Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

CHUYỆN ĐIẾU VĂN VÀ TOÀN VĂN ĐIẾU VĂN TS NGUYỄN THANH GIANG


Phạm Ngọc Luật
2.8.2019

CHUYỆN ĐIẾU VĂN

Tiến sĩ - Viện sĩ Nguyễn Thanh Giang sinh ngày 6-7-1936 tại Thanh Hóa. Anh mất lúc 4 giờ sáng 28-7 tức 26-6 Kỷ Hợi tại nhà riêng ngõ 341 đường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tang lễ đc tổ chức ngày hôm nay 2-8 tại Nhà tang lễ quận Cầu Giấy.


Là người trong nhà, cùng thờ cúng nhạc phụ là nhà báo, nhà thơ Liệt sĩ Thôi Hữu, mình được gia đình giao việc viết Điếu văn. Còn nếu cơ quan họ tham gia vào thì cầm chắc đây là một "ca" khá là nan giải với họ. 


Là Tiến sĩ Địa vật lý, một nhà khoa học có tài, thành danh từ nước Mỹ, anh có nhiều giao dịch khoa học từ rất sớm với Mỹ khi hai nước còn rất căng về quan hệ ngoại giao. Và đặc biệt anh lại là người kiên trì dấn thân suốt mấy chục năm không hề mệt mỏi cho tiến trình dân chủ hóa nước nhà bằng những bài chính luận với tinh thần phản biện vô cùng sắc sảo và đầy nhiệt huyết, tất cả vì Nhân dân, vì Tổ quốc. Trải qua ko ít lần gia đình bị vây bức, khám xét, cắt điện thoại, và anh Giang bị giam tù mấy năm ko án xử v.v.. thì đám tang một người như vậy chắc sẽ có không ít sự canh chừng của nhà chức trách. 
 
Và như vậy, Điếu văn đọc ở lễ tang của anh sẽ phải viết như thế nào để không có chuyện giằng co, cự nự như đã từng như vậy ở một số đám tang. Và cũng để linh hồn một người tận hiến vì nước đến như vậy, được an yên.

Anh Giang ạ, anh và những người cùng tâm đức như anh - những người luôn nặng lòng với cơ sự, với tương lai của đất nước, hẳn biết rằng luôn có một Điếu văn khác là ngọn lửa lòng ấm nóng và đầy biết ơn của nhân dân về sự hy sinh dấn thân của các anh, ngoài cái Điếu văn mà gia đình viết và đọc trong nhà tang lễ hôm nay.
 

ĐIẾU VĂN ĐỌC TẠI TANG LỄ TIẾN SĨ NGUYỄN THANH GIANG

Kính thưa:
- Các cụ, các ông, các bà cùng anh chị em trong họ hàng, nội ngoại của ông Nguyễn Thanh Giang.
- Thưa các vị đại diện cho cơ quan, đoàn thể nơi công tác của ông Nguyễn Thanh Giang
- Thưa các bạn bè trân quý của ông và gia đình
- Thưa bà con phố phường và lối xóm.


Ông Nguyễn Thanh Giang sinh ngày 6/7/1936 tại Thanh Hóa. Ông mất lúc 4 giờ sáng ngày 28/7 tức ngày 26/6 Kỷ Hợi 2019 tại nhà riêng, ngõ 341, đường Trung Văn, quận Từ Liêm, Hà Nội.


Lúc còn sống, nhất là vào những năm tháng cuối đời, ông Nguyễn Thanh Giang rất tin số phận con người là có thật. Ông cho nó đeo đẳng con người đến nỗi làm cho ta ngậm ngùi buồn tủi khôn nguôi. Ông kể, những năm tháng gần đây, giấc mơ ông thường gặp nhất là thấy mình đang ngồi trong phòng thi, giờ đã hết mà chưa làm xong bài. Thế mà ô vẫn nói, tôi cảm ơn số phận đã thử thách tôi để tôi tự biết mình chưa vượt nổi số phận nhưng đã đội được số phận để có được những gì đã có. Những gì đã có với ông, ông khẳng định nó ko nằm ngoài hai điều cốt lõi là sự tử tế và chăm chỉ. Ông còn nói: Nếu có kiếp sau, tôi xin được sống đúng như đã sống trong kiếp đời này.

