Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Hà Tĩnh: MỘT THẦY GIÁO CÓ SÁNG KIẾN CHẤM BÀI RẤT SÁNG TẠO

Thầy Nguyễn Văn Thỏa thực hiện chấm thi bằng gậy chụp ảnh cùng smartphone. 
 
Hà Tĩnh: Thầy giáo dùng gậy selfie 
kẹp smartphone chấm 30 bài thi/phút
 
Thứ bảy, 13/01/2018 - 07:18
 
Sử dụng một phần mềm dành cho smartphone và cố định chiếc máy này bằng gậy chụp ảnh để chấm thi. Sáng kiến trên của thầy Nguyễn Văn Thỏa giáo viên trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đạt hiệu quả rất cao với tốc độ chấm 30 bài/phút, độ chính xác khoảng 99%.

Trong quá trình giảng dạy, việc chấm bài kiểm tra, bài thi của học sinh là khâu rất quan trọng và mất rất nhiều thời gian của giáo viên. Vì vậy, thầy Nguyễn Văn Thỏa (giáo viên dạy môn Toán học tại trường THPT Cẩm Bình) luôn mong muốn có một phương pháp chấm thi vừa nhanh vừa chính xác.

Sau một thời gian mày mò, tìm kiếm từ các nguồn khác nhau, thầy Thỏa biết được các smartphone sử dụng hệ điều hành Android có ứng dụng ZipGrade có thể phục vụ việc chấm bài thi, thế là thầy tiến hành nghiên cứu làm thử.

“Do đây là phần mềm của nước ngoài và chủ yếu dùng để chấm các bài thi tiếng Anh, hơn nữa lại có 5 đáp án, vì vậy, để chuyển sang tiếng Việt và sửa đề thi thành 4 đáp án như cấu trúc đề thi trắc nghiệm ở Việt Nam, tôi đã mất gần một tháng để hoàn thành” - thầy Thỏa tâm sự.

Từ phần mềm này, thầy Thỏa đã thiết kế lại phiếu trả lời khi học sinh thi hoặc kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm.

Tuy nhiên, khi dùng điện thoại để chấm thi thầy Thỏa thấy phương pháp trên phát sinh thêm khó khăn là dùng tay cầm điện thoại để nó quét chấm rất mất thời gian. Nếu đưa bài thi vào không đúng cự ly, kích cỡ thì phải thao tác lại vừa mỏi tay, mất thời gian mà hiệu quả không cao.

“Do đó, tôi phải tiếp tục cải tiến theo hướng chỉ sắp xếp hàng loạt bài thi vào một chỗ rồi cố định chiếc điện thoại bằng gậy chụp ảnh. Lúc này tôi có thể thực hiện rất nhanh, lại chính xác” - thầy Thỏa nói.

Sau khi cho ra kết quả, hình ảnh các bài thi đã chấm được lưu lại trên phần mềm và được trình chiếu cho học sinh xem để đảm bảo tính khách quan, trung thực.

“Độ chính xác của phần mềm đạt khoảng 99%. Trừ những câu các em tô và khoanh phần đáp án bị mờ thì máy sẽ không nhận diện. Nếu sử dụng phần mềm trên một số loại máy có hỗ trợ Word và Excel thì có thêm nhiều chức năng khác như: Báo lỗi khi không nhận diện đáp án, sửa kết quả chấm scan, xuất kết quả Excel...", thầy Thỏa cho biết thêm. 

Phần mềm chấm thi trắc nghiệm trên smartphone được thầy Thỏa chia sẻ 
với tất cả giáo viên trong trường.

Thầy Nguyễn Văn Quảng, Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Bình cho biết, sau khi sáng kiến của thầy Thỏa được công bố trong trường nhiều thầy cô cùng trường đã hưởng ứng và đánh giá cao.

“Sắp tới chúng tôi khuyến khích thầy Thỏa làm sao sáng chế máy chấm thi tự động mà khi các bài thi cứ chạy ra khỏi nơi cố định như kiểu máy in. Vì hiện tại khi lấy từng bài thi ra vẫn còn phải thao tác bằng tay” - thầy Quảng nói.

Được biết, thầy Nguyễn Văn Thỏa là một giáo viên giỏi trong trường, thầy cũng từng đạt giải Giáo viên giỏi cấp tỉnh, Giáo viên thi đua xuất sắc cấp cơ sở. Ngoài ra, thầy còn dành được giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật bậc 3 và bậc 4.

Tiến Hiệp

4 nhận xét :

  1. Nếu thực sự có tâm thì con người VN có thể làm được nhiều việc có ý nghĩa. Trân trọng sự cải tiến của thầy Thỏa để ứng dụng trong điều kiện VN.

    Trả lờiXóa
  2. Những sáng kiến độc đáo như của thầy giáo Nguyễn văn Thỏa cần đường nhanh chóng nhân rộng !

    Trả lờiXóa
  3. Đề nghị cấp trên khen thưởng thầy Thỏa . Mong các thầy có sáng kiến như nào để các cháu khỏi học thêm nữa , học nhiều quá e rằng thụ động !

    Trả lờiXóa
  4. Mắc cười quá bác Tiễu ơi .
    Chuyện này người ta thực hiện lâu rùi có gì mà sáng kiến!
    Phần mềm ZipGrade của nước ngoài download về dùng thôi.Với hệ Android chính xác 100% chứ không phải 99% nhé .Đáp án muốn bao nhiêu cũng được .
    Nên nhớ là phần mềm này không chỉ để chấm tiếng Anh nhé mà các môn .
    Phần mềm này trong vn app store nên có tiếng việt sẳn nhé.
    Quá nhiều thông tin trong bài này ko 9 xác bác Tiễu ơi , như thế mất uy tin blog này bác ơi.

    Trả lờiXóa