’ [Lịch sử, Chủ nghĩa dân tộc và Sự đối mặt trong quan hệ Trung-Nhật] đã chỉ ra các nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, ngắn gọn như sau: tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, thế kỷ của sự sỉ nhục, chủ nghĩa ưu việt kiểu Trung Quốc, sự khiêu khích bên ngoài, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc do sự bất an đối với chế độ. Bài viết này đồng ý với Moore ở mức độ lớn và cố gắng thảo luận về nguồn gốc khác nhau của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
2. PHƯƠNG PHÁP LUẬN
Nghiên cứu này thảo luận về các yếu tố giải thích tốt nhất về nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Giả thuyết trung tâm là: (1) thành công về kinh tế của Trung Quốc, (2) thế kỷ của sự sỉ nhục trong quá khứ, (3) Những hành vi khiêu khích của các nước nhằm chống lại Trung Quốc; và (4) sự thúc đẩy tình cảm dân tộc chủ nghĩa của ĐCSTQ, liên kết chặt chẽ với nhau tại Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
Biến phụ thuộc của nghiên cứu này là chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Với mục đích của nghiên cứu này, chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa là “lòng trung thành và sự tận tâm dành cho quốc gia, đặc biệt là trong ý thức về quốc gia”, và “đặt quốc gia mình trên tất cả các quốc gia khác và đặt trọng tâm chính vào việc thúc đẩy truyền bá văn hóa và bảo vệ lợi ích của nó trong những quốc gia hoặc nhóm quốc gia khác”.
Thành công kinh tế của Trung Quốc, cho mục đích của nghiên cứu này bao gồm cả tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế của Trung Quốc, được đánh giá kể từ các cuộc cải cách của nó từ năm 1978. Tăng trưởng kinh tế được đo lường bằng gia tăng GDP, gia tăng FDI, và gia tăng tỷ lệ GDP dành cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Phát triển kinh tế được đo lường bằng cách sử dụng Chỉ số phát triển con người, đây là mô hình kinh tế xem xét các yếu tố cá nhân nội tại: sức khỏe, giáo dục và mức sống. Sức khỏe được đánh giá bằng tuổi thọ, giáo dục được đo bằng tỷ lệ biết chữ, và mức sống được đo bằng GDP bình quân đầu người. Dữ liệu được sử dụng đến từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD).
Liên quan đến biến số thứ hai, “Thế kỷ sỉ nhục của Trung Quốc” là một chủ đề phổ biến và lặp đi lặp lại trong văn hóa đại chúng Trung Quốc, bắt đầu từ Chiến tranh nha phiến năm 1840 và kéo dài cho đến cuộc cách mạng Trung Quốc năm 1949. Thời đại này chứa đựng một loạt các sự cố đau lòng như Hiệp ước Nam Kinh đầy nhục nhã, chiến tranh Trung-Nhật và nhiều biến cố khác. Ở đây, tôi chỉ thảo luận về những biến cố mà người dân Trung Quốc, bao gồm cả các quan chức tgrong chính quyền, sau nhiều năm vẫn còn nhớ và thúc đẩy người dân xuống đường và hô khẩu hiệu chống lại những người gây ra các biến cố này cho Trung Quốc.
Những ‘Hành vi khiêu khích’ có thể được định nghĩa là các quyết định hoặc hành động kích động phản ứng của nhà nước khác hoặc phản ứng của người dân. Trong phần này tôi sẽ thảo luận về một số hành động khiêu khích của nước ngoài, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã dẫn đến một hoặc nhiều loại phản ứng sau: (1) sự lên án của chính quyền Trung Quốc, (2) hành động của chính quyền Trung Quốc vượt lên trên sự lên án (như trả đũa, trừng phạt kinh tế hoặc trục xuất các nhà ngoại giao), (3) và phản ứng của người dân Trung Quốc dưới hình thức biểu tình hoặc lên án thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Tôi phân loại các hành vi khiêu khích theo ba loại: (a) khiêu khích một phần, (b) khiêu khích và (c) rất khiêu khích. Một hành động nước ngoài dẫn đến chỉ một loại phản ứng nêu trên được coi là khiêu khích một phân. Một hành động nước ngoài dẫn đến hai loại phản ứng (ví dụ như sự lên án của chính phủ + sự phản kháng công khai) được phân loại là khiêu khích. Một hành động nước ngoài dẫn đến cả ba loại phản ứng được coi là rất khiêu khích.
Cuối cùng, kể từ sau chiến thắng của ĐCSTQ năm 1949, vốn cũng thực sự là một chiến thắng cho chủ nghĩa dân tộc cũng như đối với chủ nghĩa cộng sản, trong ba thập kỷ đầu tiên của chế độ cộng sản, chủ nghĩa Marx đã sát cánh với chủ nghĩa dân tộc. Giả định rằng chủ nghĩa Marx đã được thay thế bằng chủ nghĩa thực dụng vào năm 1978, tôi phân tích xem ĐCSTQ có từ bỏ chủ nghĩa dân tộc hay là diễn ngôn dân tộc của chế độ đã được tăng cường để gia tăng tính chính danh của nó. Với mục đích này, tôi thảo luận về các quyết định và hành động của ĐCSTQ, sau các cuộc cải cách nó, mà có thể ảnh hưởng đến tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong quần chúng.
3. CÁC NGUỒN GỐC CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TRUNG QUỐC
3.1. THÀNH CÔNG VỀ KINH TẾ
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ khi cải cách và mở cửa vào năm 1978 là một điều kỳ diệu và chưa từng có trong lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, dân số Trung Quốc đã phải hứng chịu cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa. Khi Mao Chủ tịch qua đời năm 1976, 60% dân số Trung Quốc sống dưới mức nghèo với 1 đô-la Mỹ mỗi ngày. Các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp bị đình trệ hoặc suy giảm. Trước khi chuyển từ một nền kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh. GDP bình quân năm 1978 của nó chỉ là 156 đô-la Mỹ, ít hơn một phần ba so với mức trung bình của các quốc gia châu Phi cận châu Á, là 490 đô-la, trong cùng năm. Tuy nhiên, kể từ đó, sự thành công phi thường đã đạt được bởi các nhà cải cách của Trung Quốc, và nhiều người tin rằng thế kỷ 21 sẽ là “thế kỷ thuộc về Trung Quốc”
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 9,5% trong suốt giai đoạn từ năm 1978 đến năm 2019. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế của mình cứ trung bình tám năm một lần. Trung Quốc hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình cao, với bình quân đầu người là 9.608 đô-la Mỹ năm 2018 (được đo bằng tỷ giá hối đoái thị trường). Năm 1978, Trung Quốc chỉ chiếm 4,9% nền kinh tế toàn cầu, được đo bằng mức ngang bằng sức mua (PPP), nhưng con số này đã tăng lên 18,6% vào năm 2016. Ngoài ra, Trung Quốc đã đóng góp đáng kể vào cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã giúp hơn 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong bốn thập kỷ qua. Nếu số người thoát khỏi nghèo đói ở Trung Quốc bị trừ ra khỏi tổng số người nghèo đói trên thế giới, thì số người nghèo trên thế giới sẽ tăng lên thay vì giảm đi.
Cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng FDI vào đầu những năm 1990. Dòng vốn FDI đã đóng một vai trò lớn trong tăng năng suất của Trung Quốc cùng với sự tăng trưởng kinh tế và thương mại nhanh chóng. Có khoảng 44.244 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký tại Trung Quốc vào năm 2010, sử dụng 55,2 triệu lao động hoặc 15,9% lực lượng lao động đô thị. Các doanh nghiệp FDI chiếm một phần đáng kể trong sản lượng công nghiệp của Trung Quốc. Mức đó đã tăng từ 2,3% trong năm 1990 lên mức 35,9% trong năm 2003 nhưng đã giảm xuống 25,9% trong năm 2011. Theo UNCTAD, Trung Quốc đã trở thành một nước nhận vốn đầu tư lớn cũng như là nhà đầu tư FDI lớn. Dòng vốn của Trung Quốc vào năm 2019 là 130 tỷ đô-la, trở thành nước nhận vốn đầu tư lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Dòng vốn FDI của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong lịch sử là 196,1 tỷ đô-la trong năm 2016.
Hội nhập kinh tế của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới đã tăng lên đáng kể. Trước năm 1979, khoảng 90% GDP của Trung Quốc không liên quan đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, từ năm 1978 đến năm 2016, tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình hàng năm là 14,8%. Tỷ lệ phụ thuộc thương mại của Trung Quốc (thương mại theo GDP) đạt 32,7% trong năm 2016. Với hiệu suất tăng trưởng tuyệt vời như vậy, năm 2009, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Chỉ một năm sau, nó đã vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ngày nay, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Năm 2014, nó đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia có nền thương mại lớn nhất thế giới, bằng cách trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 130 quốc gia. Quan trọng hơn, vào năm 2014, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo ngang giá sức mua (PPP). Tỷ lệ GDP toàn cầu của Trung Quốc (đo bằng PPP) tăng từ 2,3% năm 1980 lên khoảng 18,3% vào năm 2017, trong khi đó, Hoa Kỳ giảm từ 24,3% xuống còn 15,3%.
Kể từ khi thương mại quốc tế và đổi mới công nghệ liên kết chặt chẽ với nhau, Trung Quốc đã dành một lượng lớn ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Vào năm 2001, Trung Quốc đã chi ít hơn 1% GDP cho R&D, nhưng con số này đã tăng lên đều đặn trong những năm gần đây và năm 2015 Trung Quốc đã chi hơn 2%. Các nền kinh tế phát triển thường dành từ 2 đến 3% GDP cho R&D và Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ đó. Điều đáng nói là Ấn Độ chỉ dành khoảng 0,5% GDP cho R&D. Do Trung Quốc có vẻ như mất khả năng cạnh tranh tiền lương do tăng lương trung bình hàng tháng, Trung Quốc đang nhanh chóng tự động hóa sản xuất thông qua quá trình robot hóa để duy trì đà phát triển. Ngoài ra, sự phát triển của Trung Quốc có thể sẽ nhanh hơn nữa bởi chương trình “Made Made in China 2025”. Kế hoạch này, từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), nhằm mục đích đưa Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ cao.
Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng đều đặn từ 9,9% thu nhập khả dụng vào năm 1988 lên 29,7% vào năm 2018. Đây được coi là một trong những tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, vượt qua tỷ lệ của Đức, quốc gia có mức tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao nhất trong các nền kinh tế OECD. Thành công kinh tế đã cải thiện phúc lợi của người dân một cách đáng kể và gia tăng mức sống. Tuổi thọ từ 66 tuổi vào năm 1978 lên 76,96 tuổi vào năm 2020. Năm 1982, hơn một phần năm người Trung Quốc không biết chữ và chỉ có 6,78% được học hết cấp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Đến năm 2010, tỷ lệ mù chữ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 4,08% và hơn 14% công dân đã được giáo dục lên cấp trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp trở lên.
Phép màu kinh tế của Trung Quốc đã góp phần vào sự hài lòng và niềm tự hào của người dân Trung Quốc. Bước nhảy vọt kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh và giới tinh hoa Trung Quốc nỗ lực thể hiện vị thế của Trung Quốc ở mọi nơi trên thế giới, rõ rệt nhất là tại châu Á và châu Phi. Đặc biệt, hệ thống kinh tế và chính trị Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một con đường mới cho tiến trình hiện đại hóa của các nước đang phát triển nhằm tiếp tục gia tăng sự phát triển và duy trì sự độc lập của Trung Quốc thay vì để các nước đang phát triển đó lựa chọn mô hình phương Tây. Ngày nay, người Trung Quốc tự hào về sự tiến bộ của họ, chế giễu sự suy tàn của phương Tây, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế của phương Tây. Nhiều người Trung Quốc tin rằng phương Tây cần đến Trung Quốc, đặc biệt là nguồn tài chính của Trung Quốc, để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của phương Tây. Người dân Trung Quốc nghĩ rằng họ đang đòi lại vị trí xứng đáng của mình như một cường quốc trên thế giới, một vị trí mà họ đã mất hàng thập kỷ trước đó và bị từ chối trong nhiều năm. Kết quả là người dân Trung Quốc ngày càng trở nên mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở nước ngoài và diễn ngôn nhiều hơn ở nước ngoài.
Fareed Zakaria, trong tác phẩm ‘The Post-American World’ [Thế giới hậu Mỹ] của ông, cho rằng, “sự trỗi dậy của niềm tự hào và sự tự tin [của Trung Quốc] đối với các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia lớn nhất và thành công nhất, là điều dễ nhận thấy”. Sau đó, ông nhớ lại các cuộc trò chuyện của mình với một giám đốc điều hành trẻ của Trung Quốc tại Thượng Hải, người tràn đầy niềm tự hào về sự phát triển phi thường của Trung Quốc. Fareed nói thêm, “khi chúng tôi bắt đầu nói về Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ, những câu trả lời của anh ấy chứa đầy sự cáu giận”. Chẳng hạn, anh giải thích bằng giọng điệu giận dữ rằng Hoa Kỳ đã cố tình ném bom đại sứ quán Trung Quốc trong cuộc chiến Kosovo năm 1999 để khiến người dân Trung Quốc khiếp sợ với sức mạnh quân sự của mình. Anh nói rằng nếu Đài Loan dám tuyên bố độc lập, Trung Quốc nên lập tức xâm lược quốc đảo này. Và như thế, Zakariakết luận, “tôi cảm thấy như thể tôi đang ở Berlin năm 1910, nói chuyện với một chuyên gia Đức trẻ tuổi, những người trong thời đó cũng sẽ hoàn toàn là những nhà dân tộc chủ nghĩa hiện đại”. Tóm lại, “[khi] các cơ hội kinh tế tăng lên, thì chủ nghĩa dân tộc cũng tăng lên theo”.
