Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Luân Lê: NHỮNG HỌC THUYẾT BỊ PHÁ VỠ


Luân Lê
06.07.2017

NHỮNG HỌC THUYẾT BỊ PHÁ VỠ

Chúng ta đọc các bản Hiến pháp trên thế giới thì thấy nảy lòi ra ba quốc gia đó là Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên là quy định trong Hiến pháp vị trí lãnh đạo độc tôn nhưng toàn diện nhà nước và xã hội đối với đảng cộng sản.


Nếu xét về chính thể và cách thức tổ chức quyền lực nhà nước thì mọi học thuyết chỉ nêu ra thể chế cho "một nhà nước", tức gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp là ba nhánh quyền lực cấu tạo nên một nhà nước. Và những quốc gia đó chỉ có một nhà nước đơn nhất mà không còn bất kỳ thiết chế hay tổ chức nào được phép trao quyền lực để cấu tạo nên chính quyền.

Nên nếu quy định đảng lãnh đạo nhà nước có nghĩa là phát sinh thêm một tổ chức quyền lực mới, nằm ngoài nhà nước nhưng lại có quyền quyết định đến mọi hoạt động nhà nước. Nó đi ngược lại và hoàn toàn là một quy định tạo thêm "một nhà nước thứ hai" song hành cùng một nhà nước mà ta gọi là chính quyền. Đây chính là thứ gây ra sự chồng chéo, rối rắm, xung đột, phá vỡ cơ cấu quyền lực của nhà nước, vì một tổ chức không phải là bất cứ thiết chế nào thuộc về bộ máy nhà nước lại được trao quyền lực để thiết lập, kiểm soát nhà nước. Vậy có phải ba nhánh quyền lực tạo nên chính quyền đã trở nên thừa thãi hay không khi cần một tổ chức khác đứng trên (hoặc ngoài) lãnh đạo?

Điều gì sẽ xảy ra khi bản thân quyền lực được gói gọn trong ba nhánh quyền lực thì nay lại thêm một tổ chức có quyền lực quyết định đến sự tồn tại và vận hành ba nhánh quyền lực kia? Vốn dĩ một nhà nước hoạt động trơn tru và cấu tạo nên chỉ bởi ba thiết chế gồm quốc hội (nghị viện), chính phủ (nội các) và hệ thống xét xử (tư pháp). Nay thêm một bộ phận thứ tư có khả năng và thẩm quyền quyết định đến cách thức tổ chức hệ thống nhà nước, nội dung Hiến pháp và tự cho mình vị trí lãnh đạo nhà nước đó, thì có nghĩa "nhà nước" đã không phải là một tổ chức độc lập và có khả năng vận hành để quản lý và điều hành một đất nước. Vậy có cần thiết phải có nhà nước khi đảng đã lãnh đạo và mọi vấn đề được quyết định bởi đảng? Điều gì xảy ra khi không có cơ chế để kiện đảng? Không có cơ chế để kiểm soát quyền lực lãnh đạo của đảng vì không có pháp luật điều chỉnh bằng cách thiết lập toà án bảo hiến độc lập với đảng phái?

Muốn có toà bảo hiến độc lập với đảng cộng sản, thì quốc hội lập nên toà bảo hiến phải độc lập khỏi đảng, hoặc người dân trực tiếp bầu ra các thẩm phán này thông qua một uỷ ban quốc gia độc lập. Khi có sự hiện diện toà án này trong hệ thống tư pháp thì chắc chắn việc lãnh đạo của đảng cộng sản (mặc dù là độc tôn) cũng sẽ không còn là vấn đề quá đáng ngại nữa.

Khế ước xã hội (J.J Rousseau), là một khế ước mà người dân thông qua đó trao chính quyền cho nhà nước, chứ không trao cho đảng phái nào nắm quyền lực nhà nước. Tinh thần pháp luật (Montesquieu), nêu rõ về việc phân loại quyền lực nhà nước thành ba nhánh mà Mỹ là một thể chế điển hình cho học thuyết này. Cuốn Cộng hoà của Plato chính là khởi đầu của một nền cộng hoà mô tả về học thuyết chính quyền mà ở đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, người dân bầu trực tiếp ra chính quyền thành bang (tuy nhiên nô lệ và phụ nữ chưa được bầu cử lúc này). Cho đến khi có chủ nghĩa cộng sản, một học thuyết về mô hình nhà nước, thì nó phá vỡ các học thuyết chính trị kinh điển và thông thường khi khẳng định vị trí độc tôn của đảng cộng sản trong việc tạo lập và duy trì mô hình nhà nước theo thuyết hình thái xã hội chủ nghĩa. Nó khiến nhà nước không còn là nhà nước nguyên nghĩa khi chắp thêm một nhánh quyền lực thứ tư mang tính siêu quyền lực khi có toàn quyền lãnh đạo nhà nước. Ba sợi dây quyền lực được tóm chặt vào một bàn tay và không ai có thể kiện hay phủ quyết sự tồn tại của bàn tay này (không có bất cứ cơ chế nào để thiết lập đảng đối lập, cơ chế thay thế đảng và có thể phủ quyết đảng).

Điều gì đã xảy ra trong những nhà nước mà đảng được độc tôn lãnh đạo nhà nước và xã hội mà bản thân nó không có một cơ chế để giám sát và kiềm chế nó? Không có đảng thứ hai để thực hiện điều đó, cũng không có cơ quan xét xử nào để xét xử được nó và những sự lãnh đạo của nó. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một người/nhóm người có thể đứng lên trên tất cả dẫn dắt theo ý mình?

Đảng và nhà nước, học thuyết chính trị và nhà nước nào có thể nguyên nghĩa khi đứng trước sự lồng ghép vị trí của đảng trong vai trò dẫn dắt nhà nước? Cách tổ chức và vận hành nhà nước cũng như chính quyền sẽ bị phá vỡ hoàn toàn bởi việc có thêm sự lãnh đạo từ một tổ chức nằm ngoài các thiết chế thuộc về nhà nước.

Đó là tư duy sai lầm nghiêm trọng về học thuyết chính trị buộc lòng phải nhận ra để sửa chữa. Nếu không mọi cái lồng quyền lực đều trở nên thừa thãi vì nó không có điểm tựa để đứng vững trước nhóm người có quyền lãnh đạo nhà nước và quốc gia kia.

2 nhận xét :

  1. Thì một bên là cái biệt thự xây tử tế, một bên là cái biệt phủ khủng dán bằng hàng mã thì nó phải vậy thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Khế ước xã hội (J.J Rousseau), là một khế ước mà người dân thông qua đó trao chính quyền cho nhà nước, chứ không trao cho đảng phái nào nắm quyền lực nhà nước
    (luật sư Lê Văn Luân)
    *
    Thì thế! Karl Marx, Lenine mới bảo tư bản nó đang giãy chết! Cúng vái khắp nơi mà nó chỉ giãy thôi! Mỗi lần nó "giãy" xong nó lại khỏe như voi (con voi Cộng Hòa)! Bây giờ lại không muốn nó "giãy" nữa, ngộ nhỡ nó lại khỏe nữa thì buồn lắm! Nhỉ!

    Trả lờiXóa