Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

HÀNG XÉN CŨ...Ở ĐÂU...BÂY GIỜ? - Tạp văn Đỗ Doãn Phương

Tranh "Cảnh chợ ở Hà Nội" do họa sĩ Phạm Hậu (1903 - 1995) vẽ năm 1934

Hàng xén cũ…ở đâu?...bây giờ?

Đỗ Doãn Phương

Dù ở trong làng quang thúng đi ra hay ở phương xa lần đến, dù là người già hay người trẻ, dù là đàn ông hay đàn bà…cứ nhắc đến họ, trong kí ức của mỗi người, đều thầm thì một cái tên rất thơ: “Cô hàng xén”.

Những thứ đồ lặt vặt đựng trong các hộp vuông vuông bằng bìa cứng hay bằng gỗ. Thôi thì bày ra đủ thứ, thượng vàng hạ cám từ chiếc nhẫn mạ đồng, đôi vành khuyên giả, cái kéo, con dao rồi gói mực tím, mực xanh, vài ba loại lưỡi câu, ngòi bút chấm, ngòi bút máy…và một tấm ni long trải ra một góc chợ hay một mái lều, bộ đồ thúng mẹt….Thế là thành một gánh hàng xén. Thế là xuất hiện thêm một cô hàng xén trong cái chợ quê xiêu vẹo này…


Cái thời cô hàng xén là cái thời hàng hóa còn khan hiếm. Phần lớn các mặt hàng gia dụng được sản xuất từ thủ công. Thô nhưng bền. Cả chợ có vài ba cô hàng xén. Ai mua gì cũng ra bà Cây, ra ông Hiệu, ra bà Ký, cô Thuần…Tưởng như gánh hàng của họ là một kho chứa đầy những thứ cần dùng: cái đinh, cái khuy, con dao, bánh xà phòng…Không có mấy thứ đó thì ra thiếu vào thiếu, cứ như cái gia đình thiếu người đàn ông sắp nếp vậy.

Nhưng có lẽ “yêu” cô hàng xén nhất phải là lũ trẻ con. Ai chẳng có một thời thơ ấu viết mực tím, khoe nhau từng chiếc quản bút xanh đỏ, chung nhau từng sợi cước, từng chiếc lưỡi câu…Lũ trẻ tụ tập bên cô hàng xén vào những giờ tan học. Chúng đến, ầm ĩ một hồi, kháo nhau, khoe nhau, hích nhau…rồi bỏ đi, có khi chẳng mua được cái gì. Nhưng cái còn lại trong đầu chúng là những đồ chơi đẹp đẽ, những món quà bí mật tưởng như có nhét đầy cặp cũng không thỏa.

.
Cô hàng xén. Tranh: Nguyễn Phan Chánh.
Xem hàng xén còn thích hơn cả chơi trò giấu que trong xóm. Chà! Nhìn vào gánh hàng thì chao ôi, lộn xộn đến hoa cả mắt. Thế mà muốn mua thứ gì chỉ khẽ hỏi, cô hàng xén đã nhắc nó lên như bà tiên hóa ra mọi thứ từ nụ cười hiền dịu và những ngón tay nhiệm màu… Quả thế, bọn trẻ nhìn cái gì cũng thấy lạ, cầm cái gì cũng thấy thích. Những chiếc lưỡi câu sao mà lắm loại thế. Lưỡi tép nhỏ xíu như lưỡi rắn nhưng “mắc” lắm, lưỡi rô nhỉnh hơn một chút, ngạnh dài và sắc như vẩy trê, còn lưỡi trắm thì to đùng như uốn lấy bằng dây thép. Dây cước cũng đủ kiểu. Cứ nhìn nó mà tưởng tượng đến những chú cá đồng đen trũi, giãy đành đạch trên dây câu, cũng đủ sướng rồi. Thèm quá, lũ trẻ đánh cắp! Một đứa có tiền mua dăm ba đứa vào chọn “Lưỡi có gỉ không, cô ơi?”. Vừa nói chúng vừa mài chiếc lưỡi câu lên bộ tóc vàng hoe loang lổ mực tím. Và, họa có trời mới biết những chiếc lưỡi câu có mắc vào bộ tóc rối bù kia không?. Được lưỡi câu rồi, tước thêm sợi dây chuối, hay tháo chiếc nón mê lấy sợi cước nón xoắn tít. Thế cũng đủ một bộ cần câu. Lũ trẻ ầm ĩ kéo nhau ra bờ mương, quên cả tiếng trống trường.