3.2. MỘT THẾ KỶ CỦA SỰ SỈ NHỤC QUỐC GIA
Nguồn gốc thứ hai của chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, liên quan đến nguồn gốc thứ nhất, “Một thế kỷ của Sự sỉ nhục Quốc gia”. Trước khi phương Tây xâm chiếm Trung Quốc, người dân nước này đã xem đất nước của họ là trung tâm của thế giới và coi phần còn lại là những kẻ man rợ. Trung Quốc là “vương quốc trung tâm”, trung tâm của tất cả các nền văn minh mà tất cả các quốc gia và nền văn hóa khác đều là “nền văn hóa hạ đẳng” và phải thuần phục. Các nước láng giềng buộc phải cống nạp, như Miến Điện, Nepal, Việt Nam, Java và Nhật Bản, đều tán thành quan điểm độc đoán của Bắc Kinh rằng hoàng đế Trung Quốc, trị vì “vương quốc trung tâm” của thế giới, có quyền cai trị tất cả “thiên hạ”. Vào thế kỷ XV, các hạm đội khổng lồ của Trung Quốc vẫn vượt trội hơn nhiều so với sức mạnh hải quân vĩ đại nhất châu Âu: Tây Ban Nha. Trung Quốc là quốc gia giàu nhất thế giới trong nhiều thế kỷ. Nó có mức sống trung bình cao hơn châu Âu cho đến thế kỷ XVII. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tiếp xúc với phương Tây tiến bộ, nó đã sớm hiểu ra điểm yếu của mình so với các nước khác. Cú đánh đầu tiên làm tan nát mặt tiền của “vương quốc trung tâm” là cuộc Chiến tranh nha phiến đầu tiên vào năm 1840. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của “một thế kỷ của sự sỉ nhục quốc gia” mà cuối cùng đã kết thúc với cách mạng Trung Quốc vào năm 1949. Thế kỷ của sự sỉ nhục hình thành nên câu chuyện chính của lịch sử Trung Quốc hiện đại và vẫn được nhớ đến như một sự xúc phạm nặng nề nhất mà đất nước phải chịu đựng dưới bàn tay của các đế quốc phương Tây và đế quốc Nhật Bản.
Vào thế kỷ XVIII, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu và châu Mỹ so với nhập khẩu, tạo ra các vấn đề về cán cân thanh toán nghiêm trọng cho phương Tây, nơi phát hiện ra những đồng bạc quý báu của họ mất vào tay người Trung Quốc. Để giảm thâm hụt thương mại của Anh với Trung Quốc, Công ty Đông Ấn của Anh đã vận chuyển thuốc phiện đến miền nam Trung Quốc và thông qua các trung gian tại Quảng Châu để bán cho nhân dân Trung Quốc. Năm 1800, người Trung Quốc cấm nhập khẩu và sản xuất thuốc phiện, nhưng người Anh vẫn tiếp tục kinh doanh. Khi những người nổi giận đã phong tỏa các nhà máy của Anh và xả các kho thuốc phiện của họ xuống biển, vào năm 1840, các tàu của Anh đã phong tỏa tỉnh Quảng Châu và kéo quân lên bờ biển phía Bắc của Trung Quốc, đe dọa thành phố Thiên Tân và tiến vào ngai vàng của hoàng đế ở Bắc Kinh. Nhận thức được quân đội yếu kém của mình, nhà Thanh đã thỉnh cầu hòa bình, nhượng lại Hồng Kông cho người Anh và đồng ý trả khoản tiền bồi thường 6 triệu bảng Anh và mở lại Quảng Châu cho các thương nhân người Anh. Tuy nhiên, điều này là không đủ đối với chính phủ Anh, một đế quốc hiếu chiến, và thủ tướng Lord Palmerston đã phái một hạm đội khác đến Trung Quốc vào năm 1841. Sau khi chịu nhiều thất bại, Trung Quốc đã ký Hiệp ước Nam Kinh đầy nhục nhã vào năm 1842, mở năm cảng thương mại, bao gồm Thượng Hải, cho người nước ngoài và giao vĩnh viễn Hồng Kông cho người Anh. Hơn nữa, chính phủ Anh yêu cầu bồi thường cho số lượng thuốc phiện bị phá hủy và yêu cầu tiền chuộc cho những thành phố đó, như Hàng Châu, vốn vẫn chưa bị chiếm đóng. Các nước phương Tây khác cũng đã làm theo vụ kiện và cũng giành được nhượng bộ đặc biệt.
Năm 1854, khi triều đại nhà Thanh đối mặt với cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc đang gia tăng, các đại diện của Anh, Pháp và Mỹ đã kêu gọi sửa đổi Hiệp ước Nam Kinh, tạo điều kiện để tiếp cận tự do đến mọi miền của Trung Quốc. Nhận thức được sức mạnh quân sự của phương Tây, hoàng đế đã đồng ý cấp quyền tiếp cận đầy đủ vào Dương Tử, du lịch bên trong Trung Quốc cho những người có hộ chiếu, nhượng thêm sáu cảng biển và miễn trừ quyền tài phán của Trung Quốc đối với người nước ngoài. Bất chấp mọi nhượng bộ, quân đội phương Tây đã di chuyển đến Bắc Kinh và đốt cháy Cung điện Mùa Hè, thường được mô tả là khu vườn thượng uyển tuyệt vời nhất thế giới. Cung điện Mùa Hè bị cháy trong hai ngày, khói đen dày đặc bao trùm Bắc Kinh, và những cổ vật quý giá của nó đã bị quân đội đế quốc Pháp và Anh cướp phá.
Trung Quốc đã nhận đòn thứ ba từ phương Tây bởi sự trỗi dậy của Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn vào năm 1900. Khi người phương Tây bị phong trào Nghĩa Hòa Đoàn tấn công, quân đội của Tám Cường quốc Đồng minh gồm Đức, Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Ý, Úc và Nhật Bản đã hành quân đến Trung Quốc: giết, đốt phá, cướp bóc, san bằng Đường Cô, một thị trấn gồm 50.000, làm giảm dân số của Thiên Tân từ một triệu xuống còn 100.000 dân. Tại Bắc Kinh, vô số người đã thiệt mạng: “Nước sông trở thành một dung dịch hỗn hợp của máu, thịt, xương và mỡ người”. Một số binh sĩ tra tấn nạn nhân của họ, hoàn toàn chỉ để giải trí. Một người lính Ấn Độ từ đội quân Anh, Gadhadar Singh, đã viết, bằng cách chứng kiến những vụ giết người hàng loạt, đốt phá và hãm hiếp gây ra cho người Trung Quốc, mà “ngay cả những trái tim bằng đá cũng sẽ tan chảy và cảm thấy thương xót”. Cuối cùng, một thỏa thuận khác đã được ký kết với các cường quốc phương Tây, trong số các hình phạt khác, áp đặt một khoản bồi thường gần gấp đôi nguồn thu ngân sách hàng năm của triều đình.
Vào đầu thế kỷ XX, với Chiến tranh Trung-Nhật, kẻ thù chính đã chuyển từ chủ nghĩa đế quốc phương Tây sang chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Đến năm 1895, Nhật Bản đã trở nên đủ mạnh để áp đặt ý chí của mình lên Trung Quốc. Vào năm đó, Nhật Bản, mà hầu hết người Trung Quốc coi là thấp kém, đã đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến; Trung Quốc buộc phải trả một khoản bồi thường khổng lồ, để mở các thị trấn ven sông sâu trong nội địa thành các thương cảng theo hiệp ước, và nhượng Đài Loan làm thuộc địa của Nhật Bản cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ Hai năm 1945. Các nhà đế quốc chủ nghĩa ở nơi khác đã tiếp tục bị thúc đẩy bởi thất bại của Trung Quốc và mở rộng yêu cầu vô độ của họ. Anh buộc Trung Quốc phải thuê Uy Hải thị và Vùng Lãnh thổ Mới ở phía Bắc đảo Hồng Kông. Pháp thiết lập một căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam và quyền khai thác mỏ trên khắp các tỉnh phía nam của Trung Quốc. Đức chiếm một phần của tỉnh Sơn Đông. Ngay cả Ý cũng chiếm đoạt lãnh thổ Trung Quốc. Trên thực tế, chiến thắng của Nhật Bản đã ngăn chặn sự tan rã của Vương quốc Trung Hoa.
