Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Ng.Q Thiều: CHÚNG TA LÀ NHỮNG KẺ VÔ CÙNG NGHÈO ĐÓI VÀ TỘI LỖI

Tranh: Cậu bé Làng Chùa, sơn dầu, khổ 70 x 90cm, vẽ 2005, của Nguyễn Quang Thiều.

Nguyễn Quang Thiều
31-12-2018

CHÚNG TA LÀ NHỮNG KẺ VÔ CÙNG NGHÈO ĐÓI 
VÀ TỘI LỖI

Như một người lạc lõng và hão huyền giữa thời đại mình đang sống, trong ngày đầu của năm mới, tôi cất tiếng hỏi : Có ai chuẩn bị những hạt giống của giấc mơ không ?

Câu hỏi này không phải bây giờ mới có trong tôi mà đã có từ lâu. Tôi và không ít người đã cất tiếng nhưng đáp lại là sự hờ hững như là không ai nghe thấy. Hay nói chính xác hơn là quá ít người nghe thấy hoặc nghe thấy nhưng họ đã bỏ đi. Bởi hai từ giấc mơ vang lên như chẳng có ý nghĩa gì, chẳng làm mấy ai thấy rung động. Giấc mơ là gì mà sao tôi lại phải nói đến như một nỗi dày vò khôn nguôi trong khi hầu hết chúng ta bị cuốn vào sự mê đắm của những lợi ích cụ thể nhìn được trong mắt và cầm được trong tay ?


Tôi chỉ muốn chúng ta chỉ dừng lại một khắc của một năm để nhìn vào chính mỗi ngôi nhà của chính chúng ta và tự hỏi: có bao giờ chúng ta nói với nhau trong một buổi tối nào đó về những giấc mơ của mình. Và chúng ta, những người thấu hiểu đời sống này, sẽ giật mình nhận ra rằng : đã từ lâu, từ lâu lắm rồi, chúng ta không còn nói về những giấc mơ của mỗi chúng ta nữa.

Sẽ có những người lên tiếng nói với tôi bằng một cử chỉ khó chịu hoặc bằng một âm giọng mỉa mai rằng : Ngươi cứ tiếp tục gieo cái thứ hạt giống đó của ngươi. Còn ta, ta chẳng cần thứ hạt giống đó để làm gì. Đúng vậy. Quá nhiều người không bao giờ hình dung ra thứ hạt giống đó và không hề tin thứ hạt giống đó có chút ý nghĩa gì đó với cuộc sống của họ. Nhưng đấy chính là sự lầm lạc. Và sự lầm lạc này hình như cũng không bao giờ hiện rõ để nói về chính nó với những người bị nó làm cho u uẩn và hoảng loạn.

Nếu chúng ta có thời gian, chúng ta sẽ hồi tưởng lại trong một năm chúng ta đã sống như thế nào trong chính ngôi nhà của mình. Tôi chỉ nói về ngôi nhà của mỗi chúng ta mà không nói đến những không gian rộng lớn hơn. Tôi chỉ chọn lựa một không gian mà ở đó chứa đựng nhiều lý do nhất để mỗi chúng ta gieo những hạt giống của giấc mơ vào chính mảnh đất của tâm hồn mình và của những người thân bên cạnh chúng ta. Một việc rất nhỏ đã mất đi trong những ngôi nhà chúng ta làm tôi buồn bã và nuối tiếc. Đó là những buổi tối những người già kể cho những đứa trẻ nghe những câu chuyện cổ tích.

Và những câu chuyện cổ tích không chỉ là những câu chuyện cổ tích. Ở đó chứa đựng những giấc mơ đẹp đẽ và nhân ái về thế giới quá nhiều bệnh tật, nhiều đói rét, nhiều thù hận, nhiều bất trắc, nhiều bất công và nhiều máu chảy của chúng ta. Một nhà thơ Hàn Quốc, xứ sở của những văn minh và một đời sống giàu có về vật chất, đã viết : Ngày ngày chúng ta từ công sở trở về/ Giống loài bò sát trở về đầm lầy của chúng. Khi tâm hồn chúng ta đã vắng những giấc mơ, khi đôi cánh của tâm hồn chúng ta không còn da diết đập, thì chúng ta bắt đầu trở về thế giới của hoang thú ngay trên chính những con đường hiện đại siêu tốc của chúng ta. Chúng ta tưởng chúng ta đang bay lên về phía ánh sáng nhưng thực tế chúng ta đang mỗi ngày chìm vào bóng tối của dục vọng.

Hàng triệu đứa trẻ đang lớn lên từ những ngôi nhà mệt mỏi của chúng ta. Nhiều lúc, chúng ta trở về và nhìn thật sâu vào ngôi nhà của chính mình. Chúng ta mới giật mình kinh hãi vì sự hoang vắng của ngôi nhà. Hoang vắng bởi ở đó chỉ là một cánh rừng của những vô cảm : tủ lạnh, tivi, đồ gỗ, máy rửa rau quả, lò vi sóng, máy giảm béo, hàng thời trang…cùng với những tham vọng và mưu mô làm chúng mắc chứng mất ngủ và bệnh hoang tưởng. Tất cả những thứ đó sẽ chỉ là một thế giới chết nếu không có những con người mang trong họ những giấc mơ đẹp về thế gian này. Có lẽ vì thế mà nhiều lúc chúng ta nổi giận, chúng ta u uất, chúng ta hoảng loạn, chúng ta tức tối, chúng ta điên rồ…nhưng chúng ta không hiểu vì đâu.

Những công dân tương lai của chúng ta sẽ ra sao khi lớn lên từ những ngôi nhà mệt mỏi và hoang vắng ấy. Chúng ta đã và đang mắc một sai lầm hệ trọng khi nghĩ rằng chúng ta đã mang lại cho những đứa trẻ tất cả những gì chúng cần. Chúng ta đổ vào những đứa trẻ mọi thứ vật chất tốt nhất như quần áo, thực phẩm, đồ chơi và cả các thầy cô. Tại sao tôi lại gọi thầy cô là một thứ vật chất ? Bởi có không ít những thầy cô chỉ coi những đứa trẻ như một cái ổ cứng computer hay một cái USB để nạp tất cả những gì từ giáo án giáo trình của họ. Họ chỉ truyền vào những đứa trẻ những công thức và những định nghĩa vô cảm giống như người ta cài đặt một chương trình cho một cái máy. Và những đứa trẻ lâu nay thực ra chỉ là những công cụ để thoả mãn dục vọng của chính những người làm cha làm mẹ, làm thầy làm cô mà thôi.

Nhưng chúng ta, những bậc cha mẹ, những bậc thầy cô vẫn luôn luôn tự tin rằng: những đứa trẻ đang ngoan ngoãn nghe lời chúng ta ở nhà, ở lớp là những con ngoan trò giỏi. Thực ra, chỉ có thân xác chúng đang ở trước chúng ta. Còn tâm hồn chúng đã rời bỏ chúng ta đi về thế giới riêng của chúng. Chúng chỉ là những cái bóng in trên bức tường thời gian mà những đôi mắt chúng ta không làm sao nhận biết được điều ấy. Có bao nhiêu người mẹ, người cha hay thầy hay cô nói cho chúng nghe về những điều kỳ diệu ở ngay bên ngoài ô cửa phòng ngủ và phòng học của chúng. Không. Chúng ta đã đã quên lãng điều ấy từ lâu rồi. Và chính thế mà khi những đứa trẻ sa vào những hành động tội lỗi đầy tính hoang thú thì chúng ta không hiểu vì sao lại như vậy.

Không chỉ trong những ngôi nhà của chúng ta mà trong từng lớp học và nhiều nơi chốn khác, chúng ta không được nhìn thấy bóng dáng và giọng nói của những người gieo những hạt giống của giấc mơ vào những đứa trẻ và vào chính chúng ta. Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy không ít những đứa trẻ khi bắt đầu tập nói đã ngày ngày phải phát âm hoặc phải nghe những từ vựng chỉ vật chất, chỉ tính sở hữu và sự dối trá của chúng ta. Chúng ta mới chỉ lo sợ đến sự đau ốm sinh học của những đứa trẻ và bỏ ra tất cả tiền của để chữa chạy sự đau ốm này trong khi đó lại quá ít lo sợ những cơn đau ốm tâm hồn của chúng. Và nếu chúng ta có lờ mờ nhận ra những cơn đau ốm tâm hồn của những đứa trẻ thì chúng ta cũng không biết phải chữa chạy như thế nào.

Bởi chúng ta đã lãng quên những giấc mơ của chính mình. Và khi chúng ta xoè bàn tay của tâm hồn chúng ta ra, chúng ta chẳng thấy một hạt giống nào của giấc mơ trong cả hai lòng bàn tay ấy ngoài tiền bạc và những trò giả dối. Chúng ta không biết lấy gì để chữa chạy cơn đau ốm tâm hồn của chính chúng ta và của những đứa trẻ, những chủ nhân tương lai của thế gian này. Cho đến lúc đó, chúng ta mới nhận ra rằng : chúng ta thực sự là những kẻ vô cùng nghèo đói và tội lỗi.

(Bài in trên Vietnamnet năm 2008).

Tranh: Cậu bé Làng Chùa, sơn dầu, khổ 70 x 90cm, vẽ 2005. NQT

2 nhận xét :

  1. Nhân dịp năm 2019 được đọc bài này của văn nhân Nguyễn Quang Thiều, xin được chia sẻ và vì nhiều lý do riêng tư, xin "Tễu" giúp chuyển lời chúc mừng mọi sự tốt lành và cảm ơn đến Nguyễn Quang Thiều.

    Trả lờiXóa
  2. NHiều lúc nghĩ chúng ta sống vật vờ như xác sống...

    Trả lờiXóa