Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

TIẾT LỘ VỀ VỤ MẤT CẮP ẤN VÀNG Ở BẢO TÀNG LỊCH SỬ





Chuyện của một chứng nhân

Xuân Ba
Nhân đọc bài về nhà sử học Lê Văn Lan từng bị ngồi tù oan nửa năm trong Hỏa Lò… Không rõ lắm chuyện vài bạn bè, đồng nghiệp của nhà sử học Lê Văn Lan do GATO mà xúc xiểm này khác đã đẩy ông vào lòng lao lý thật hư thể nào?

Nhưng chợt nhớ năm đã lâu ( 2005) tôi có gặp một nhân chứng từng bị coi là thủ phạm chính của vụ mắt cắp ấn ở Bảo tàng lịch sử. Xin chép lại chuyện này ngõ hầu mua vui cho bạn đọc của Tễu Blog.
… Căn nhà ông Đỗ Huyến ở làng Xuân Đỉnh đã có hơn trăm lẻ mấy tuổi thuộc nhà thờ một chi họ Đỗ. Hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung (người có công trong việc sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) một thời gian dài đã ở đây cùng với ông bố. Cụ thân sinh Nguyễn Đỗ Cung là Nguyễn Đỗ Mục cùng nhóm giao du lẫn dịch thuật với cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Bà cụ thân sinh Nguyễn Đỗ Cung là chị ruột cụ thân sinh ông Huyến. Nên ông với hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung là con cô con cậu. 

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung viết thư cho bạn là Văn Tiến Dũng. 
 
Tôi có thằng em là Đỗ Phạm Huyến ở làng Xuân Đỉnh. Năm 1943, nó đã tham gia Hội truyền bá quốc ngữ. Năm 1944 tham gia hoạt động Việt Minh ngoại thành rồi sau toàn quốc kháng chiến thì ở khu 10 Phú Thọ làm công tác đoàn thể. Nhờ ông gửi nó vào Vệ quốc đoàn... 
 
Được sự giới thiệu của ông Văn Tiến Dũng, ông Huyến theo nghiệp binh đến khi giải phóng Thủ Đô. Sau khi  chuyển ngành về Bộ Văn hoá, thạo tiếng Pháp lại biết cả chữ Hán nên ông được chọn vào tổ tiếp quản nhà Viễn Đông Bác cổ. 
 
Người ta dẫn ông xuống phố Hàng Chuối, nơi có một cơ sở của Bộ Tài chính đóng. Một khu biệt thự. Dưới biệt thự là một tầng hầm. Chật cứng khoảng mờ tối ấy là những hòm gỗ, thùng sắt... Tại đây ông Huyến mới được biết đó là những vật báu của Triều đình nhà Nguyễn mà chính quyền cách mạng tiếp thu trước kia nay trên quyết định chuyển những báu vật này từ Bộ Tài chính sang nhà Viễn Đông bác cổ tức Bảo tàng lịch sử bây giờ! Nhiệm vụ của ông Huyến và một người nữa là phải tiếp nhận cụ thể từng món một. Ông không biết những hòm, những thùng nằm dưới tầng hầm ở phố Hàng Chuối này bao lâu rồi nhưng các báu vật này từng được lưu giữ ở nhiều nơi trong cuộc kháng chiến trong đó có Liên khu V. 
 
 
Khoản đầu tiên là các loại ấn. Lớn, nhỏ đều cú. Nhưng phổ biến cỡ 10 kilôgam (khi đó chưa có loại cân đặc biệt của Bộ Tài chính nên không thể đo chính xác được trọng luợng, chất lượng từng loại ấn một) loại nhỏ hơn 7 rồi 5, 3, 2 rồi 1 kilôgam. Loại ấn bằng ngọc, những bích ngọc, bạch ngọc, thanh ngọc... được phân loại đánh số riêng. Bao nhiêu ấn mỗi loại, ông Huyến không nhớ hết nhưng mỗi ông vua, mỗi một hoàng tử hoàng hậu đều có ấn cho riêng mình. Thái hậu chi bửu, Hoàng tử chi bửu rồi Hoàng hậu chi bửu vv... Các thứ kim ấn hình thù kích cỡ khác nhau nhưng ông Huyến biết tất cả đều bằng vàng. Vàng 10, vàng 9, non hơn thỡ 8,5 tuổi. Trên có luỡng long hoặc độc long để làm núm thứ thì màu nâu thứ thì nâu đen, thứ vàng choé Tất thảy mọi thứ đều được kê biên đánh số cẩn thận! 
 
