Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

ÔNG NGUYỄN ĐỨC TỒN ĐẠO VĂN, VẪN ĐƯỢC PHONG GIÁO SƯ


Vì sao “đạo văn” mà vẫn được phong Giáo sư?

Phụ nữ Thủ đô
Thứ ba, 08/05/2018 - 00:00

PNTĐ-“Đạo văn” nghiêm trọng mà vì sao vẫn được phong hàm Giáo sư, là vấn đề đang gây bức xúc ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong giới Ngôn ngữ học.


Người bị tố “đạo văn” là ông Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.


“Đạo văn” có hệ thống

Ông Nguyễn Đức Tồn ngay từ khi còn là Phó Giáo sư (PGS), làm Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ (thuộc Viện Ngôn ngữ), đã ngang nhiên "đạo văn" ngay các tác phẩm của tác giả in trên tạp chí Ngôn ngữ, ông Tồn "biến" thành của mình.

Cụ thể là: trong cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) tác giả Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn đã “bê” nguyên xi bài báo in trên Tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 2001 “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà. PGS Tồn chỉ thay đổi tí chút ở đầu đề, rồi ngang nhiên chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học”. Trong khi đó, bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà đã được công bố trước khi cuốn sách của ông Tồn ra đời, lại không hề ghi tên ông này. Thời điểm đó, dư luận ở Viện Ngôn ngữ học và giới khoa học ngôn ngữ cũng đã "dậy sóng" bức xúc tố ông Nguyễn Đức Tồn rằng, ông là Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, nơi đăng bài của Ths Hà nên có quyền lấy bài đưa vào sách của mình và biến tác giả của nó thành một “kẻ ăn theo” bằng dòng chữ “có sự cộng tác”!

Tiếp theo truyền thống "đạo văn" này, năm 2002 ông Tồn lại xuất bản tiếp cuốn sách: “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002), thì ngay lập tức ông Tồn bị tố đã "đạo" hoàn toàn 2 luận án của 2 người khác để "hô biến" thành quyển sách của ông. Luận án thứ nhất bị ông Tồn “đạo” là luận án Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ văn của tác giả Nguyễn Thúy Khanh, đề tài: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật”, bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học (ông Nguyễn Đức Tồn là người hướng dẫn). 
.
Quyển sách "đạo văn" của ông Nguyễn Đức Tồn

Các chuyên gia của ngành Ngôn ngữ đã so sánh là ngoài phần mở đầu và tài liệu tham khảo, luận án PTS của tác giả Nguyễn Thúy Khanh có 96 trang chính, thì có tới 82 trang trùng với sách của ông Tồn, và phần lớn số trang trùng nhau đều chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Vì luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh được công bố 6 năm trước khi cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn xuất bản, hơn nữa khi làm luận án khoa học người thực hiện phải cam kết “đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, không có sự trùng lặp, sao chép từ bất kỳ một đề tài luận án hay công trình nghiên cứu khoa học nào của các tác giả khác”, cho nên có thể khẳng định: ông Nguyễn Đức Tồn đã “đạo” của nghiên cứu sinh Nguyễn Thúy Khanh! Luận văn thứ 2 bị ông Tồn "đạo" là luận văn tốt nghiệp đại học:

.


2 quyển luận án và luận văn bị ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn

“Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 36 (1991-1995), do GS.TS Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn. Ngoài phần mở đầu và mục tài liệu tham khảo, luận văn của tác giả Cao Thị Thu có 3 chương (74 trang) thì chương thứ hai (từ trang 20 đến trang 49) bao gồm kết quả nghiên cứu như: tư liệu, bảng biểu thống kê, ý tưởng khoa học và nhiều trang nhiều đoạn, được in nguyên xi trong sách của ông Tồn. Riêng chương ba của Luận văn (từ trang 50 đến trang 75) thì xuất hiện gần như nguyên bản vào chương thứ 8 trong sách của ông Tồn. Chỉ rõ việc “đạo văn” của ông Tồn, GS Lê Huy Bắc đã đưa lên fb của mình chi tiết đến kinh ngạc.

Cần tước danh hiệu giáo sư do “đạo văn” mà có

Đem những bức xúc của dư luận về việc ông Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học thuộc Học viện KHXH, trong công trình nghiên cứu khoa học (sách) của mình đã sao chép hàng trăm trang luận văn, luận án của người khác mà vẫn được phong GS, chúng tôi phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Lợi (nguyên Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) có biết thông tin này không và ý kiến của GS về thông tin này?

