Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

HÀNH TRẠNG TÂM LINH - Truyện ngắn đặc sắc của Đỗ Trọng Khơi



HÀNH TRẠNG TÂM LINH



Truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi



An Sinh Vương tạ thế năm Tân Hợi (1251), năm đó trưởng tử của ngài là Trần Quốc Tung vào tuổi hăm hai, thứ nam là Trần Quốc Tuấn tuổi mười chín. (Trần Quốc Tung sau có Phật hiệu là Tuệ Trung Thượng Sỹ, do vua Trần Thánh Tông đặt. Để cho thống nhất, từ đây xin chỉ gọi ngài là Tuệ Trung Thượng Sỹ).



Kể từ ngày xảy ra chuyện bức duyên, dẫn đến gia biến, lòng Tuệ Trung có sự chuyển biến. Ơn người chú ruột, vua Trần Thái Tông tha mạng sống cho cha cùng toàn gia nên Tuệ Trung thường kề cận bên vua như một hậu bối tri âm tri ngộ. Nhà vua là một Phật tử có kiến thức Phật học uyển súc. Bên nhà vua khi đó luôn có người thầy là Thiền sư Viên Chứng và người đồng môn Đại Đăng Quốc Sư. Mầm tịnh độ vốn có trong nghiệp mệnh, trải qua nỗi tang thương gia biến rồi gặp buổi đạo Phật hoằng phát như sa bồi, nắng tụ, tâm tính Tuệ Trung giao động và thức ngộ. Cây Thiền học lớn hiển lộ và phát triển là một tất định. Nhưng phát triển theo hướng nào, xuất thế tu hành hay thành cư sỹ, hòa tuệ giác trong bụi trần mà an tâm định tính? Bà Thiện Đạo không muốn người trưởng tử của mình xuất thế tu hành. Bà muốn dòng dõi An Sinh Vương ngày một xanh cành nẩy ngọn xum xuê. Bởi thế, việc chọn vợ lập thê nạp thiếp cho Tuệ Trung với bà là việc làm cấp thiết.



Người thầy mà Tuệ Trung yêu kính theo học Phật học là Thiền sư Tiêu Diêu, còn gọi là Phúc Đường Đại Sư. Bà Thiện Đạo thấy trong những áng thơ của con mình có bài làm ca ngợi thày Tiêu Diêu. Đọc câu "Hữu quái lô khai hỏa hỷ liên" (Sen nở trên lò lửa rực hồng), ý chí của bà chùng xuống. Sen nở trên lò lửa..., nói vậy là lòng Tuệ Trung đã định, không còn chia biệt, sự sinh với sự diệt đã là một cõi trong tâm ý. Nói vậy Tuệ Trung đã xem thày Tiêu Diêu như Bồ Tát trong cõi trời vô sắc giới rồi. Nghĩ vậy, bà Thiện Đạo đã không nề hà mà nói thẳng ý chỉ của mình với người con: "Con tham thiền ta để cho tùy ý. Song con chỉ được hành thiền cư sỹ thôi!" Tuệ Trung chỉ lặng lẽ cúi đầu, không đáp. Hiểu ý người con còn phân vân, bà tìm đến Thiền sư Tiêu Diêu giãi bày tâm nguyện: "Thiền sư có cách gì giữ Tuệ Trung ở lại bên bà già góa bụa này không?" Tiêu Diêu không nói gì, chỉ tủm tỉm cười, đầu thì gật gật đáp lễ. Sau Thiền sư đưa cho Tuệ Trung tham vấn sách Thiền Mật tông, bảo: "Có Tâm linh siêu thoát nơi tịnh độ; có tâm linh phát huệ hòa quang với bụi bặm trần ai. Lấy Tâm tính hồn nhiên mà bảo tồn bản thể. Được tính vậy, thì dù ở ngôi vương hầu, Tâm vẫn tuyệt thánh trí khí. Ấy cũng thực là Tâm đại định, Tâm hư không..."


(Sách Ngọc Phả ghi nguyên lời thầy Tiêu Diêu vậy. Đọc tôi vương vấn nghĩ, từ điểm lời đó đã khai mở đường, không chỉ xui bước Tuệ Trung thành một cư sĩ, mà sau còn khiến ngài trở thành người có sở học Tam giáo uyên nguyên chăng? Cũng xin thưa ở đây, truyện này được viết một phần dựa tư liệu từ sách Ngọc phả của dòng họ Đỗ Thái...)



An Sinh Vương khuất núi được bảy năm thì quân xâm lược Nguyên Mông tràn đến. Việc tang gia đoạn thì đại họa của quốc gia tới, bà Thiện Đạo cùng các con gác nỗi niềm riêng của An Sinh Vương thác lại mà cùng chung lo việc nước. Tuệ Trung thanh gươm yên ngựa theo nhà vua về kinh cùng và các tướng lĩnh bàn định kế sách. Bà Thiện Đạo thì xuôi thuyền về Long Hưng, A Cảo tuyển quân, mua lương, rèn khí giới chung lập ra đạo quân Tinh Cương, A Lỗ. Bà gắng gỏi cho đại sự với điều thầm mong có cơ hội tâu xin với nhà vua việc duyên phận của con.



Nàng Trầm Nga dâng huyết thư xin làm nữ binh trong đạo quân của chủ tướng Trần Khánh Dư. Khi đó, Phó tướng trong đạo quân này chính là Hưng Ninh Vương. Có sự mưu tính ở đây? Ý nguyện của Trầm Nga không thực hiện được, nhưng nó đã có tác dụng cho vị chủ tướng nêu gương khích lệ ba quân.



Trớ trêu sau ngày khải hoàn không bao lâu Tuệ Trung rời nhà lên Yên Tử.



Nàng Trầm Nga kể lại, một đêm nàng mơ thấy trái tim mình hóa ngọc. Viên ngọc sáng đến nỗi toàn thân nàng cũng tỏa ánh theo và đâu đó cứ vọng lời đòi xin ngọc. Nàng rút ngọc - trái tim mình ra trao tặng. Lúc tỉnh dậy, người cứ bâng khuâng, đứng ngồi không yên. Được ít hôm sau nàng nhận được tờ thư của bà Thiện Đạo báo tin Tuệ Trung đã lên Yên Tử. Bà ngỏ ý muốn nàng ra Đông Triều một chuyến. Rõ là trước việc lên núi của Tuệ Trung, bà Thiện Đạo đã không hiểu được căn ý.



Giấc mơ của nàng Trầm Nga mang điềm báo về tâm pháp Tuệ Trung mà việc chứng ngộ do sự cảm ứng nào đó, nàng có ân huệ được mang? Nếu không nặng về ý niệm tâm linh, thì suy niệm vậy của không ít người thân chưa dễ thuyết phục vì khi ấy giữa Tuệ Trung và nàng Trầm Nga chưa hề gặp gỡ nhau. Tình mong mỏi là từ bà Thiện Đạo với riêng nàng thôi. Ngay nhân thân, quê quán Trầm Nga ra sao cũng chỉ bà Thiện Đạo biết được ít nhiều. Tâm linh quả thật là cõi vô cùng khó thấu...



Nàng Trầm Nga tới Đông Triều - Yên Tử vào khoảng thời gian cuối thu năm Mậu Tý (1258).



Sau mấy ngày thăm thú gia trang và cùng nhau bàn định cách thức, bà Thiện Đạo cho người dẫn Trầm Nga tới chân núi Yên Tử rồi thả nàng xuống đó. Nàng lên núi, người xà ích lên ngựa về, họ coi như không quen nhau. Nàng nhập với khách hành hương lễ Phật. Khác là khi đám khách hành hương lễ Phật xong thì bái biệt ra về còn nàng thác nỗi đường xa mà xin ở lại. Căn phòng Trầm Nga được nhà chùa cho mượn ở vốn là chái nhà ngang dùng vào việc chứa củi. Căn phòng nhỏ, có cửa trổ ra hướng Bắc nên vào mùa đông, ngày có gió bấc thì rét lắm.



Một ngẫu nhiên, dễ bị xem là do người chép Ngọc Phả thêm thắt. Khi nàng Trầm Nga đến Yên Tử đôi ngày thì hai vị Thiền sư Đại Đăng và Tiêu Diêu được vua Trần Thái Tông vời về Kinh đô. Tuệ Trung tạm nhận việc trông coi khu chùa. Rất có thể bằng tuệ nhãn của mình, Quốc sư Đại Đăng thấu được mưu tình của người nữ thí chủ và mối nhân duyên với Tuệ Trung Thượng Sỹ, song ngài vẫn để cho họ tùy ý tiếp xúc.



Ngày đó Yên Tử đã là khu tu hành rộng lớn. Chùa được nhà vua và các thân vương, Phật tử khắp nơi cúng dường cả trăm mẫu ruộng, tượng thờ, đồ Phật bảo có tới hàng trăm. Các sư, tiểu theo tới tu hành rất đông; người tá điền giúp việc cũng nhiều lắm. Tuy vậy trật tự trong chùa rất tôn nghiêm, nề nếp. Nhà ở của các Đại đức Thiền sư, nơi dành cho các thân vương, bậc phu nhân, công chúa lui tới lễ Phật được coi giữ thanh tĩnh, người không có phận sự thì ít ra vào... Lúc này, đang vào tiết cuối thu, đất trời Yên Tử sương tuyết đã lãng đãng giăng về, khí hậu se lạnh. Khách vãn cảnh, lễ Phật trở nên thưa thớt.



Trước khi về kinh, Thiền sư Tiêu Diêu có gặp riêng Trầm Nga, hỏi:



- Thí chủ đến Yên sơn này cầu Phật hay cầu tình?



Nàng thưa lại, giọng chân thực mà lời thì bóng bẩy:


- Con đến để tìm mình.



Lại hỏi:



- Sự có thành được chăng ?



Thì đáp:



- Cảm chưa phát lộ, sao biết được ứng. Con cần thời gian.



Giọng trầm lắng hơn, sư bảo:



- Lễ nhà Trần nghiêm lắm đấy. Cửa cao khó bước. Cũng lạ, ta thấy thí chủ có vẻ người phong nhã, đoan chính, lại không e điều tiếng cho tiết hạnh ư?



Thì đáp:



- Tâm sáng thì thân trong. Sắc có bởi tâm có. Tâm sáng của phận nữ nhi này xin đặt nơi cửa Không với lòng bao dung của các Đại đức.



Nghe vậy thì Thiền sư cả cười. Ngài rũ áo bỏ đi, rồi nói vọng lại: "Sắc thường kiêu mạn, tình thường chấp nệ”. Lại bảo thêm: Mắt sạch thì bụi cũng sạch. Có đâu vẩn đục ở ánh sáng...!"



Tâm sư Tiêu Diêu khi ấy thoáng hiện về hình ảnh người đàn bà minh triết của các Thiền sư Mật tông. Điểm ảnh này, giờ khắc đó chính Tuệ Trung cũng chưa hay...



Lúc các vị Thiền sư hạ sơn, sương sớm còn mờ lối vậy mà khi chiều sang hoàng hôn, ánh vàng sáng lắm và dường dứt chậm hơn mọi ngày. Ngàn vàng muôn tía cứ vấn vít buông đậu nơi vòm cây, sườn núi. Những dải thông xanh mà nhìn cứ ngỡ được dát vàng. Chim muông ngàn con, lớp lớp trên đường đi tránh rét cũng sà đậu lại kiếm ăn, ríu rít hót vang. Lòng người tố nữ bâng khuâng và thanh thoát vô cùng. Rồi khi chiều tàn, trăng sao hiện ra, sương đến giăng màn sáng bạc long lanh trải dài bên lũng núi thì tấm lòng nàng lại bỗng hóa một thăm thẳm, thâm u. Như có trùng trùng cõi sống mở ra dài từ những kiếp đời nối tới lòng dạ con người nàng khi ấy. Một cảm giác vừa siêu thoát vừa lâng lâng buồn nhớ. Nàng với thiên nhiên ấy bên nhau từ chiều vàng cho tới sương bạc trăng mờ, mới trở lại phòng riêng.



Trầm Nga đi tắm gội. Ở phòng tắm bước ra, trong tà áo lụa mỏng như dát bởi sương trăng, tấm thân nhìn thấp thoáng, tỏ mờ. Mái tóc dài thả xòa trong gió như một thảm nhung bay uốn theo từng nhịp chân khoan thai.



(Sách Ngọc Phả nói thân thể nàng Trầm Nga có mùi thơm tự nhiên như hương hoa lan. Cách ví này thấy giống như trong nhiều câu chuyện cổ tả về các mỹ nhân quyền quý, xem ra có vẻ thiếu chân thực. Nhưng tôn trọng tư liệu, tôi cũng cứ chép ra đây cho thêm chút thi vị...).