Ngày nối ngày miệt mài đánh vật với những báu vật như thế ông Huyến chả dám hé răng với ai nhiệm vụ đặc biệt của mình bởi ông đã được dặn dò kỹ lưỡng từ trước! Kế đó là những đỉnh, chậu, bát, hộp… là những đồ thờ cúng trong đó có cành vàng lá ngọc. Và đặc biệt là những bộ kim sách. Việc tất tả bấn bíu nhưng ông Huyến vẫn bị ám ảnh bởi những hàng chữ nổi vuông thành sắc cạnh bằng vàng trên những tờ vàng lá nâu xỉn hoặc chói lói. Gáy của những cuốn kim sách ấy được đính lại bằng những khuyên cũng bằng vàng. Gia phả hoàng tộc. Những lời giáo huấn của vua. Đôi khi một bài thơ cổ hoặc thơ của người trong hoàng tộc... 

Hơn một tháng đẵng đẵng bên những hòm châu báu như thế để tới cái ngày kiểm đếm, bàn giao xong giữa hai bên. Những thùng báu vật được lặng lẽ chở đến một cái kho của Bảo tàng lịch sử.

Đúng vào dịp Quốc khánh năm 1961, trên có quyết định trưng bày không phải tất cả mà một số đồ báu vật để nhân dân lao động Thủ đô và miền Bắc CNXH với chủ ý, qua những hiện vật này mà phần nào thấy được sự xa xỉ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn nói riêng cũng như giai cấp thống trị bóc lột nói chung!

Có lẽ bây giờ trong tâm trí nhiều người vẫn còn lưu lại cuộc triển lãm độc đáo đó tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Nhưng ngoài những người trong cuộc không ai có thể biết được một sự cố khủng khiếp đó xảy ra!

Tại gian trưng bày, một sớm thu, người phát hiện ra một cái ấn vàng mà ông Huyến nghe nói là của Nam Phương Hoàng hậu đã không cánh mà bay!

Ông Huyến lúc này lại là người phụ trách phòng kiểm kê bảo quản của Bảo tàng lịch sử Việt Nam!

Mặc cho những sự trần tình này khác nhưng ông vẫn bị tống thẳng vào Hỏa Lò.

Phải thuộc cỡ trọng tội nên chỗ giam ông chính là gian cấm cố ông Hoàng Văn Thụ năm xưa. 
 
Ba tháng nằm trong xà lim tối. Luôn cả ba tháng như thế, bất chợt nửa đêm có khi về sáng hay giữa trưa ông Huyến đều bất thần được gọi đi cung. Ngoài những cuộc gọi hỏi liên miên, người ta còn cho mời những đồng chí công an gác cổng một số Sứ quán nước ngoài tại Hà Nội đến để nhận mặt ông với hy vọng mong manh biết đâu họ chợt có lần nào đó thấy ông Huyến đem cái ấn ấy bán cho người nước ngoài!?

Ba tháng xà lim tối rồi tám tháng ở xà lim sáng. Mười một tháng nằm xà lim cả thảy. Rồi ông được chuyển sang chế độ giam thường.

Ông Huyến đếm tính từng ngày trong Hoả Lò. Vậy là đã 23 tháng...

Một sáng nọ người ta nhã nhặn mời ông về... nhà mình! Thì ra người ta đó tóm được kẻ ăn cắp chiếc ấn!

Gian trưng bày triển lãm báu vật, cửa giả tuềnh toàng nên ban đêm chúng mò mũ vào dễ dàng. Có chủ đích ăn cắp ấn đâu mà định khoắng thứ khác nhưng chả có đành thử quơ đại một cái ấn nặng chịch mà chẳng biết nó là thứ chi!

May mà chỉ một cái...

Thời gian trong tù, ông Huyến không biết một vụ trộm thứ hai đã xảy ra cũng tại gian trưng bày sau vụ thứ nhất hơn nửa năm.

