Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

LS. TRẦN ĐÌNH DŨNG LÊN TIẾNG VỀ VIỆC MẤT "CHỦ QUYỀN TIỀN TỆ"

Luật sư Trần Đình Dũng.

Phải xử lý nghiêm 
việc xâm phạm “chủ quyền tiền tệ”

Luật sư Trần Đình Dũng(*)
 
Thời báo Kinh tế Saigon
Thứ Bảy, 4/8/2018, 17:54

(TBKTSG Online) - Vấn đề đảm bảo các nguyên tắc về tiền tệ trên lãnh thổ là một vấn đề chung đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó thanh toán tiền tệ và đồng tiền theo lãnh thổ là quyền tối thượng của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực tài chính nhiều chuyên gia gọi đó là “chủ quyền tiền tệ”.
Khách Trung Quốc thanh toán tiền sau khi mua các sản phẩm cao su tại một địa điểm ở Khánh Hòa. Nguồn ảnh: www.baokhanhhoa.vn

Nói nôm na nguyên tắc này là trên lãnh thổ nước nào thì sử dụng đồng tiền nước đó để giao dịch và trao đổi hàng hóa dịch vụ trên lãnh thổ nước nào thì thanh toán ở nước đó.

Hiến pháp nước ta qui định tại Điều 55 về tiền Đồng là tiền tệ quốc gia. Pháp lệnh ngoại hối 2005 tại Điều 3 nêu rõ “thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam”.

Nói như thế không phải chỉ có tiền Đồng mới được giao dịch mà ngoài ra còn có thể giao dịch bằng ngoại tệ trong các trường hợp đặc biệt luật định. Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối qui định “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Bảo đảm các nguyên tắc về “chủ quyền tiền tệ” là nhằm đảm bảo ổn định nền kinh tế, không bị xâm lấn từ kinh tế bên ngoài, đặc biệt trong thời đại “quyền lực mềm” của các quốc gia tiên tiến phát huy nhanh tác dụng như hiện nay.

Mới đây dư luận báo chí lên tiếng mạnh mẽ về một tình trạng du khách Trung Quốc mua hàng ở Việt Nam nhưng quẹt thẻ ngân hàng Trung Quốc. Tức giao dịch không phải bằng tiền Đồng và được thanh toán không trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt 2 doanh nghiệp 900 triệu đồng do tổ chức thanh toán quẹt thẻ ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên tình trạng này đã không còn đơn lẻ ở một vài doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm ngành quản lý thị trường vào chiều 2-8-2018, ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết du khách Trung Quốc tới Quảng Ninh nhưng toàn bộ mua sắm của họ lại không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, các ông chủ của các cửa hàng này là người Trung Quốc và mở máy thanh toán từ ngân hàng bên Trung Quốc. Khách Trung Quốc mua hàng quẹt thẻ và toàn bộ tiền hàng mua ở Quảng Ninh đều sang Trung Quốc, gây thất thu thuế rất lớn. Việc phát hiện thất thu, kiểm soát gặp khó khăn bởi các giao dịch mua hàng chủ yếu qua mạng kết nối trực tuyến (online).

Tại Việt Nam, đây là loại hình vi phạm về tiền tề rất mới. Có thể các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc họ giao dịch như thế nhằm né thuế, hay thuận tiện cho khách hàng của họ, hay vì lý do gì khác… nhưng về phía Nhà nước Việt Nam thì rõ ràng không thể chấp nhận việc vi phạm pháp luật Việt Nam như thế.

Các nguyên tắc của tiền Đồng Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, nó không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn có giá trị thiêng liêng chủ quyền quốc gia.

Việc “chủ quyền tiền tệ” bị xâm hại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra nó còn gây ảnh hưởng đến dư luận và quyền thiêng liêng khác của quốc gia.
(*)Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM, 
Trung ương Hội luật gia Việt Nam

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét