Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

VỤ MỞ RỘNG HÀ NỘI - KỊCH TÍNH TRONG LỊCH SỬ QUỐC HỘI


'Mở rộng Hà Nội' kịch tính trong lịch sử Quốc hội

VNE
Thứ ba, 24/7/2018, 19:00 (GMT+7) 
 
Khi vấn đề mở rộng thủ đô được thăm dò tại Quốc hội, tỷ lệ ủng hộ và phản đối chủ trương này là 50/50.

Hà Nội sau 10 năm mở rộng

Ngày 29/5/2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội với tỷ lệ đồng thuận gần 93%. Để đi được đến ngày biểu quyết, đã có những tranh luận gay gắt trên nghị trường.

Bức thư của ông Võ Văn Kiệt

“Không nên không được phép lấy thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì”, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong một lá thư được công bố ngày 5/5/2008.

Thời điểm công bố lá thư chỉ trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 12 đúng một ngày. Trong thư, ông bày tỏ sự phản đối việc mở rộng thủ đô. Nguyên Thủ tướng cho rằng Bộ Xây dựng mới chỉ đưa ra một ý tưởng cảm tính, thay vì chứng minh bằng một đồ án được nghiên cứu thấu đáo trong nhiều năm.

Ông Võ Văn Kiệt cho rằng ý tưởng này cần công khai trước dư luận, thu thập ý kiến rộng rãi để cả chuyên gia và người dân tham gia đóng góp. Hà Nội đã tích lũy văn hóa, lịch sử cả ngàn năm, không phải thủ đô nào cũng có được.

Theo nguyên Thủ tướng, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp hay đất đai rộng đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, môi trường trong lành, giàu kinh tế tri thức mới là mô hình nhiều nước hướng đến. Hà Nội hội đủ yếu tố trở thành thành phố như thế. Ông kiến nghị Chính phủ lập ủy ban nghiên cứu phát triển Hà Nội với các chuyên gia ưu tú, khảo sát để có cơ sở khoa học.

Bức thư gây chấn động được đồng loạt các báo đăng tải. Nhiều phóng viên đã tìm tới Bộ Xây dựng, song cánh cổng Bộ "đóng chặt".

Những cuộc tranh luận

Là một trong bốn người bỏ phiếu không tán thành Nghị quyết mở rộng Hà Nội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết kể lại, trước ngày biểu quyết, Quốc hội đã có nhiều phiên thảo luận tổ lẫn toàn thể. Những cuộc tranh luận sôi nổi chia các ý kiến thành hai luồng ủng hộ - phản đối rõ rệt.
Nguyên đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Giang Huy.

Phiên thảo luận toàn thể ngày 19/5 trở thành phiên sôi động nhất kỳ họp Quốc hội năm ấy. 31 đại biểu đăng đàn tranh luận.

Dưới góc nhìn của một nhà quân sự, đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên cho rằng mở rộng Hà Nội thời điểm này là hợp lý. Bởi theo ông, mọi cuộc chiến tranh, mục tiêu luôn là đánh chiếm thủ đô.

Phản bác quan điểm mở rộng Hà Nội, đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng thế trận vững chắc nhất là lòng dân. "Hà Tây có thế rồng cuộn hổ ngồi, có núi, có sông bảo vệ thủ đô", nếu không mở rộng thì Hà Tây không bảo vệ Hà Nội sao?

Cho rằng, không có vấn đề về lòng dân vì nhiều người Hà Tây "phấn khởi khi thành người thủ đô", đại biểu Vũ Văn Hiến đánh giá: “Phương án mà Chính phủ đã trình là phương án tối ưu nhất”. Bởi theo ông, nếu để tới năm 2010 mới quyết, thì mấy triệu người sẽ rơi vào tình trạng quy hoạch treo.

Nhiều ý kiến khác dù tán thành chủ trương xây dựng và phát triển thủ đô, nhưng chưa đồng thuận với phương án và thời điểm Chính phủ đưa ra "quá vội vàng" trước một vấn đề hệ trọng.

Đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định, vấn đề xây dựng vùng Hà Nội được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng mở rộng Hà Nội thì mới gần đây. Ngay việc dời đô của Lý Thái Tổ gần nghìn năm trước cũng được chuẩn bị rất chu đáo. Chiếu ban hành tháng Giêng năm Canh Tuất (năm 1010) đến mùa thu mới xa giá rời đô. Trong khi Chính phủ “ban chiếu” ngày 15/3 và ngày 1/7/2008 đã thực hiện. Ông Quốc cũng cho rằng, việc mở rộng vẽ ra viễn cảnh thủ đô to đẹp, nhưng chưa có cơ sở khoa học, chưa có ý kiến chuyên gia lẫn nhân dân.
Ông Dương Trung Quốc tranh luận về mở rộng thủ đô năm 2008. Ảnh: TTXVN.

Mở đầu bài phát biểu bằng tuyên bố: "Quốc hội cần hết sức cân nhắc và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về quyết định này" đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn bộc lộ sự không đồng tình. Lý do ông phản đối là chưa thấy căn cứ vào nhu cầu nào để mở rộng. Các suy nghĩ, tiếp cận trong Đề án chủ yếu là "hành chính hoá đơn thuần".

Mười năm nhìn lại, ông Thuyết vẫn bảo lưu quan điểm. Ông cho rằng, khi đó Hà Nội cần đất để xây dựng thì mở rộng, "điều này là cách tiếp cận rất sai".

Kết thúc phiên thảo luận toàn thể hôm 19/5, Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu đồng ý hay không đồng ý chủ trương mở rộng Hà Nội.

“Cuộc thăm dò cho kết quả 226 phiếu thuận và 226 phiếu không tán thành chủ trương mở rộng. Tỷ lệ đồng ý và phản đối là ngang ngửa nhau”, ông Thuyết nhớ lại.

Ngày biểu quyết

Theo lịch trình dự kiến, Nghị quyết mở rộng Hà Nội được quyết định vào chiều 22/5/2008. Đến phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bất ngờ thông báo tạm dừng thông qua Nghị quyết để Chính phủ tiếp thu, giải trình, chỉnh lý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tại kỳ họp quyết định mở rộng Hà Nội 
năm 2008. Ảnh: TTXVN.

Thời điểm thông qua cuối cùng được ấn định vào chiều 29/5/2008. Mở đầu phiên họp buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm. 45 phút giải trình, ông tập trung vào ba nội dung chính: quá trình chuẩn bị phương án mở rộng, tại sao lại lựa chọn phương án 1, lộ trình và điều kiện thực hiện việc mở rộng.

Thủ tướng cho hay, có 5 phương án đã được nghiên cứu. Chính phủ chọn 3 phương án có số điểm cao để báo cáo Bộ Chính trị. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương thảo luận và ra nghị quyết, đồng ý chủ trương mở rộng theo phương án 1.

Sau giải trình của Thủ tướng, Quốc hội biểu quyết. Kết quả: 458 đại biểu tán thành (92,9%), 4 không tán thành (0,81%) và 13 người không biểu quyết (2,64%). Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh được Quốc hội thông qua. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2008, chậm một tháng so với tờ trình ban đầu của Chính phủ.

Tỷ lệ đồng thuận trong đại biểu đã “lội ngược dòng” từ 50% trong cuộc bỏ phiếu thăm dò tăng vọt đến gần 93% trong ngày biểu quyết.

Hoàng Phương - Viết Tuân
Mời bạn đón xem: Tiến trình mở rộng Hà Nội diễn ra như thế nào?

VnExpress thực hiện chuyên đề “Hà Nội 10 năm mở rộng” để nhìn nhận các mặt tích cực và còn thiếu của thủ đô sau một thập niên mở rộng địa giới hành chính. Nhiều khía cạnh của tiến trình sáp nhập, các hoài bão của chính quyền 10 năm trước, hiện trạng phát triển ở năm 2018 sẽ được đưa tới bạn đọc, nhằm hình thành một bức tranh toàn cảnh về vùng thủ đô.