Những cái tên mộc mạc: Bà Cây, Bà Ký, cô Thuần, ông Hiệu…ấy đã đi vào tiềm thức của lũ trẻ con. Để rồi mỗi lần xa quê trở lại, một chiều mùa đông, qua chợ mới giật mình nhìn những dãy lều vắng tanh đã khác xưa…gió lia những nhát chổi dài bên bãi rác bẩn thỉu…lại chạnh lòng ướm hỏi bà Cây, bà Ký, ông Hiệu…đâu rồi, có còn bán ở đây nữa không?... Hiếm khi mới được câu trả lời, mà được câu trả lời mát ruột lại càng hiếm. Hoài vọng bang khuâng trước sự thay đổi của những cái gì thân quen và ấu thơ dù chẳng dây dưa ruột thịt gì, một thoáng đời người, vẫn khiến ta nặng lòng và thấy mằn mặn đầu môi…Phút chốc ta cảm thấy xung quanh ta…một cảm giác gì rất xa lạ, rất lạc lõng dường như ta bị bỏ rơi…

Quả thế, những người hàng xén kia. Họ đến, họ đi lặng lẽ. Họ rút ra khỏi cái chợ nghèo nghèo này vào một buổi chiều chập choạng để đến sáng hôm sau, một vài người chung tình lơ đãng hỏi: bà Cây, ông Hiệu…lớp ấy đâu rồi nhỉ? Trong cuộc sống nhọc nhằn của chúng ta hơi sức đâu mà quan tâm hết những người lướt qua ta. Mỗi buổi sớm đi chợ, thấy cô hàng xén đã ngồi đấy, lâu ngày thành quen. Ta tưởng như sự xuất hiện ấy là một quy luật. Ta lãng quên đi biết bao nhiêu mưa, nắng, giông, bão, những nhọc nhằn và những cặm cụi của họ để duy trì cái nhịp nhàng ấy. Ai buồn để ý đến nỗi thương mẹ, nhớ con của cô hàng xén khi ăn bữa cơm chợ trưa, chơi ván tam cúc với người đồng nghiệp. Ai hiểu những khi đỏ đèn mới đặt được gánh hàng xuống, ăn vội bữa cơm chiều nguội ngắt mà lòng đầy những tính toán, lo âu. Sáng mai lại đi từ gà gáy…

Ta tự hỏi: Bây giờ họ ở đâu? Vâng bây giờ thì có những cô hàng xén đã thành những ông chủ bà chủ rồi. Cửa hàng của họ sáng trưng ở đầu chợ. Ta ngơ ngác đi tìm cái lưỡi tép, đôi mét cước, rồi lại tìm con cá rô lưng đen trùi trũi giãy đành đạch trong tiếng hò reo. Và chỉ gặp nào đài, nào sắt, nào thép, xe đạp, xe máy…Và cũng chẳng còn ai đi mua từng chiếc bút bi, từng ngòi bút chấm như tôi… Chao ôi! Cái ngày cầm trên tay chiếc quản bút mới, nghiêng nghiêng, viết cho thật sạch, thật đẹp…chấm vào lọ mực tím pha cho thật đặc, nổi vân óng ánh. Viết cho thật đậm, chờ cho khô đi…Trang vở lấp lánh những dòng chữ mạ vàng! Xa quá rồi. Nay người ta mua hàng tá bút bi, hàng trăm chiếc túi ni-lông. Người ta viết mực thơm… người ta… ừ nhỉ ta phải mừng cho cuộc sống mới chứ…

Những ông chủ, bà chủ rồi những người bán rong lê la khắp phố chợ… Cái tên thơ mộng cũng mất dần đi…Chỉ còn một vài cụ già tóc bạc răng trắng vẫn kiên nhẫn bám lấy gánh hàng xén năm xưa ở xó chợ, mà mặt hàng thì ngày một hiu hắt, kém người mua. Một lần đi mua mực tím cho đứa em, cụ hàng xén mắt mờ kia phải lục tìm mãi mới rờ thấy. Cầm gói mực tím trên tay tôi chợt nhận ra nó bị lãng quên đã quá lâu rồi. Mầu tím đã ướt nhòe ra giấy gói, có lẽ nó còn vương lại từ thời tôi con ăn trộm lưỡi câu và bôi trốn đỉnh đầu mực tím.

Hỏi ra, tôi mới biết bà cụ định bán nôt số hàng còn lại thì về nhà hẳn, yếu lắm rồi. Nhưng bán mãi mà không hết, nhìn thấy chúng trong nhà không đành lòng. Trong giây lát tôi muốn bỏ ra hai chục ngàn mua tất những cái gì còn sót lại của cuộc đời cô hàng xén, của tuổi thơ tôi. Nhưng tôi biết tôi không sao mua nổi. Rồi mỗi lần về quê, tôi qua lại chợ, tìm đến cụ già ấy,mua đôi gói mực tím và lặng nhìn đôi tay run rẩy của cụ lục tìm. Tôi lại thấy những chiếc quản bút xanh đỏ, vài ba chiếc lưỡi câu, và những gói mực đã bôi tím đầu tôi….

1995

2 nhận xét :

  1. Những người muôn năm cũ
    Hồn ... ở đây bây giờ ?.
    Cám ơn tác giả Đỗ Doãn Phương và chú Tễu đã giúp " độc giả hoài cổ " thấy lại " Hồn những người xưa cũ (thơ VĐL) " .

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã được tiếp kiến họa sĩ Phạm Hậu, một người tài hoa, ở ngôi nhà cũ của cụ ở phố Bà Triệu.
    Nay ngôi nhà đó đã bán đi, xây nên tòa nhà mới cao ngất ngưởng, xa lạn, các con cụ cũng đả tản đi mỗi người một phương.

    Hôm nay được chiếm ngưỡng bức ký họa của cụ
    Ôi
    "Hồn những người xưa cũ"

    Trả lờiXóa