Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Đào Tiến Thi: CÔNG AN HỘ KHẨU KHINH DÂN NHƯ THẾ NÀO?


Đào Tiến Thi

CÔNG AN HỘ KHẨU KHINH DÂN NHƯ THẾ NÀO?

Sáng nay (14/6/2018) tôi đến Công an Hà Đông để nhập khẩu cho con. Tôi đã vào mạng xem các thủ tục và giấy tờ cần thiết nên yên tâm. Tại bàn tiếp nhận hồ sơ, cô cán bộ công an (không mặc sắc phục) bảo: “Bác ra cửa lấy mẫu kê khai”. Tôi ra cửa, bên phải cửa ra vào có một bàn chuyên phát mẫu kê khai. Có 4, 5 người đang hí hoáy viết. Chị cán bộ công an phụ trách việc phát giấy khoảng ba mươi tuổi, sáng sủa, cao ráo, trắng trẻo (tức là có một người trẻ và đẹp) đang nói chuyện với một chị khác. Tôi lặng yên đứng đợi nhưng nghe mấy phút thấy chị kia chỉ là người quen đang trao đổi việc riêng chứ không phải khách đến làm việc, tôi nói: 

- Chị cho tôi mẫu giấy kê khai nhập khẩu.

Chị ta không thèm đếm xỉa gì đến tôi, cứ thản nhiên nói chuyện tiếp. Tôi đã bực rồi nhưng cố kiên nhẫn “để im xem sao”. Rồi chị bạn của chị ta về, thế nhưng chị ta lại cắm mặt luôn vào cái điện thoại để nhắn tin. Tôi nói lần thứ hai:

- Chị cho tôi mẫu giấy kê khai nhập khẩu.

Vẫn không thèm đáp, cũng không ngẩng mặt lên. Đến mức này tôi không thể chịu được nữa, liền nói to, giọng nghiêm khắc:

- Tôi nói chị có nghe thấy không?

Lúc ấy chị ta mới thôi nhắn tin và lấy 2 tờ giấy đưa cho tôi. Tôi bảo:

- Này, chị coi khinh người dân đến làm việc như thế phải không?

Chị ta hơi chột dạ, rồi bất ngờ nở một nụ cười thấn thiện nhưng rất chi là kịch:

- Cháu xin lỗi bác.

Tôi tiếp:

- Tôi nói cho chị biết, chị đang đại diện cho nhà nước làm việc với công dân mà có thái độ như thế à? Tôi đến các doanh nghiệp, họ tiếp hết sức lịch sự. Thế mà đây là cơ quan nhà nước, lại là công an nữa chứ. Thật không thể chấp nhận được. Tôi hỏi: Biển hiệu công chức của chị đâu?

Chị ta sờ tay lên áo, quay ra cười một cái cười cũng rất thân thiện nhưng cũng rất kịch:

- Biển hiệu của cháu bị hỏng, cháu chưa kịp thay.

- Thế thì chị cho tôi biết tên.

- Cháu xin bác.

Một anh đi làm hộ khẩu, dáng chừng quen biết chị ta cũng đứng ra xin giúp. Tôi nói:

- Chuyện xin xỏ nói sau, còn bây giờ tôi cần biết tên chị đã.

- Bác cho cháu xin.

Tuy “xin” mấy lần nhưng mặt cô ta lạnh te. 

Tôi bảo:

- Không chịu cho tôi biết tên thì tôi sẽ chụp ảnh.

Nói rồi tôi lấy điện thoại ra. Chị ta vội đứng lên, đi vào trong nhà, nhưng tôi vẫn kịp bấm máy. Bức ảnh nhìn nghiêng nhưng cũng khá rõ khuôn mặt. Tuy vậy, tôi vẫn đứng đợi để chụp lấy một cái cho thật rõ. Nhưng từ đấy chị ta luôn cầm sấp giấy che mặt, dù phải tiếp khách hàng.