GS.TS Nguyễn Văn Lợi cho biết: "Đúng là tôi đã tham gia với tư cách Thư kí HĐ Chức danh GS ngành Ngôn ngữ học nhiệm kì 2000-2007. HĐ gồm: GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng (Chủ tịch), GS.TS Đinh Văn Đức (Phó Chủ tịch), GS.TS Nguyễn Văn Lợi (Thư kí), GS.TS Lê Quang Thiêm (Ủy viên), GS.TS Nguyễn Thiện Giáp (Ủy viên), GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Ủy Viên), GS.TSKH Lý Toàn Thắng (Ủy viên), GS.TS Bùi Minh Toán (Ủy viên), PGS.TS Đinh Lê Thư (Ủy viên). Đối với tôi cũng như các GS đã tham gia HĐ này, không bất ngờ trước thông tin trong công trình khoa học của ông Nguyễn Đức Tồn đã sao chép gần như nguyên xi mấy chục trang luận án PTS của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thúy Khanh và mấy chục trang luận văn tốt nghiệp đại học của SV Cao Thị Thu (là cháu vợ của ông Tồn).

Thời kỳ đó tôi là Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - một cơ sở đào tạo PTS Ngôn ngữ học; ông Tồn tham gia giảng dạy và hướng dẫn NCS (trong số NCS có chị Nguyễn Thúy Khanh). Sau đó năm 2002, ông Tồn đã nộp hồ sơ xin phong chức danh Giáo sư. Theo tiêu chuẩn xét phong chức danh GS lúc đó, ngoài các tiêu chuẩn về giờ dạy, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng viên phải có kết quả đào tạo Phó Tiến sĩ, có sách chuyên khảo (như minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học).

Trong hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn, thành tích đào tạo PTS là trường hợp NCS Nguyễn Thúy Khanh; sách chuyên khảo - minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học là cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)”. Xem xét hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn, HĐ chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã phát hiện ra những điều không minh bạch, khuất tất. Theo quy định sách chuyên khảo phải được xuất bản (nộp lưu chiểu ở Cục Xuất bản) trước khi đưa vào hồ sơ. Nhưng ông Tồn nộp hồ sơ cho HĐ có cuốn sách đó với tư cách minh chứng cho thành tích nghiên cứu khoa học, khi thực tế cuốn sách đó chưa được xuất bản (Kết luận của HĐ căn cứ vào công văn trả lời của Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa).

Nghiêm trọng hơn, HĐ đã phát hiện ra trong cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” - với tư cách là minh chứng quan trọng cho thành tích nghiên cứu khoa học để ông Tồn được phong học hàm Giáo sư, chép nguyên xi mấy chục trang từ luận án Phó Tiến sĩ của NCS Nguyễn Thúy Khanh (đã bảo vệ thành công từ năm 1996), người hướng dẫn khoa học là PTS Nguyễn Đức Tồn: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật (Trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga)”.

Ngoài ra, HĐ cũng phát hiện thấy, trong công trình khoa học của ông Tồn có nhiều trang chép từ luận văn tốt nghiệp đại học của SV Cao Thị Thu. HĐ chuyên ngành đã họp nhiều lần (có lần có sự tham dự của ông Tổng thư kí và Thanh tra của HĐ chức danh Giáo sư Nhà nước) xem xét hồ sơ và cả các đơn khiếu nại của ứng viên Nguyễn Đức Tồn; đa số các thành viên HĐ nhận thấy những điều gian dối trong hồ sơ của ứng viên này là rõ ràng và bỏ phiếu không tán thành việc phong học hàm Giáo sư cho ứng viên Nguyễn Đức Tồn.

Năm 2007, do Viện Ngôn ngữ tách ra gồm 1/2 số cán bộ để xây dựng Viện Từ điển học và Bách khoa thư, ông Nguyễn Đức Tồn được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học của Học viện KHXHVN. Sau khi HĐ chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học mới được thành lập (lúc đó tôi và một số GS trong HĐ đã nghỉ, không tham gia HĐ nữa), năm 2008 ông Nguyễn Đức Tồn được phong Giáo sư.

