Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

QUỐC HỘI VN LẠI HOÃN LUẬT VỀ LẬP HỘI

Ông Nguyễn Khắc Định đang phát biểu tại phiên họp toàn thể của UB Pháp luật Quốc hội, ngày 13/4/2017 (Ảnh chụp từ Baotintuc.vn) 
 
Lại hoãn luật về lập hội

VOA
14-4-2017

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 5 vào ngày 13/4, Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội quyết định hoãn dự luật về lập hội, theo đề nghị của Chính Phủ.

Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội “cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ.”

Quyết định này tạo ra nhiều câu hỏi từ dư luận.

Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ Tịch Quốc Hội, được báo Thanh Tra trích lời, nói sẽ “đề nghị Chính Phủ cần có sự giải thích, làm rõ lý do” vì sao hoãn nhưng ông cũng phân bua “thà ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà không làm được.”

Báo chí Việt Nam cho biết thời gian qua, Chính Phủ đã giao Bộ Nội Vụ phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự luật này. Tuy nhiên, “theo Chính Phủ, đây là dự án phức tạp, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.”

Theo Tạp Chí Cộng Sản, cùng số phận với 10 dự luật khác, dự luật về lập hội bị hoãn vì “việc chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng” và “quá phức tạp.”

Một số Đại Biểu Quốc Hội cũng lên tiếng chỉ trích việc hoãn trình dự luật, một dự luật được kỳ vọng sẽ được thông qua vào tháng 6 này.

Báo Dân Trí trích lời đại biểu Quốc Hội, Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy Ban Pháp Luật: “Luật về Hội đáng lẽ đã thông qua mà cuối cùng dừng lại. Dư luận cử tri rất bức xúc về vấn đề này, nhiều nơi muốn thành lập Hội nhưng không được vì đã có luật đâu.” Ông Hòa nói: “Tại sao chúng ta đã làm 2 năm nay rồi mà cuối cùng lại rút với chỉ một lý do là… phức tạp?”

Theo VietnamNet, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tỉnh Quảng Nam) đề nghị “nhiều nội dung thay đổi lớn như Luật về Hội, Quốc hội đã cho ý kiến rồi, vậy nếu không đưa vào chương trình năm 2017 để thông qua thì phải cho vào năm 2018 chứ không thể rút luôn.”

Một tuần trước chuyến thăng Hoa Kỳ vào tháng 10 năm ngoái của Uỷ Viên Bộ Chính Trị, Thường Trực Ban Bí Thư, Đinh Thế Huynh, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ra thông báo sẽ thông qua Luật về lập hội, nhưng khi ông Huynh đang ở Washington ngày 25/10 thì tại Việt Nam, Bộ Trưởng Nội vụ, Lê Vĩnh Tân, được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói “xin lùi” dự luật do “còn nhiều tranh cãi.”

Ông Lê Vĩnh Tân, người đứng đầu cơ quan trên danh nghĩa chủ trì soạn thảo dự luật về Hội, thừa nhận: “Việc chuẩn bị dự án luật chưa được chu đáo, và vì còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật nên cần có thời gian chuẩn bị tiếp để trình Quốc Hội tại kỳ họp sau, tạo sự đồng thuận cao mới thông qua Luật lập Hội.”

Khi ấy Luật Sư Trần Vũ Hải, thuộc Đoàn Luật Sư Hà Nội, nói với VOA rằng động thái của Bộ Trưởng Tân là “dấu hiệu theo chiều hướng tốt” vì theo luật sư Hải dự luật này còn nhiều hạn chế:

“Đề nghị của ông Bộ Trưởng Nội Vụ cũng là thích đáng. Việc không thông qua được lần này tất nhiên là có tích cực là vì nếu thông qua luật với nội dung như vậy là hạn chế quyền lập hội. Nhưng nếu không thông qua cũng là bằng chứng rằng Quốc Hội và chính quyền đã nợ người dân rất nhiều về những luật liên quan đến quyền tự do của người dân đã được Hiến Pháp quy định.”

Một số tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam cũng mô tả dự luật này là vi hiến, cảnh báo rằng dự luật có thể buộc đóng cửa nhiều nhóm xã hội dân sự chuyên bênh vực cho một loạt các vấn đề từ bảo vệ quyền của người tàn tật đến thúc đẩy nhân quyền.

Các tổ chức này lập luận rằng mối đe dọa cấm các tổ chức chưa đăng ký có thể vi phạm quyền của người dân theo Hiến Pháp năm 2013 của Việt Nam và Công uớc Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Tháng 12 năm ngoái, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Thái Bình kết án hai cựu Tù Nhân Lương Tâm là ông Nguyễn Anh Kim 13 năm tù giam và ông Lê Thanh Tùng 12 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình Sư, do có ý tưởng thành lập Hội “Lực lượng Quốc dân Dựng cờ Dân chủ” với lực lượng nòng cốt là sỹ quan và hạ sĩ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Luật sư Võ An Đôn, người bào chữa cho ông Tùng được báo mạng Thanh Niên Công giáo trích lời nói rằng cả hai ông, ông Tùng và ông Kim thừa nhận có ý tưởng thành lập hội, nhưng chưa có hoạt động cụ thể nào thì đã bị kết án.

Cách nay hơn 10 năm, dự luật về hội đã được đưa vào chương trình nghị sự của quốc hội, nhưng rồi đã bị “xếp lại.”

Vào đầu những năm 1990, Chính phủ bắt đầu soạn thảo luật về lập hội. Một dự thảo được đưa ra vào cuối năm 2005 bao gồm các điều khoản rất hạn chế và kiểm soát quá nhiều quyền tự do của người dân, đã bị các hội đoàn lúc ấy phản đối quyết liệt. Dự này lần đầu đã bị hoãn vào năm 2006.

Theo các nhà hoạt động xã hội bám sát quá trình soạn dự luật, dự luật mới nhất đề ngày 16/9/2016 của Bộ Nội Vụ có nhiều điểm tích cực sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội kỳ trước, của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và của người dân.

Theo tuần báo The Economist, Việt Nam “với sức ép kinh tế, nợ công đang sắp chạm ngưỡng 65% GDP, các quan chức cao cấp của đảng Cộng Sản có thể đã tính toán rằng sẽ dễ nhận diện các nhóm hoạt động hội công khai hơn là để họ tổ chức ngoài luồng trên Internet.”

Tờ Economist cũng viết: “Xã hội dân sự sẽ là bà đỡ cho những phong trào có thể đe dọa sự kiểm soát của chính quyền.”

“Cái chết của Hiệp định TPP làm giảm hẳn ham muốn cải tổ ở Việt Nam. Việc trì hoãn thông qua Luật về Hội lại càng giảm khả năng Việt Nam thực thi cam kết mạnh mẽ rằng họ sẽ bao dung với các nghiệp đoàn độc lập, một trong những điều mà Hà Nội đã nói khi đàm phán TPP.”

____

Lao Động
14-4-2017

Ngày 13.4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018.

Băn khoăn về việc Chính phủ đề nghị rút dự án Luật về Hội ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018, Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Quảng Nam) cho rằng, Chính phủ đang có áp lực, nợ văn bản quá nhiều nên trình các dự án Luật thấy có sức ép, việc phân bố thời gian không đều, lúc thì thong thả, lúc dồn ép cho nên chuẩn bị đầu tư nghiên cứu chưa kỹ càng, nhiều nội dung thay đổi lớn như Luật về Hội, Quốc hội cho ý kiến rồi thì không đưa vào chương trình năm 2017 thì phải cho vào năm 2018 chứ không thể rút luôn.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, nói: “Luật về Hội đáng lẽ đã thông qua, đã “5 cơm, 7 cháo rồi” mà cuối cùng dừng lại. Dù có khó cũng phải đưa vào chứ không thể cho qua luôn. Do đó đại biểu đề nghị, Luật về Hội năm 2017 không đưa vào chương trình thì năm 2018 phải đưa vào chứ không thể cho qua luôn. Tại sao 2 năm rồi mà cuối cùng cho rằng là phức tạp?

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, có thời điểm chúng ta quá ôm đồm, đưa ra nhiều dự án luật. Nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khâu lập chương trình rồi đến soạn thảo xin ý kiến, thẩm tra. Do đó, cần khắc phục tồn tại yếu kém trước đây của lập pháp.

Theo ông Lưu, những dự án Luật, Quốc hội đã đưa vào chương trình và đề nghị Chính phủ rồi, bây giờ lại đề nghị rút lại. Ví dụ như Luật biểu tình, Luật về Hội, Quốc hội cho ý kiến rồi giờ lại đề nghị rút ra. Việc này phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Quốc hội tại sao phải rút ra? Chúng ta phải làm luật thận trọng cân nhắc nhiều yếu tố, đưa vào như thế nào và rút ra tại sao bởi vì đây là những quy định của Hiến pháp.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung, liên quan dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi đã được Quốc hội đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, nhưng được đưa ra khỏi chương trình theo đề xuất của Chính phủ để chờ chủ trương, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng dự án; đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, dự án luật này đã được điều chỉnh hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Ủy ban Tư pháp cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ. Do đó thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí bổ sung dự án Luật này vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.

1 nhận xét :

  1. Xuân qua lâu rồi, hạ đến nóng nực không thể thông qua luật được, để xuân tới mát mẻ, gió xuân phơi phới, mở điều hòa chạy re re...thì lại nhắm tít mắt, há hốc mồm ra mà ngủ ngáy ro ro! Công việc chỉ có thế thôi!

    Trả lờiXóa