Điều đáng buồn là khi nói, tôi cố tình nói to và nhiều lúc hướng mắt về phía những khách đến làm hộ khẩu, nhưng họ sợ hãi quay mặt đi.

Tôi ra về, sang bên kia đường, chỗ gửi xe là hông nhà văn hóa hay trung tâm thể thao gì đấy. Đang bực mình về việc trên, cộng thêm vốn đã bực về cái dịch vụ trông xe mỗi khi đến cơ quan công an (các doanh nghiệp thì không bao giờ thế, không những có chỗ để xe mà người trông xe luôn tử tế), trước khi lấy vào lấy xe, tôi hỏi cô trông xe:

- Chị cho hỏi: Chị làm dịch vụ trông xe riêng hay chị là người của bên công an làm hộ khẩu bên kia đường?

- Bác hỏi làm gì?

- Tôi cần biết. Tôi nghĩ chị trả lời việc này không ảnh hưởng gì đến công việc cả. Nếu chị người là dân làm dịch vụ, đó là chuyện thường, còn nếu chị là người của cơ quan công an, chị cũng không phải chịu trách nhiệm về việc này.

Cô ta nhất định không nói. Tôi trả vé và trả tiền. Nhưng cô ta bảo:

- Thôi bác về đi, không cần trả tiền đâu.

- Sao lại thế? Mọi người đều trả tiền, sao tôi lại không?

- Nhưng em bảo bác thì không cần mà.

- Không, tôi không đồng ý. Bao nhiêu để tôi trả đây, không thì tôi không đi đâu.

Một ông ở phía trong, người cùng trông xe với cô này, nói vọng ra:

- Ba nghìn.

Tôi lấy 3.000đ ra trả rồi về.

TÁI BÚT:
- Tôi tạm “tha”, chưa đưa ảnh chị cán bộ công an nói trên. Sẽ có dịp quay lại xem thái độ chị ta thế nào.

- Năm kia, tôi đến cơ quan công an (ở đường Phùng Hưng, Hà Đông, không nhớ số bao nhiêu) làm hộ chiếu, mặc dù trong sân rất rộng nhưng họ không cho xe vào mà bắt gửi ở dịch vụ ngay cổng với giá cắt cổ. Năm ngoái, vợ tôi đi chuyển hộ khẩu từ Ba Đình về Hà Đông, thái độ của công an Ba Đình cũng rất quan liêu và hách dịch. Và đặc biệt, chỉ điền mấy thông tin vào tờ khai mà họ còn bắt mua một cái bút bi (rởm) 4.000đ.

_____

Phạm Nguyên Trường

Nhân bạn Thi Dao Tien nói chuyện về sự lỗ mãng của CA HN, post lại: KỂ CHUYỆN LÀM THẺ CĂN CƯỚC. Lạc đâu mất chứng minh thư cũ, quyết định đi làm căn cước mới. Giấy khai sinh tất nhiên đã mất từ rất lâu, hộ khẩu chỉ có năm chứ không có ngày tháng sinh, các giấy tờ khác có ngày tháng năm sinh đều do tự khai chứ không có công an xác nhận.

LẦN 1: Vừa vào phòng khai báo, cô công an đã bảo luôn: Phải có ngày tháng năm sinh. Mình nói không có, cô công an bảo sang phòng quản lý hồ sơ. Ở đây lại hướng dẫn sang ủy ban thành phố. Ở ủy ban thành phố người ta bảo: Chúng em chỉ quản lý người sinh ở đây. Bác sinh ở ... thì phải về đấy xác nhận.

LẦN II: Ra công an phường khai mất chứng minh thư. Mang ra chỗ làm thủ tục. Lần này được phát giấy khai báo. Khai báo xong, cô công an lại bảo không có ngày tháng năm sinh, xin lỗi đã làm phiền. Lại được chỉ sang phòng quản lý hồ sơ. Ngồi trước mặt mình lần này là một cô thượng úy. Mình ghi ngay họ tên chức vụ đồng chí thượng úy lên tờ tạp chí mang theo. Đồng chí thượng úy lại bảo sang ủy ban. Mình bảo: Tôi là dân, tôi muốn được nhà nước quản lý tôi. Tôi thuộc lứa ông bà những người đang giữ chức vụ ở quê, tôi có về họ cũng đâu dám xác nhận. Vậy xin hỏi, ông Giám đốc công an tỉnh tiếp dân vào ngày nào để tôi lên gặp. Đồng chí thượng úy có lẽ đã hơi sợ, mới hỏi: Sao bác lại ghi tên cháu. Trả lời: Để còn nói với ông Giám đốc đã gặp ai, chức vụ gì chứ.

Đến đây đồng chí thượng úy mới bảo: Để cháu vào xem hồ sơ lưu của bác. Khoảng 10 phút sau đồng chí thượng úy mang ra một sấp giấy. Tất cả đều do mình tự khai khi làm trong các cơ quan khác nhau. Không có xác nhận của công an. Mình lại nói tiếp: Cho biết ngày tiếp dân của Giám đốc.

Lúc này đồng chí thượng úy mới chỉ vào một người bụng khá to, hình như là trung tá, đang đứng cách đó mấy mét và bảo: Bác gặp thủ trưởng của cháu. "Thủ trưởng của cháu" có lẽ đã nghe được toàn bộ câu chuyện nên khá mềm mỏng. Ông ta bảo: Anh đi theo tôi. Hai người đi lên tầng 2, vừa đi anh ta vừa nói: Riêng ở TP này đã có hơn một ngàn trường hợp như anh, tôi sẽ cho anh xem công văn (hình như của bộ công an) gửi cho tỉnh X, hướng dẫn cách giải quyết những trường hợp này. Nội dung công văn: Ai có chứng minh thư hay hộ khẩu có ngày tháng năm sinh thì làm ngay, ai không có phải về nguyên quán làm lại khai sinh. Vòng tròn đã khép kín.

Mình khăng khăng rằng muốn được nhà nước quản lý, sao nhà nước lại làm khó, mà làm sao ra Bắc làm giấy khai sinh. Mình sẽ xin gặp Giám đốc công an tỉnh. 

Cuối cùng, đồng chí trung tá bảo: Thế anh còn giấy tờ gì có ngày tháng năm sinh không. Thẻ đảng chẳng hạn. Mình làm đếch gì có thể đảng, nhưng hôm đó lại mang theo hộ chiếu có ghi ngày tháng năm sinh. Thế là anh ta gọi nhân viên tới photo copy cái hộ chiếu và hạ lệnh làm căn cước mới cho mình, lại còn nói mang hộ khẩu tới để họ điền thêm ngày tháng năm sinh vào.

Rắc rối như thế là do bọn quan liêu trong quốc hội ra quy định về hộ khẩu mà không hề nghĩ tới tình hình quản lý từ sau năm 1975 cho đến nay. 

TÓM LẠI, BỌN HỌ MỀM NẮN RẮN BUÔNG.

4 nhận xét :

  1. Bác Đào Tiến Thi hãy cho hình cô công an ấy lên đây! Vì cô ấy đẹp thì cho mỗi người xem tí ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Thi ơi :CÔNG AN HỘ KHẨU chỉ KHINH DÂN khi dân không dám lên tiếng! Còn khi DÂN dám lên tiếng thì CÔNG AN sợ đấy chứ Bác? Việc ấy thì tự dân biết mà!

      Xóa
  2. Đến trẻ con khi nhắc đến công an còn sợ...vãi đái, thế mà cái bác Thi này to gan thật.
    Hoan hô bác! Cả cái bác Phạm Nguyên Trường kia nữa.

    Trả lờiXóa
  3. Dạo này thái độ của CAND cũng nhiểu người khá lịch sự. Họ chắc cũng tâm tư...

    Trả lờiXóa