Người Trung Quốc phải chịu nỗi đau lớn nhất dưới bàn tay của phát-xít Nhật Bản từ năm 1931 đến năm 1945. Nhật Bản chiếm giữ những vùng đất rộng lớn của lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời chính quyền và binh lính Nhật Bản đã phạm tội ác kinh khủng đối với người dân Trung Quốc. Bên cạnh tội ác xâm lược và chiếm đóng của chính Trung Quốc và tất cả các thương vong mà Nhật Bản gây ra, vụ thảm sát do Nhật Bản tiến hành tại thủ đô Nam Kinh của Trung Quốc vào năm 1937 lớn hơn hầu hết bất kỳ vụ thảm sát nào trong lịch sử chiến tranh của thế giới. Một số người cho rằng Thảm sát Nam Kinh còn tệ hơn cả cuộc diệt chủng người Do Thái Holocaust của Đức Quốc xã. Các tác giả như Iris Chang cho rằng 300.000 dân thường Trung Quốc bị giết chết. Đáng lo ngại hơn, Chang tuyên bố rằng 20.000 đến 80.000 phụ nữ Trung Quốc đã bị hãm hiếp trong quá trình xâm chiếm và chiếm đóng Nam Kinh. Một điều kinh dị khác ít được biết đến là các hoạt động của Đơn vị 731 của Nhật Bản ở khu vực Cáp Nhĩ Tân, phía Đông Bắc Trung Quốc. Ở đó, các nhà khoa học và quân đội Nhật Bản đã giam giữ các tù nhân Trung Quốc và thực hiện các thí nghiệm kinh hoàng đối với họ, từ nghiên cứu về bệnh dịch hạch đến mổ xẻ người sống và nghiên cứu về sự đóng băng của thịt người trong đó thường dân Trung Quốc bị trói vào các vị trí bên ngoài trong điều kiện mùa đông và bị đóng băng đến chết nhằm nghiên cứu quá trình chết do đóng băng. Ước tính có khoảng 3.000 đến 10.000 người Trung Quốc bị thiệt mạng tại doanh trại của Đơn vị 731. Thêm vào đó là vấn đề “phụ nữ giải khuây”, trong đó hàng nghìn phụ nữ Trung Quốc đã bị bắt giữ để làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong chiến tranh. Và rất nhiều sự cố nhục nhã khác. Sự sỉ nhục liên tiếp của người nước ngoài định hình chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Một trong những lối vào công viên của Cung điện mùa Hè vẫn hiển thị một dấu hiệu cho biết: Hãy đừng quên sự sỉ nhục quốc gia, xây dựng lại các quốc gia Trung Quốc. Trịnh Vương đã viết một cuốn sách có tựa đề: “Không bao giờ quên sự sỉ nhục quốc gia”, xuất bản năm 2012. Học sinh vẫn được học về sự dã man và tàn bạo của phương Tây. Ký ức về những sự kiện đó thậm chí vẫn còn đang làm xáo trộn trái tim và suy nghĩ của người Trung Quốc và kích thích mãnh liệt tình cảm dân tộc chủ nghĩa của họ.
Người Trung Quốc cũng bị coi thường ngay cả khi nước ngoài. Các báo cáo chỉ ra rằng ngay cả các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng không được tôn trọng xứng đáng. Vào đầu thế kỷ XX, một quan chức lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, California, đã tự sát sau khi bị cảnh sát Mỹ xúc phạm. Theo nhà xã hội học Ấn Độ Benoy Kumar Sarkar, “người Trung Quốc tại Hoa Kỳ bị cấm tham gia bầu cử". Các trường học đã đóng cửa không tiếp nhận con em họ. Họ không được phép đưa ra bằng chứng trên bục nhân chứng ngay cả trong các vụ án ảnh hưởng đến tài sản của chính họ.
Hoàng Tuân Hiến, tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco từ năm 1882 đến 1885 và là một nhà thơ có tài, người đã chứng kiến hành trình của Trung Quốc từ việc trở thành trung tâm của thế giới thành “con bệnh châu Á” đã viết nên những cay đắng viết: “Than ôi! Nhân dân ta đã phạm tội gì? Rằng họ phải chịu tai họa này trong vận mệnh của đất nước chúng ta? Trung Hoa vĩ đại và chủng tộc Hán bây giờ đã trở thành một trò đùa cho các chủng tộc khác. Ngay cả khi chúng ta lấy hết nước của bốn đại dương thì cũng thật khó để rửa sạch sự xấu hổ này”.
Lịch sử và tiền lệ luôn quan trọng trong các xã hội Đông Á, vì các xã hội dựa trên Khổng giáo rất chú trọng đến truyền thống, tổ tiên và tiền lệ. Người Đông Á có xu hướng di chuyển đến tương lai trong khi nhìn về quá khứ để được hướng dẫn, vì vậy họ cũng có xu hướng nhận thức về lịch sử rất sâu sắc. Trong một nghiên cứu, khi người Trung Quốc được hỏi tại sao họ không cảm thấy gần gũi với Nhật Bản, 90% số người được hỏi Trung Quốc đã viện đến lý do lịch sử.
Sự sỉ nhục của Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Thật vậy, người ta không thể hiểu chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc ngày nay mà không thật sự hiểu hết câu chuyện Trung Quốc trong “Thế kỷ của Sự sỉ nhục” và tác động của nó đối với lòng tự trọng tập thể của Trung Quốc trong hiện tại. Sự sỉ nhục quốc gia là một chủ đề phổ biến và định kỳ trong văn hóa đại chúng Trung Quốc. Sự diễn ngôn có rất nhiều hình thức: lịch sử công cộng, sách giáo khoa, bảo tàng, phong trào quần chúng, tiểu thuyết lãng mạn, những bài hát nổi tiếng, thơ và văn xuôi, phim truyện, ngày lễ quốc gia và các tập san.
3.3. CÁCH TIẾP CẬN KHIÊU KHÍCH HƯỚNG TỚI TRUNG QUỐC
Yếu tố thứ ba góp phần vào các tình cảm dân tộc chủ nghĩa có thể được gọi là sự khiêu khích từ bên ngoài. Quần chúng Trung Quốc tin rằng sau Chiến tranh Lạnh, phương Tây cùng với Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh thay vì là đối tác, và có cách tiếp cận thù địch với Trung Quốc. Ký ức về vụ đánh bom của NATO do Mỹ dẫn đầu tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, vụ va chạm với máy bay do thám Mỹ năm 2001, việc viếng thăm ngôi đền Yasukuni của các quan chức Nhật Bản và nhiều sự kiến khác vẫn còn mới mẻ trong tâm trí người Trung Quốc, cung nhiều vấn đề như tự do hàng tại Biển Đông, vấn đề Tây Tạng, vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, các báo cáo thiên vị của phương tiện truyền thông phương Tây... đã có thể kích thích tình cảm dân tộc chủ nghĩa trong những năm gần đây. Nhiều người Trung Quốc đã không coi những quan điểm đối nghịch như là một thông lệ trong quan hệ quốc tế, mà là một loạt các hành vi xúc phạm của người nước ngoài chống lại Trung Quốc kể từ sau Chiến tranh nha phiến năm 1840.
