Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Trần Ngọc Kha: PHỎNG VẤN TS NGUYỄN QUANG A, BÀI CHƯA ĐĂNG


Trần Ngọc Kha
25 -10 - 2012

BÀI VIẾT TỪ NĂM 2012, VẪN CÒN TÍNH THỜI SỰ.

Không thể quay lại cơ chế bộ, ngành chủ quản!

PV: Ông nghĩ gì về những tiêu cực xảy ra tại hai tập đoàn kinh tế Vinashin, Vinalines và sự ra đi của hai tập đoàn kinh tế khác trong thời gian vừa qua?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đó là sự thất bại của tư duy cơ chế Thủ tướng chủ quản. Nay người ta bàn để quay về với cơ chế bộ, ngành chủ quản, một cơ chế đã từng lỗi thời, không giải quyết được vấn đề gì.


PV: Vậy theo ông, nên quản lý các DNNN như thế nào cho hợp lý?

Nhà báo Trần Ngọc Kha
TS Nguyễn Quang A: Cái gì, lĩnh vực nào mà nhà nước thấy rằng không cần nắm giữ như: Dệt may, khách sạn, du lịch, vật liệu, xây dựng, bất động sản, giao thông… thì phải tư nhân hóa, chứ không phải là cổ phần hóa. Cổ phần hóa chỉ là cách để đánh tráo khái niệm, nó là cách tư nhân hóa một phần và nếu nhà nước vẫn giữ số cổ phần chi phối thì ít có ý nghĩa và dễ tạo cơ hội cho các cho nhóm lợi ích mà thôi. Tài sản nhà nước không mất đi từ việc tư nhân hóa nếu được bán với giá thị trường (tức là phải đấu giá minh bạch cho nhiều người mua) mà chỉ chuyển từ dạng doanh nghiệp thành tiền và tiền này phải thu về kho bạc nhà nước và sẽ được dùng để trang trải nợ nần, đầu tư hạ tầng cơ sở, y tế, giáo dục, vân vân. Nhà nước không nên “ôm” việc kinh doanh, cũng không cần duy trì cơ chế bộ, ngành chủ quản nữa…

PV: Như thế có gì “vênh” so với định hướng phát triển kinh tế lấy DNNN làm chủ đạo của Đảng và nhà nước?

TS Nguyễn Quang A: Hoàn toàn có thể chứng minh bằng lý thuyết và thực tiễn rằng, cái đó (SXKD - t/g) không phải là việc của nhà nước. Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý xã hội mà thôi. Toàn bộ tài sản dù là của Nhà nước hay tư nhân đều phải được sử dụng thật hiệu quả. Chỉ cần thay đổi từ từ theo hướng đó cũng là tốt lắm rồi.
PV: Ông có hiểu vì sao người ta còn cố gắng giữ lại cái định hướng này?

TS Nguyễn Quang A: Cái này hoàn toàn dễ hiểu. Đấy là vì quyền lợi của chính họ và nhóm lợi ích của họ.

PV: Vậy thì ông nhận định thế nào về sự phát triển kinh tế đất nước từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 đến nay? Đó có phải là phát triển không?
 
TS Nguyễn Quang A: Từ 1975-1986, không có gì phát triển. Rồi đến lúc dân không thể chịu được, Đảng CSVN bị dồn vào chân tường, buộc lòng phải sửa đổi đường lối cho phép người dân tự do làm kinh tế, nói cách khác là trả lại quyền tự do kinh tế cho người dân. Suốt 10 năm, từ những năm 1995-2005, năng lực sẵn có của từng con người, từng doanh nghiệp được giải phóng, làm cho đất nước tăng trưởng một cách ngoạn mục. Mặc dù họ chưa được tự do thực sự, chưa được bình đẳng thực sự nhưng năng lực vốn có của người dân đã được trỗi dậy một cách ngoạn mục. Năng lực đó đã hết, phải tạo ra các năng lực mới. Lúc này lẽ ra phải có chính sách thúc đẩy phát triển những năng lực mới ấy nhưng, không… Việc phát triển các tập đoàn kinh tế, việc tăng nhanh số lượng các ngân hàng tư nhân, năm 2003 có 20 ngân hàng tư nhân thì năm 2008 con số này tăng lên đến 35, một số ngân hàng bé tí tẹo ở nông thôn được “thổi” lên thành ngân hàng toàn quốc. Các tập đoàn và sự phát triển quá nóng của các ngân hàng đã không thúc đẩy sự phát triển mà lại gây ra đổ vỡ làm chậm lại quá trình này.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?

TS Nguyễn Quang A: Ngày 22/11/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 141 yêu cầu tất cả các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2008 và 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Ông xem, một ngân hàng nông thôn với số vốn phọt phẹt 10 tỷ đồng, ra thành thị phải tăng vốn lên 70 tỷ đồng, nay phải tăng lên 1.000 tỷ đồng, thế là tăng lên mười mấy lần. Cho đến năm 2008, vốn của các ngân hàng này tăng khoảng 30 lần, còn nếu so với năm 1998 thì nó đã tăng lên 34 lần (đã đổi sang USD để loại tác động của sự mất giá của VNĐ khi so sánh). Thế mà sự tăng này phải diễn ra chóng mặt trong vòng 2-3 năm thôi. Các ngân hàng đâu phải là Thánh Gióng! Và, cuối cùng các ông chủ ngân hàng buộc lòng phải vay nơi này, nơi kia để tăng vốn, làm gì có đủ 1.000 với cả 3.000 tỷ đồng vốn thật. Vốn ảo này làm tăng tỷ lệ đòn bẩy, làm tăng đáng kể rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

PV: Vậy thì theo ông, thực chất mục đích của nghị định này là gì?

