Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Vụ Đồng Tâm: NHỮNG VẤN ĐỀ MÀ THANH TRA HÀ NỘI PHẢI LÀM RÕ


Vụ Đồng Tâm: TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH PHỦ - BỘ QUỐC PHÒNG - UBND TP HÀ NỘI & UBND HUYỆN MỸ ĐỨC

Nguyễn Đăng Quang 


Ngày 20/6/2017 tới đây, Tp. Hà Nội phải công bố kết luận (kết quả) thanh tra như đã cam kết. Sau đây là các vấn đề mà Thanh tra Thành phố Hà Nội không thể không làm rõ:

1/. Trách nhiệm của Chính phủ: 

Năm 1980, Chính phủ thu hồi 208 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) và 3 xã lân cận thuộc huyện Chương Mỹ giao cho BQP để mở rộng sân bay Miếu Môn. Nhưng do BQP thẩm định kém nên kế hoạch mở rộng sân bay bị hủy bỏ, không thực hiện được. Việc mang một khối tài sản lớn của dân giao cho BQP rồi để hoang hóa suốt 37 năm qua, không đưa vào sử dụng, là đúng hay sai? Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu? Trong khi đó, theo luật Đất đai, mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình được nhà nước giao đất sau 1 đến 2 năm mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích đều bị thu hồi tức thì! Việc Chính phủ không thu hồi lại 208 ha đất này cũng như BQP không trả lại diện tích đất trên cho dân là có vi phạm Luật Đất đai 2013 hay không? Liệu Thanh tra Hà Nội có “thượng tôn pháp luật”, có dám kết luận theo đúng chức năng, thẩm quyền không, hay lại tìm cách đá quả bóng này lên Thanh tra Chính phủ?

2/. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng:

Sau khi không thể mở rộng sân bay Miếu Môn, đáng nhẽ BQP phải báo cáo Chính phủ để trả lại 208 ha đất cho dân. Nhưng BQP đã không làm thế, cứ “ôm” số đất này rồi để hoang phí suốt mấy chục năm qua, gần đây lại chuyển giao lòng vòng trong nội bộ quân đội dùng vào nhiều mục đích khác nhau, kể cả việc làm nơi đóng quân và làm kinh tế, trái với mục đích khi được Chính phủ giao đất. Việc không sử dụng và chuyển giao lòng vòng này rõ ràng là vi phạm Luật Đất đai 2013. Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng Tham mưu (chứ không phải BQP) ra quyết định thu hồi 50,03 ha trong số 208 ha để giao cho Quân chủng PK-KQ, và đơn vị này lại giao cho Tập đoàn Viettel làm cái gọi là “Công trình A1”. Việc BTTM quyết định thu hồi 50,03ha đất và giao cho Quân chủng PK-KQ rồi đơn vị này giao cho Viettel là có đúng với quy định của pháp luật? Nếu A1 là công trình quốc phòng thì BQP phải báo cáo Chính phủ ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rồi sau đó phải giao cho Binh chủng Thông tin-Liên lạc chứ không thể giao cho Viettel là doanh nghiệp làm kinh tế, dù cho Viettel là Tập đoàn thuộc BQP! Rõ ràng đây là dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai 2013. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho việc tranh chấp đất đai bùng phát trầm trọng trong mấy năm qua ở địa phương này.

3/. Trách nhiệm của Thành phố Hà Nội:

