Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Đấu thầu Khoa học: HỒ SƠ VI PHẠM VẪN TRÚNG TUYỂN

TUYỂN CHỌN ĐỀ TÀI CẤP NHÀ NƯỚC 
- NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÓ TIN

Nguyễn Hồng Anh
Bài 3: Hồ sơ nhiều vi phạm nhiều nhất về quy định nhà nước được trúng tuyển

PGS.TS Uông Đình Khanh. Ảnh: Viện Địa lý
Trong mọi văn bản giấy tờ trả lời Viện Địa lý Kinh tế xã hội hay đối thoại trực tiếp, Bộ KH&CN đều khẳng định Bộ làm theo “đúng quy định của Nhà nước”. Với lý do “đúng quy định của Nhà nước”, tôi xin trình bày một số điểm sau đây, để hy vọng mọi người có cơ sở để xem xét sự khẳng định của Bộ trong việc tuân thủ “đúng quy định của Nhà nước” của đơn vị tham gia tuyển chọn do PGS. TS. Uông Đình Khanh đăng ký làm chủ nhiệm:

Cơ sở pháp lý đầu tiên mà các đơn vị tham gia tuyển chọn phải (1) tuân thủ những quy định về công tác hành chính của Nhà nước, (2) tuân thủ theo TT10/2014/TT-BKHCN; (3) tuân thủ theo quyết định 1580/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 6 năm 2015 mà Bộ KHCN đã ban hành. Tại chương 2, điều 5 trong TT10/2014/TT-BKHCN quy định rõ: Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

“Tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng dẫn và các Biểu mẫu của Phụ lục I kèm theo Thông tư này: 
… 
3. Thuyết minh đề tài (Biểu B1-2a-TMĐTCN hoặc Biểu B1-2b-TMĐTXH); thuyết minh dự án (Biểu B1-2c-TMDA); thuyết minh đề án (Biểu B1-2d-TMĐA). 
……

Vậy PGS. TS. Uông Đình Khanh đã đúng những quy định gì? và như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Anh
Một là, thuyết minh của đơn vị Viện Địa lý do PGS.TS. Uông Đình Khanh đăng ký làm chủ nhiệm không đạt yêu cầu về mặt nội dung khoa học và cũng chỉ có 1 sản phẩm /6 sản phẩm yêu cầu trong QĐ 1580 (đây là lỗi đã mắc tương tự như lỗi chúng tôi đã mắc phải trong thuyết minh của kỳ tuyển chọn lần thứ hai và vì lý do đó nên hồ sơ lần thứ hai của chúng tôi bị loại) đã được nêu trong khiếu nại lần thứ nhất ngày 17 tháng 3 năm 2016. Còn kỳ này TS. Uông Đình Khanh được Hội đồng ca ngợi, đáp ứng được yêu cầu của đơn đặt hàng. Phải chăng vì PGS. TS. Uông Đình Khanh đã chép đúng yêu cầu đơn đặt hàng, mà không cần luận giải thì mới đáp ứng được yêu cầu của đơn đặt hàng. Còn các hồ sơ khác luận giải kỹ thì không đáp ứng được?

Hai là, theo quy định, tất cả các thuyết minh phải tuân thủ theo Thông tư 10 năm 2014 trong đó có biểu mẫu B1-2a-TMĐTCN 10/2014/TT-BKHCN, kèm theo sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng mục trong biểu mẫu này. Những điểm vi phạm về quy định như sau:

- Thuyết minh đã vi phạm quy định tại mục 12, trong đó quy định rõ “Ghi những người có đóng góp khoa học và chủ trì thực hiện những nội dung chính thuộc tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp tham gia thực hiện đề tài, không quá 10 người kể cả chủ nhiệm đề tài”, nhưng đơn vị đã đưa ra danh sách 14 người, mà vẫn được Bộ Khoa học công nghệ thông qua để đưa vào danh sách tuyển chọn, phải chăng nhờ đó mà “Năng lực và thành tích nghiên cứu của chủ trì và của các thành viên tham gia nghiên cứu” sẽ đạt điểm tuyệt đối.

