Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

CÔ GIÁO BỊ BUỘC QUỲ GỐI VÀ "NỀN GD KHÔNG QUỲ GỐI"

Trường tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc.

Cô giáo bị buộc quỳ gối 
và “nền giáo dục không quỳ gối”

Tuần Việt Nam
07/03/2018 07:16 GMT+7

Việc cô giáo ở một trường tiểu học thuộc tỉnh Long An bị buộc phải quỳ gối trước mặt phụ huynh học sinh xảy ra sau tết Mậu Tuất, là sự kiện đau lòng, chưa từng có...

Chưa từng có, nhưng giờ đã thành sự kiện buồn trong đời sống giới giáo chức nước nhà, ám ảnh tâm trí người thầy, bôi xấu hình ảnh giáo dục nước nhà.

Nó lại xảy ra trong khuôn viên nhà trường, trong môi trường giáo dục, nơi cần sự thanh lành, mô phạm, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo.

Nó tiếp nối, ở mức độ nguy hiểm hơn, trong chuỗi những hành vi bạo lực học đường, bạo lực bệnh viện, cái xấu cái ác ngang nhiên tấn công trực diện vào nền tảng đạo đức xã hội: Người thầy giáo và người thầy thuốc.

Đó là biểu hiện rõ nét về sự xuống cấp của đạo đức xã hội và sự xô lệch, đảo lộn thang bậc giá trị. Nhóm phụ huynh, đứng đầu là vị chức sắc trong giới luật sư địa phương đã cho mình là một thế lực, có thể làm những gì họ muốn, bất chấp quy ước đạo đức truyền thống cũng như hệ thống pháp luật hiện hành. Nó na ná cái lý sự “em xinh, em có quyền...”, “tôi có tiền tôi được phép...”

Nghiêm túc nhìn nhận, sự kiện đau lòng đó cũng là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh hình ảnh giáo dục và người thầy trở nên mờ nhạt và tầm thường, khi tình trạng mua bằng bán cấp, học giả bằng thật tràn lan; khi đồng lương người thầy còn bèo bọt; khi để tồn tại, người thầy phải làm những nghề, mà lẽ ra, không nên làm...

Trong cách xử lý tình huống, cô giáo trường tiểu học Bình Chánh đã mắc lỗi khi phạt học sinh bằng hình thức bắt quỳ, rất đáng trách. Nhưng đáng trách hơn, khi vì lỗi mình gây ra mà cô chấp nhận quỳ gối trước nhóm phụ huynh.

Hình như cách đào tạo người thầy trong trường sư phạm hiện nay đang có vấn đề?
Trước khi làm nhà báo, tôi là giáo viên. Những năm tháng trong trường đại học sư phạm, chúng tôi được tích lũy kiến thức, rèn kỹ năng sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống và cách ứng xử của người thầy trong mọi mối quan hệ xã hội.

Từ những người thầy từng trải, yêu nghề, từ những đợt điền dã, kiến tập, thực tập, chúng tôi có thêm nhiều trải nghiệm. Sinh viên sư phạm ngày đó không thể thiếu Sổ tay sư phạm, trong đó ghi lại những câu chuyện về nghề “trồng người”, những danh ngôn, những bài thơ, bài hát về mái trường, người thầy, và đặc biệt, những câu chuyện về xử lý tình huống sư phạm.

Học ở khoa ngữ văn, nên chúng tôi, ít hay nhiều, đậm hay nhạt, ảnh hưởng tư tưởng ưu thời mẫn thế; xuất, xử tuỳ thời; phong cách đối nhân xử thế tích cực của các nhân vật, hình tượng văn học và các nhà thơ, nhà văn lớn trong nước và thế giới. Ra trường, chúng tôi đều tự tin và khẳng định mình. Với chúng tôi, khi gặp tình huống như cô giáo tiểu học ở Long An, sẽ không đơn độc xử lý tình huống, cũng không bao giờ, một là bắt học sinh quỳ; hai là quỳ trước phụ huynh.

Đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn từng tuyên ngôn: Trợn mắt xem khinh nghìn lực sỹ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng (Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ/ Thủ phủ cam vi nhũ tử ngưu). Người ta có thể cúi đầu, quỳ gối làm trâu cho trẻ em cưỡi.

Cũng có thể quỳ gối chiêm bái thánh nhân và anh linh tổ tiên. Nhưng, trước cường quyền, cái xấu, cái ác, cái vô đạo, vô pháp, thì không, không bao giờ. Loại người phải quỳ gối, chỉ là những kẻ, hoặc là phi nghĩa, hèn nhát, tham sống sợ chết như mấy tên tướng giặc nhà Minh trước nghĩa quân Lam Sơn; hoặc là những kẻ mang nặng tư tưởng ngu muội, nô lệ, nịnh nọt kẻ có quyền lực để mưu cầu vinh thân phì gia; hoặc những người yếu thế, thân cô thế cô bị thế lực côn đồ, xã hội đen dồn ép, hạ nhục...

Có lỗi, biết nói lời xin lỗi và sửa lỗi, thậm chí có thể cúi đầu nhận lỗi, là cách ứng xử thông thường của những người có văn hoá. Quỳ gối hoặc buộc phải quỳ gối, lại là chuyện khác. Bị buộc quỳ gối trước nhóm phụ huynh, trong một khoảng thời gian gần bằng một tiết học, có sự chứng kiến của đồng nghiệp, học trò, cô giáo ở trường tiểu học thuộc tỉnh Long An đã bị hạ nhục, không còn là mình nữa. Cô thật khó trở lại với nghề, thật khó tiếp tục đứng trên bục giảng truyền dạy bài học làm người, “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”... cho lớp lớp học trò.

