Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Tin HOT: GIÁM ĐỐC NXB HỘI NHÀ VĂN TRẢ LẠI QUYẾT ĐỊNH NGHỈ HƯU


“Ngõ lỗ thủng” ở Hội nhà văn Việt Nam

Hồng Diệu
Tiền Phong

06:40 ngày 14 tháng 08 năm 2016

TP - Chuyện về hưu của giám đốc NXB Hội Nhà văn, cơ quan cấp hai của Hội nhà văn Việt Nam, không có gì đáng nói. Nếu như vị giám đốc ấy, nhà văn Trung Trung Đỉnh không bức bối trả lại… quyết định về hưu, một hành động hi hữu xưa nay. Sự việc lùm xùm này, giống như một “ngõ lỗ thủng” (tên một tác phẩm của Trung Trung Đỉnh) ở Hội đông đảo hội viên nhất nhì Việt Nam, cũng là nơi sản sinh và đề cao những giá trị tinh thần. 

 
Nhà văn Trung Trung Đỉnh (phải) thăm một người bạn chiến đấu ở An Khê, Gia Lai. 
Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

“Quả bom” sát ngày thương binh- liệt sĩ

Những người yêu văn học đều biết nhà văn Trung Trung Đỉnh trước hết là một người lính. Sau chiến tranh, ông trở về cuộc sống đời thường mang theo những vết thương đi cùng năm tháng. Cho nên, cứ đến dịp 27/7 hằng năm ông lại ngóng chờ bạn bè: “Ngày 26/7, sát ngày 27/7, tôi đang hóng mấy người bạn là cựu chiến binh đến để chúc mừng nhau, ăn nhậu, thì ông Trần Đăng Khoa tới.


Trước đó, cô phó giám đốc NXB có thông báo: Hôm nay chú Khoa đến có việc. Tốt quá. Tôi cứ nghĩ “chú Khoa” đến để chúc mừng tôi và đồng đội. Nhưng chú ấy đến lại nói: Em đến báo cáo bác, em thừa lệnh của đồng chí Chủ tịch, đưa thông báo về hưu của bác, của cô Thư (nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, Phó tổng biên tập NXB Hội nhà văn-PV), anh Quí (nhà thơ Trần Quang Quí, Phó giám đốc kiêm phó tổng biên tập NXB Hội nhà văn- PV).

Tôi kéo ông Khoa xuống phòng họp vì anh em đã chờ ở đó rồi. Ông Khoa nói lí do và đưa cho tôi cái phong bì trong đó có cái quyết định: Ông Phạm Trung Đỉnh (Tức nhà văn Trung Trung Đỉnh- PV) nghỉ quản lí để giao toàn bộ công việc cho ông Trần Quang Quí đúng ngày 1/8. Hôm đó là ngày 26/7, tức là sau 5 ngày tôi phải bắt tay bàn giao toàn bộ công việc. Tôi thấy cái quyết định của bà Thư và tôi có đề ngày giờ về hưu cụ thể, của ông Quí lại đề chung chung: Quí 2, năm 2017, tức là sang năm, không đề ngày, giờ. Tôi thấy ngạc nhiên, bèn hỏi ông Phó chủ tịch Hội nhà văn: “Tôi có bị kỷ luật gì không? Có vấn đề gì không”? Ông Khoa bảo: “Có gì mà kỷ luật”. Tôi thắc mắc: “Không có kỷ luật tại sao trong mấy ngày tôi phải bàn giao công việc như thế?”.

Ông Khoa đáp: “Thì anh là trưởng phải bàn giao cho phó chứ sao?”. Tôi chưa chịu: “Vâng, tôi bàn giao. Nhưng tôi hỏi lại, tôi có bị kỷ luật không?”. Ông Khoa khẳng định lại: “Không”. Tôi nói: “Tôi thấy quyết định này không hợp lí, tôi trả lại anh. Anh cứ đem về báo cáo lại với ông chủ tịch đi”. Sau đó, ông Khoa đem xuống phòng hành chính của NXB gửi lại. Tôi nói với phòng hành chính mang quyết định sang Hội nhà văn”.

