Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

KỈ NIỆM MỘT LẦN GẶP VĨ NHÂN

Hình: Tem in kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Đại Nghĩa.

Bài viết của Nhà Khoa học, Toán học Nguyen Canh Hoang

KỈ NIỆM MỘT LẦN GẶP VĨ NHÂN

Năm 1988 đi hội nghị ở Ba lan, transit ở Moscow. Sẵn có lá đa trong túi, vào hẳn nhà khách Sứ quán ở cho oai, mỗi ngày mất 1 $, đỡ phiền bạn bè.

Tối, xuống CLB xem TV, thấy có 1 cụ già tầm 75 tuổi mặc áo lông Đức ngồi co ro ở đó. Hết TV, thấy cụ không về, hỏi thì cụ bảo:


- Tôi transit qua đây, vào nhà khách nhưng không có tiền, nên không được ở. Xin mãi, họ mới cho ngồi nhờ ở đây đợi mai đi tiếp. May, vì ngoài phố tuyết rơi, lạnh quá!

Liền mời cụ về phòng ngủ cùng, vì có 2 giường đầy đủ chăn đệm. Đoán cụ đói, nên lấy bánh mì bơ và xúc xích mời cụ ăn, xong mới leo lên giường. Trái múi giờ, 2 ông cháu chưa ngủ được nên nói chuyện mãi. Kì lạ, cụ già cái gì cũng biết, càng nói chuyện càng ngạc nhiên về độ uyên bác phi thường của cụ. Gần sáng, mới tò mò hỏi, cụ đi đâu mà qua cái đất Moscow lạnh lẽo này, và sao mà cụ không có lấy 1 $ để ngủ ở nhà khách. Cụ đáp:

- Tôi được Viện Hàn lâm KH Hungary mời sang báo cáo hội nghị KH. Họ lo vé MB đi lại, ăn ở bên kia chu đáo. Mỗi tiền đi đường thì họ không nghĩ tới, mà hưu rồi nên Nhà nước ta cũng chẳng cấp cho tôi, và tôi cũng chẳng có!

Ngạc nhiên ghê gớm, lúc chia tay hỏi tên, cụ đáp:

- Tôi tên là Trần Đại Nghĩa!

Ôi chao ôi, thì ra đây là nhà khoa học lừng danh, một trong những người chế tạo bom bay V1, V2 nổi tiếng trong Thế chiến thứ 2. Con người này từng theo Cụ Hồ về Việt Bắc, chế tạo bom ba càng, súng không giật SKZ, bazooka, thủy lôi áp suất ABS, đạn bay, ..., góp phần không nhỏ cho đất nước trong cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc. Và, chỉ vì không có 1 $, cụ không được ngủ ở nhà khách Sứ quán Vn tại Moscow!

https://www.facebook.com/nguyencanh.hoang.7/posts/1365229033498645

-----------------

Xin nhắc vài lời về Nhà khoa học, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa.

Ông tên thật Phạm Quang Lễ , sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 trong một gia đình Công giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Mồ côi cha lúc 6 tuổi, năm 1933, Phạm Quang Lễ đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Tây. Nhà nghèo, không có tiền đi Hà Nội để học, Phạm Quang Lễ đi làm giúp đở gia đình.

Sau hai năm làm việc tại các Đại sứ quán Mỹ, ông đã gặp nhà báo Dương Quang Ngưu người đã giúp ông có được một học bổng Chasseloup-Laubat du học tại Paris. Năm 1935, ông đi du học Pháp và tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris (École Polytechnique), Đại học Mỏ (École nationale supérieure des mines de Paris), Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Trường Quốc gia Hàng không và Vũ trụ (École nationale supérieure de l'aéronautique et de l'espace). Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Trong quân đội từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Sau đó ông chuyển sang lĩnh vực dân sự giữ chức: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983-1988), Đại biểu Quốc hội khoá II, III.
Ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên năm 1948. Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động (tại đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952).

Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Các công trình nghiên cứu của ông được quốc tế đánh giá cao, được ứng dụng rộng rãi trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và là nỗi kinh hoàng của quân đội đối phương.

Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông mất vào 16 giờ 20 phút ngày 9 tháng 8 năm 1997, hưởng thọ 84 tuổi. Năm 2015, tỉnh Vĩnh Long đã lập khu lưu niệm giáo sư, viện sĩ, anh hùng lao động, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, tọa lạc ấp Mỹ Phú I xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long.

8 nhận xét :

  1. Ô hô! Ô hô! Du tai! Du tai!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại sao Giáo sư không đưa mấy cái danh hiệu "Cao quý của đảng và nhà nước" ra thế chấp để họ cho nghỉ trọ nhỉ?

      Xóa
  2. Vắt chanh xong thì bỏ vỏ , giờ còn ai lạ gì nữa ! Chẳng thể trách cứ gì được các cháu bây giờ du học xong không về!

    Trả lờiXóa
  3. Hồi đó, vô số cán bộ ghé transit thường không có đồng xu dính túi. Áo quần giày mũ cà vạt đều do kho của bộ tài chính hay ngoại giao cho mượn. Chịu bao khổ nhục ngẫm cũng đáng đời!

    Trả lờiXóa
  4. Đấy! Các nhà trí thức cứ nhìn bậc anh tài Trần Đại Nghĩa mà sáng mắt sáng lòng!
    Mao trạch Đông nó nói trí thức như cục phân! Cái đám đểu giả nó nói là nó làm thật đấy!

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn Tác giả đã chia xẻ với thế hệ tương lai những câu chuyện còn vẹn nguyên giá trị!

    Trả lờiXóa
  6. Dù kính trọng, cũng không nên gọi ai là vĩ nhân. Chỉ nên viết : MỘT LẦN GẶP BÁC TRẦN ĐẠI NGHĨA, vậy thôi. Trong bất cứ trường hợp nào, người cầm bút phải luôn chuẩn mực, không nên thần thánh hóa con người...

    Trả lờiXóa
  7. Cụ Nghĩa là 1 trong các trí thức ưu tú do Pháp đào tạo và đả theo cụ Hồ vè nươc phục vụ cách mạng như nhiều trí thức yêu nước khác như Nguyển Manh Tường, Nguyễn khắc Viện, Trần đức Thảo,Lương định Của...đả tự nguyện từ bỏ giàu sang phú quý để về nước phụng sự tổ quốc nhưng đáng tiếc thay phần lớn là không đảng viên nên việc sử dụng kiến thức của họ rất hạn chế.Mơi bạn đọc tìm đọc cuốn "Ba phút sự thật" của Phùng Quán để biết thêm só phận 1 vài nhân vật trong số họ.
    TôI vẩn thường vào TP Hồ chí Minh, mổi lần vào đó tôi không bao giờ quên đến nghĩa trang Thủ Đức thắp hương cho cụ Nghĩa,và các vị toi kính mến như Vỏ văn kiệt, Huỳnh tấn Phát,Vũ đình Hòe...

    Trả lờiXóa