Trong câu chuyện cô giáo bị buộc quỳ gối này, nếu có khúc vĩ thanh thực sự có hậu, thì sẽ là chi tiết vị phụ huynh học sinh quá khích kia quỳ xuống, xin lỗi cô giáo. Dù có hành nghề luật sư chăng nữa, ông ta cũng khó biện minh cho hành vi làm nhục người khác, mà người đó lại đang thực hiện thiên chức dạy dỗ con ông ta.

Để xảy ra sự kiện “cô giáo quỳ gối”, có trách nhiệm của xã hội và của ngành giáo dục. Một giai đoạn quá dài, chúng ta lơ là, coi nhẹ những nguyên lý cơ bản của giáo dục, những nguyên lý mà nếu kiên trì đi đến cùng, chúng ta sẽ có nền giáo dục tử tế, bền vững, có thể gọi là “nền giáo dục không quỳ gối”. Đó là xây dựng một nền giáo dục vì CON NGƯỜI, theo hướng “trường ra trường, lớp ra lớp”; “thầy ra thầy, trò ra trò”; “dạy ra dạy, học ra học”. “Thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học tốt”. “Học đi đôi với hành”. “Nhà trường gắn liền với xã hội”.

“Không thầy đố mày làm nên”. Trong đó, then chốt vẫn là tạo dựng hình ảnh người thầy thực sự là những trí thức có nhân cách, để “thầy ra thầy”. Không chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới, ít nhất có 2 nghề THẦY, là thầy giáo và thầy thuốc, cần xem là cái nghề đặc biệt, từ khâu tuyển chọn, đào tạo đến sử dụng, đãi ngộ phải có sự khác biệt, hơn hẳn.

Khi “thầy đã ra thầy” thì “dạy sẽ ra dạy”, và trò không thể không “ra trò”. Khi ấy, các bậc phụ huynh khả kính, cho dù là ông to bà lớn, lắm tiền nhiều của, thế lực đổ thành nghiêng nước, hay là loại người này khác trong xã hội, hãy trở về đúng vị trí của mình: Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!
Uông Ngọc Dậu

6 nhận xét :

  1. Hay quá ! Nhưng thảm trạng ngành giáo dục hiện nay do đâu , vì đâu ??

    Trả lờiXóa
  2. Thời chúng tôi, các thầy khi phạt học trò có lỗi vẫn có lúc bắt học trò quỳ, thậm chí đánh roi. Nhưng xã hội không bao giờ lên án người thầy bởi họ hiểu rằng cái roi và sự phạt nghiêm khắc đó chính là sự quan tâm dạy dỗ của thầy đối với trò, để trò trở thành người có ích thật sự cho xã hội.
    Còn ngày nay, "dân trí" đã "cao" hơn thời xưa, và có lẽ vì có "dân trí cao" nên xã hội đã hạ thấp vai trò của người thầy.
    Buồn lắm thay!!!

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Nhà báo UÔng Ngọc Dậu! Sau nhiều ngày theo dõi và đọc rất nhiều bài viết về cùng một chủ đề nhưng có lẽ, đây là bài viết có giá nhất không hề bị 'phân tán' bởi hành vi "quì gối" khi viết. Đúng là một nhà giáo đích thực! chúc Nhà giáo khỏe mạnh, bình an.

    Trả lờiXóa
  4. đúng là thảm hoạ trăm năm sắp tới của thực trang của nền giáo dục ngày nay tại Việt nam ta!!

    Trả lờiXóa
  5. Bây giờ các phụ huynh hay nói với con không mày đố thầy làm nên.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết phân tích rất đúng về hiện trạng và nguy cơ của nền giáo dục nước nhà. Định đề " Không thầy đố mày làm nên" và " một chữ là thầy, nửa chữ cùng là thầy" - đúng với mọi thời đại, mọi quốc gia và các nền giáo dục lành mạnh. Nhưng hình ảnh cô giáo ở Long An quỳ gối trước phụ huynh, học trò bóp cổ cô giáo ở Bến Tre.. vừa xẩy ra , đã sổ toẹt điều đó . Hành động chấp nhận quỳ gối của Cô giáo viên, Phụ huynh cưỡng bức giáo viên phải quỳ gối xin lỗi mình và HS ngày càng coi thường giáo viên đã hạ thấp tận đáy giá trị của nền giáo dục và người giáo viên . Con người là quý nhất, vì vậy nghề giáo dục là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Câu chuyện xót lòng đó đã hé ra sự thật : Vai trò, Vị trí và giá trị của người Thầy giáo trong XH Việt Nam hiện nay đang bị coi thường , coi rẻ đến mức bi đát . Khi ngành Giáo dục, người giáo viên bị coi thường thì XH mặc nhiên không coi trọng con người , giá trị con người hiện tại và thế hệ tương lai của đất nước. Đó mới là nguy cơ thật sự cho tương lai Đất nước VN. Nhưng nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng đó? Câu hỏi xin dành cho người trong ngành Giáo dục, cho người lãnh đạo đắt nước và mỗi phụ huynh chúng ta. Phải chăng khi có tiền, quyền lực tuyệt đối người ta có quyền bắt người khác quỳ gối? Không cần học nhiều , vẫn có quyền bán và mua Bằng cấp , học vị, học hàm? Phải chăng Tiền và quyền đã biến ngành nghề cao quý nhất thành nghề thấp hèn như món hàng hóa vật chất để hạ nhục hoặc đổi chác , mua bán??? Xin hỏi triết lý giáo dục của nhà nước XH XHCN Việt Nam hiện nay là gì?

    Trả lờiXóa