Kể đến đây, tác giả “Ngõ lỗ thủng” bình: “Tôi hơi bị xúc phạm vì mình ở đây lâu năm rồi, đi bộ đội lâu năm rồi, làm việc bao năm nay rồi, về hưu không là cái gì quan trọng, mình cũng đang ngóng chờ, đang nghĩ đến những cuộc đi chơi với bạn bè, đang nghĩ đến chuyện cơ quan phải tổ chức như thế nào trước khi về cho vui vẻ. Tự nhiên làm như thế, tôi sốc. Tôi bỏ đi”.

Một ngày hai quyết định bàn giao

Theo tài liệu nhà văn Trung Trung Đỉnh lưu lại, trong cùng ngày 25/7, BCH Hội nhà văn Việt Nam đưa đến hai quyết định về việc nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể trường hợp ông Phạm Trung Đỉnh. Hai quyết định (đưa hai lần) có hai nội dung không giống nhau. Quyết định ban đầu ghi: “Ông Phạm Trung Đỉnh, Giám đốc nhà xuất bản- Hội nhà văn Việt Nam nghỉ quản lí để bàn giao cho ông Trần Quang Quí, Phó giám đốc phụ trách từ ngày 1 tháng 8 năm 2016”.

Quyết định thứ hai ghi: “Ông Phạm Trung Đỉnh, Giám đốc NXB-Hội nhà văn Việt Nam nghỉ quản lí để bàn giao cho Ban giám đốc Nhà xuất bản. Thời gian bàn giao từ ngày 1 tháng 8 năm 2016 đến ngày 31 tháng 8 năm 2016. Trước sự chứng kiến của ông Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban tổ chức- Hội viên”.

 
Nhà văn Trung Trung Đỉnh thăm vợ chồng nghệ sĩ H’ben ở Tây Nguyên. 
Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ 
Trước phản ứng dữ dội của Giám đốc NXB Hội nhà văn, cả ban giám đốc được BCH Hội nhà văn mời đến họp: “Ông Chủ tịch Hội nói đủ thứ chuyện nhưng câu đầu tiên vào họp, ông Thỉnh nói: “Khi tôi đi làm lí lịch về đại biểu Quốc hội có mục bạn thân nhất của ông là ai, tôi đã trả lời: Là Trung Trung Đỉnh.

Tôi về nhà con tôi, vợ tôi hỏi: Bạn thân nhất của bố bây giờ là ai? Tôi nói: Trung Trung Đỉnh”. Trung Trung Đỉnh kể đến đây lại bình: “Tôi thấy ông Thỉnh nói hay quá. Tôi định phản ứng nhưng nghĩ là cũng không nên. Sau đó ông ý còn nói dông dài, nào tôi nhận được thư ngỏ của anh Đỉnh, nào anh Đỉnh đề xuất người này người kia nhưng BCH chúng tôi họp thì mỗi nhân vật đề xuất chỉ được một phiếu”.

Tôi hỏi Trung Trung Đỉnh: “Theo anh, lí do gì người ta muốn cho anh về gấp?”. Nhà văn cho rằng: “Thực ra ý đồ của ông Chủ tịch là làm thật nhanh để đưa ông Quí lên. Nhưng ông ý không thể áp đặt được, muốn đưa ai lên cũng phải theo qui trình: 3 lần ông Thỉnh yêu cầu NXB làm thăm dò trường hợp của ông phó giám đốc Trần Quang Quí thì cả 3 lần đều không đạt, 2 lần trượt cấp ủy. Tôi nói luôn với BCH (có mặt cả ông Quí ngồi đó): Tôi không bàn giao cho người mà 3 lần thăm dò tín nhiệm, 2 lần cấp ủy đều trượt, như vậy là một đảng viên kém uy tín”.

Rồi Trung Trung Đỉnh tổng kết: “Chuyện về hưu của tôi là chuyện dĩ nhiên. Không phải bàn. Tôi đã chủ động trước rồi. Tôi đã viết thư ngỏ trước khi chuẩn bị về hưu, tôi muốn chuẩn bị trước. Nếu BCH ủng hộ NXB thì rất nên sang NXB xem cụ thể thế nào rồi có ý kiến. Họ không thăm dò, không gặp gỡ… Như thế là đánh mất uy tín của anh em NXB. 

Tôi cũng đề xuất xin ông Sương Nguyệt Minh (nhà văn Sương Nguyệt Minh –PV), thay thế tôi 3 năm nay rồi. Về phía cá nhân Sương Nguyệt Minh thì không vấn đề gì nhưng nếu BCH đồng ý thì cử người sang bên quân đội xin ông về thôi, chứ ông Sương Nguyệt Minh đâu thể tự làm được”. 
.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhà thơ Trần Quang Quí. Ảnh: Nguyễn Đình Toán 
Liệu cuộc nghỉ hưu của Trung Trung Đỉnh có bắt nguồn từ mâu thuẫn cá nhân giữa ông và Chủ tịch Hội nhà văn? Sự mâu thuẫn có phải như trong giới đồn thổi, bắt đầu từ bài chân dung Trung Trung Đỉnh viết về người đứng đầu Hội nhà văn, đã hồn nhiên khoe quá khứ “đi buôn” của nhà thơ nổi tiếng? Tác giả “ngõ lỗ thủng” lắc đầu: “Âm ỉ nhiều thứ rồi, không phải từ bài chân dung đó đâu. Sau này, tôi in sách còn nhiều thứ nữa. Tôi là người viết, khi viết tôi phải trung thực. Tôi viết thế là vui, là hay chứ, không thể ghét tôi được. Ông ý ghét tôi vì nhiều thứ. Hồi tôi còn ngồi BCH họp cái gì tôi cũng nói thẳng, nói thật. Hôm trước họp BCH ai cũng ca ngợi ông Thỉnh tốt đẹp, trong sáng, tình cảm, tôi biết tôi thua rồi nhưng tôi không có ý chiến đấu mà chỉ muốn nói thẳng, nói thật ý của tôi. Tôi không có nhu cầu xin gì cả”.

Về chuyện về hưu ở Hội nhà văn, Trung Trung Đỉnh kể: “Các cơ quan cấp 2 của Hội đều lần khân. Những cán bộ của Hội nhà văn có “luật” đến tuổi về hưu cộng thêm 5 tuổi nữa. Sau này, bỏ “luật”, chỉ cộng thêm 2 tuổi nữa thôi, sau tuổi về hưu. Song cũng có thực hiện như vậy đâu”. Về phần mình, nhà văn Trung Trung Đỉnh tiết lộ: “Tôi đã làm 3 đơn xin về hưu từ ngày đủ tuổi đến nay.

Hôm họp BCH, ông Thỉnh có nhắc, đã giữ lại 3 quyết định về hưu của tôi, để chứng minh sự thật là ông thương quí tôi. Ông giơ 3 quyết định ra thì tôi xem thôi, ông đóng dấu cũng quyền của ông thôi. Chứ trước đó, tôi chưa từng nhận được quyết định nào…” Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng bật mí thêm trong suốt quá trình làm việc ở NXB Hội nhà văn, ông từng tha thiết mời một số nhà văn tên tuổi về thay mình như nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Cao Duy Sơn, sau này là nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Mong chờ sự tử tế
Gây sốc cho nhau chỉ chứng tỏ các anh sống với nhau chả có tình cảm gì. Tôi nghĩ riêng việc này anh Đỉnh sốc là đúng.
Cách làm này Hội nhà văn nói thế nào cũng  sai. Sai về nguyên  tắc hành chính. Không tôn trọng cơ quan người ta đang làm việc. Đây là nằm trong hệ thống sự coi thường, chuyên quyền của một số người, coi thường nguyên tắc.
Ngó sang bên Tạp chí Thơ ông phó tổng biên tập nhiều tuổi rồi chứ, có chấp hành chấp tỏi gì đâu, vẫn ngồi đấy thôi? Phản ứng của ông Đỉnh không phải “tham quyền cố vị” mà là người ta ứng xử với ông không tử tế. Hơn bao giờ hết người ta mong chờ sự tử tế ở đây.      
(Nhà phê bình Ngô Thảo)
Kỷ niệm chương của ngành xuất bản?
Theo ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, với vị trí và đóng góp của ông Trung Trung Đỉnh, nếu có đề nghị từ cơ sở thì giám đốc NXB Hội nhà văn trước khi về hưu có thể được nhận Kỷ niệm chương của ngành xuất bản.
Cho đến nay, Cục chưa nhận được thông báo chính thức bằng văn bản về việc ông Trung Trung Đỉnh về hưu. Nếu có thông báo chính thức, Cục sẽ có buổi làm việc với cơ quan chủ quản để giúp NXB tiếp tục hoạt động hiệu quả.  Ông cũng trao đổi ngoài lề rằng, trao vị trí giám đốc NXB cho ai cũng phải đủ tiêu chuẩn, nếu bàn giao cho một người mấy tháng nữa cũng đủ tuổi nghỉ hưu thì có thể gây ra tư duy nhiệm kỳ.