Nhắc lại điều này hôm nay khi chúng ta có mặt ở đây để tiễn biệt ông, chỉ để thấy con người này tự tin và bản lĩnh biết chừng nào! Để thấy vì sao trong số gần chục đầu sách hầu hết xuất bản ở nước ngoài, cuốn ông tự in NGƯỜI ĐỘI SỐ PHẬN là Tự truyện tâm huyết nhất cuộc đời ông.

Thưa bà con và quý vị! Những mê dụ dại khôn, những biến báo lợi ích trong xã hội bây giờ, những cái đó luôn luôn nằm ngoài suy nghĩ của những trí thức thực sự dấn thân lo cho vận mệnh đất nước. Ông Nguyễn Thanh Giang là một người như vậy. 

Và như vậy thì đúng là số phận. Hay nói khác đi là căn cốt con người ông đã được hình thành từ một tuổi thơ sớm mồ côi mẹ, sống lăn lóc nay đây mai đó, rồi tự nguyện xin và bộ đội trong kháng chiến 9 năm, trèo đèo lội suối dầu dãi với rừng, với địa chất lúc làm nghề và nghiên cứu khoa học ở Tổng cục Địa chất - bản đồ v.v.. tất cả đã làm nên trong một cái tên Nguyễn Thanh Giang mà lại mang danh phận của nhiều nhà. Và ngay cả với danh phận nhà thơ thì với ông, nó đúng là "Những mẩu quặng dọc đường" như tên một tập thơ mới nhất của ông. Thơ là nhật ký tâm huyết cuộc đời ông, cao thượng và phong trần, bảo thế thì lại càng rất đúng.

Có thể nói, điều an ủi lớn nhất với ông Nguyễn Thanh Giang, cả đến lúc này ông đã xuôi tay gác bút là hình ảnh ông, tên tuổi ông luôn là niềm kính trọng của gia đình, vợ con, anh em, cháu chắt, và đặc biệt là đông đảo bạn bè cùng tâm tư, cùng chí hướng. 

Sự kính trọng và ngưỡng mộ ấy là xứng đáng bởi những hiểu biết sâu rộng đông tây kim cổ ông đã khéo vận dụng đưa vào trong bài viết.

Xứng đáng vì qua từng con chữ của ông, lừng lững một trái tim, một tấm lòng tất cả, tất cả vì Nhân dân, Đất nước, vì Tổ quốc, Giang sơn, vì Tự do Dân chủ.

Xứng đáng vì những phân tích, lập luận thấu tình vững lý, đầy thuyết phục.

Xứng đáng cho cả một kiểu cách văn chương, dù tự truyện hay chính luận, đã thật dễ thẩm thấu vào lòng người đọc.

Xứng đáng vì thấy hiển hiện ở ông một con người phong phú, vừa trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, vừa nhậy cảm và giầu lòng trắc ẩn trước mọi bất hạnh của cuộc đời.

Xứng đáng vì đã toát lên một nhân cách tử tế, một sự chăm chỉ suy tư. Và cả một sức viết đến phi thường.

Sự tử tế và chăm chỉ mà ông Nguyễn Thanh Giang hay trở đi trở lại với mình, suy cho cùng đó là lẽ sống của ông. Một lẽ sống bằng thiện căn, bằng chữ tâm, đã thành đạo lý.

Vinh quang cuộc đời ông là đây!

Và cay đắng, bất an trong cuộc đời ông cũng là đây!

Không trách cứ, ông cứ an nhiên mỉm cười đi tận chót con đường cùng số phận. Đó là minh triết sống của ông Nguyễn Thanh Giang.

Chỉ có thiện căn, dung dị đến như thánh thiện, ông mới nhắn nhủ đẹp đến thế này ở cuối thiên tự truyện của ông: "Các bạn, nếu có dịp đến nghĩa trang Yên Kỳ viếng mộ người thân thì mời tiện chân ghé qua mộ tôi, số mộ 100 khu B 14 A, ko phải chỉ để an ủi vong linh tôi, mà may chăng cái sắc hoa tinh kết từ những gì tôi viết  sẽ thấm vào giòng máu bạn".

Thôi, vĩnh biệt ông. Cầu chúc cho vong hồn ông mãi mãi an yên nơi cõi miền an lạc!

.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét