Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Quan hệ Việt - Mỹ: CẶP ĐÔI CÓ KẺ THỨ BA LUÔN ĐỨNG SAU

Ngoại trưởng Rex Tillerson và Phó Thủ tuớngNgoại trưởng Phạm Bình Mình tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.

Quan hệ Việt - Mỹ: MỘT LẦN VÀ MÃI MÃI
 

Đinh Hoàng Thắng

Hướng đến “cây số 42” trên “đại lộ Hòa Bình” không thể không nhắc tới câu chuyện do bỉnh bút Nayan Chanda kể lại. Ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn, khi “bên thắng cuộc” cắm lá cờ Mặt Trận lên tiền sảnh các cơ quan đại diện nước ngoài, thì riêng trước khu vực Đại sứ quán Hoa Kỳ lừng lững như một pháo đài vẫn không hề có sắc cờ nào từ lực lượng quân quản tung bay. Được hỏi về nguyên nhân ngoại lệ ấy, một quan chức ở Hà Nội quả quyết với Nayan rằng: “Người Mỹ sẽ sớm quay trở lại!”


Bài 2: Nhân tố thứ ba trong bang giao Việt—Mỹ

Lịch sử đang lặp lại cái vòng tròn định mệnh ấy. Đọc “Địa-chính trị trong chiến tranh Việt Nam” của James Burnham, chuyên gia phân tích từ Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), càng thấm thía điều này. Burnham từng coi chiến tranh Việt Nam là một phần của cuộc tranh hùng để giành quyền kiểm soát Đông Nam Á và chiếm thế thượng phong tại Tây Thái Bình Dương. Trong một bài viết ngày 20/11/1964, ông nhận xét: “Cuộc chiến tại Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, vấn đề cục bộ. Đó là một trận chiến quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, Tây Thái Bình Dương và Biển Đông”.

Hơn nửa thế kỷ sau, Biển Đông lại dậy sóng. Nhưng lần này, “các vai diễn” đã thay đổi. Trung Quốc từ chỗ “chống lưng” cho Việt Nam (trong kháng chiến) cũng là để mượn đường xuống Đông Nam Á, nay vẫn kiên định mục tiêu bá quyền ấy, nhưng đã bước lên vũ đài trong một tư thế mới. Với “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc quyết vượt đại dương để “ăn thua” với Hoa Kỳ. Điều trớ trêu là Việt Nam luôn nằm trên con đường hành tiến của người Trung Quốc. Nói bang giao Việt—Mỹ là quan trọng, nhưng nó luôn quan trọng vì hàng loạt nhân tố thứ ba là nhìn nhận từ cái lăng kính địa—chính trị khắc nghiệt ấy.

Hôn nhân vì lẽ phải

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ cùng các “bên thứ ba” như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc châu và Âu châu để đẩy mạnh hợp tác phát triển, đồng thời tăng thêm khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung là lẽ bình thường.

Việc chính quyền của Tổng thống Trump đang trong giai đoạn định hình chính sách mà đã có các cam kết đối với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung trong những ngày tháng Tư này là có ý nghĩa. Điều này thể hiện sự điều chỉnh mang tầm tính chiến lược trong chính sách đối ngoại của Trump so với các tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử.

Nhưng đây mới chỉ là những điều chỉnh bước đầu của phía Mỹ, những cơ hội có thể tranh thủ được để phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển đất nước, phần còn lại tùy thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và tận dụng mọi khả năng cả bên ngoài lẫn bên trong, tạo cho được sức bật mới ngay trong những năm trước mắt.

Muốn vượt qua được những khó khăn thử thách rất lớn trong thời gian tới, cũng như tranh thủ tốt những cơ hội mới, chúng ta không thể không đổi mới một cách sâu sắc và triệt để các thể chế hiện hành vốn là những nhân tố không chỉ cản trở sự phát triển, mà còn tạo ra nhiều tiêu cực trong kinh tế và xã hội.

Một yếu tố bất định khác, đó là những diễn biến trên chính trường quốc tế thời gian gần đây vẫn chưa cho phép chúng ta nhận dạng được một cách rõ ràng các mối tương quan giữa các nước lớn hiện nay và trong tương lai gần. Trước đây nhiều người cho rằng Trump sẽ hòa hoãn với Putin để nắn gân Tập Cận Bình, gây sức ép mạnh với Trung Quốc.

Nhưng chỉ sau hai ngày tại Mar-a-Lago với cảnh cháu ngoại Trump hát dân ca bằng tiếng Quan Thoại cho Tập Chủ tịch và Bành phu nhân thưởng thức thì không ai biết chắc được các “mối tình tay ba” ấy sắp tới sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. “Tuần trăng mật” giữa Philippines và Trung Quốc kết thúc sớm hơn dự kiến càng cho ta thêm những bài học đắt giá.

Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để có thể xây dựng một chính sách đối ngoại phù hợp hơn, nhất quán hơn trong việc tranh thủ tối đa những vận hội mới để đẩy nhanh quá trình hội nhập, tăng năng lực phát triển đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Cơ hội thúc đẩy bang giao

Trong lần điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Trump quan tâm đến các mối bang giao Trung—Việt. Điều này có thể cho ta cơ hội nhưng cũng có thể tác động ngược lại, tùy theo tính tự cường của ta cao hay thấp, dài hay ngắn. Trong thư gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donalp Trump bày tỏ ý muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ—Việt, hy vọng về các mối liên hệ song phương sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Hãy nhớ rằng, khi ông Trump thông báo cho Tập Cận Bình ngay trên bàn tiệc về việc Mỹ tấn công Syria là một mũi tên nhằm tới nhiều đích. Lấy lý do quân đội chính phủ Syria đàn áp dân thường bằng vũ khí hóa học để thực hiện đòn trừng phạt có thể đã bao hàm cả những lời cảnh báo.

Trong khi đó ở Việt Nam, bạo lực và phản ứng của người dân từ Tiên Lãng, Formosa chưa lắng xuống thì những “ngòi nổ” từ Đồng Tâm, Dương Nội và nhiều nơi khác lại bốc cháy. Chiến tranh đã lùi xa mà sao bạo lực vẫn chưa chấm dứt, xung đột giữa cơ quan công quyền, các nhóm lợi ích với người dân vẫn xẩy ra khá phổ biến và có nguy cơ lan rộng. Việc cần làm ngay là phải tháo gấp ngòi nổ từ các “quả bom dân sự” ấy từ trong nước.

Bất cứ một hình ảnh gây sốc nào trong thời buổi hiện nay đều rất dễ sinh ra phản ứng dây chuyền, gây những tác động rất tiêu cực, làm cho quốc tế có thể quay lưng lại với Việt Nam. Nước Mỹ thời Trump lên ngôi, như nhiều chỉ dấu đã và đang cho thấy, khác hẳn nước Mỹ thời Clinton và Obama.

Lịch sử sẽ còn phải nhắc lại chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam trước khi ông ấy kết thúc 8 năm điều hành nước Mỹ. Nhắc lại không chỉ vì ông là vị Tổng thống đầu tiên sinh ra trong hòa bình, cái chính là do những lời tạm biệt “gan ruột” của ông ấy.

Trước khi chia tay, Obama muốn trao cho Việt Nam một hẹn ước như khi Kim Trọng trao kỷ vật cho người tình, để làm tin, một cách đằm thắm và vượt lên trên mọi xúc cảm chính trị...

Nhưng cuộc tình “Mỹ—Việt” nay mai có thành hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào một mình Kim Trọng. Chỉ lo những lời “thệ hải minh sơn” ấy, vì lẽ gì đấy, rồi lại đâm ra dang dở! Cầu mong con tàu Việt—Mỹ đừng trật đường ray một lần nữa, bằng không lời chia tay của ông hóa thành điềm báo trước vận xui.

Đang loay hoay để kết thúc bài viết, bỗng một giai điệu rock quen thuộc dội về. “Forever and Once…” (Mãi mãi và Một lần…) Ca từ thật xốn xang: “What can I do?” (Ta có thể làm gì đây?). Một câu hỏi ngơ ngác khi bị người tình phụ bạc.

Giọng ca gào thét gây cảm giác “xé lòng”, cái cảm giác cháy bỏng bất cứ ai đau dù chỉ một lần trong đời cũng thật khó quên. “Hãy cố nhiều hơn nữa, hãy gác lại tất cả để tiếp tục cuộc hành trình”. Thiếu tình yêu thì đâu còn là cuộc sống, đấy chỉ là tồn tại. Vì thế, hãy giành lại tình yêu đã mất, dù đã phải trả giá quá nhiều… 


6 nhận xét :

  1. Phạm bình Minh hay là một người con hiếu thảo của Nguyễn cơ Thạch .Đừng quên lời cha dặn năm nào .Nỗ lực vượt bậc -đừng để thời kỳ Bắc thuộc mới hiện hữu như Nguyễn Trãi ghi nhớ lời cha Nguyễn phi Khanh căn dặn .

    Trả lờiXóa
  2. Mâu thuẫn giữa Mỹ và Bắc Kinh hiện nay không phải là mâu thuẫn đối kháng một mất một còn. Mỹ và tàu hiện nay phụ thuộc lẫn nhau, cái quan hệ giữa Mỹ và tàu là quan hệ "ngàn tỉ đô", sẽ không có chuyện đối đầu mà chỉ có cạnh tranh mà thôi.
    Việt Nam không biết cách tự làm cho mình nổi bật, không biết cách tự lực tự cường thì rồi chỉ chìm ngập đói nghèo, thằng tàu lại lấn lướt, lại xem Việt Nam như bãi rác thải, nó lại xuất sang ta cái công nghiệp gây ô nhiễm để cung cấp năng lượng sạch cho nó mà thôi!
    Thằng tàu biết cách làm hài lòng Mỹ và Mỹ chưa hẳn là cần Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  3. Lần này hoặc không bao giờ

    Trả lờiXóa
  4. Chạy quá tốc độ, khách Trung Quốc cố ý đâm ôtô vào tổ tuần tra
    http://vov.vn/xa-hoi/chay-qua-toc-do-khach-trung-quoc-co-y-dam-oto-vao-to-tuan-tra-619564.vov

    Trả lờiXóa
  5. Tôi biết ngài Đinh Hoàng Thắng là một nhà ngoại giao kỳ cựu tầm cỡ hạng cao trong ngành ngoại giao nước ta. Đọc các bài viết số 1 và số 2 của ông để ít nhiều hiểu biết thêm các vân đề nóng bỏng đối với vị trí địa vật lý nước ta và các vấn đề nền ngoại giao nước ta cần xử lý cho hiện tại, tương lai gần và xa.

    Trả lờiXóa
  6. Nhớ lại thời Obama, Phạm Bình Minh bắt tay với John Kerry lúc nào cũng cười toa toét, bắt tay với Dương Khiết Trì thì với ánh mắt "hình viên đạn." Thuở ấy, tôi cũng như đa phần những người yêu nước VN đều cảm mến ông Minh qua 2 thái độ rõ ràng đại diện cho nhân dân phân biệt giữa Ta và Địch. Nhưng sau đấy, khi Obama trở thành "con vịt què" (theo thuật ngữ chính trị Mỹ nghĩa là Tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ nên chẳng còn mấy quyền hạn), Tàu Cộng lấn lướt ở Biển Đông và cả xem Tổng thống Mỹ chẳng ra gì (Obama đến TQ mà ngay cả thang xuống máy bay cũng phải đi mượn, thật bẽ mặt) thì ông Minh đã gần như ngay lập tức có những phát ngôn vuốt đuôi chạy theo TQ, xem Mỹ chẳng ra gì.
    Bây giờ nhìn tấm hình trên, ông Minh chỉ dám cười mím môi, trông bộ mặt gượng gạo thấy rõ. Chắc chắn là ông Minh thấy ngượng vì thái độ 'đòn xóc 2 đầu' của mình trong quan hệ với Mỹ. Rex Tillerson cũng mím môi, điều này có thể lý giải là phía Mỹ thầm nhắn nhủ ông Minh: "Người Mỹ chúng tôi đã sút giảm niềm tin đối với ông. Ông hãy suy nghĩ cho kỹ về quan hệ giữa chúng ta để đừng trở mặt nhau lần nữa nhé."
    Hy vọng trong những tấm hình sau này, ông Minh có thể tự tin để cười tươi hơn.

    Trả lờiXóa