Chủ nghĩa dân tộc của quần chúng tại Trung Quốc đã phát triển vào những năm 1990 và đạt đến đỉnh điểm vào tháng 5 năm 1999 khi một máy bay ném bom của NATO nhắm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, giết chết ba nhà báo Trung Quốc và làm bị thương hai mươi người khác. Mặc dù chính quyền Clinton khẳng định vụ đánh bom là vô tình, nhưng điều này đã bị ĐCSTQ bác bỏ và truyền hình nhà nước đã tố cáo vụ đánh bom là một “hành động man rợ”. Kết quả là, các cuộc biểu tình chống Mỹ quyết liệt tại Bắc Kinh và các nơi khác ở Trung Quốc đã diễn ra trong suốt nhiều ngày. Những người biểu tình đã xung đột với cảnh sát tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, phá hủy xe hơi và đập vỡ cửa sổ. Tại Thành Đô, hơn 170.000 người đã tập trung trước lãnh sự quán Hoa Kỳ trong nhiều ngày và đốt cháy nơi ở của tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Cảnh sát tại Quảng Châu cảnh báo cư dân phương Tây nên ở trong nhà. Chính phủ Hoa Kỳ và Liên hiệp Anh đã khuyên các công dân mình đang du lịch tại Trung Quốc nên ở lại khách sạn hoặc nơi cư trú của họ. Các cuộc biểu tình trước đại sứ quán Hoa Kỳ và đại sứ quán Anh là cuộc biểu tình chống phương Tây lớn nhất ở Trung Quốc kể từ Cách mạng Văn hóa năm 1960.
Một ví dụ khác thường được trích dẫn về sự vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc là vụ va chạm giữa máy bay chiến đấu F8 của Trung Quốc và máy bay do thám EP-3 của Mỹ năm 2001 đang bay trên không phận Trung Quốc. Hậu quả là máy bay Trung Quốc bị vỡ làm đôi và bị rơi, nhưng máy bay Mỹ đã hạ cánh khẩn cấp được xuống đảo Hải Nam trên lãnh thổ Trung Quốc. Phi công Trung Quốc nhảy dù ra ngoài nhưng đã hi sinh. Tuy nhiên, phi hành đoàn của máy bay Hoa Kỳ đã được thả sau khi Washington đưa ra lời xin lỗi chính thức. Một số người Trung Quốc cáo buộc Đảng Cộng sản đã nhẹ tay về vấn đề này, nhưng không có cuộc biểu tình chống Mỹ quyết liệt trên đường phố. Nhiều người đã coi đó là bằng chứng thuyết phục về việc Mỹ tiếp tục coi thường quyền chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.
Nhân quyền là một nguồn xung đột khác giữa Trung Quốc và phương Tây. Ví dụ, các chính phủ phương Tây từ lâu đã chỉ trích chính sách Tây Tạng của Trung Quốc và ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng. Vào tháng 10 năm 2007, Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo của Quốc hội Hoa Kỳ đã trao tặng Huy chương Vàng của Quốc hội, một vinh dự dân sự cao nhất của quốc gia, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, và gọi ông là một chiến binh vì hòa bình. Sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây đối với Tây Tạng gia tăng vào tháng 3 năm 2008. Vào ngày 14 tháng 3, những kẻ bạo loạn ở Tây Tạng đã tấn công người Hán và người Hồi giáo gốc Trung Quốc. Khi quân đội Trung Quốc bắt đầu đàn áp bạo loạn và giữ gìn trật tự, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ vào ngày 21 tháng 3. Tại cuộc họp, Pelosi kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về tình hình ở Tây Tạng và chỉ trích cách xử lý của Trung Quốc đối với tình trạng bất ổn ở Tây Tạng. Trong khi giải quyết đám đông hàng nghìn người Tây Tạng ở Dharamsala, Ấn Độ, Pelosi gọi cuộc khủng hoảng là “một thách thức đối với lương tâm của Thế giới” và kêu gọi “những người yêu tự do” lên án Trung Quốc. Vào tháng Tư, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 1077 của Hạ viện một cách áp đảo với 413 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống để chỉ trích Trung Quốc về đàn áp ở Tây Tạng, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt đàn áp ở Tây Tạng và tiến hành đối thoại.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã khuyến cáo ông có thể tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội Olympic vào tháng 8 năm 2008 khi ông đến Vương quốc Anh trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày. Ông cũng kêu gọi Thủ tướng Anh Gordon Brown tiếp tục giữ lập trường tương tự đối với Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết bà sẽ không tham dự. Bà Nancy Pelosi thậm chí còn nói rằng Ủy ban Olympic quốc tế đã phạm sai lầm khi trao cơ hội tổ chức Thế vận hội mùa Hè năm 2008 cho Trung Quốc. Những động thái của các chính quyền phương Tây đối với cuộc bạo loạn ở Tây Tạng đã gây phẫn nộ cho người dân và kích động chủ nghĩa dân tộc mang tính phòng thủ của Trung Quốc để buộc tội phương Tây về sự đạo đức giả đầy thô thiển, đặc biệt là về các vấn đề nhân quyền. Sử dụng ngôn ngữ đầy cảm xúc về sự sỉ nhục quốc gia bằng cách quay trở lại “thế kỷ của của sự sỉ nhục”, Trung Quốc nhắc nhở các quốc gia phương Tây về hồ sơ nhân quyền đáng xấu hổ của họ như là các cường quốc đế quốc, đặc biệt là khi họ đang chia rẽ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Thông qua hệ thống giáo dục và tuyên truyền của chính quyền, nhân dân Trung Quốc đang không ngừng được nhắc nhở về cuộc xâm lược Trung Quốc đầy tàn bạo của phương Tây trong thế kỷ XIX: làm thế nào mà người Anh và các công ty Hoa Kỳ giành được vận may của mình thông qua việc buôn bán thuốc phiện, và làm thế nào người Pháp, Anh và các cường quốc châu Âu khác đàn áp dữ dội Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn chống lại sự truyền bá tôn giáo phương Tây. Ký ức lịch sử như vậy chắc chắn thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, sự phẫn nộ và ý thức đạo đức giả của người dân Trung Quốc khi họ lắng nghe cùng một quốc gia từng bắt nạt cha ông họ hơn 100 năm trước lại được quyền nói với họ phải làm gì trong thời đại này. Họ lên án tiêu chuẩn kép của các cường quốc phương Tây về vấn đề nhân quyền. Phái đoàn Trung Quốc đã trả lời trực tiếp tại Hoa Kỳ bằng cách khẳng định rằng “các vị nên xem lại hồ sơ vi phạm nhân quyền lớn tại Iraq và các nơi khác trên thế giới. Người ta có thể hỏi liệu có quốc gia nào khác trên thế giới dám xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn như vậy”. Người Trung Quốc tin rằng mặc dù Mỹ tuyên bố ủng hộ các phong trào dân chủ, nhưng khi các nhà dân chủ ở các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là tại Ả-rập Xê-út bị bắt, Hoa Kỳ đã giữ im lặng. Trong mắt người Trung Quốc, Hoa Kỳ rao giảng một kiểu và hành động một kiểu khác, và đây là thói đạo đức giả. Liên quan đến những nhận xét của Sarkozy về quyền con người của Trung Quốc, khiến các cuộc biểu tình lớn ở Pháp phá vỡ Thế vận hội 2008, ĐCSTQ đã nhanh chóng nhớ lại cách quân đội đế quốc Pháp đốt cháy Cung điện Mùa hè ở Bắc Kinh vào năm 1860 và cướp phá cổ vật của cung điện này. Tờ ‘Nhân dân Nhật báo’ viết: “nếu người Pháp muốn nói chuyện với Trung Quốc về quyền con người, trước tiên họ cần xin lỗi về những gì họ đã thực hiện với Cung điện Mùa Hè và sau đó hãy trả lại số lượng lớn các di vật Trung Quốc mà họ đã đánh cắp” Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, những người biểu tình đầy tức giận đã tổ chức biểu tình trước chuỗi cửa hàng siêu thị Pháp Carrefour để khuyến khích người dân tẩy chay với các sản phẩm của Pháp.
