Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

ĂN LƯƠNG THÌ PHẢI LÀM, ĐÁNG PHẠT, SAO LẠI THƯỞNG?

Chiều 18/2, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã trao bằng khen cho các chiến sĩ tham gia vụ án cô gái giao gà bị cướp, hiếp, giết (ảnh nguồn kinhtedothi.vn). 
 
Ăn lương thì phải làm, lẽ ra phải xét phạt, 
sao lại thưởng?

Báo Giáo dục
11:17 20/02/19
 
(GDVN) - Theo ông Phan Xuân Xiểm: “Ăn lương của nhà nước thì phải thực hiện nhiệm vụ chứ không thể có chuyện hễ làm được gì là đưa ra khen thưởng”.

Câu chuyện cô gái đi giao gà Cao Mỹ D., 21 tuổi ở thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị giam giữ, hãm hiếp, dùng vũ lực, bỏ đói trong nhiều ngày, sau đó bị sát hại tại tỉnh Điện Biên khiến dư luận rúng động.

Xung quanh vụ án này, nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao các đối tượng cộm cán, tiền án tiền sự trên địa bàn tỉnh Điện Biên có thể thực hiện hành vi thú tính, phạm tội của mình trong mấy ngày liên tục nhưng lực lượng chức năng chưa thể phát hiện và can thiệp kịp thời?

Chỉ sau 2 giờ D. mất tích, gia đình đã báo với cơ quan chức năng nhưng lực lượng vẫn không thể tìm thấy, vậy công tác theo dõi nắm bắt các đối tượng hình sự, quản lý an ninh trên địa bàn ở thành phố Điện Biên có thực sự đáp ứng yêu cầu? 
 
Do đó, sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Giám đốc Công an tỉnh trao tặng bằng khen cho 2 tập thể, 14 cá nhân, tặng 48 giấy khen cho các cá nhân tham gia điều tra và bắt giữ các nghi phạm thì xuất hiện nhiều luồng ý kiến không đồng tình.

Có ý kiến cho rằng, nhiều cá nhân không xứng đáng được nhận thưởng. Bởi trong vụ việc này cho thấy lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng phải tổ chức kiểm điểm sau khi vụ án này khép lại.

Trước những tranh luận trái chiều về việc khen thưởng trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Xuân Xiểm - nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban kiểm tra trung ương cho rằng: “Khen thưởng phải là cá nhân, tổ chức có thành tích đột xuất, gặp khó khăn mà lập được thành tích xứng đáng.

Chứ không phải cái gì cũng đem ra khen thưởng”.

Phân tích thêm, theo ông Phan Xuân Xiểm: “Công an điều tra tội phạm là thực hiện nhiệm vụ.

Mà đã là thực hiện chức năng nhiệm vụ thì phải làm việc cho tốt.

Ăn lương của nhà nước thì phải thực hiện nhiệm vụ phải làm, phải hoàn thành tốt.

Còn cứ hễ làm được việc gì lại đưa ra khen thưởng dẫn đến khen thưởng tràn lan.

Khen thưởng như vậy không có tác dụng, ý nghĩa gì. Do đó, không thể có chuyện, hễ làm được cái gì là đưa ra khen”.

Cũng theo ông Phan Xuân Xiểm, theo dõi vụ việc ở Điện Biên nhận thấy các đối tượng gây ra vụ án kinh hoàng trên đã có tiền án, tiền sự và nghiện ngập.

Theo lý thì đây là những đối tượng phải được quản lý chặt chẽ.

Đằng này các đối tượng trên lại tụ tập, thực hiện hành vi phạm tội một cách bầy đàn, trong thời gian nhiều ngày mà không được phát hiện kịp thời.

Nạn nhân lại là một nữ sinh ngoan hiền, xinh đẹp càng khiến dư luận thêm xót xa.

“Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự giữ gìn trong sạch địa bàn.

Không thể có chuyện hơi tí khen thưởng đến khi thành tiền lệ không hay. Để xảy ra những vụ việc tày đình như vậy có nguyên nhân từ việc quản lý không tốt.

Cái này, phải được phân tích, mổ xẻ và quy trách nhiệm rõ ràng” – ông Phan Xuân Xiểm nêu ý kiến.

Ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương 
(ảnh Trinh Phúc).

Vị này còn cho rằng, việc khen thưởng phải tính toán một cách xứng đáng nếu không người dân họ sẽ không đồng tình.

Ông Phan Xuân Xiểm còn cho biết: “Nhiều người có ý kiến là nhiệm vụ thì phải làm chứ đừng hơi tí thì khen thưởng.

Mà khen thưởng thì phải bình xét. Do đó, khen thưởng như vậy khó nhận được sự đồng tình”.

Thậm chí, ông Phan Xuân Xiểm còn có ý kiến, nếu trên địa bàn mình quản lý để xảy ra vụ việc chấn động như vậy thì lãnh đạo phụ trách phải chịu trách nhiệm.

Khi sự việc xảy ra không xử lý được kịp thời mà cấp trên phải cử lực lượng nơi khác đến hỗ trợ thì chỉ khen thưởng những lực lượng tham gia hỗ trợ.

Cuối cùng ông nhấn mạnh: “Địa bàn của anh quản lý hàng ngày mà không rà soát lại để xảy ra vụ án rúng động thì phải xem xét trách nhiệm. Đó là việc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả.

Trách nhiệm cần xem xét ở đây là trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên. Đây là trách nhiệm lớn, làm không được thì phải xử lý”.


 Trinh Phúc

7 nhận xét :

  1. Số đông CA bây giờ người dân cũng xem như đồng lõa với XH đen. Mà đâu xa, một bầy tướng lĩnh an ninh, tình báo cấu kết với XH đen tàn phá đất nước đó sao.

    Trả lờiXóa
  2. Hoan hô bài viết!
    Lẽ ra Bộ Công an cần làm ngay:
    1/ Chấn chỉnh lề lối làm việc và tinh thần trách nhiệm trong khi thực thi công vụ của lực lượng công an nói chung và công an Điện Biên nói riêng sau sự việc đau lòng này.
    2/ Lỡ tặng bằng khen và phần thưởng rồi thì thu hồi quyết định e rằng là việc rất khó của các quan (giấu mặt đi đâu, xấu hổ lắm) nhưng nên yêu cầu các nhân viên công lực được khen thưởng trong việc này chuyển toàn bộ số tiền thưởng cho gia đình nạn nhân là việc làm sáng suốt nhất như một lời tạ lỗi với gđ và người đã mất

    Trả lờiXóa
  3. Nhặt được của rơi đem trả , nhảy xuống sông hay lao ra đường tàu cứu người ... là chuyện làm rất bình thường trong một xã hội tốt đẹp ; Nhưng trong một xã hội đạo đức suy đồi , tệ nạn phát triển thì những việc làm tưởng như rất đỗi bình thường ấy, những việc mà lẽ ra họ phải làm tốt do trách nhiệm , do lương tâm , do ý thức cộng đồng thì nay trở thành ... " điển hình" , vì vậy khen thưởng để động viên khích lệ . Sự khen thưởng ấy phản ánh vấn đề xã hội , trong một xã hội đạo đức xuống cấp trầm trọng như hiện nay thì sự khen thưởng ấy xem ra cũng cần thiết , nhưng khen như thế nào cho tốt , nếu khen thưởng tràn lan , động tí là khen thì lại phản tác dụng .