25 nhận xét :

  1. Ông Thỉnh còn đó ngày nào
    Là ư như mọi tầm phào vẫn nguyên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tưởng rằng ông trần đăng khoa khôn ngoan thế nào, té ra cũng cùng hũ cả? Chà ! khó biết thật!

      Xóa
    2. Té ra cái ông Đỉnh này còn hơn tuổi cả anh Hữu Thỉnh cơ đấy? Hơn tuổi thì về hưu trước !

      Xóa
    3. Chuyện vui.
      -Thủ trưởng cho em hỏi, theo thủ trưởng thì bọn nào là xấu xa nhất trong cơ quan ta?
      _ Cậu còn phải hỏi nữa? Bọn thủ phó chứ bọn nào nữa! Nó mong tớ về hưu từng giây từng giây một!
      - ?

      Xóa
    4. Đăng Khoa, Hữu Thỉnh một lò
      Thêm Quang Thiều nữa, một trò nhố nhăng

      Xóa
  2. Mình không phải là nhà văn, cũng có đọc một số tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, nhất là thời chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía bắc, nhưng đến nay thì không muốn đọc nữa và nhiều lý do.
    Tuy nhiên về ông chủ tịch hội nhà văn VN Nguyễn Hữu Thỉnh, mình chỉ xem ông là một kẻ bồi bút để vinh thân phì gia mà thôi, còn tư cách NHÀ VĂN của ông ta không đủ xúc đầy một VỎ HẾN.
    Cho nên ông ta đối xử với TTĐ cũng như với các đồng nghiệp khác như thế là phản ánh đúng bản chất con người của ông ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hữu Thỉnh hữu lai,vô thỉnh vẫn lai thì còn gì là nhân văn,nhân cách nữa mà gọi là nhà văn nhà thơ.Tên này cho đi gặp đại biểu Minh Hồng mà thảo luận về Luật nhà thơ càng sớm càng tốt

      Xóa
    2. Không ai xứng đáng thay Thỉnh và Đỉnh bằng đại thi hào Hoàng quang Thuận! TĐKhoa hay Ng Q Thiều đừng có lăm le xí phần đấy nhé! Trước đây, khi HNV tổ chức lễ "tôn vinh" Hoàng thi bá, có người đã bình: "Thối inh, Thỉnh ơi!". Nay mùi càng bốc!

      Xóa
  3. Tôi là kẻ ngoại đạo của văn chương , nhưng cũng hay đọc tin tức . Tôi thấy với anh chủ tịch hội nhà văn Việt Nam ,thấy anh này nổi tiếng về các vụ tai tiếng nhiều hơn là mục thơ văn của anh ta , thiển nghĩ anh này chắc cũng loại xôi thịt thôi.....

    Trả lờiXóa
  4. Tổ chức nào mà có đảng "lãnh đạo" cũng đều có chuyện lùm xùm hết. Hội nhà văn do ông Thỉnh (chắc là đảng viên) "lãnh đạo". Ông này la một nhân vật cơ hội nổi tiếng.
    Một tổ chức nổi tiếng hơn do đảng "lãnh đạo" là VTV cũng có không ít chuyện lùm xùm, gần đây là phóng sự về Syria của nhà báo Lê Bình. Có một "tin buồn" về VTV như sau: Theo quảng cáo cách đây cả tháng thì tối 13.8.2016, VTV sẽ phát tiếp phần 2 ký sự về Syria, nhưng tối qua đúng giờ dự kiến phát (20h10) thì không thấy ký sự đâu mà thay vào đó là phim tài liệu "tiềm năng dưới tán lá rừng", nói về việc trồng cây...ba kích, một loại cây mà các quý bà hay săn lùng (rễ) về ngâm rượu cho quý ông để tăng "khí thế". Dù sao thì cũng "hoan hô" VTV đã nghe thấu những lời phản đối về ký sự Syria mà dừng phát phần 2.