Bên cạnh phương Tây, quan hệ vốn quá nhiều thăng trầm của Trung Quốc với Nhật Bản ngày nay chủ yếu ảnh hưởng bởi quá khứ. Một vấn đề tái diễn đối với mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc là chính quyền Nhật Bản đã phê duyệt sách giáo khoa nhằm thanh minh cho trách nhiệm của Nhật Bản trong Đại chiến Thế giới Hai và không nêu ra các vấn đề như Thảm sát Nam Kinh, “phụ nữ giải khuây” và Đơn vị 731, mà lại tôn vinh nỗ lực chiến tranh của Nhật Bản và hợp lý hóa quyết định đi đến chiến tranh của nó. Đó là một nguồn gốc quan trọng của các căng thẳng trong những năm 2004-2005, dẫn đến các cuộc biểu tình chống Nhật khổng lồ ở Trung Quốc và sẽ tiếp tục là một trở ngại trong mối quan hệ Trung-Nhật tích cực. Hơn nữa, các chuyến thăm hàng năm gây tranh cãi đến đền Yasukuni bởi các chính trị gia Nhật Bản, đáng chú ý nhất là cựu Thủ tướng Koizumi, đã tiếp tục chọc tức người dân Trung Quốc và khiến chính quyền Bắc Kinh trở nên lạnh nhạt với Nhật Bản. Bất kể các cuộc biểu tình của Trung Quốc, Koizumi đã đến Đền Yasukuni sáu lần trong nhiệm kỳ của mình, lần cuối cùng vào ngày 15 tháng 8 năm 2006, một cách chủ ý, bởi đó là ngày Nhật Bản đầu hàng trong Đại chiến Thế giới lần thứ Hai. Người Trung Quốc coi việc tưởng nhiệm này là tôn vinh những tội phạm chiến tranh vốn phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng nghìn người vô tội, và đây là lý do tại sao người Trung Quốc phản đối liên tục. Điều làm cho tình hình tồi tệ hơn từ quan điểm của Trung Quốc là vấn đề xin lỗi. Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác tin rằng Nhật Bản đã không giải quyết những tội lỗi lịch sử của họ, thú nhận tội ác của họ, tìm kiếm sự tha thứ từ nạn nhân của họ, cũng không thực hiện việc đền tội thực sự như nước Đức từng thực hiện.
Một khía cạnh khác của vấn đề lịch sử là tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Điếu Ngư / Senkaku và vấn đề Đài Loan. Kể từ khi đất nước Trung Quốc bại trận nhượng Đài Loan cho Nhật Bản vào năm 1895, nhiều người Trung Quốc đổ lỗi cho Nhật Bản tách Đài Loan khỏi Trung Quốc ngay từ đầu và thấy họ có trách nhiệm trong phong trào độc lập của Đài Loan ngày nay. Sự phẫn nộ này của Trung Quốc đã tăng lên vào tháng 2 năm 2005 khi Hoa Kỳ và Nhật Bản gia hạn các cam kết an ninh của họ, qua đó xác định lại vai trò của Nhật Bản để có thể bao gồm cả việc bảo vệ Đài Loan. Điều này vượt xa cả tuyên bố Hướng dẫn Quốc phòng Mỹ-Nhật năm 1997 rằng sự bố trí quốc phòng Mỹ-Nhật bao gồm “các khu vực xung quanh Nhật Bản”, mà không đề cập cụ thể đến Đài Loan. Trong thông báo chung của họ vào năm 2005, Đài Loan và các vùng xung quanh được xác định cụ thể là một khu vực là “mối quan tâm” tâm đối với lợi ích an ninh của Nhật Bản. Quần đảo Điếu Ngư là một vấn đề lãnh thổ khác vẫn gây ra sự chia rẽ giữa hai cường quốc. Một loạt tám hòn đảo không người ở, nằm tại phía Đông Bắc Đài Loan, từng không được đánh giá cao bởi một trong hai bên. Chúng được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng để thực hành ném bom sau chiến tranh. Ngay sau khi các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên được phát hiện ở vùng biển quanh đảo năm 1969, Bắc Kinh tuyên bố rằng người Trung Quốc lần đầu tiên lập biểu đồ cho hòn đảo này vào năm 1534 và thực tế chúng thuộc về Trung Quốc; Nhật Bản đã tuyên bố họ sở hữu chuỗi đảo này bằng việc họ mua lại Đài Loan vào năm 1895. Năm 1978, một nhóm chính trị gia cánh hữu Nhật Bản đã xây dựng một ngọn hải đăng ở đó và ghé thăm nó thường xuyên để bảo trì, để củng cố yêu sách của Nhật Bản đối với các hòn đảo
Năm 2012, Thống đốc Tokyo cánh hữu Shintaro Ishihara đã đề xuất rằng quận Tokyo mua ba hòn đảo Senkaku / Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản của họ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã phẫn nộ và phản ứng bằng cách phản đối không chỉ trên mạng, mà cả bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, ở Thâm Quyến và các thành phố lớn khác của Trung Quốc. Do đó, chính phủ Trung Quốc sau đó đã thực hiện bước đi chưa từng có là gửi tàu chiến hải quân vũ trang tới các đảo tranh chấp. Vào tháng 12, một máy bay tuần tra của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã bay qua khu vực này và Nhật Bản đã kháng cự bằng máy bay phản lực. Vào tháng 1 năm 2013, các máy bay phản lực Trung Quốc và Nhật Bản dường như đã vờn nhau gần các hòn đảo và một tàu khu trục Trung Quốc đã hướng radar gắn vũ khí hướng mục tiêu của nó tới một máy bay trực thăng và tàu khu trục của Nhật Bản. Theo sự đo lường của chúng tôi cho bài viết này, sự kiện cuối cùng này có thể được coi là hành động rất khiêu khích, bởi vì nó đã dẫn đến sự lên án của ĐCSTQ, hành động vượt lên phản ứng phổ biến dưới hình thức biểu tình lớn ở các thành phố khác nhau của Trung Quốc.