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải làm trong sạch, lành mạnh môi trường nghiên cứu, đào tạo, phong chức danh Giáo sư ở nước ta. Việc Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào cuộc xử lí các trường hợp không minh bạch, khuất tất trong đợt phong chức danh Giáo sư năm 2017 được dư luận xã hội hoan nghênh. Trường hợp đạo văn của Nguyễn Đức Tồn cũng phải được xử lí. Đó là trách nhiệm của HĐ chức danh Giáo sư các cấp, của Viện Hàn lâm KHXHVN, Học Viện KHXH, và Viện Ngôn ngữ học" - GS.TS Nguyễn Văn Lợi khẳng định.

PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cũng khẳng định: "Không thể tưởng tượng được hiện tượng đạo văn này lại xảy ra với một người nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, từng giữ những cương vị lãnh đạo chuyên môn Ngôn ngữ học như GS.TS Nguyễn Đức Tồn. Có mấy vấn đề mà theo tôi là nghiêm trọng: 1. sao chép của nhiều người; 2. sao chép quá nhiều, quá liều lĩnh (gần như không sửa chữa, thêm bớt) và 3. không hề dẫn nguồn, ghi xuất xứ ở bất cứ chỗ nào trong văn bản. Thực ra, chuyện này đã được nhiều người trong giới Ngôn ngữ học (và cả báo chí) lên tiếng từ lâu. Rất tiếc không hiểu sao mọi việc lại rơi vào im lặng và “chìm xuồng”. Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm cho rõ và xử lí nghiêm khắc".

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục) tỏ ra "ngạc nhiên": "Nếu đúng là ông Nguyễn Đức Tồn "đạo văn" rõ thế này thì tôi không hiểu vì sao mà vẫn được phong Giáo sư? Dư luận bức xúc nêu lên như vậy thì sao không xem xét và tiến hành tước bỏ danh hiệu ấy cho hàng ngũ có học vị, học hàm trong sáng hơn, để được xã hội nể trọng hơn? Hiện nay rất nhiều ông quan chức cho dù về hưu rồi vẫn đã, đang và sẽ bị lôi ra ánh sáng, chịu án trừng phạt của pháp luật. Thế thì tại sao những GS bị phát hiện đạo văn như thế này vẫn ngang nhiên ngồi nhấm nháp danh vị lẽ ra không thuộc về mình?".

Điều đáng nói là, ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn một cách có hệ thống từ năm 2002, với công trình đạo văn này, ông Nguyễn Đức Tồn được phong Giáo sư, được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ. "Hồ sơ đạo văn" của ông Tồn (bao gồm sách xuất bản mang tên ông Tồn và các luận văn của 2 tác giả mà ông Tồn "đạo") đã từng được niêm yết công khai ở Viện Ngôn ngữ học, thế mà ông Tồn vẫn được phong Giáo sư, rồi được ngồi các Hội đồng chấm luận văn, luận án, thậm chí còn tham gia Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học để bỏ phiếu bầu hay không bầu cho các ứng viên chức danh GS/PGS, thì sao dư luận không bức xúc? Mong rằng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH và Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước sớm xem xét, xử lý, tước hàm Giáo sư của ông Nguyễn Đức Tồn!

Tài liệu chứng minh đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn, với từng trang đối chiếu chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy.

Nguyễn Minh Anh

3 nhận xét :

  1. Tước chữ giáo thôi giữ chữ sư thêm chữ đạo vào và gọi anh ta là đạo sư.

    Trả lờiXóa
  2. Người miền Nam gọi những người ăn trộm bằng một từ có tính châm biếm rất hay . Cầm nhầm . Cầm nhầm của người khác làm của mình . Cầm nhầm cái không phải của mình . Những đứa ăn trộm của người khác nếu bị phát hiện , không chối cãi được nó sẽ nói : ây cầm nhầm . Nói thế cho nhẹ tội ăn cắp. Người mất của nếu kịp thời đòi lại, có thể kẻ trộm sẽ trả . Trường hợp này hiếm lắm . Nhưng trong văn chương làm sao trả lại ? Bị phát hiện đạo văn thì lấy mo mà che . Che không được thì đem ném giữa làng . Làng chẳng ai nhận, kẻ đạo văn đeo mặt mo mà về, lủi thủi như con chó cụp đuôi !

    Trả lờiXóa
  3. Các bác ấy đạo văn mà được phong giáo sư. Thích thật, cái hội đồng lập ra không biết gì sao?

    Trả lờiXóa