Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

TÀU TRUNG QUỐC LẠI XÂM NHẬP VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ CỦA VN

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), nơi Trung Quốc xây dựng ồ ạt, mở rộng diện tích 
khoảng 110 ngàn mét vuông, Biển Đông

Tàu khảo sát của Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
 
RFI
17/06/2020

Một tàu khảo sát của Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một hành động có thể gây thêm căng thẳng trên vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Hãng tin Mỹ BenarNews hôm nay, 17/06/2020, cho biết, theo các dữ liệu định vị, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ Chủ nhật 14/06/2020 và đến hôm qua, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý.

Hiện giờ chưa rõ tàu Hải Dương 4 được điều đến đây nhằm mục đích gì. Bắc Kinh chưa có thông báo, và phía Hà Nội cũng chưa lên tiếng về vụ xâm nhập này. Trung Quốc vẫn thường xuyên đưa tàu khảo sát vào vùng biển của các nước khác để khẳng định điều mà họ gọi là quyền khảo sát tài nguyên ở Biển Đông.

Theo phỏng đoán của BenarNews, việc tàu Hải Dương 4 xâm nhập vùng biển Việt Nam cũng có thể liên quan đến các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với các đối tác quốc tế tại khu vực này.

Tháng 7/2019, Trung Quốc đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với một công ty dầu khí của Nga.

Lần này, theo các dữ liệu định vị, dường như tàu Hải Dương Địa Chất 4 không đi cùng với các tàu hải cảnh vào vùng biển Việt Nam, tuy rằng tàu Hải Cảnh (Haijing) 5202 được nhìn thấy đang đậu ở Đá Chữ Thập gần đó.

Trong những tuần qua, quan hệ Việt – Trung lại nóng lên do tình hình Biển Đông. Vào tuần trước, Hà Nội đã phản đối việc Trung Quốc lắp đặt cáp ngầm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo các chuyên gia được BenarNews trích dẫn, hệ thống cáp được dùng vào mục đích quân sự. Cũng vào tuần trước, Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc lại đâm vào một tàu cá Việt Nam tại khu vực đảo Lin Côn ở quần đảo Hoàng Sa.

Trong khi đó, theo tờ South China Morning Post hôm qua, trích dẫn một nguồn tin trong giới quân sự Trung Quốc, tàu của hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc đã suýt đụng nhau trên vùng Biển Đông vào tháng Tư năm 2020, khi chỉ cách nhau có 100 mét. Nhưng nguồn tin này không nói rõ đó là những chiến hạm nào.


2 nhận xét :

  1. Trong khi sau dịch cúm Tàu, lao động VN bị thất nghiệp thì tỉnh Quảng Ngãi lại rước lao động TQ vào, vừa tăng cao khả năng lây cúm Tàu, vừa ăn mất phần việc của lao động VN:
    Gần 1.000 lao động Trung Quốc sẽ đến Quảng Ngãi. Ngành đường sắt tổ chức nhiều đoàn tàu riêng để đưa các chuyên gia, lao động Trung Quốc nhập cảnh từ Lạng Sơn đến Quảng Ngãi trong tháng 6.
    https://vnexpress.net/gan-1-000-lao-dong-trung-quoc-se-den-quang-ngai-4117409.html
    Không biết vì thỏa thuận nào đây???

    Trả lờiXóa
  2. Tàu ở khắp nơi, các dự án nhiệt điện từ Bắc vào Nam, điện mặt trời Ninh Thuận, tây nguyên, Lộc Ninh... Tháp Hòa phát từ bắc đến Nam, China đang thôn tính nhà máy lọc dầu Dung Quất nữa. Rồi đây các dự án đường cao tốc bắc - Nam do các DN việt nhưng người Tàu đã mua hết cổ phần ( vỏ Việt, ruột Tàu). Từng tí một, chúng lặng lẽ thôn tính ta cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sau lưng ta, Lào và Kampuchia đã là chư hầu của China, ngoài biển thì giàn khoan thăm dò, tàu hải cảnh luôn rình đâm và cướp tàu cá của ngư dân Việt. Không lẽ ta cứ ngồi im chịu trận?

    Trả lờiXóa