12 nhận xét :

  1. chắc an ninh đến từng nhà đại biểu thì mới có biểu quyết 92%

    Trả lờiXóa
  2. Xứ Đoài đâu còn mây trắng bay?
    Bởi nhóm lợi ích phá tan mây.
    Xứ Đoài giờ đây người đời gọi:
    Gọi Xứ Đoài là... "Hà Nội Hai !!!"
    -----------------
    Xin thành Kính tưởng nhớ Xứ Đoài- Nhân Mười năm NGÀY GIỖ XỨ ĐOÀI !

    Trả lờiXóa
  3. Nói cho nó có vẻ , làm duyên làm dáng thôi , bây giờ dân nó hiểu hết rồi :Đảng quyết định hết , quốc hội bù nhìn giả vờ họp hành ,giả vờ thảo luận gay cấn ,sôi nổi . Cuối cùng biểu quyết theo chỉ đạo . Mở rộng thủ đô để làm gì ư ? Theo tính toán của 1 nhóm , họ làm giàu rất nhanh .Thế thôi .

    Trả lờiXóa
  4. Quốc hội bỏ phiếu theo nghị quyết chứ đâu vì nhân dân.

    Trả lờiXóa
  5. TỐI ƯU NHẤT
    Đại biểu quốc hội hẳn hoi nhá,
    chả phải vô học hay những kẻ ngắn học đâu nhá.

    Cho rằng, không có vấn đề về lòng dân vì nhiều người Hà Tây "phấn khởi khi thành người thủ đô",
    đại biểu Vũ Văn Hiến đánh giá:
    “Phương án mà Chính phủ đã trình là phương án tối ưu nhất”. Bởi theo ông, nếu để tới năm 2010 mới quyết, thì mấy triệu người sẽ rơi vào tình trạng quy hoạch treo.

    Trả lờiXóa
  6. Từ ngày đó lòng tin của tôi vào Quốc Hội đã bị nguội lạnh.

    Trả lờiXóa
  7. Sau đó người "Hà Lội " lan tràn khắp nước, nhất là tp HCM !

    Trả lờiXóa
  8. - sự kiện này, và việc tạm hoãn luật đặc khu (LĐK) là "same same", xin gửi chú Tễu nhưng dòng stt của ô. Nguyện đình Bin,huy hiệu 55 tuổi Đ (2017) nguyên thứ trưởng BNG, nguyên đại sự VN tại CH Pháp, gửi TT NXP , để Tễu tham khảo, và có thê sử dụng khi cẩn thiết :

    "Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, với tinh thần thực sự cầu thị, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến đóng góp đúng đắn để hoàn chỉnh dự thảo. Chỉ khi nào thật sự bảo đảm cao nhất tất cả các yêu cầu về các mặt, đặc biệt là về an ninh, quốc phòng…mới trình QH thông qua.
    Tuy vậy, tôi đồng tình với nhiều ý kiến rất xác đáng là trong tình hình đất nước, khu vực và quốc tế hiện nay và triển vọng sắp tới thì hãy gác việc đó lại để tập trung trí tuệ, sức lực của cả nước giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra : tham nhũng, cải cách hành chính, thu gọn bộ máy, cơ cấu kinh tế, tài chính nhân hàng, nợ công, năng xuất lao động, đào tạo nhân lực, đặc biệt là cách mạng KHCN 4.0…; làm sao cho các khu CN, khu CNC đã có phát phát huy được vai trò thực sự, thúc đẩy phát triển đất nước. Nếu muốn thử nghiệm mô hình đặc khu thì tập trung xây dựng một luật về đặc khu để áp dụng ngay vào Khu CNC Hòa Lạc, Khu CNC thành phố HCM lâu nay vẫn ỳ ạch để phục vụ cho cuộc cách mạng KHCN 4.0 mà đất nước không thể nhỡ tầu- một chìa khóa để bứt phá, vươn lên thu dần khoảng cách phát triển với các quốc gia tiên tiến.
    Đồng thời, theo thiển ý của riêng tôi, phải khẩn trương chuẩn bị các mặt để Đại hội Đảng XIII tới đây quyết định đổi mới mô hình quản lý đất nước và xã hội, tức hệ thống chính trị, hiện hành, một việc mà đáng lẽ ra đã phải thực hiện ở mấy Đại hội trước nhưng đã để lỡ. Như tôi đã phát biểu khi nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhắc lại thống thiết hơn khi nhận Huy hiệu 55 năm, tháng 7- 2017:
    “Đảng ta là một đảng tiên phong, đảng cách mạng…Cũng như tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng đã vượt lên chính mình, đã chiến thắng tư duy bảo thủ, lạc hậu trong lãnh đạo kinh tế, để thừa nhận và vận dụng vào nước ta kinh tế thị trường, thành tựu chung của loài người cho đến giai đoạn hiện nay, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội, thì giờ đây, đã đến lúc Đảng phải thay đổi có tính cách mạng tư duy chính trị, phải đoạn tuyệt mô hình quản lý đất nước và xã hội bảo thủ, giáo điều mà thực tế lịch sử các nước XHCN trên thế giới cũng như diễn biến tình hình của Đảng và đất nước ta một phần tư thế kỷ qua chứng minh là đã lạc hậu, là cội nguồn sâu xa nhất, cơ bản nhất dẫn đến thực trạng đáng buồn của Đảng, đất nước và xã hội ta hiện nay, để tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào đất nước ta thành tựu chung của loài người trên phạm trù này mà tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đã và đang thực hiện...." ( còn tiếp)