Số là sau khi ẵm cái cục nặng chịch hình thù quái gở ấy, bọn trộm trém cho nó một nhát. Rồi nhiều nhát búa khác, Và mang một mảnh đem đi thử!

Trời đất ơi, vàng! Vàng thật! Đợi một thời gian thấy êm êm bởi các nhà chức trách đã tóm được thủ phạm chính là ông Huyến và đã giam cứng trong Hoả Lò! Mà chắc chả có hướng điều tra nào khác nên chúng táo tợn mò vào một lần nữa.

Hoà trong dòng người tham quan, một thằng đợi đến khi đóng cửa, tót lên máng nước ém ở đấy. Đợi đến đêm thì ra tay. Chắc đợi lâu quá nên hắn thoải mái như ở nhà bèn làm ngay một bãi gần chỗ núp trước khi ẵm một cái ấn khác.

Sáng hôm sau người nhà Bảo tàng hoảng tam tinh khi phát hiện vụ trộm. Chả lẽ ông Huyến từ Hỏa Lũ độn thổ ra để thực thi vụ này? Nhưng chả khó khăn gì, người ta phát giác ra bãi phân khốn kiếp của thằng trộm kia...

Chết cho hắn là mảnh giấy chùi đít là một lá thư! Lá thư? Chứ sao, thư của một người nhà ở quê gửi cho hắn. Bên an ninh, tài thế, đã tìm được cái địa chỉ từ mảnh giấy nhoè nhoẹt bẩn thỉu ấy! Thằng cầm đầu cũng như đồng bọn bị tóm.

… Ông Huyến có kể lại cái đoạn sau khi ra tù được ông Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Minh Giám thân mời lên, pha trà cho uống động viên an ủi này khác. Rồi ông Huyến được phục chức trưởng phòng, giữ nguyên Đảng tịch. Tiền lương ông được truy lĩnh nhưng oái oăm phải trừ vào số tiền cơm tù 23 tháng trong Hoả Lò!? Bây giờ ông Huyến nhớ lại đâu như mười mấy đồng một tháng...

Ngó cái xương bả vai của ông khó nhọc lên xuống theo nhịp thở, tôi tưởng như nỗi nhọc nhằn của ông vào cái thời điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội được trao nhiệm vụ đưa những báu vật ấy từ Bảo tàng lịch sử sơ tán lên Việt Bắc. Trước khi đi lại phải kiểm kê lại bàn giao. Khi yên hàn đưa chúng về Hà Nội cũng thế. Việc trông coi bảo vệ đã có anh em bộ đội nhưng ông phải có trách nhiệm ở lỳ tại đó cùng với họ. Năm 1979, chiến sự biên giới phía Bắc, ông lại phải tháp tùng lũ báu vật ấy từ Bảo tàng lịch sử trên một toa tàu đặc biệt để chuyển vào phía Nam ngộ nhỡ ngoài này xảy ra sự gì!

Bình Trị Thiên khu Năm ra Hà Nội. Hà Nội Thái Nguyên. Thái Nguyên Hà Nội. Hà Nội thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố HCM- Hà Nội.

Những hòm báu vật gập gềnh bất trắc dằng dặc trên đường thiên lý ấy cấm có suy suyển đi tẹo nào cho đến khi ông Huyến về hưu năm 1992.

3 nhận xét :

  1. Cũng may cho ông Huyến, công an thời đó không muốn ông Huyến "tự tử" nên ông vẫn sống để được "minh oan". Nhưng cũng lạ ở chỗ, 23 tháng ở tù của ông Huyến không những không được đền bù mà những bữa "cơm tù" ông Huyến cũng phải chi trả. Đúng là chế độ ưu việt nhât hành tinh.

    Trả lờiXóa
  2. Ôi, những món cổ vật quốc bảo ấy, không biết giờ này chúng vẫn còn trong nước hay đã bị cho 'xuất cảnh' hết rồi? Sao bấy lâu nay chưa thấy nhà nước cho trưng bày để công chúng thưởng lãm nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Bây giờ tôi tin chắc còn khoảng 1/3

    Trả lờiXóa