Nàng đến bên Tuệ Trung cùng vẻ quyến rũ của làn hương và ánh trăng đêm ấy.



- Thưa vương, ngài có cần thiếp giúp gì không?



- Tước hiệu vương hầu có nơi chốn thiền tu ư?



- Thưa, ngài chưa quy y thì chưa thể gọi là sư. Ngài lại không phải hạng tiện dân hèn mọn như thiếp. Biết gọi thế nào cho khỏi mắc lỗi đây? Trầm Nga có tư cách đoan trang đúng mực, giọng nói thì tỏ sự lễ độ, cung kính. Chỉ có tấm áo lụa lúc đó là không phải phép lắm, nó hơi mỏng, để lộ thân hình thấp thoáng bên trong cùng với sự xuất hiện khuya khuắt...



Mắt Tuệ Trung thấy kềnh kệnh, tuy giọng ngài vẫn giữ vẻ trầm tĩnh:



- Cởi áo bào, ta là một thường dân thôi mà.



Sau lời tỏ ý đó, Trầm Nga mạnh dạn hơn. Tận dụng ánh trăng mờ ảo làm bình phong, đón được cơ hội có làn gió từ xa đang ràn rạt thổi tới, nàng bước lại gần Tuệ Trung, đứng phía đầu gió. Quả làn gió mạnh đó đã thổi tung mái tóc dài đang để xõa của nàng, mấy lọn bay sang phía người Tuệ Trung, có sợi vấn vít cả vào nơi cổ áo. Mắt nàng long lanh như cười.



- Nàng hẳn chưa rõ khí hậu nơi này. Trăng thế kia thì càng về khuya sương càng xuống dày đấy. Chút nữa thôi trời sẽ lạnh hơn, mai mốt lập đông rồi... Nàng nhớ mặc áo cho ấm, kẻo ốm...



- Thiếp sơ tâm quá, quên không mang theo áo ấm rồi.



- Không ngại thì lấy tạm áo của ta mà khoác, rộng chút chẳng sao. Trước khi lên đây, Mẫu thân ta có chuẩn bị cho ta khá nhiều quần áo. Nói đoạn Tuệ Trung rảo bước đi vào nhà trong, lát sau ngài đem ra chiếc áo khoác khá đẹp đưa cho Trầm Nga, cười bảo: Mẫu thân ta vẫn coi ta như con đỏ. Bà cứ như quên rằng ta là tráng sĩ, trải qua trận mạc, gươm giáo bời bời...



Trầm Nga với cơ tâm của mình, nghe nhìn và nghĩ ngợi. Phong thái Vương vẫn ung dung, tự tại. Ngài có tỏ ra ân cần chăm sóc cho mình nhưng rõ trong tâm thì vẫn tĩnh, tình như không xao động. Nếu mình không chinh phục, quyến rũ được Vương, thì không những mục đích của mình cùng Mẫu thân Vương không thành mà khi ấy, phẩm tiết nhi nữ cũng đâu còn toàn nữa. Nghĩ ngợi một hồi vậy, không kìm được nàng cứ thở dài thườn thượt, đôi giọt lệ chợt ứa ra. Nàng ngước nhìn Tuệ Trung bằng đôi mắt chất chứa tâm cơ ấy mà không ngại ngùng dồn hỏi:



- Ngài đang nghĩ gì về thiếp? Biết gì về thiếp?



Câu hỏi cùng thái độ của Trầm Nga chợt cũng khiến Tuệ Trung lúng túng. Lòng ngài xuất hiện nỗi hồ nghi về tình ý của nữ thí chủ này. Hẳn phải có một duyên cớ mạnh mẽ khiến bước nàng lên núi. Và lòng ngài đoan chắc, nữ thí chủ là con nhà có chữ nghĩa, gia phong, không phải loại tầm thường. Cứ xem tư chất với cung cách ăn nói thì suy ra. Vì vậy, Tuệ Trung càng thấy phân vân về lý do của sự dấn bước.



- Sao ngài không trả lời thiếp?



- Nghĩ gì, biết gì về nàng ư? Ta không nghĩ cũng chẳng biết gì. Thực vậy! Nàng hãy nói đi, nhan sắc thế kia, giọt lệ thế kia đem đến gửi ở nơi này, là sao? Hay nàng là... Tuệ Trung chợt nhớ tới nụ cười đầy ngụ ý của Thiên Cảm, khi tiễn chân ngài lên đây. Hay nàng là người của em gái ta, sai đến thử tình ta chăng?



- Ôi! Dám thưa, ngài sai rồi, sai rồi. Thiếp là ai mà cả gan dám thử chí ngài? Thiếp là kẻ thế nào mà lại đi hạ thân làm mồi câu nhử?



Nghe vậy thì Tuệ Trung vội bảo:



- Ta thất lễ với nàng rồi. Xin hãy tha thứ cho kẻ thô kệch này nghe... Rồi lặng đi, sau ngài nói thêm: Ta dụng thân thể như khí hậu dụng áo quần vậy. Cái thân Vương này có đáng kể gì...



Trầm Nga nghe vậy cũng mạnh dạn hỏi lại:



- Nói về Tâm - Thân vậy, vốn có thực ý ngài không?



Thì đáp:



- Thực vậy!



Lại hỏi:



- Vầng trăng kia có đẹp không?



Đáp:



- Đẹp. Đẹp lắm!



Lại hỏi dấn thêm:



- Thế nào thì được coi là đẹp?



Thì đáp bằng giọng quát vang như sấm:



- Thế này thì coi là đẹp. Tay ngài trỏ thẳng nàng, ánh mắt lướt qua gương mặt và nơi vồng ngực căng như cặp núi của nàng.



Sắc mặt Trầm Nga vẫn không chuyển, nàng nhẹ bước lên một bước khiến ngón ta trỏ của Tuệ Trung vừa chạm đúng ngực mình.



- Thưa ngài, thiếp nghe nói khi con mắt còn nhìn thấy thế nào là đẹp thì Tâm còn phân biệt. Tâm còn phân biệt thì tính chưa hết sở cầu, tình còn vọng động... Ngài bảo, dụng thân thể như khí hậu dụng quần áo, thì nhan sắc của thiếp cũng như thứ khí hậu, nhưng lại không khiến tình ngài thấy nóng, lạnh, là sao?



Nói rồi nàng cười tươi như hoa và rảo bước lướt sát qua Tuệ Trung, đi về phòng của mình.



Tuệ Trung bị bất ngờ, quay nhìn và nói theo:



- Nàng nói phải mà cũng không phải!



***



Nói bất thường như ông trời, quả dân gian có kinh nghiệm. Mới tối trước ở Yên Tử trăng sao còn đẹp vậy mà hôm sau trời đã mưa tầm tã. Bao năm nay ở núi này mới lại thấy trận mưa to và dai dẳng đến vậy. Mưa đến sạt núi, nghẽn đường. Khách đã thưa càng thêm thưa vắng. Ngay những sư tiểu, tá điền của chùa ở chỗ nào cũng chỉ biết chỗ ấy, không qua lại bên nhau được. Chùa trên núi thì tịnh không thể có người lên, mà người ở chùa trên cũng không thể xuống núi để mua bán gì. Duy có đồ lễ Phật vẫn còn ít trong kho, nếu mưa gió không quá kéo dài thì cũng không lo. Tuệ Trung thấy lo lắng cho nữ thí chủ nọ. Khí lạnh lúc lúc thêm lạnh, mây mưa giăng mù mịt, vóc liễu mình mai vậy lại thiếu áo quần ấm nàng ấy sẽ chịu đựng ra sao. Ngài nhờ chú tiểu đồng chở củi vào phòng cho nàng đốt sưởi. Vậy mà ngài vẫn không được an tâm, bèn lấy áo tơi nón lá đi về phía phòng ở của nàng.



Dừng ở ngoài cửa, Tuệ Trung hỏi vọng vào:



- Hẳn nàng rét lắm ?



Nàng đáp. Tiếng hơi run mà giọng thì vui sướng:



- Rét… mà cũng... không rét ạ.



Tuệ Trung nghe vậy bật cười bảo:



- Chớ học cách nói của người khác làm gì.



Thì đáp vọng ra:



- Thiếp nói thực đấy. Tâm thiếp như có lửa vây đắp. Chẳng hay ngài hỏi về tâm hay về... thân của thiếp? Mà kìa, ngài vào đây, mau lên.



- Hỏi về thân! Hỏi về thân! Tuệ Trung đáp. Khi đó ngài đã bước hẳn vào trong phòng.



- Vậy thì ngài xem đây. Nói đoạn nàng Trầm Nga đứng thẳng trên giường, từ từ bỏ chăn và cởi từng dải áo. Cuối cùng tấm áo lụa hồng trên thân thể nàng cũng được cởi bỏ để lộ ra một tấm thân đầy đặn, trắng như tuyết. Tuệ Trung sững người nhìn. Ngài nhận ra, tấm thân Trầm Nga như một dòng tuyết chảy từ cái cổ dài tràn xuống gót chân, phả vào ngài một sức nóng lạ lùng. Trong ngài quả chưa từng có cảm giác đó. Ngài chợt thốt: "A" một tiếng. Chẳng hề bẽn lẽn, ngập ngừng, Trầm Nga hỏi luôn: "Thân thể thiếp khuất trong áo đẹp hay ở ngoài áo đẹp? Nó đang nóng hay lạnh?” Rồi tự tin, kiêu hãnh, tinh khiết nàng bước lại đưa tay cởi áo tơi gỡ nón lá của Tuệ Trung ra và quàng đôi tay trần lên hai vai Tuệ Trung, miệng thì nở như hoa, mắt ngời như ngọc.



Việc Tuệ Trung không hề có phản ứng gì trong khoảnh khắc ấy, ngài chỉ lặng im trước hành động của Trầm Nga, đến giờ vẫn là một bí ẩn tâm lý khó dò đoán. Chỉ biết ngay sau đó ngài cất tiếng hỏi, câu hỏi khiến Trầm Nga không ngờ tới:



- Nàng thuận cho ta họa lại dung nhan không ?



Trầm Nga gật đầu đồng ý. Đây là cơ hôị quý cho nàng tiến tới mục đích chăng?

Hôm sau dù trời vẫn mưa nhưng khí trời đã có phần ấm và sáng hơn. Qua một đêm thao thức với ý tưởng họa tranh, Tuệ Trung hay đâu lòng mình đã tình giăng mắc. Những khắc sống ấy, điểm bản thể, bản tính dục trỗi dậy khiến lòng Tuệ Trung bồn chồn, rạo rỡ, cơ thể như một trái chín nồng. Cái dương khí cương tràn dòng tinh chất ở đâu đấy tận thẳm sâu cội rễ con người nở trào ra ướt cả đũng quần. Ngài đưa tay vào nơi khe đùi mà mân mê dòng nước đặc sánh đó, giơ lên xem với sự sướng cảm và kinh ngạc vô cùng. Ngài cười ngây ngơ với đất trời đêm ấy, miệng lẩm bẩm tự nhắc mình "Quả là sự chẳng nên! Chẳng nên!" Nghĩ tới lệ kết hôn của dòng họ thì lòng ngài kẹt mắc lại đó. Là một thân Vương, ngài không thể không sống thuận theo lệ tục đó. Đấy cũng là thứ pháp không thể vi phạm. Vả nữa, đã coi nó là pháp thì thanh thản thuận theo cũng tựa như thuận theo một lẽ tự nhiên vậy. Đã từ lâu rồi, tinh thần sống của Tuệ Trung trong nhân quần thiên hạ chẳng mấy câu nệ cưỡng theo hay cưỡng chế vào cái gì. Luật tự nhiên hay luật đời ngài đều hòa đồng. Ngài gọi đó là pháp "Hòa quang đồng trần". Vậy mà giờ đây, nơi tinh thần tình cảm ngài xuất hiện sự bẫy mắc lẫn nhau. Nói đúng hơn, phần Đức trong ngài không cho phép bản tính dục bước qua. Ngài không thể lập nàng tố nữ làm thê thiếp, ngài chỉ có thể coi nàng là hầu gái, mà ngài hiểu với tài sắc ấy, tư chất ấy nàng sẽ không bằng lòng với vị trí thấp hèn và ngài cũng không cho phép mình hạ thấp nàng thế được. Sự giằng co giữa đạo đức, tinh thần, lệ tục, tình cảm xã hội trong cái tính dục tự nhiên của con người đã dày vò Tuệ Trung đêm bản thể đó. Biết sao cho tròn đạo và hạnh đây... "Chẳng nên! Chẳng nên!" Ngài tự thầm thì, tay đập đập nhẹ vào đũng quần một hồi. Sau rồi trút một tiếng thở dài ngài nhổm ngồi dậy và khúc khích cười một mình.

(Dĩ nhiên, những dòng tâm trạng này sách Ngọc Phả không ghi cụ thể mà chỉ dùng từ ám chỉ bóng bẩy... Với tâm trạng, tinh thần ấy dù xét theo dạng tu chứng Thiền phái nào, Vô Ngôn Thông hay Mật tông thì rõ là tâm thiền nơi Tuệ Trung Thượng Sỹ giây khắc ấy chưa là tâm định. Đó mới là sự phát giác bản thể, chưa sống đúng trong một bản thể hồn nhiên và nguyên nhất. Nó mới hé lộ bản tính, sinh khí, song song nó lại mắc kẹt nơi lý lẽ thế tục. Nhưng phải chăng đó là một phát giác bản thể quan trọng? Nó sẽ thành nền tảng cho pháp thân Tuệ Trung Thượng Sỹ - Thiền sư chứng ngộ Phật Pháp ngay sau đó?)

Tuệ Trung trở dậy, sảng khoái như mới trải qua sự cởi bỏ nặng nề, mệt mỏi. Ngài ngồi thiền chừng nửa canh giờ rồi mới sửa soạn giấy bút. Tuệ Trung khoanh hai tay trước ngực, khoan thai đi lại trong phòng. Ngài phân vân tìm giải pháp cho người mẫu làm sao vẫn được thoải mái trong bộ quần áo lụa mỏng và cả trong tư thế khỏa thân trước khi trời còn khá lạnh lẽo này. Rồi ngài "A” lên một tiếng vui vẻ khi nghĩ đến ngọn lửa. Ánh lửa hồng ấm tỏa xung quanh tấm thân này chắc cũng tạo ra cảm xúc tốt. Ngài hối tiểu đồng vào kho lựa loại củi ít khói và có mùi thơm dễ chịu nhất. Tiểu đồng Thái Thạch đi ra, lúc sau đã lễ mễ ôm về mấy súc củi vừa gỗ thông vừa gỗ nhãn. Đúng lúc ấy nàng Trầm Nga bước vào, tay rũ áo tơi cho ráo nước.

- Ngài họa thiếp theo tư thế, y phục nào? Nàng hỏi khi nhìn quanh phòng thấy việc chuẩn bị đã xong.

- Ta muốn bức này họa nàng trong y phục, còn khi thời tiết ấm lên thì xin họa khỏa thân. Vậy có được không?

- Thiếp thuận ý rồi mà. Có điều...

- Còn điều gì, nàng cứ nói rõ ra đi.

- Có câu "nam nữ thụ thụ bất thân". Ngài với thiếp ở bên nhau như vậy, thì còn đâu tiết hạnh của thiếp nữa! Nói về điều hệ trọng mà giọng vẫn nhẹ nhàng, rõ là trong nàng đã tự chủ rồi. Nàng nói chỉ nhằm từng bước ràng buộc Tuệ Trung thôi. Ánh cười trên gương mặt nàng dường không tắt.

- Nàng nghĩ vậy ư? Mê lầm quá! Mê lầm quá!

- Ngài chê thiếp vậy là sao?

Tuệ Trung ôn tồn nói, tay chỉ vào ngọn lửa làm dẫn dụ:

- Dù sống trong vòng thế tục, cũng đừng quá chấp vào danh. Cái danh cũng như ngọn lửa kia. Bảo là có lửa vì nó tỏa ánh sáng, hơi ấm; bảo là không vì nó đang tự hóa tàn tro... Rồi ngài nói thêm: Là bầu không thì phải trống rỗng, là chân lý thì phải đầy đủ, là cái đẹp thì phải thuần nhất. Bầu không có để chất chứa; chân lý có để hiện hữu nương tựa; cái đẹp có để hiến dâng. Hiến dâng là một trạng thái, thể tính vô ngã, vô ý. Bởi đã sinh ý thì tất còn lụy vào khách quan, vào người. Đã sinh ngã thì còn bám chặt vào dục vọng của mình. Giây phút này mà nàng còn tự lụy được sao?

Trầm Nga lấy làm bất ngờ trước cách nói dài và có phần bông đùa, khoa trương của Tuệ Trung. Rồi nàng nghĩ lại, lý lẽ ấy cũng đáng thuyết phục. Thế là nàng lại cho lời Tuệ Trung không khoa trương mà lại nghiêm túc. Ngài theo Phật học mà vẫn họa hình nữ sắc thì rõ là ngài đã không chấp vào danh, vào lối tu hành thông thường nữa. Nghĩ đến đấy thì nàng bảo luôn: "Ngài họa hình thiếp đi!" Nghĩ thế nói thế, nhưng chỉ có nàng mới hiểu mấy từ đó nó ẩn mang một dự tính nhiều hơn sự quy thuận lý lẽ...

Nàng làm mẫu vẽ trong tư thế ngồi, lệch bên sườn trái là ngọn lửa cháy bập bùng, những làn khói trắng mỏng đôi khi bay quẩn quanh. Tấm thân nàng trong tà áo lụa mỏng soi qua ánh lửa nom chả khác mấy người khỏa thân. Mái tóc nàng bồng xòa qua vai đổ xuống ngực rồi chảy ròng xếp lại nơi đùi. Gương mặt nàng nhìn hơi nghiêng về mé sườn trái, phía người họa. Dáng vẻ vừa toát nên vẻ viên mãn, kiêu sa vừa đượm nhớ nhung, mơ màng khiến làn mi hơi nhíu lại... Người mẫu và người họa lặng lẽ bên nhau từ sớm tới lúc chiều buông. Khi hơi lạnh ẩm thấp của mưa gió từ cửa lùa vào làm ánh lửa lung lay, những tàn lửa bay rắc ra xung quanh thì họ mới như bừng tỉnh. Bức họa đã được hoàn thành. Trầm Nga đứng dậy ý nhị vặn mình rồi nàng nhẹ nhàng đến bên Tuệ Trung. Nàng bật thốt lên: "Chàng thực là một họa sư!" Tuệ Trung tủm tỉm cười với tiếng "chàng" tự nhiên đó. (Đây cũng là lần độc nhất sách Ngọc Phả ghi từ thoại này).

Ngài bảo:

- Mầm đẹp có sẵn rồi, ta chỉ là anh thợ vun cây thôi.

Nghe vậy thì được thể, nàng trách khéo:

- Người đã không tên tuổi, tranh chắc cũng chịu phận không đề... Sao phận thiếp khéo vô duyên đến vậy.

Quả cho tới lúc đó riêng Tuệ Trung chưa hay tên tuổi của Trầm Nga. Ngài ngây ra một hồi, rồi hỏi, giọng ôn tồn, lễ độ:

- Ta thực thất lễ. Nay xin cho biết danh tính của nàng đi...
Thì đáp:

- Ngài biết dòng họ Phùng Tá không?

- Vậy nàng là người ở xứ nào?

- Danh tính dòng họ làm ngài ngạc nhiên, ngài có ghét bỏ gì chăng?

- Ồ, không! Không! Ở xứ Long Hưng, dòng họ Phùng Tá là chỗ thân tình, có thể nói, là phúc thần của họ Trần ta đấy.

Lại hỏi:

- Ngài biết gì về dòng họ Thích?

- Ấy là dòng họ của tâm linh ta. Nàng đang trêu đùa ta ư? Nói đi, sự thực nàng quê ở xứ nào? Họ, tên gì?

- Thiếp là… ngọn lửa kia, đang sắp hóa tro tàn vì lạnh.

Nói rồi cười khanh khách và bỏ đi. Lát sau Tuệ Trung đã nghe thấy tiếng nàng thổi lửa và khe khẽ hát ở dưới bếp. Một niềm nhớ nhung hoài niệm về quê cha đất tổ, qua khúc hát đó chợt dâng trong lòng Tuệ Trung. Một khúc hát đượm màu thiền du dương, siêu thoát và cũng đượm tình đời được cất lên. Nàng là người ở phủ Long Hưng chăng? Khúc hát nàng vừa hát, một là khúc Nguyên phong của những người lính Tinh Cương chế ra, còn khúc Thiền ca kia thì Tuệ Trung chưa từng được nghe bao giờ. Không phải là người xứ Long Hưng thì khó hát với kỹ âm luyến láy, với chất giọng như vậy... Tuệ Trung bỗng thấy bồn chồn vương vấn lạ và ngài thấy mệt mỏi. Nghĩ ngợi vẩn vơ một lát thì cơn buồn ngủ kéo về nặng trĩu trên mi. Chẳng kịp sắp đặt gì, ngài ngồi gục đầu ngay bên bức họa, ngủ khì...

Khúc thiền ca của nàng Trầm Nga:

Hát về Trăng Nước, Thân Tâm

Này mây này sương sao trôi long lanh
Đêm thì mênh mang một màu tối sâu 
Trăng ở nơi đâu, trên cao hay dưới lũng
Thể ánh ra sao mà màu ánh sáng...?
Này Tâm này Thân sinh ra do đâu
Thân từ mẹ cha, tâm từ nguyện cầu,
Cõi đời mang mang vô định chìm sâu
Biết đâu cùng tận thì về neo đậu...?

Hát về Chim Muông, Hoa Cỏ

Sinh nhờ vào đất, bạn cùng gió nắng
Thân nhẹ như mây, tình trong như trăng
Cất tiếng rì rào, cất tiếng líu lô
Âm không cầu ý, trắc bằng hư vô...

Hát về Núi Non

Một ngọn, muôn ngọn, lớn lao thay
Lặng im trước những vẻ tô bày
Tự ngã là hình, vô ngã tính
Duy mình đại định cũng không hay...

***

Ngày hôm sau, đống lửa lại được tiểu đồng đốt lên từ sáng sớm. Lần họa này Tuệ Trung cho bưng một cây mai già, khi đó đang vào kỳ lá rụng, ở trong nhà lá mai vẫn lác đác rơi. Vóc mảnh mai và cổ kính của cội mai đặt bên nàng tố nữ tươi trẻ có nhan sắc mặn mà tạo ra sự tương phản thẩm mỹ. Trầm Nga bần thần ngắm cội mai, đôi tay nàng vin thoa lên những cành mềm nhỏ. Tuệ Trung lặng lẽ quan sát và lia những đường bút dọc ngang. Đường bút họa của Tuệ Trung hoạt, mạnh, nhất khí, không bị đoạn mạch, chứng tỏ một tinh thần, nội mạch vững vàng, cao sáng. Tà áo lụa màu nguyệt bạch hôm đó nom lẫn với màu da nàng.

- Cội mai này rồi có trồng lại được không, thưa ngài?

- Ta đã dụng công đánh cả vồng to, cũng là mong trồng lại. Trời đang vào lúc sương tuyết, cành lộc đang khô... chẳng biết sẽ ra sao?

Tâm tư của hai người như chùng xuống. Nền trời cũng như thấp hơn, ánh sáng mờ hơn... Đôi mi Trầm Nga cong cong như cũng đang rủ lần lần trĩu xuống. Tuệ Trung đã họa chớp được nét tâm trạng đó của nàng. Bức họa đơn sơ mà đường nét rất hoạt ngỡ như tâm trạng trong những nét họa hình sắc ấy cơ hồ hoạt động được. Họa xong, xem lại chính Tuệ Trung cũng không ngờ đã thành công đến vậy.

Thì thầm, nàng Trầm Nga bảo:

- Thiếp trong tranh, mà tranh thì ở ngoài thiếp. Rồi lặng im lâu mới nói thêm, người trong tranh này mang đầy nỗi niềm nhưng cô ta không đến nỗi... cô quạnh.

- Vì có cội mai tâm trạng đó chăng?

- Sai. Ngài đã sai lắm lắm! Là bởi cô ta thì có tâm hồn của họa sư sống cùng. Cội mai chỉ là chứng nhân thôi... Lại lặng im, sau mới nói thêm: - Cả đôi bức họa chưa có đề từ, thưa ngài...

- Họa luôn ba bức nữa cho đủ ngũ bộ, rồi ta cùng nhau nghĩ đề từ cho tranh, nàng có thuận không?

- Thiếp nhờ có cha già dậy cho dăm chữ thánh hiền. Nhưng tài trí sơ sài lắm...

Tuệ Trung không vội đáp lời mà thầm nghĩ, người này ăn nói phải lời, ý tứ nông sâu đủ cách, quả là một thục nữ tư chất. Bước dấn thân tới bên ta thế này hẳn phải có một nguyên cớ mạnh mẽ thúc đẩy. Nghĩ vậy rồi, ngài mới nói:

- Chỉ e tài họa ta còn đơn sơ không họa được hết vẻ kiều mỹ phẩm hạnh con người nàng. Ta... thực lòng... rất coi trọng nàng mà...

Trầm Nga tới, giọng pha vẻ khiêu khích:

- Lời lẽ, diện mạo trang nghiêm. Nghe thì có vẻ thực thà lắm...

- Ta vẫn còn đơn sai với nàng ư?

Tới đây, không đáp lời lại nữa mà nàng chỉ đặt lưu vào đôi mắt Tuệ Trung cái nhìn sâu ẩn, rồi xin phép đi lo liệu bữa tối cùng với chú tiểu đồng. Dáng điệu Trầm Nga phút cuối buổi chiều ấy quả đã đặt vào lòng Tuệ Trung nỗi vương vấn. "Thật lạ! Thật lạ! Người đâu vừa quá đỗi đa tình, lại cũng rất mực đoan trang, ý nhị. Lời thanh mà ý thẳm. Chốn quê kiểng lại có được người thục nữ như thế sao?". Ngài lẩm bẩm nói, nghĩ. Rồi bỗng cứ tự nhiên, lặng lẽ ngài ngồi gục vào gối bên bức họa và thoáng đã ngủ say như giấc mộng đã có từ đâu đó rồi. Nàng Trầm Nga nhẹ nhàng gài cửa ngoài lại.

...Thế rồi mưa gió lại bất thần to thêm. Cả rừng cây nghiêng ngả, vật vã trong mưa gió lạnh lùng. Nhìn sâu trong màn mưa có cảm giác cả núi đá cũng đang lười lười chảy nhũ xám đục. Màn trời chỉ một màu trắng xám. Đất trời khi ấy chỉ có tiếng mưa gió và đôi lúc có tiếng côn trùng rền rĩ. Tiết cuối thu mà mưa gió lớn thế, nơi đây chưa từng thấy. Tuệ Trung nêu ý ngừng việc họa tranh lại. Theo dự ý thì hôm đó ngài sẽ họa hình Trầm Nga ở thế khỏa thân. Khỏa thân trong khí trời giá lạnh ngần ấy như! Nàng cũng thấy là phải, ý tứ đồng tình. Việc họa hình do đó rời sang ngày thứ tư.

Thêm một ngày đêm mưa ròng rã, nước trút xuống sà sã, hôm sau màn trời chỉ còn lại những rây bụi li ti, lây phây giăng trên cảnh vật.

(Xem văn tả tình và cảnh vậy, tôi đã nghĩ đó là sự bày biện còn vụng của người viết Ngọc Phả. Gió mưa vốn vô tình lắm, đâu dễ chiều ý con người vậy. Còn đọc chỗ, Tuệ Trung vì thương lo cho Trầm Nga mà cho dừng việc họa lại, thì đó là cách bày cảnh để hiện tâm. Đành cười thầm. Ở điểm truyện này tôi không dám chữa một chữ, cứ trung thành mà ghi lại...)

 Ta sẽ họa nàng ba bức khỏa thân. Cách sắp đặt của bức họa này, ta ngồi phía sau nàng, nhìn nghiêng từ một bên sườn lại. Mái tóc nàng buông xòa, sao cho phủ đều khắp lưng và phần người bên dưới. Hãy tạo tấm thân nàng trong chiếc áo tóc huyền nên chỉ nhìn được sự ẩn hiện của nó thôi.

Nói đoạn Tuệ Trung cứ tặc lưỡi xuýt xoa rất hồn nhiên rằng:

- Tiếc! Tiếc qúa! Bút này, mực này sao tả được màu da như tuyết, màu tóc như nhung của nàng đây?

 ...Bức họa xong, trên đó là một vóc hình mảnh mai, đường cong lượn chập chờn giữa suối tóc và thân thể. Họa sắc dường nhằm đặc tả một đôi chân dài thon ẩn hiện sau suối tóc như dát như đuổi nhau trong cuộc phát sắc của đen và trắng không dứt. Nền bức họa rộng thênh trong một màu trắng toát tựa một cái khung hư không im lặng tuyệt đối và đang cầm giam cái đẹp hữu hình. Duy chỉ có bàn chân là động trong cõi tĩnh không đó. Đôi bàn chân trong thế đứng kiễng, một nửa phần mũi chân như bị chìm trong sương, biểu thị một ý chí muốn thoát ra, hay một tinh nghịch được chế ngự trước cõi sống toàn vô quanh nó. Nàng Trầm Nga kêu lên:

- Một ám ảnh. Một cô vắng độc tôn của... cái đẹp con người. Thiên nhiên đâu? Sao không thấy thiên nhiên lên tiếng? Thiếp là vậy ư? Một ngọn lửa trắng…! Không! Đấy chính là biểu thị của tâm ngài. Một cái Tâm vắng lặng, hay bị kìm nén bởi sự vắng lặng nào đó?

Tuệ Trung không đáp lại phần lời sau mà chỉ bảo:

- Thiên nhiên đó. Nó vừa nâng đỡ vừa tị hiềm quay mặt... Ngài chỉ tay vào điểm gót chân người trong tranh.

Vì sao ngài đã không đáp câu hỏi về "biểu thị tâm" ngài? Đây mãi còn là một bí ẩn!

Hai người luận giải thiền họa trong một tâm thức hoàn toàn đắm đuối trước không gian nghệ thuật. Trầm Nga như không thấy mình đang khỏa thân. Tuệ Trung cũng dường quên sức sống động của một nữ sắc khỏa thân bên mình.

- Đề là "Vô uẩn hữu hình" được chăng? Trầm Nga hỏi và chợt rùng mình với làn gió lạnh lùa đến.

Tuệ Trung cười vui, ngài lấy áo khoác lên vai cho nàng.

- Nàng có học Phật học ư?

- Cha thiếp có dạy. Nàng đáp, khi đó vẻ rất thẹn thùng, đôi má cứ đỏ bừng lên.

Như vậy, với năm ngày làm việc Tuệ Trung vẽ xong năm bức thiền họa, được coi là độc nhất vô nhị đó. Ngài bảo, ngài chưa bao giờ có tâm sáng tạo như thế. Bức cuối cùng trong bộ "ngũ họa" được giới Phật tử và dân gian truyền tụng là bức họa khỏa thân trực diện.

Ngày vẽ bức họa cuối, tâm thể Tuệ Trung và Trầm Nga xung động khác thường, tuy mỗi người biểu hiện mỗi cách. Sách thiền có câu: Đấng thiêng liêng giấu chìa khóa nhà ngài trong bản thể Con Người. Tuệ Trung nói với tiểu đồng, chính hôm đó ngài đã nhận ra chân lý bí nhiệm ấy. 

Trong lúc làm mẫu, Trầm Nga đứng ngồi không yên, chốc chốc nàng lại chạy tới chỗ Tuệ Trung để xem bức họa ra sao. Má nàng luôn đỏ rỡ, toàn thân như lửa ủ cứ rần rật rần rật tỏa ra, khiến đôi mắt vốn long lanh như đôi giếng nước thẳm thì lúc đó hóa đỏ như mắt người ngủ mệt dậy. Nàng đi đứng đã có lúc không vững, luống ca luống cuống, bước xiêu vẹo va cả vào Tuệ Trung khiến ngài đánh rơi bút vẽ. Trầm Nga cũng không hay giây khắc đó trong thân Tuệ Trung cũng như thứ trái chín mọng, mọi cơ năng tựa muốn vỡ rụng. Khác nàng chỉ ở điểm ngoại hình, Tuệ Trung mang một vẻ mặt u uẩn, lạnh lẽo. Cái dương khí thức dậy căng cứng trong đũng quần, nó khiến sắc diện ngài mỗi lúc một khác. Nếu bình tĩnh thì có thể nàng thấu được giọng nói của ngài khi ấy có âm run rẩy, hơi gió hụt nên tiếng phát do ở giọng bụng hơn ở khí quản. Lưỡi và môi ngài đã có lúc trở lên tê mỏi, nước miếng ứa ra, ngài luôn phải nhổ nước dãi đi và lấp liếm rủa "bá ngọ cái miệng đắng!". Và điểm khác ở thể chất Tuệ Trung hôm ấy là ngài đã không thấy buồn ngủ nữa. Tâm - Thân ngài tỉnh táo và căng như một dây đàn, ngàn âm thanh đang náu giữa các cung bậc, náu tận nỗi hư vô và đòi được chạm tới vang động lên.

Trầm Nga thì trong trạng thái nôn nóng, xấu hổ và suy tư. Nỗi tình nàng mang tới hôm nay là tới buổi quyết định. Nàng cực kỳ hoang mang và vô cùng buồn tủi. Lòng Tuệ Trung mà không chuyển, vẫn trong tình vô tâm, xem nhan sắc nàng và dụng nó chỉ để họa tranh, dụng như "khí hậu dụng quần áo", vẫn coi xương thịt đàn bà sống động là thứ hư huyễn, như bóng trăng gương nước, hay thuần túy là một cái đẹp nghệ thuật, thì nàng biết phải làm gì. Không chinh phục được Tuệ Trung thì sự bình yên trong nàng sẽ không còn nữa. Nàng sẽ phải sống trong danh dự, phẩm tiết và thậm chí cả bản tính con người khác. Chỉ còn hôm nay thôi! Giờ khắc này thôi! Thời điểm của một đời, một kiếp hay chỉ là khoảnh khắc. Nàng đứng làm mẫu trong trạng thái tinh thần, tâm lý lung lao, bấn loạn vậy và khắc khắc, giây giây này thêm nóng dẫy tâm can với những ý nghĩ đó. Một cảm giác lửa. Lửa chảy tràn nơi mỗi tế bào thớ thịt nàng.

Họa trực diện, mặc dù họa theo lối thảo chỉ phác lấy đường nét cơ bản đặc tả. Dù vậy, theo đường bút chấm phá tới đâu, với đôi tay run run, tâm bấn loạn thì thân thể tuyệt mỹ của Trầm Nga vẫn cứ hiện ra mồn một. Khi toàn bộ hình hài nàng đã được thâu họa vào tranh, chỉ duy nhất điểm cơ thể âm tính của nàng, Tuệ Trung chưa biết xử lý họa tiết sao. Lúng túng một hồi, rồi những đường bút bỗng dứt khoát, tung tẩy vung lên. Một đài sen đã được họa vào nơi ấy.

Hoa sen vốn được tượng trưng cho Phật đài, sao Tuệ Trung Thượng Sỹ - Thiền sư lại dám họa hình sắc vậy? Phải chăng, trong khoảnh khắc ấy Tuệ Trung ở vào tâm điểm giao giữa tâm và thân, nơi cùng tận của chuyến đò qua sông bản thể. Và sự thoát ngộ của bùn sen, của nữ sắc dục cảm và tinh thần siêu thoát, hai trạng tính sống đã là một, như cái Một - Biển - Cả trước hai nguồn sông nước vậy. Nghĩa là chính cái giây phút bông sen được mọc lên từ phần âm thể giới tính, sắc dục ấy, Tuệ Trung Thượng Sỹ - Ngài đốn ngộ. Mọi tâm lý, đạo lý, tính cách, lợi ích, lệ tục xã hội vốn là vật cản, bẫy giăng trong khoảnh khắc ấy đã bị chặt đứt. Tinh thần - bản thể ngài đã thắp sáng lên trong đài sen - âm tính sắc tình đó. Nhưng với nàng Trầm Nga thì đã muộn.

Vừa khi cánh hoa cuối cùng của đài sen được họa xong thì ngay tức khắc trong căn phòng vang lên tiếng thét của Trầm Nga: "Ngài ơi! Ngài cần thân sống hay cần thân chết của thiếp!". Rồi nàng lao tới ôm xiết lấy Tuệ Trung. Tuệ Trung đứng không vững trước sức ôm dữ dội đó, ngài ngã bò quàng ra đất. Cũng bất thình lình như lúc lao vào, Trầm Nga bỗng nhảy lùi lại đứng sát lưng vào bức họa. Khi ấy nơi khe đùi và ngũ khiếu của nàng chẩy ra những dòng huyết đỏ. Căn phòng lại vang lên tiếng thét gọi: "Ngài ơi! Thiếp hóa đây!" Nói dứt lời thì Tuệ Trung thấy toàn thân Trầm Nga bỗng rực lên như một cây hỏa ngọc, sức nóng tỏa khắp căn phòng. Bức họa cuối cũng cũng hóa theo nàng.

Trong khoảnh khắc nàng Trầm Nga hóa thân, Tuệ Trung chỉ kịp nhìn nàng trong cây lửa màu hồng ngọc ít giây rồi cũng gục xuống xỉu dần đi. Khi tiểu đồng Thái Thạch kịp chạy lại vẫn thấy Trầm Nga như một cái xác rực hồng, bỏng rẫy, còn Tuệ Trung thì đã hoàn toàn ngất lịm.

 * Đã in trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, 2006.

2 nhận xét :

  1. Chuyện dài và thâm sâu quá . Đọc một đêm chưa hết !

    Trả lờiXóa
  2. Truyện hay, thật và thoát tục.

    Trả lờiXóa