    Trả lờiXóa
  4. Muốn được biểu dương, khen thưởng thì phải đánh được vụ án lớn, muốn có vụ án lớn thì phải phải từ vụ án nhỏ để cho nó lớn dần lên, muốn có vụ án nhỏ thì phải bắt đầu từ những vi phạm, muốn có vi phạm thì phải có đối tượng vi phạm, muốn có đối tượng vi phạm thì không được " tiêu diệt từ trong trứng ", nghĩa là con đường phát sinh, phát triển để dẫn đến việc được biểu dương, khen thưởng là như vậy. Do đó,việc tội phạm không những không giảm mà ngày càng tăng, các vụ án ngiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ngày càng nhiều là điều dễ hiểu.
    Trong hàng vạn " tấm giương tiêu biểu " hàng năm của ngành CA chủ yếu là từ những chiến công " đánh án ', số " chiến công " từ làm trong sạch địa bàn có mấy? Làm trong sạch địa bàn khó không? dễ hơn đánh án nhiều, nhưng nếu địa bàn trong sạch thì làm sao có vụ án, lại càng không thể có vụ án lớn, vụ án đặc biệt nghiêm trọng,nếu vậy thì lấy án đâu mà đánh, không đánh được vụ án lớn thì làm sao có chiến công , không có chiến công thì không có khen thưởng, không có khen thưởng thì không có tiếng, không có tiền và càng không có cơ hội lên chức ..... quy trình nó như thế, cho nên việc tội phạm ngày càng gia tăng, vụ án ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng, địa bàn xây ra khắp hang cùng ngõ hẽm là vì vậy. Chung quy là tại cái thằng cha " Khen thưởng " mà ra. Ai ở trong ngành thì rành chuyện này lắm.

    Trả lờiXóa
  5. Khen thưởng kiểu này khác gì hoan hỉ trên cái chết của người khác.

    Trả lờiXóa
  6. 48 GIẤY KHEN ĐƯỢC PHÂN PHÁT MÀ NẠN NHÂN VẪN PHẢI CHẾT ĐAU ĐỚN, NGƯỜI DÂN KHÔNG HỀ THẤY CÔNG LAO, TINH THẦN TRÁCH NHIỆM CAO HAY BẤT CỨ MỘT BIỂU HIỆN XỨNG ĐÁNG NÀO TỪ PHÍA CƠ QUAN CÔNG AN...VẬY KHEN THƯỞNG ĐỂ LÀM GÌ KHI CÁC CƠ QUAN CÔNG QUYỀN CHƯA LÀM TỐT TRÁCH NHIỆM CỦA MÌNH TRƯỚC NHÂN DÂN ???

    Trả lờiXóa
  7. Nhân Bộ nội vụ chuẩn bị trình chốt phương án sát nhập sở ngành. Xin thưa, SÁT NHẬP TỈNH THÀNH ĐỂ ĐẢM BẢO KHÔNG GIAN KINH TẾ ĐỦ LỚN còn quan trọng gấp ngàn lần ở VN để có kinh tế qui mô mới có năng suất. Không thể chấp nhận 1 đất nước mà có đến 63 "nền kinh tế" cát cứ do không gian kinh tế quá nhỏ bé dẫn đến đầu tư quá trùng lắp & cuộc đua chưa hề có hồi kết do đại gia lợi ích nhóm BĐS đang lợi dụng tính cát cứ tỉnh lẻ để đô thị hóa lô nền tràn lan ĐẠI ĐẠI LÃNG PHÍ!

    Việc chia tách các địa phương trước đây nay đã hết vai trò lịch sử, cần sát nhập lại, thậm chí sát nhập nhiều tỉnh thành hơn so với cũ. Không thể đô thị hóa phân lô bán nền tràn lan ruộng nương rừng rú hải đảo tất tần tật được. Phải để dành đất làm tư liệu sản xuất cho con cháu thế hệ tương lai . Lợi thế địa kinh tế là trời ban trời cho rồi, nên 1 địa phương lớn (khoảng 5 triệu dân) cần chấp nhận qui luật "1 hạt nhân & nhiều vệ tinh" & phân chia lĩnh vực ra làm theo kinh tế thị trường lợi thế cạnh tranh khác biệt.

    Trả lờiXóa