Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Luân Lê: HỌC VẤN VÀ BẰNG CẤP


Luân Lê

HỌC VẤN VÀ BẰNG CẤP

Thực ra nếu rà soát kỹ lưỡng thì chắc chắn số giáo sư, phó giáo sư được phong kém phẩm chất và không đủ tiêu chuẩn không chỉ dừng lại ở con số 94.

Trong ngành luật, thật đau lòng và chua chát khi mà có một vị tiến sỹ đạo văn của người khác để làm đề tài nhằm có điểm để phong học hàm phó giáo sư, và sau đó còn là trưởng khoa của một ngành luật tại trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.

Tôi tự hỏi, bao nhiêu lứa học trò đã qua sự đào tạo và được giảng dạy bởi con người kém phẩm chất và thiếu tri thức này? Bao thày cô đã mất đi vị trí mà đáng ra nó thuộc về họ hơn con người đó? Những giá trị và nguyên lý của luật pháp, công lý và lẽ phải đứng trước những con người ấy, sẽ trở nên vô dụng và là một trò hề thô bỉ.

Người đứng đầu ngành giáo dục, đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đang bị vướng vào nghi án tự dạo văn của mình và dùng tạp chí kém chất lượng để đăng bài tính điểm xét học hàm giáo sư. Vậy bao nhiêu người nhìn vào đó để coi câu chuyện đạo văn và nguỵ (giả) khoa học là bình thường và dựa vào đó để kiếm lợi, tiến thân, lên chức?

Bao nhiêu con người không đủ trình độ và nhân cách đã được sắc phong học hàm, ra chính sách quản lý hay giảng dạy người khác?

Một xã hội háo danh đến cùng cực và làm nô lệ cho bằng cấp mà lại rất thiếu hụt tri thức và phẩm chất cần có của một người trí thức chân chính.

Bảo sao đám gian manh, ngu dốt có cơ hội leo cao và khuynh loát được xã hội và nó tạo ra những thứ tồi tệ, những hành xử bất chấp luật pháp và đạo lý là như vậy.

Phải đập đi, xây lại nền tảng từ đầu và từ nơi thấp nhất cho nền giáo dục nước nhà. Phải chấn hưng lại, nếu không càng ngày càng xoáy sâu vào những suy bại, tha hoá.


1 nhận xét :

  1. Đập hết và dựng lại nền giáo dục nước nhà ư? Rất đúng và rất cần kíp. NHưng đó là nhiệm vụ " bất khả thi", đối với ngành Giáo dục - Đào tạo VN. Xin hãy đọc lại Cương lĩnh 1991 và có bổ sung của ĐCSVN , trong đó vạch rõ con đường phải đi theo của nền GD-ĐT VN hiện tại và tương lai.Suy diễn với con mắt lợi ích kinh tế thuần thì ngành GD-ĐT cũng tạo ra sản phẩm đặc biêt, đó là tri thức, đạo đức các thế hệ công dân. Đích nhắm trực tiếp là đáp ứng nhu cầu mục đích sử dụng tri thức của XH . XH VN đương đại đang chạy theo thành tích , hình thức, khoa bảng, học hàm, học vị .. để đáp ứng điều kiện cần và đủ cho kiếm việc làm hoặc bước lên các bậc thang danh lợi . Tư duy thực dụng đó đã từng bước biến nền GD-ĐT VN thành thị trường hàng hóa để mua - bán bằng , cấp...(năm 2018 dự kiến phong học hàm 1.200 PGS, GS là ví dụ).

    Trả lờiXóa