Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng từ bỏ đảng
vì lý tưởng không phù hợp
Truyền thông Việt Nam vào ngày 21/11 trích thông tin từ Ban
tổ chức Quận ủy Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, cơ quan chức năng
đang tiến hành các thủ tục quy trình để xóa tên đảng viên đối với ôn
Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Lý do đề nghị xóa tên đảng viên đối với ông Huỳnh Tấn Vinh được Quận
ủy Hải Châu đưa ra là vì ông Vinh không chuyển hồ sơ đảng viên và đã bỏ
sinh hoạt đảng trong nhiều năm.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do về việc này, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết:
“Tôi thấy chuyện đó bình thường thôi bởi vì cái gì đến sẽ đến,
thật ra cái chuyện này đã xảy ra từ năm 2014 và bởi vì tôi thấy rằng lý
tưởng đó không còn phù hợp với tôi nữa và tôi không sinh hoạt đảng để
còn làm mấy việc khác của xã hội.”
Trên thực tế, ông Huỳnh Tấn Vinh đã từ bỏ đảng từ trước khi có quyết
định của chi bộ. Ông Vinh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình
rằng:
“Thật ra mình không muốn mọi chuyện quá ồn ào gây khó xử cho tổ chức nên đã lặng lẽ ra khỏi đảng từ năm 2014.
Vì sao ư? Vì những điều đang diễn ra không còn phù hợp với lý
tưởng ban đầu mà mình đã tin đã theo, đã chiến đấu, bị thương như một
nguời lính và gia nhập đảng ở chiến trường K. từ 1980.”
Ông Huỳnh Tấn Vinh là một người khá nổi tiếng ở Đà Nẵng trong thời
gian vừa qua khi thể hiện quan điểm cá nhân về nhiều vụ việc mà ông cho
là bất công trên mạng xã hội.
Ngoài chức Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ông Vinh còn được nhiều
người biết đến khi lên tiếng công khai phản đối những vi phạm trong quy
hoạch mà ông cho là sẽ tàn phá bán đảo Sơn Trà, lá phổi xanh của Đà
Nẵng.
Không rõ là những lên tiếng phản đối về bán đảo Sơn Trà có tác động
thế nào đối với quyết định xóa tên khỏi đảng của Quận ủy Hải Châu hay
không. Ông Huỳnh Tấn Vinh không muốn trả lời Đài Á Châu Tự Do về vấn đề
này.
Trong lần trả lời phỏng vấn với Báo Giao Thông số đăng ngày
11/6/2017, ông Vinh có chia sẻ rằng, sau nhiều diễn biến liên quan đến
quy hoạch Sơn Trà, Tổng cục du lịch và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu
cầu ông thôi chức Chủ tịch Hiệp hội du lịch vì cho rằng ông có những
kiến nghị vượt cấp làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của chính phủ.
Ông Vinh còn cho rằng vì không đồng ý thôi chức và vẫn tiếp tục lên
tiếng nói để bảo vệ Sơn Trà nên phía gia đình ông đã gặp nhiều rắc rối,
hăm dọa khiến cuộc sống không yên ổn.
Những đảng viên lên tiếng phản biện trong xã hội thường gặp phải
những chỉ trích ngày trong đảng, thậm chí bị kỷ luật, khai trừ đảng.
Trường hợp điển hình là của Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa
Học Công Nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đối với Giáo sư Chu Hảo
được công bố hôm 25/10 cho rằng giáo sư Chu Hảo đã xuất bản những cuốn
sách trái với chủ trương, đường lối Đảng và Nhà nước, đồng thời có những
bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị
quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, biểu hiện rõ sự suy thoái
về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.
Tiếp theo sau đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vào
ngày 15/11, Ủy ban này đã có thông báo chính thức quyết định thi hành kỷ
luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với Giáo sư Chu Hảo.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, hiện là chủ tịch hội nhà báo độc lập sống tại
Sài Gòn và cũng là người từng tuyên bố ra khỏi đảng từ năm 2013 trong
lần hội luận cùng với phóng viên Kính Hòa RFA nói rằng, từ lâu nhiều
đảng viên đã bỏ sinh hoạt đảng, không đóng đảng phí, không tuyên bố ra
khỏi đảng nhưng tên vẫn nằm trong danh sách đảng viên của chi bộ.
“Tôi cho rằng có một thành phần rất lớn, họ không chính thức công
khai tuyên bố là từ bỏ đảng nhưng âm thầm từ bỏ đảng từ lâu rồi thì
chúng ta gọi đó là khái niệm thoái đảng đấy. Từ năm 2013, ban tuyên giáo
trung ương lúc đó cũng thừa nhận là có đến 40% các đảng viên trong các
tổ chức sinh hoạt đảng tại địa phương rơi vào tình trạng thoái đảng. Tôi
cho là sau gần 6 năm cho tới đây thì phải cao hơn khá nhiều, thậm chí
lên tới 50%-60% và cũng rất nhiều người nói với tôi tình trạng sinh hoạt
tại các địa phương èo ụt như thế nào và nhiều đảng viên tìm cách để
thoái đảng và bằng cái cách dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất, thuận tiện
nhất là sau khi về hưu nhận hồ sơ đảng và mang luôn về nhà cất trong
ngăn kéo ở nhà mình mà không nộp cho chi bộ.”
Sau vụ việc Giáo sư Chu Hảo có ít nhất 14 đảng viên có tên tuổi khác
cũng lên tiếng tuyên bố từ bỏ đảng như diễn viên Kim Chi, phó giáo sư
tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc và một số đảng viên khác. Có
những người đã từng nghỉ sinh hoạt đảng đã lâu nhưng chưa tuyên bố chính
thức từ bỏ đảng như trường hợp của nghệ sĩ Kim Chi.
Theo truyền thông trong nước thủ tục quy trình để xóa tên ông Huỳnh Tấn Vinh sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Ông Vinh cho biết, việc xóa tên khỏi đảng không ảnh hưởng đến chức
danh Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng và ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho
bán đảo Sơn Trà tới cùng.
Trong dòng trạng thái ở Facebook viết sau khi có thông tin về quyết định xóa tên đảng, ông Vinh viết rằng: “Nếu
đảng Cộng sản dũng cảm thay đổi theo hướng tốt hơn: vì Nhân dân, vì đất
nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Biết đâu, ngày đó mình sẽ xem
lại.”
THeo tôi, đây là quyết định của mỗi cá nhân đảng viên:
Trả lờiXóa1) Vẫn sinh hoạt đảng, theo cách "tuy đảng viên, nhưng mà tốt"
2) Ra khỏi đảng làm công dân giác ngộ đầy đủ về quyền hạn và nghĩa vụ (theo hiến pháp)