Năm 2014, UBND Thành phố Hà Nội tiến hành đo đạc lại và thấy diện tích là 236,7 ha chứ không phải là 208 ha, như vậy BQP nhận dôi ra 28,7ha! Việc UBND Thành phố Hà Nội không thu hồi diện tích đất dôi ra này để trả lại cho dân Đồng Tâm vốn là chủ sử dụng trước đây, là sai trái và vi phạm Luật Đất đai 2013! Việc quản lý và sử dụng 28,7 ha đất này như thế nào, đã để lại hậu quả ra sao, có vi phạm Luật Đất đai không, ai chịu trách nhiệm,… là những vấn đề Thành phố Hà Nội phải làm rõ trước công luận. Đây là những khúc mắc mà Thanh tra Thành phố Hà Nội phải kết luận rõ ràng, không thể lẩn tránh! Vấn đề mấu chốt nữa là Thành phố Hà Nội phải rạch ròi, chỉ rõ đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp! Đại diện người dân Đồng Tâm đã vạch rõ trong buổi đối thoại với Chủ tịch Hà Nội chiều 22/4/2017, trên cánh đồng Sênh của xã Đồng Tâm có 47,36 ha đất nằm trong số 208 ha mà Chính phủ đã thu hồi năm 1980. Việc Tập đoàn Viettel sử dụng trong phạm vi 47,36 ha đất “được giao” thì không sao, nhưng cớ sao Viettel lại lấn chiếm sử dụng 59 ha nữa vốn là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm đã sản xuất ổn định từ những 1950’s đến nay mà không hề chưng ra một văn bản nào minh chứng đó là đất quốc phòng? Đây chính là nguyên nhân tranh chấp không hồi kết giữa người dân Đồng Tâm và Tập đoàn Viettel mấy năm qua. Hai việc nổi cộm này (tức 28,7 ha đất dôi ra và 59 ha đất lấn chiếm), Hà Nội sẽ đưa ra kết luận như thế nào đây?

4/. Trách nhiệm của UBND huyện Mỹ Đức:

Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức đã buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai ở xã Đồng Tâm, làm cho tình trạng lấn chiếm và việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị và ổn định xã hội ở địa phương, đã và đang để lại hậu quả không nhỏ! Thậm chí, UBND xã còn làm thủ tục “biến” đất quốc phòng thành đất thổ cư để trục lợi! Do việc vi phạm luật pháp và kỷ luật trong lĩnh vực này, đến nay Huyện Mỹ Đức đã có 8 đảng viên bị khai trừ, 1 bị cách chức, 5 bị cảnh cáo và 5 bị khiển trách! Đây là một kết quả đau lòng đối với đảng bộ và chính quyền ở đây. Sự việc thôn Hoành ở Đồng Tâm vừa qua buộc phải “rào làng chiến đấu” ngay trong thời bình, trước ngõ Thủ đô, không phải để chống giặc ngoại xâm mà là để chống giặc nội xâm, là việc làm bất đắc dĩ, một cái đau cho đất nước ta lúc này! Sự việc này có tác động xấu không chỉ trước dư luận toàn quốc, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh nước ta trước con mắt của dư luận và bạn bè quốc tế nữa! Hậu quả và trách nhiệm này chủ yếu thuộc về Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức. Đây là vấn đề không chỉ lãnh đạo huyện Mỹ Đức phải giải trình trước nhân dân, mà đây cũng là vấn đề Thanh tra Tp. Hà Nội phải làm rõ trong kết luận của mình!

Trên là những vấn đề nhức nhối ở Đồng Tâm mà Hà Nội phải làm rõ trong kết luận thanh tra của mình. 


2 nhận xét :

  1. Nguyên nhân của rất nhiều nguyên nhân ở VN là gì?
    70% vấn nạn lợi ích nhóm phá hoại nền kinh tế VN là ở điều 229 Luật hình sự "vi phạm quản lý đất đai". GSTS Trần Văn Thọ nói "đất nước mà chỉ thích phân lô bán nền thích làm món lqđ đất đai thì sẽ không bao giờ có nền công nghiệp nông nghiệp sx của cải vật chất tạo việc làm tạo giá trị mới GTGT, mà chỉ tạo giá cả gia tăng thôi!".
    Nếu thực thi luật pháp để khắc phục điều này không ra gì, vẫn như xưa, thì chả có gì thay đổi. Đừng ước mơ hảo huyền 4.0!

    Trả lờiXóa
  2. Không biết tình hình sức khỏe Cụ Kình hiện ra sao rồi??? kính mong cụ sức khỏe tốt, sớm bình phục và bình an!!!

    Trả lờiXóa