Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống. Ảnh: FB Nguyễn Đình Cống.
Nguyễn Đình Cống
08.06.2017
HỎI ĐÁP VỚI BẠN TRẺ
Tôi dùng đề mục này để giới thiệu với các bạn một số vấn đề mà tôi đã từng trao đổi với con cháu và học trò. Đầy đủ là : TRAO ĐỔI GIỮA CHA CON, ÔNG CHÁU, THẦY TRÒ, VỚI BẠN TRẺ. nhưng rút gọn thành 5 chữ như trên , trình bày dưới dạng các câu hỏi và trả lời.
Tôi đã làm nghề dạy học gần 60 năm, nhiều bạn trẻ tuy chưa trực tiếp học với tôi nhưng vui vẻ gọi tôi là thầy. Vì vậy trong các câu hỏi tôi để các bạn gọi là thầy với tình cảm quý trọng và thân mật. Tôi sẽ vui mừng khi những câu trả lời này giúp ích hoặc gợi mở cho các bạn suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Sẽ vui mừng hơn khi nhận được những lời phản biện, vạch ra những điều mà các bạn không tán thành, cho là không phù hợp để tôi suy nghĩ tiếp.
Đề mục sẽ được kéo dài trong nhiều kỳ.
Hỏi 1 : Thầy có biết các câu Mác trả lời con gái, thầy nghĩ gì về các câu đó ?
Trả lời (TL) - Tôi có biết . Con gái hỏi Mác sự đánh giá về một số điều, đó là đức tính con người nói chung, của đàn ông, của đàn bà, đặc điểm của Mác và quan niệm về hạnh phúc, về tính xấu và người bị ghét, về những điều yêu thích như vị anh hùng, nhân vật nữ, cái tên, món ăn, thứ hoa, màu sắc, câu cách ngôn, câu châm ngôn . Hồi trẻ tôi còn say sưa thảo luận và học tâp, lúc đó thấy câu nào cũng hay, cũng đúng và ca ngợi những lời bình. Đến bây giờ, già rồi, nghĩ lại thấy cũng có thể tạm đồng ý một vài điều, ví dụ như đức tính được quý nhất là giản dị, món ăn yêu thich là cá v.v… còn phần lớn chỉ là chuyện tầm phào và những lời bình về các câu trả lời chủ yếu là bồi bút, nhằm tâng bốc những điều tầm thường. Đặc biệt câu trả lời : hạnh phúc là đấu tranh, mà chủ yếu là đấu tranh giai cấp, đấu tranh với người khác thì không phù hợp. Trong một thời kỳ nào đó có thể Mác thấy được đấu tranh là hạnh phúc. Chúng ta tôn trọng ý kiến của ông, nhưng tôi không phù họa theo ông.
Nhớ vào năm 1972, hồi tôi làm NCS ở Liên xô, trên tờ báo tường của sinh viên có cuộc thảo luận : Bạn cho như thế nào là hạnh phúc. Các câu trả lời của SV Nga đại loại : Thi lại thoát được môn sức bền vật liệu; hẹn gặp được người yêu; về nhà để mẹ cho ăn một bữa ngon và no v.v…, trong khi đó câu trả lời của một sinh viên người Việt Nam : hạnh phúc là đấu tranh. Đúng là một con vẹt cỡ bự.
Mác cho rằng “Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của nhân loại”. Đó là một kết luận vội vã, vô cùng sai lầm, càng ngày càng thấy rõ sai lầm và tác hại của nó. Mác cổ vũ giai cấp vô sản đấu tranh, nhưng ông chỉ giỏi đấu tranh bằng ngòi bút, chưa bao giờ nghe nói đến Mác chỉ đạo hoặc tham dự các cuộc đấu tranh hoặc biểu tình. Năm 1871, khi cách mạng vô sản nổ ra ở Paris, ông ung dung ở Luân Đôn.
Nhiều người vì tham lam một thứ gì đó mà lôi kéo hàng trăm triệu người vào cuộc đấu tranh giai cấp, mang lại nhiều thảm họa cho nhân loại. Những người theo Mác tích cực đấu tranh cách mạng, kịch liệt chống đối đường lối hòa bình, cho như thế là cải lương, là xét lại. Nhưng thực tế chứng tỏ đường lối hòa bình hiệu quả hơn nhiều. Đấu tranh giai cấp theo kiểu của Mác là tội ác.
Hỏi 2- Thầy không tán thành câu trả lời của Mác, vậy thế nào là hạnh phúc.