Ngoài ra, truyền thông chính thống phương Tây cũng giúp đóng góp vào tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người Trung Quốc cả trong và ngoài nước. Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng phương tiện truyền thông phương Tây đã thể hiện không chỉ xu hướng chống Bắc Kinh mà còn là thành kiến và định kiến đối với người dân Trung Quốc, vốn đã lan rộng từ năm 2000. Một số nhà nghiên cứu chuyên sâu về Trung Quốc cho rằng các kênh truyền thông chính thống của phương Tây, bằng cách tuân theo các mục tiêu chính sách đối ngoại của phương Tây, đã liên lục nói lên luận điệu của Mỹ và thóa mạ Trung Quốc. Vào ngày 3 tháng 2 năm 2020, tờ “Wall Street Journal” đã xuất bản một bài tiểu luận nêu ý kiến của Walter Russell Mead về tác động kinh tế của sự bùng phát virus corona với tựa đề “Con bệnh thực sự của châu Á”, gây khó chịu cho người Trung Quốc trên toàn cầu (Mead, 2020). Vấn đề không nằm ở đánh giá quan trọng của Mead về Trung Quốc, mà với tiêu đề của bài báo. Trung Quốc đôi khi được mô tả là “con bệnh ốm yếu của Châu Á” vào cuối thế kỷ XIX, trong chiều sâu của cái mà ngày nay chúng ta gọi là “Thế kỷ của sự sỉ nhục”. Do sự xúc phạm của danh hiệu đó, vào ngày 19 tháng 2, Trung Quốc đã thu hồi thẻ hành nghề của ba nhà báo của tờ báo này tại Bắc Kinh, sau khi tờ báo này từ chối xin lỗi vì tiêu đề trên. Đối với nhiều người Trung Quốc, những bài báo thiên vị như vậy không chỉ làm giảm uy tín của truyền thông phương Tây đối với họ; nó cũng khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở trong họ.
3.4. SỰ BẤT AN CỦA CHẾ ĐỘ
Yếu tố thứ tư, và có lẽ là yếu tố quan trọng nhất mà chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc nuôi dưỡng là sự bất an của chế độ. Nhiều người tin rằng sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc thời hậu Mao là để đối phó với một cuộc khủng hoảng về tính chính danh của chế độ cộng sản vào cuối những năm 1970, khi chế độ này gặp khó khăn to lớn trong cái được định danh rộng rãi như là “ba cuộc khủng hoảng tinh thần”, đó là khủng hoảng niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, khủng hoảng niềm tin vào tương lai của đất nước và khủng hoảng niềm tin vào ĐCSTQ. Để khôi phục tính chính danh của ĐCSTQ, tính chất công cụ của chủ nghĩa dân tộc đã được phát hiện bởi giới lãnh đạo ĐCSTQ thời kỳ hậu thảm sát Thiên An Môn. Năm 1992, một nhóm trí thức trẻ ở Bắc Kinh đã xuất bản một bài báo được lưu hành rộng rãi với tiêu đề ‘Những phản hồi của thực tiễn và Lựa chọn chiến lược cho Trung Quốc sau khi Liên Xô tan rã’ Bài báo lập luận rằng chủ nghĩa Marx-Lenin không còn hiệu quả trong việc huy động lòng trung thành và chính doanh hóa nhà nước, và ĐCSTQ nên dựa một cách vững chắc vào chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Tiêu Công Tần, một học giả nổi tiếng [theo chủ nghĩa chuyên chế mới], đã cảnh báo trong một bài báo vào năm 1996 sự tan rã đầy tiềm năng của xã hội Trung Quốc có thể xuất phát từ sự suy giảm của ý thức hệ chính thống. Ông không tìm thấy giải pháp nào trong các phương thuốc vạn năng của phương Tây hay trong chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ tìm thấy trong chủ nghĩa dân tộc, mà theo ông, có thể đóng vai trò thực hiện “chức năng hội nhập và sự gắn kết chính trị” trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Chủ nghĩa dân tộc không phải là một lực đẩy mới ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Nhiều người tin rằng chiến thắng của ĐCSTQ năm 1949 cũng là một chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc cũng như của chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã kết thúc “thế kỷ của sự sỉ nhục” và thống nhất Trung Quốc dưới một nhà nước độc lập và trung ương tập quyền. Khi Mao công khai thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, ông đã không đề cập đến phép biện chứng của chủ nghĩa Marx hay nền chuyên chính vô sản, mà thay vào đó tuyên bố rằng người dân Trung Quốc cuối cùng đã đứng lên sau khi bị giặc ngoại xâm liên tục xâm lăng. Mong muốn được giải thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc tiếp tục báo hiệu cho sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc sau năm 1949. ĐCSTQ đã có thể đánh bại Quốc Dân đảng phần lớn nhờ vào khả năng lôi cuốn tình cảm của chủ nghĩa dân tộc của quần chúng rộng lớn. Trong ba thập kỷ đầu tiên của chế độ cộng sản, hệ tư tưởng Marxist đã đồng hành với chủ nghĩa dân tộc.
Với phát hiện mới về sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, Đặng Tiểu Bình và người kế vị của ông, Giang Trạch Dân, bắt đầu nắm chặt lá cờ chủ nghĩa dân tộc, một lực đẩy đáng tin cậy để giành được lòng trung thành của người dân Trung Quốc và giá trị quan trọng duy nhất được cả chế độ lẫn những người phê bình nó cùng chia sẻ. Năm 1994-1995, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch giáo dục yêu nước trên toàn quốc nhằm làm mới niềm tự hào trong nước về thành tựu của quốc gia và ĐCSTQ đã giúp Trung Quốc vượt qua ‘một thế kỷ của sự sỉ nhục quốc gia’ như thế nào. Các nhà lãnh đạo đảng bộ địa phương đã được hướng dẫn về cách tuyên truyền chiến dịch mới ở cấp địa phương thông qua các cuộc họp và nghiên cứu công khai. Chiến dịch này cũng được tuyên truyền tại các trường học nơi trẻ em tiểu học học các bài hát yêu nước và được dạy về ‘thế kỷ mà quốc gia bị sỉ nhục’, sau đó các em được khuyến khích nói lên cảm giác ghê tởm của mình đối với các quốc gia phương Tây. Sinh viên đại học năm thứ nhất được yêu cầu tham gia một khóa học trong lịch sử Trung Quốc hiện đại nêu bật những đau khổ do chủ nghĩa đế quốc áp đặt. Vào tháng 10 năm 2004, mười bộ trưởng của chính phủ trung ương và ĐCSTQ, như Bộ Giáo dục và Ban Tuyên giáo, đã cùng nhau đưa ra một tuyên bố, đề nghị củng cố và thúc đẩy Giáo dục yêu nước. Bản tuyên bố chính thức này khuyến khích các văn phòng của chính quyền và các đơn vị giáo dục sử dụng nhiều phương pháp giáo dục, như một phương tiện để thúc đẩy chiến dịch giáo dục lòng yêu nước. Họ khuyến khích người Trung Quốc xem “100 bộ phim đỏ”, đọc “100 cuốn sách đỏ” và hát “100 bài hát đỏ”, tất cả được chọn sẵn và đều tập trung vào ‘sự sỉ nhục quốc gia Trung Quốc’ tại Trung Quốc đương đại.
