Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Phạm Xuân Thịnh: NÓI THẬT NGẮN VỀ SỰ KIỆN GẠC MA 14.3.1988


Thịnh Phạm Xuân

29 năm sự kiện GẠC MA
14/3/1988 - 14/3/2017.

Sáng chạy vào Bờ Hồ ngó nghiêng đưa tin, nhưng khung cảnh hết sức đìu hiu. Công an, dân phòng dày đặc, "cớm" chìm lởn vởn.

Quay về nhà, ra bức tường đầu nhà chụp cái ảnh như để tưởng nhớ!. Hỏi thằng em sinh 91, nhân viên mới của công ty.
"Em có biết anh vẽ hình gì không"
Nó bảo "không. Không hiểu là gì. Chưa từng thấy".
Và thế là mình đành bỏ ra 10p đứng thuyết trình cho nó nghe.

Rằng hôm nay là ngày kỷ niệm 29 năm ngày xảy ra sự kiện Gạc Ma. Là tên 1 hòn đảo chìm vốn nằm trong phạm vi quần đảo Trường sa của Việt Nam ta.

29 năm trước, tình hình giữa ta và Trung quốc ngày một căng thẳng. Trung Quốc lộ rõ ý đồ chiếm các đảo đá chìm của ta.

Còn ta cũng nhận ra ý đồ đó, nên đã thành lập chuyên án CQ88 đưa các tàu Hải quân và công binh bí mật đổ bộ lên giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Ngày 14/3 địch quân sau khi bao vây uy hiếm đã nổ súng đánh chiếm đảo. Quân ta toàn là lính công binh, không có vũ khí hạng nặng yểm trợ nên đã thất thủ. Các tàu Hải Quân đứng gần đó cũng bị các khu trục hạm của địch quân oanh tạc tan tác. Cái chìm. Cái bị thương. Phải về cố thủ giữ 2 đảo khác là Cô Lin và Len Đao.

Trong trận này ta mất đảo Gạc Ma cùng 64 chiến sĩ. Họ chìm hết xuống biển.
Sau đó địch quân tiếp tục uy hiếp và chuẩn bị đánh chiếm tiếp Cô Lin. Nhưng nhờ lực lượng Mig của ta bay từ Cam Ranh ra làm áp lực, nên chúng ta đã giữ vững được 2 đảo này.

Nó ngạc nhiên hỏi "sao em không nghe ai nói chuyện này. Tưởng mình chỉ đánh nhau với Mỹ thôi".
Mình bảo "không chỉ em. Mà nhiều người cũng không biết. Thời thế giờ nó thế".

Hôm nay là ngày giỗ của họ.
Hôm nay là ngày Gạc Ma tạm rời đất mẹ.
Sử sách có thể không ghi, báo chí thể không nhắc, chính quyền có thể lãng quên. Nhưng nhân dân phải nhớ.
"Ôi biết bao thuyền viên thuyền trưởng
Buổi ra đi vui sướng đường xa
Dưới chân trời u ám đã thành ma
Đã biến mất đớn đau số phận..."

(Victor Hugo)

-------------

Quoc Toan Son Tay

TÔI TIN, NÓI ĐẾN GẠC MA 
RẤT NHIỀU NGƯỜI VN KHÔNG BIẾT...

Năm 2016, dư luận ồn ào, bức xúc về việc cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử không được cấp giấy phép xuất bản, thêm vào đó là việc sách giáo khoa chỉ có 11 dòng về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979...
 
Năm 2017, tôi không rõ có được cấp phép in không.

Hãy nhớ rằng, nhân dân chứ không phải ai khác mới chính là những người trực tiếp giữ lấy đất nước của mình và viết tiếp những trang sử mới.

Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân, để nhân dân ta hiểu bản chất của vấn đề, để tiếp tục giữ nước và ứng xử phù hợp trong mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.

Chuyện ở bãi đá Gạc Ma mấy chục năm rồi mà nhân dân chưa biết nhiều về sự thật của nó là đáng trách. Là có lỗi với nhân dân, có lỗi với những người lính đã hy sinh vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc...


1 nhận xét :

  1. Đúng vậy, hôm qua mình để cả tiết học nói về Gạc ma cho học sinh lớp 12' họ chẳng biết gì hết!

    Trả lờiXóa