    Trả lờiXóa
  9. ( tiếp va hết) ..."Đó là mô hình thực sự phát huy được dân chủ, một nhà nước pháp quyền, thực sự của dân, do dân, vì dân; thực hiện hòa giải dân tộc thực sự và xã hội dân sự. Chỉ như vậy mới xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự, mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân; và trên cơ sở đó, hòa nhịp bước cùng thế giới, mới thực hiện được tốt nhất việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chỉ có như vậy mới thực hiện được lý tưởng của Đảng, cũng là ước vọng bao đời nay và là quyền chính đáng của nhân dân ta: xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc một nước VN dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.”
    Hôm nay, nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, những tình cảm, suy tư nói trên của tôi lại càng sâu đậm, mãnh liệt hơn. Đặc biệt là mong muốn cháy bỏng của tôi về đổi mới mô hình quản lý đất nước hiện nay mà tôi muốn khẳng định lại chính “là cội nguồn sâu xa nhất, cơ bản nhất dẫn đến thực trạng đáng buồn của Đảng, đất nước và xã hội ta hiện nay” và tôi đã chờ đợi là Đảng ta sẽ thực hiện tại Đại hội XII , cơ hội lịch sử thực sự để làm điều đó, vì theo Điều lệ Đảng, Đại hội toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng có quyền quyết định tất cả, như tại Đại hội VI, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, đã quyết định thực hiện đổi mới về kinh tế, thực chất là thay đổi triệt để quan điểm và chủ trương của Đảng về kinh tế thị trường, mà trước đó Đảng coi là một bản chất của chủ nghĩa tư bản, hoàn toàn đối lập với CNXH. Nhưng thực buồn là Đảng đã bỏ mất cơ hội lịch sử đó!”
    Nếu không làm được việc đó thì đất nước sẽ không thể thoát khỏi tình trạng đáng buồn hiện nay và sẽ ngày càng tụt hậu là cái chắc." ( Fb Nguyễn đình Bin)

    Trả lờiXóa
  10. 1 cú quyết định của Quốc hội khiến bao kẻ giầu có ngoài tưởng tượng qua 1 đêm. Tôi chưa hình dung có nhiều thủ đô phình to 1 cách vô lý như Thủ đô Hà Nội và tin rằng lịch sử sẽ đánh giá quyết định này của Quốc hội là sai lầm và khi xác định nó là sai lầm thì đó sẽ là tổn hại rất lớn cho đất nước!

    Trả lờiXóa
  11. Cho hỏi ngu tí . Kịch tính là trò diễn hề , diễn kịch phải không ạ ?

    Trả lờiXóa
  12. Chúng ta tự hào vì có Thủ đô to nhất thế giới, đề nghị Cuốc hội kỳ họp tới mở rộng đến tận Hà Tĩnh để đưa vào kỷ lục Ghi-nét.

    Trả lờiXóa