Chiến dịch giáo dục vẫn được ĐCSTQ hỗ trợ và thi hành mạnh mẽ. Năm 2019, giữa các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, chế độ Cộng sản Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch truyền đạt lòng nhiệt thành với chủ nghĩa dân tộc thông qua tuyên truyền, bắt đầu từ cấp mẫu giáo. Chẳng hạn, vào cuối tháng 10 năm 2019, những em bé mặc đồng phục Hồng quân đã hô to những khẩu hiệu yêu nước, như: “Một trái tim đỏ đối mặt với Mặt Trời và theo Đảng” trong một trường mẫu giáo Giang Tây trong một hoạt động có tên là “Sản xuất quân sự-dân sự”. Các hoạt động tương tự là mang tính bắt buộc trong tất cả các trường mẫu giáo công và tư trên khắp Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông chính thức tuyên bố rằng thông qua những sự kiện như vậy, trẻ em được dạy rằng các anh hùng của cuộc cách mạng vô sản đã chiến đấu thế nào cho cuộc sống tươi đẹp mà các em được tận hưởng ngày nay, truyền lại những truyền thống xuất sắc và cống hiến cho cuộc đấu tranh bất tận để xây dựng một thế lực mạnh hơn, thịnh vượng hơn và một quê hương tươi đẹp. Không có nghi ngờ rằng chiến dịch này có tác động lớn đến trái tim và tâm trí của trẻ em Trung Quốc. “Cháu sẽ giết người Nhật bằng một khẩu súng lục”, một cậu bé nói vậy trong lúc đang cầm khẩu súng đồ chơi bằng gỗ trong tay, trong một hoạt động giáo dục giữa cha mẹ và trẻ em do trường mẫu giáo Kim Sơn tại tỉnh Giang Tây vào ngày 1 tháng 11. Luật Giáo dục đã nói rõ rằng các giáo viên được cho là sẽ tạo ra những con người vừa có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế vừa giúp duy trì sự thống trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Mao Trạch Đông và lý thuyết về xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã nỗ lực xây dựng nhiều bảo tàng và di tích công cộng để thúc đẩy giáo dục lòng yêu nước. Chính quyền trung ương và chính quyền địa phương bắt đầu thiết lập các cơ sở giáo dục yêu nước để cải tạo hệ tư tưởng. Hơn 10.000 trang di tích đã được xây dựng và việc viếng thăm các di tích này đang trở thành một phần bình thường của sinh viên và công chúng. Để thúc giục nhiều người đến thăm các cơ sở giáo dục yêu nước đó, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Hội đồng Nhà nước đã bắt đầu một chiến dịch “du lịch đỏ”, một chương trình tài trợ cho nhân dân đến thăm các căn cứ và địa danh cách mạng trước đây. Năm 2004, hơn 20 triệu khách du lịch đã đến thăm hơn 150 “di tích cách mạng đỏ” ở mười ba tỉnh và thành phố. Từ năm 2004 đến 2007, hơn 400 triệu người Trung Quốc đã tham gia “chương trình du lịch đỏ”. Về tầm quan trọng của du lịch đỏ, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ trong một bài phát biểu vào năm 2016 rằng: “chỉ bằng cách trải qua khó khăn của thời đại cách mạng, con người mới có thể thực sự được giáo dục”. Chính phủ đã dành 370 triệu đô-la Mỹ để phát triển du lịch đỏ từ năm 2016 đến 2020. Năm 2019, truyền thông nhà nước ước tính rằng các di tích cách mạng trong chiến dịch du lịch đỏ đã có tới 800 triệu lượt viếng thăm hàng năm. Khi số lượng người tham gia du lịch đỏ tăng đáng kể, từ 20 triệu năm 2004 lên 800 triệu vào năm 2018, thì tình cảm dân tộc chủ nghĩa cũng vậy.
Kiểm duyệt phương tiện truyền thông của Trung Quốc là một yếu tố khác trong việc khuấy động tình cảm dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là tình cảm chống phương Tây, của người dân Trung Quốc. Truyền thông ở Trung Quốc luôn đưa ra quan điểm một chiều về phương Tây trong báo cáo quốc tế. Báo chí ở Trung Quốc rất tích cực trong việc thúc đẩy chủ đề chống phương Tây, làm tăng sự nghi ngờ của người Trung Quốc đối với phương Tây. Stanley Rosen đã viết rằng sự kiểm duyệt truyền thông đã giúp nuôi dưỡng sự nghi ngờ và mất lòng tin của người Trung Quốc đối các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, và biện minh cho chính sách của chính quyền Bắc Kinh. Ngoài ra, gần đây, bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đã tham gia vào việc sản xuất vô số phim điện ảnh và phim truyền hình về sự tàn bạo và hành động thú tính của quân đội Nhật Bản và phương Tây tại Trung Quốc trong thế kỷ bị sỉ nhục.
Với nỗ lực của ĐCSTQ để khắc sâu tình cảm dân tộc ở người Trung Quốc, ĐCSTQ là tác nhân chính của nhiều cuộc biểu tình chống Nhật và chống phương Tây. Nhưng thổi phòng chủ nghĩa dân tộc của nhà nước theo kiểu “từ trên xuống” là không đầy đủ. Chính trị học về chủ nghĩa dân tộc không bao giờ là con đường một chiều. Với sự xuất hiện của Internet, điện thoại di động và tin nhắn văn bản, những người theo chủ nghĩa dân tộc phổ biến ở Trung Quốc ngày càng có thể hành động độc lập với nhà nước. Những người theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng không phải là Đảng Cộng sản đã khởi xướng và tổ chức các cuộc biểu tình chống Nhật tháng 4 năm 2005. Vào ngày 11 tháng 9 năm 2012, một cuộc biểu tình trên đường phố khác đã nổ ra trên khắp Trung Quốc về đề xuất của Thống đốc Tokyo rằng tỉnh Tokyo nên mua ba hòn đảo Senkaku / Điếu Ngư. Những người biểu tình đã mang theo chân dung của Mao và hô khẩu hiệu như: “Tuyên bố chiến tranh” và “Giết tất cả người Nhật!”, đây là một cuộc biểu tình không do ĐCSTQ tổ chức. Quan trọng hơn, các cuộc biểu tình thậm chí còn gây áp lực buộc chính phủ Trung Quốc phải thực hiện bước đi chưa từng có là gửi tàu chiến vũ trang đến các đảo đang tranh chấp.
Chủ nghĩa dân tộc mà ĐCSTQ đang sử dụng được gọi là chủ nghĩa dân tộc thực dụng, mang tính công cụ, phi nhà nước và mang tính phản ứng. ĐCSTQ cho phép hoặc cấm các cuộc biểu tình trong nước chủ yếu dựa trên lợi ích chiến lược của nó. Để tiếp tục phát triển kinh tế, duy trì ổn định xã hội và xây dựng hình ảnh là một “cường quốc trỗi dậy trong hòa bình”, Bắc Kinh đang có động cơ mạnh mẽ để giám sát cẩn thận những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, bởi vì tinh thần bài ngoại và hành vi chống ngoại bang không được kiểm soát có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh tế cơ bản và qua đó ảnh hưởng mang lại lợi ích chiến lược. Điều này đặt ra một giới hạn rõ ràng về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.
*
VỀ TÁC GIẢ
Sayed Reza Hussaini là Phó Giáo sư tại Trường Luật và Khoa học Chính trị, Đại học Balkh, Mazar-i-Sharif, Afghanistan.
*
Nguồn: Hussaini, Sayed Reza (2020). “The Origins of Chinese Nationalism in Twenty-First Century”. Journal of Social and Political Sciences, forthcoming. (https://www.asianinstituteofresearch.org/…/The-Origins-of-C…)
Thế mà đảng ta quang vinh sáng suốt bao năm trời không nhận ra cái chủ nghĩa này, lại chỉ luôn luôn ca ngợi anh Tàu cộng và tư tưởng Mao trạch đông!
Trả lờiXóa