    Trả lờiXóa
  5. Ơ dưng mà anh Thỉnh không thấy ngượng khi khoe mình làm hồ sơ đại biểu quốc hội nhỉ, vì hình như anh bị trượt chổng vó cơ mà?
    Nói chung, anh em văn nghệ sĩ nhiều người ghét anh Thỉnh. Nhe nói, có nhà thơ nữ nổi tiếng làm đơn xin ra khỏi Hội nhà văn, lý do vỏn vẹn: Vì Thỉnh làm chủ tịch Hội! Chẳng biết có đúng không? Sau này có bác nào viết hồi ký kiểu "Bốn mươi năm nói láo" của Vũ Bằng, nhớ viết kỹ chuyện về anh Thỉnh nhé. Anh Thỉnh dù sao cũng là người rất thành công trong việc dựng "bia miệng" cho mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó là nhà thơ Ý Nhi, tuyên bố ra khỏi hnv vì không thể ở dưới trướng "tay chủ tịch BIẾN HÌNH TRÙNG"! (sic!)

      Xóa
  6. Các đồng chí việt cọng đối xử với nhau như vậy là bình thường thôi!

    Trả lờiXóa
  7. Cái mồm Hữu Thỉnh đẩy đưa
    Ai ai nghe nói cũng ưa cái mồm
    Nhưng vào công việc đáng buồn
    Chỉ ai vào cúi ra luồn mới qua

    Trả lờiXóa
  8. Dẹp cái hội nhà văn ấy đi! Nữ thi sĩ rất nổi tiếng Ý Nhi đã tự động rời khỏi hội nhà văn vì lý do ông chủ tịch hội Hữu Thỉnh được nữ thi sĩ định nghĩa là "biến hình trùng"!
    Ai về nhà nấy mà sáng tác, ai có tác phẩm nổi tiếng thì lãnh giải Nobel. Cái hội này ăn vào tiền thuế của dân rồi nói phét!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biến hình trùng Hữu Thỉnh cùng thi phật Hoàng Quang Thuận là cặp bài trùng, cần phải tránh xa kẻo lây nhiễm thành zombie đấy

      Xóa
  9. Các ông các bà hội nhà văn này sao không noi gương các cụ ngày xưa như Nguyễn Khuyến, Trần tế Xương...các cụ đâu có nhà xuất bản, đâu có hội này, hội kia mà thơ văn các cụ ngày nay được lưu truyền, được giảng dạy, được in thành sách ở bất cứ nơi nào có người Việt, tận bên Mỹ, bên chau Âu và còn thường xuyên được trích dẫn.
    Các ông các bà hội nhà văn ngày nay chỉ tranh ăn, gìanh uống, tồi quá! Dẹp đi! Tiền đâu mà nuôi mãi những người như thế!

    Trả lờiXóa
  10. Nói cái này thì nó hơi bẩn nhưng phải nói: chỉ những nhà văn, nhà thơ nào không sống được bằng tác phẩm của mình thì cứ bám vào cái hội nhà văn để chấm mút, bẩn lắm! Dẹp cái hội ấy đi thì hết tranh giành và người dân đỡ phải nuôi, nhé!

    Trả lờiXóa
  11. Có ai như bác Thỉnh tôi
    Bảy lăm tuổi đã vẫn ngồi chóp bu
    Chắc đầu đến lúc âm u
    Mắt toàn chỉ thấy hào, xu mịt mùng

    Trả lờiXóa
  12. Hội nhà văn là một trong những tổ chức trong hệ thống chính trị của ĐCSVN, lập ra với mục đích giải ngân tiền thuế của dân.

    Trả lờiXóa
  13. Bề ngoài thơn thớt nói cười
    Bề trong nham hiểm giết người không gươm
    Nghe đồn chủ của phương ngôn
    Đang tìm bác Thỉnh Cám ơn đề tài

    Trả lờiXóa
  14. Hai mươi năm cầm chịch rồi
    Bây giờ đến lúc nên thôi bác à
    Nghề mình sáng tác thơ ca
    Phải đâu dưa nhút, tương cà vậy đâu?

    Trả lờiXóa
  15. Nhà văn VN hết thời rồi.
    Giờ là thời của bọn đạo nhạc...

    Trả lờiXóa
  16. Văn chương hạ giới rẻ như bèo . Bèo bọt cũng vẫn tránh nhau chỗ bám rễ . Đúng là sỏi đá cũng cần có nhau !

    Trả lờiXóa
  17. Ô này lạ thật đến tuổi phải nghỉ chứ sao . Thế mới biết họ tham chức quyền thật

    Trả lờiXóa