Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Luân Lê: NHỮNG CÔNG DÂN “ĐẦU GỖ”


Luân Lê

NHỮNG CÔNG DÂN “ĐẦU GỖ”

“Chỉ có chúng ta tự làm giá trị của chúng ta thấp đi khi chính mình lại không xem trọng bản thân mình, vì đã coi lời nói của mình với người khác là vô ích hoặc cũng không khiến xã hội thay đổi được điều gì. Như thế là chúng ta đã tự phủ nhận đi sự hữu ích của mình. Và chẳng có gì đáng hổ thẹn hơn là những thân phận tự làm mình trở nên vô dụng hoặc thấp kém đi như thế”.

Đừng cho rằng tôi nói thế là xúc xiểm và hạ thấp các công dân của chúng ta một cách thái quá. Có cái gì đó bất ổn ở đây mà khiến tôi bực bội để mà phải thốt lên như vậy.

Luật pháp thì đã quy định là 15 tuổi đã có thể là một lao động để kiếm tiền. Tới đủ 18 tuổi là trở thành công dân đi bầu cử được rồi. Cũng tuổi này là có thể kết hôn với nữ, 20 với nam, sinh con đẻ cái. Và tròn 21 tuổi thì có thể ứng cử mà làm chính trị gia, nghị sỹ vào quốc hội hay làm một viên chức cấp cao của chính phủ hoặc tòa án.

Thế nhưng mà đấy là mong ước trên lý thuyết thôi.

Tôi quan sát rằng những công dân của chúng ta chỉ có lo lắng việc học hành bằng sách vở và điểm chác, chẳng màng gì chuyện xã hội, mà học còn lười biếng, thi trượt và điểm thấp, nợ môn, bỏ học, học không được hành, tới 22 tuổi đầu có khi còn chưa cầm được tấm bằng trên tay mà rồi loay hoay chưa biết số mệnh mình rồi sẽ thế nào và về đâu.

Với vốn sống ít ỏi, các công dân trẻ của chúng ta còn thờ ơ với tình hình xã hội, nên học xong không biết làm gì, ở chỗ nào, xin được việc không, lương cho người mới ra trường có được vài triệu đồng không hay phải học việc vài tháng không công cho người ta mà còn chưa biết có được nhận vào làm chính thức hay rồi sẽ bị đào thải.

Học xong kiến trúc có khi đi làm công nhân, học luật xong đi làm thủ kho, học cử nhân toán ra đi làm bốc vác, học sư phạm xong đi làm nhân viên thị trường,…số đông còn lại thì thất nghiệp, số khác được sắp xếp trước vào đâu đó nhờ quan hệ, chạy chọt, số ít thì trầy trật để thi thố đủ kiểu mới lọt qua lỗ kim. Với một xã hội cứ loạn xạ và râu ông nọ cắm cằm bà kia như thế thì có phải là con người sẽ khó lòng mà phát huy khả năng của mình và thậm chí còn mai một đi không.

Với các thực trạng như thế, mà có phải mới đây đâu, nó là sự phổ biến và diễn ra lâu dài trên đất nước chúng ta rồi. Thế mà những người trẻ không mảy may bận tâm chút nào cả, cứ bàng quan và ỷ lại cho xã hội, cho cha mẹ, cho nhà nước mà không chịu phấn đấu, tìm việc với người nước ngoài, không lao động và đòi hỏi các cơ hội được tạo ra từ một chính sách thông thoáng từ chính phủ. Như 21 tuổi thì công dân các nước văn minh đã có thể làm ông bà Bộ trưởng, làm nghị sỹ nghị viện quốc gia, làm chuyện chính trị hoặc đảm trách các vị trí cho công việc đất nước, xã hội, có những công dân chưa tới 20 tuổi làm nhà khoa học lớn, trở thành tỷ phú mà ai cũng biết đến. Thế mà các công dân trẻ của chúng ta cứ như những con búp bê trong tủ kính, không lo lắng gì cho tương lai cả, cốt sao cho có công việc lương ba cọc ba đồng. Thế thì có xứng đáng được gọi là các công dân “đầu gỗ” hay không.

Nếu thế hệ trẻ của chúng ta không thể tìm thấy động lực mà làm việc, không hun đúc khí chất tự cường, không quan tâm đến tình hình đất nước và đòi hỏi một cuộc sống có nhiều cơ hội thì quốc gia này sẽ khó lòng nào thoát khỏi tình trạng trì trệ và cảnh “hoán đổi thân xác” trong nghề nghiệp và công việc tương lai của chính các công dân tội nghiệp kia. Sự bất định và bất ổn xã hội cũng chính là từ những cái “đầu gỗ” và trì độn này mà ra cả.

Cứ với tư duy và nhận thức như thế thì làm sao họ có thể phục vụ đất nước khi ngay cả miếng cơm, manh áo của họ mà họ còn lo chưa xong, lấy gì ra mà đối mặt và nói chuyện khoa học, chính trị với các bạn bè quốc tế - mà với họ thì luôn thường trực thái độ nghiêm túc với quốc gia, có tầm nhìn lớn và lao động chăm chỉ, sớm lao ra cuộc sống để làm lụng tự lập, không nhờ vả cha mẹ, không phụ thuộc trường lớp và bằng cấp, họ cũng sẵn sàng lên tiếng trước chính phủ của họ để đòi hỏi đối thoại hoặc thay đổi các quyết sách lớn của đất nước, nếu chính phủ không đồng ý thì sẵn sàng họ ra đường phản đối vì đó là quyền công dân được Hiến pháp quy định mà không một ai hay một nhà nước nào được cấm cản họ thực hiện quyền đó. Thế thì họ mới xứng đáng được gọi là những người chủ của đất nước và có giá trị với tổ quốc mình như vậy, chính phủ phải tôn trọng sức mạnh và trí tuệ của họ. Cho nên họ mới là công dân với vị thế làm chủ của một quốc gia chứ không phải như các công dân “đầu gỗ” đang lảng vảng và vật vờ trên quê hương chúng ta để sống qua ngày đoạn tháng, tìm kiếm mưu sinh những miếng cơm nhỏ mọn và chấp nhận rất nhiều những sự thua thiệt mà không dám mở lời ra đòi hỏi.

Nói lên quan điểm của mình cũng không xong và sẵn sàng im lặng cũng như thỏa hiệp với những bất công, thì lấy đâu ra cơ hội mà sống tốt. Vậy có đáng để được gọi là “đầu gỗ” hay không! Thật đau đớn lắm thay.

Đất nước nào cũng phải xây dựng dựa trên và bắt đầu từ những thế hệ trẻ, chứ phụ thuộc vào những người già mà ngày càng lạc hậu thì có phải là quá quắt và vô trách nhiệm không. Tôi không còn biết nói gì để mà lột tả về những thiếu sót lớn lao này của đất nước, khi mà người trẻ trầm lặng quá mà lại còn ung dung với cái đầu gỗ của mình.

Trích: MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN
 

5 nhận xét :

  1. "Nếu thế hệ trẻ của chúng ta không thể tìm thấy động lực mà làm việc, không hun đúc khí chất tự cường, không quan tâm đến tình hình đất nước và đòi hỏi một cuộc sống có nhiều cơ hội thì quốc gia này sẽ khó lòng nào thoát khỏi tình trạng trì trệ và cảnh “hoán đổi thân xác” trong nghề nghiệp và công việc tương lai của chính các công dân tội nghiệp kia. Sự bất định và bất ổn xã hội cũng chính là từ những cái “đầu gỗ” và trì độn này mà ra cả".
    Đúng. Và tôi rất thất vọng về thế hệ trẻ hôm nay.

    Trả lờiXóa
  2. Thật đau xót cho những công dân trẻ Việt Nam, đang ăn bám vào cha mẹ, người lớn...Cho dù được đào tạo chính quy bài bản 5 đến 6 năm trong các trường đại học...2 - 3 năm cao học, lấy bằng Thạc sỹ tiên sỹ. Cuối cùng phải học thêm lớp trung cấp nghề xong mới được đi làm với mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Vẫn phải trông chờ "viện trợ" của cha mẹ mới duy trì được cuộc sống tối thiểu.
    Theo tôi cần cải cách lại chương trình đào tạo đại học.
    Rút ngắn thời gian đào tạo, bỏ các môn như "Giáo sục Quốc phòng, triết học Mác lê, chính trị... Để sinh viên đi làm sớm có thu nhập nuôi bản thân giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và XH. Xét cho cùng thì kiến thức học trong trường hoàn toàn xa lạ với cuộc sống hàng ngay. Cần cho các Công dân học trong thực tế.
    Ví dụ học sinh Trường đại học Y Hà Nội 2 năm đầu học chính trị văn hoá, triết học Mác Lê, quân sự v v 4 năm sau mới bắt đầu học chuyên môn là 6 năm, ra trường vẫn không được làm việc. phải học thêm 2 năm chuyên hoa hặc 3 năm nội trú mới có cơ may tìm được việc làm. Trong khi đó Trung Quốc đào tạo Bác sỹ có 4 năm, các nước khác 5 năm, ra trường đều được trọng dụng.
    Như vậy là Công dân trẻ việt nam bị lãng phí tuổi xuân quá nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Chương trình thời sự 19 giờ thấy Nguyễn Hạnh Phúc khoe sắp họp cái quốc hội. Hạnh Phúc khoe rằng lần này sẽ truyền hình nhiều hơn, sẽ thông qua nhiều "dự án" luật quan trọng!!! Nào là luật quản lý nợ công! Nợ công đầm đìa ra rồi! Quản lý cái gì? Nào là luật chống tham nhũng! Ối giời! Luật đầy ra đấy mà bắt được mấy thằng loe ngoe! Thế thì cái gì là quan trọng? Quảng cáo thêm đi để được tự sướng!

    Trả lờiXóa
  4. Cứ coi các cuộc họp QH, họp TWĐ, họp CP thấy toàn những ông bà bệ vệ mũ cao áo dài, chức tước đầy đủ , ngồi trước bàn vi tính trong phòng lạnh . Chắc là ăn uống phủ phê, nơi chỗ nghỉ ngơi không thiếu tiện nghi nào, phương tiện đi lại bằng xe hơi đời mới, ở xa về Hà Nội đi bằng máy bay Boeing hạng sang . Tiền thuế của ND đóng tiêu pha vào việc phục vụ các quan chức đi hội họp thế này mỗi năm không biết bao chục tỉ, trăm tỉ, nghìn tỉ .
    Để rồi kết quả là gì . Nhà Dân vẫn ngập nước , ruộng đồng trắng xóa trường giang, núi lở, học trò nghỉ học, người nghèo co ro . ND được cứu trợ bằng mấy thùng mì gói . Gạo trong kho ẩm mốc chẳng thấy ai xuất cứu đói . Heo để chết hàng nghìn con còn gia súc gia cầm chưa thống kê hết . Chỉ thấy hô hào khắc phục . Các ông bà đại biểu nào ĐBQH, nào BT, nào UVTW lên xe, lên máy bay về nhà hết rồi . ND ngong ngóng chờ, quay đi quay lại chỉ thấy có mình trong biển nước mênh mông !

    Trả lờiXóa
  5. VTV liên tục đưa tin: Tệ nạn Quấy rối tình dục nơi công sở.
    QH đang khẩn cấp thông qua luật phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở. Cái luật này có cần thiết cấp bách phải ra đời đến thế không?, Trong khi luật phòng chống tội buôn người (mua bán phụ nữ trẻ em) thì không được thông qua.
    Chỉ cần không bắt buộc nữ CB viên chức mặc váy ngắn, hở hang đến cơ quan, sẽ giảm việc quấy rối tình dục nơi công sở.

    Trả lờiXóa