TS Nguyễn Quang A: Mục đích của nó là tốt, là muốn tạo dựng nên một hệ thống ngân hàng có vốn lớn, nhưng nó không lường được các hệ quả không mong muốn và người ta không chịu cân nhắc, không chịu nghe, không chịu đo lường mà lại ép thực hiện như vậy, cho nên dẫn đến hậu quả xấu. Cho đến 15/6/2012, tổng số vốn đăng ký của các ngân hàng này đã tăng lên đến 73 lần (tính theo đô la mỹ để loại bớt tác động mất giá của VNĐ khi so sánh vốn với năm 1998). Có cái gì tăng trưởng được như thế?

PV: Thực trạng lũng đoạn của hệ thống ngân hàng hiện nay đúng là không ai có thể chối cãi được. Theo ông nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Quang A: Dẹp ngay! Tôi bảo là tôi chỉ có ngần này (tức là tỷ lệ cổ phần của tôi không vượt quá ngưỡng quy định của Luật) nhưng còn các công ty của tôi, con tôi, vợ tôi, cháu tôi, bạn tôi, hay người giúp tôi đứng tên… tổng cộng lại có thể vượt nhiều lần và tạo cho tôi khả năng lũng đoạn – phải dẹp. Thế rồi những ngân hàng yếu, huy động được ít nhưng cho vay nhiều và đẩy lãi suất huy động lên gây ra cơn lốc lãi suất – phải dẹp. Nếu đã thực hiện nghiêm như thế từ cách đây 2-3 năm, chỉ cần đối với hai ba ngân hàng thôi thì những “anh” khác kinh ngay. Làm gì có chuyện lại cứ để anh huy động của dân 10 đồng nhưng lại cho khách hàng vay 12 - 13 đồng được? Những “anh” như thế thì phải dẹp ngay. Nếu làm vậy thì đã không có cơn sốt lãi suất như vừa qua và cũng đã chẳng phải dùng các biện pháp hành chính như trần lãi suất gây méo mó thị trường.

PV: Xin được trở lại thời kỳ 2005 như ông vừa đề cập, mốc thời gian mà ông nói kinh tế nước ta được phát triển ngoạn mục nhất. Tại sao, thưa ông?

TS Nguyễn Quang A: Lẽ ra các chính sách phải hỗ trợ, tạo điều kiện, thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân, luật phải được thực hiện nghiêm hơn nhưng, từ năm 2006 trở đi lại có một quá trình phản đổi mới diễn ra. Nguồn lực tập trung vào nhà nước càng nhiều, đương nhiên làm vậy thì khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác hoạt động hiệu quả hơn nhưng lại có ít nguồn lực, bị chèn ép. Đấy là nguồn lực, còn bao nhiêu thứ khác cũng ngược đời như vậy. Trong khi đó, không ai có thể phủ nhận được rằng khu vực tư nhân rất năng động, sáng tạo, sử dụng nguồn lực rất hiệu quả. Lẽ ra phải thúc đẩy phát triển, phải ngó nghiêng xem chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu để đẩy mạnh, nâng chỗ yếu dần lên. Đằng này thì… Tại sao 3 năm nay Nhà nước lại bảo lãnh cho 5 tập đoàn, tổng công ty vay vốn nước ngoài để làm xi măng trong khi đã xác định cung vượt quá cầu? Vừa xây xong, đi vào hoạt động, nhà máy xi măng “dính” lỗ ngay và chính phủ sẽ phải trả thay họ 1,5 tỷ USD đã bảo lãnh. Nếu hàng chục tỷ USD vốn đó được phân bổ cho khu vực tư nhân thì tình hình đã khác xa.

PV: Tức là nhà nước đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ, dẫn đến đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế ?

TS Nguyễn Quang A: Nhà nước điều hành bằng thuế, bằng luật và các chính sách, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế chứ nhà nước không nên vung tiền ra đầu tư cho doanh nghiệp hay chỉ đạo ai đó phải tăng hay giảm SXKD.

PV: Và như thế, trong bối cảnh lương không đủ sống hiện nay thì cái gì hấp dẫn công chức khi điều hành?

TS Nguyễn Quang A: Họ phải “ăn” bằng lương. Đã làm quan chức thì họ phải được trả lương xứng đáng, thu nhập đường hoàng. Và chỉ có như thế, một vị bộ trưởng được hưởng lương quy đổi ra chừng 10.000 đô la/tháng, không phải là quá cao so với khả năng của đất nước, thì mới có thể hy vọng họ yên tâm làm việc tử tế được. Nhưng, tiếc thay, chưa chắc họ đã thích. Mà chắc chắn có vị thích thu nhập ở mức 1 triệu đô la/tháng cơ…Nếu bớt được tham nhũng thì tăng lương đồng loạt cho công chức vài ba lần là không khó. Đương nhiên là khó để có thể thay đổi được tình hình ngay lập tức. Tuy vậy, trước mắt nếu nhân dân đòi tất cả các tổ chức nhà nước và Đảng CSVN phải minh bạch, phải tuân thủ nghiêm pháp luật do chính họ làm ra (hay ít nhất bớt được 50% số vụ chính họ vi phạm luật), thì sự phát triển của đất nước sẽ được cải thiện rất đáng kể.

PV: Cảm ơn ông!

Trần Ngọc Kha

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét