Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

ĐỔ 1,5 TRIỆU M3 CHẤT THẢI VÀO BIỂN XANH BÌNH THUẬN


Đổ 1,5 triệu m3 chất thải vào biển Bình Thuận?

Pháp luật TP HCM


(PL)- Ngày 2-11, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, cho biết vừa ký văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan đến việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) xin phép “nhận chìm” hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. 

Theo nguồn tin của chúng tôi, khối lượng chất thải “khủng” trên được Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dụng phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ông Hồ Lâm cho biết lượng chất thải này gồm bùn, đất, cát trong quá trình nạo vét.

Theo hồ sơ xin phép Bộ TN&MT của công ty này thì khối lượng nạo vét đổ thải lớn. Nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện. Đồng thời việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường. Do đó việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không đạt hiệu quả về kinh tế-xã hội.

Điều khó hiểu là do sợ đổ chất thải trên đất liền gây ô nhiễm song Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 lại xin “nhấn chìm” xuống biển (?!). Theo ước tính, diện tích biển chứa lượng chất thải này khoảng 30 ha, cách đất liền khoảng ba hải lý và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam). “Những tác động của việc đổ thải đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra nên Sở đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu tận dụng vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển” - Sở TN&MT nêu quan điểm.

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, Hòn Cau là một đảo nhỏ, cách đất liền chưa đầy 10 km. Toàn bộ diện tích của Khu bảo tồn biển Hòn Cau rộng khoảng 12.500 ha.

Thế nhưng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng chuyên dùng Vĩnh Tân (tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải 30.000-200.000 tấn) xây khu lấn biển thì diện tích chồng lấn lên khu bảo tồn biển quá lớn. Mặc dù Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có sau khu bảo tồn nhưng trung tâm này được chồng lấn đến hơn 1.000 ha khu bảo tồn… Vì vậy, tháng 9-2016, UBND tỉnh Bình Thuận phải đề nghị Bộ NN&PTNT giảm diện tích của khu bảo tồn biển hơn 1.000 ha.

Trước thông tin “nhấn chìm” lượng chất thải “khủng” trên, ông Huy rất bất ngờ. Ông Huy nói: “Việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ ba hải lý sẽ gây chết san hô và các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ bị xóa sổ. Lẽ ra việc đổ chất thải Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận phải được biết bởi ảnh hưởng trực tiếp đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được thông tin nào”.

Pháp Luật TP.HCM sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


Phương Nam 
 

8 nhận xét :

  1. Kiểu này thì nguy to rồi,biển VN trước sau gì cũng trở thành biển chết!

    Trả lờiXóa
  2. Công nghệ Tầu cộng thì sẽ gặt được ô nhiễm. Đó là quy luật.

    Trả lờiXóa
  3. Lại thêm một Phọt Mô Sa nữa đây

    Trả lờiXóa
  4. Cả lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đang trở thành bãi rác khổng lồ, là nơi lý tưởng chứa đồ phế thải độc hại của Tàu. Ai đã mang hiểm họa này đến cho dân tộc Việt? Vậy mà 500 ông bà nghị gật trong cái gọi là "quốc hội" không một ai đứng lên đề nghị ra một nghi quyết nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Hết Bình Thuận rồi chắc đến Vũng Tàu , Trà Vinh ! Thế là kết thúc bờ biển VN !

    Trả lờiXóa
  6. Miệng của quan tham to lắm , đóng rác nào đỗ vào cũng được , kể cả rác của Formosa.

    Trả lờiXóa
  7. Từ ngày có cái Bộ, cái sở đó, TNMT đất nước tan nát, mạnh doanh nghiếp phá, quan tiếp tay phá. Rừng trụi, cát lộng hành hút đêm ngày ầm ĩ trên sông như quân Nam Hán mà sư nói vãi, vãi nói sư. Nay nó báo xin đổ thẳng ra biển, con xin cha chấp nhận, tiền nhà mình chia nhau. Hãy đổi tên bộ, sở thành Sở Phá hoại Môi trường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biển rừng Việt Nam trù phú và đẹp không thua gì những nơi nổi tiếng trên thế giới. Tại sao phải làm cho bẩn thỉu đi? tại sao phải làm cho ô nhiễm đi? tại sao phải làm cho dân khổ sở điêu đứng chỉ để thực hiện những công nghệ giết môi trường, hại dân, và thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia? Trong khi đó chỉ cần bảo tồn môi trường, bảo tồn văn hóa, phát triển giáo dục, phát triển du lịch lành mạnh và có trí tuệ là dân chúng và nền kinh tế được lợi lớn - trong khi chờ đợi chất xám trong dân chúng học hành và xây dựng một nền công kỹ nghệ hiện đại văn minh và thân thiện với môi trường cho đất nước.
      Nhìn ngược lại, bao nhiêu tiêu tiền lãng phí vào những công trình để rồi bỏ hoang, để rồi thua lỗ chỏng gọng, để rồi giết cả nguồn sống và sinh lực của dân tộc, thật đau đớn và căm phẫn!

      Xóa