Trả lời: Về hạnh phúc đã có nhiều sách, nhiều bài bàn đến. Hạnh phúc là mong muốn của toàn nhân loại. Hạnh phúc là nói một cách văn hoa, còn nói theo dân gian là Sung Sướng. Theo tôi, hạnh phúc là tình trạng được thỏa mãn nhu cầu, là đạt được điều mong muốn. Hạnh phúc, chủ yếu là trạng thái tâm lý, trạng thái tinh thần .Ăn ngon được nhiều người cho là sướng, nhưng được ăn uống những món cao lương mỹ vị mà trong lòng đầy lo âu, đầy thù hận thì không sướng bằng ăn củ khoai khi đói, trong cảnh vui vẻ, đầm ấm, không sướng bằng được uống một ngụm nước khi đã chịu khát nhiều giờ. Hạnh phúc, chủ yếu là sự cảm nhận bằng tinh thần. Mình đang nghèo đói, đang mong kiếm được tiền để thoát nghèo, vậy kiếm được tiền là hạnh phúc. Nhưng nhiều người có nhiều tiền mà chẳng thấy hạnh phúc vì họ muốn có sức khỏe, muốn có tình yêu mà chưa có.
Vậy để có hạnh phúc trước hết cần có mong ước, có nhu cầu. Mong ước bình thường thì dễ đạt được, nhưng hạnh phúc chỉ vừa phải. Mong ước càng cao, càng khó đạt, nhưng khi đạt được thì hạnh phúc càng lớn. Đó cũng chỉ là trạng thái tinh thần.
Mong ước của người ta có nhiều loại khác nhau. Về mặt tác dụng có thể tạm chia làm hai : Thiện và bất thiện. Mong ước thiện khi mà nó mang lại sung sướng cho mình đồng thời cho nhiều người khác, ít nhất cũng không làm hại đến ai. Mong ước bất thiện khi, trong lúc làm cho mình sường thì có người bị khổ, bị thiệt vì chuyện đó. Khi số người bị thiệt càng nhiều, sự thiệt hại càng nặng thì sự bất thiện càng lớn. Như thế, có cái sướng thiện và bất thiện. Vậy Hạnh phúc là sung sướng lương thiện, là sự thỏa mã nhu cầu có tính Thiện. Còn sự thỏa mãn nhu cầu có tính bất thiện thí có lẽ chỉ xem là sự sung sướng dã man, độc ác chứ không phải là hạnh phúc chân chính.
Đấu tranh là nói chung, còn có cạnh tranh, tranh giành, tranh đoạt, tranh cướp v.v…Người ta tranh giành đủ thứ : tiền bạc, địa vị, chức tước, quyền lực, ngôi vị, tình cảm…Tranh giành nhau, đấu tranh với nhau, người ta tưởng nhầm đó là động lực của phát triển. Nhầm to. Tranh giành là một nhu cầu của nhân loại, nhưng đó là nhu cầu thấp hèn. Có nhiều tội ác phát sinh từ sự tranh giành. Điều vô cùng quan trọng đã được nói từ lâu và bây giờ vẫn rất đúng là biết tự đấu tranh và chiến thắng bản thân, vượt lên bản thân, chứ không phải tranh giành để thắng được người khác. Có một định nghĩa về Anh Hùng như sau : Tự biết rõ mình là Anh, tự thắng được mình là Hùng.
Để thể hiện mong ước người ta thường viết, xin hoặc mua CHỮ để thờ hoặc trang trí. Những chữ thường gặp như ; Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, Đức, Hiếu, Đạo, Nhẫn, Thành, Hòa v.v…, viết bằng chữ Hán hoặc Nôm, dùng thư pháp. Tôi nói đùa rằng, ai đến xin chữ, tôi sẽ viết cho một chữ: S , hoặc 2 chữ : SS. Đó là viết tắt chữ Sướng, hoặc Sung Sướng, thể hiện thực chất mong ước của mọi người.
( còn tiếp- tôi dự định viết trên 100 vấn đề, công bố dần dần)
Hay, cám ơn GS Nguyễn Đình Cống
Trả lờiXóaKhông biết Thầy còn nhớ, năm 1979 thi vấn đáp môn kết cấu bê tông Thầy bước vào phòng học (lúc ấy trường ở Hương Canh) nhìn thấy 3 bao thuôc lá Xương Giang để trên bàn Thầy lấy mũ bê re đang đội úp lên trên, mọi người sợ khiếp vía không hiểu thế nào. Thế rồi khi thi xong thầy mở ra bóc chia cho mỗi đứa sinh viên 1 điếu bấy giờ mọi người mới thở phào. Còn nhớ khi lên lớp Thầy hay kể cho sinh viên nghe về câu chuyện về 3 con chim và có 1 con được bầu làm làm tổ trưởng không biết Thầy có còn nhớ không?
Trả lờiXóaĐây mới là Giáo sư Tiến sĩ chính hiệu! Bài viết rất hay, ai cũng có thể hiểu Đc. Mong được đọc hết.
Trả lờiXóa