- Vi phạm tại mục 15.2: Luận giải về việc đặt ra mục tiêu và những nội dung cần nghiên cứu của đề tài. Mục tiêu này liên quan tới mục 13 trong biểu mẫu “Bám sát và cụ thể hóa định hướng mục tiêu theo đơn đặt hàng” (đơn đặt hàng chính là quyết định 1580 ký ngày 25/6/2015): Mục 13, TS. Uông Đình Khanh chỉ sao chép tiêu đề mục tiêu đã được quy định trong mục “Định hướng mục tiêu” của QĐ 1580. Nhưng lại bỏ qua phần luận giải để làm sáng tỏ một cách khoa học, có sức thuyết phục  những định hướng mục tiêu của đơn đặt hàng trong mục 15.2 (Không có luận giải nội dung). Phải chăng các nhà khoa học này cho rằng chỉ sao chép tiêu đề mục tiêu là đã hoàn thành hai chữ “luận giải”? Hay các tác giả không thể hiểu được vì sao Bộ KHCN lại đưa ra định hướng và yêu cầu luận giải rõ các định hướng mục tiêu đã được đặt ra?

- Vi phạm tại mục 18. Trong biểu mẫu quy định: Luận cứ rõ cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng gắn với từng nội dung chính của đề tài; so sánh với các phương pháp giải quyết tương tự khác và phân tích để làm rõ được tính mới, tính độc đáo, tính sáng tạo của đề tài). Chắc chắn tất cả những ai đã làm công tác nghiên cứu khoa học đều biết kỹ thuật sử dụng là gì, vai trò quan trọng như thế nào, cho nên cũng chắc chắn rằng không phải vô cớ khi Bộ KH&CN đã yêu cầu rất chi tiết về vấn đề này trong cả biểu mẫu thuyết minh thuộc lĩnh vực KHCN và trong cả KHXHNV. Thuyết minh đã bỏ qua toàn bộ đề xuất kỹ thuật sử dụng gắn với từng nội dung. Vì sao???

- Vi phạm yêu cầu đề ra trong đơn đặt hàng (Quyết định 1580/QĐ –BKHCN ngày 25 tháng 6 năm 2015) ở mục “Yêu cầu đối với kết quả” không chỉ cần thuyết minh mà còn phải luận giải 6 sản phẩm, nhưng chủ nhiệm Uông Đình Khanh chỉ thuyết minh có 1 sản phẩm, đó là “Cơ sở dữ liệu đầy đủ và cập nhật về đa dạng sinh học, hiện trạng mâu thuẫn trong sử dụng quản lý tài nguyên ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm”. Tuy được gọi là thuyết minh được một 1 sản phẩm, nhưng trong sản phẩm đó thuyết minh lại chỉ tập trung xây dựng bộ chỉ thị đa dạng sinh học dành cho giám sát đánh giá rạn san hô ở Cù Lao Chàm (Nội dung kết quả này không đúng với yêu cầu đề ra). Chủ nhiệm Uông Đình Khanh đã nhầm sang nhiệm vụ thứ ba cấp nhà nước cũng được công bố trong cùng một quyết định 1580 này.

- Yêu cầu sản phẩm thứ 6 được trong QĐ 1580 ghi rõ “giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên gắn với sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội ở Khu DTSQ (có tính khả thi và phân kỳ thực hiện)”. Thuyết minh đã bỏ qua luận giải tính khả thi và phân kỳ thực hiện.

Ba là, không đạt yêu cầu của đơn đặt hàng đề ra, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh tới hai điều sai phạm nghiêm trọng, không đúng với công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam, bởi đánh rơi mất hai chữ “phát triển” mà Bộ yêu cầu trong đơn đặt hàng:

- Nội dung thuyết minh đề xuất giải pháp luận cứ khoa học hài hòa là khai thác tài nguyên trên cơ sở hiện có, điều đó có nghĩa đề xuất sinh kế không làm “phát triển tài nguyên” như thế có bảo tồn nổi không, hay với sinh kế đó sẽ làm tan nát nốt hệ sinh thái ở chính vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm? Điều này đã vi phạm Công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học (CDB) và vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng của Việt Nam, đi ngược lại chính quyết định 1580 do Bộ KH&CN ban hành “bảo tồn và phát triển tài nguyên gắn với sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội”. 

- Hệ thống đảo Việt Nam là một lãnh thổ bao gồm phần chìm và phần nổi, đồng thời là một bộ phận gắn liền với đất liền thành một thể thống nhất. Đảo chỉ có thể giữ được vị thế về an ninh, quốc phòng, khi kinh tế xã hội phát triển, sinh kế của người dân bền vững, đặc biệt trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay. Thuyết minh của chủ nhiệm PGS. Tiến sĩ Địa lý Uông Đình Khanh chỉ đề xuất xây dựng bộ chỉ thị giám sát rạn san hô (phần chìm dưới nước), và bỏ qua toàn bộ phần nổi (mà chính các nhà khoa học địa lý gọi đó là lục địa xanh) và thiếu tính kiên kết với đất liền của quốc gia, điều này đồng nghĩa là đã bỏ qua người dân, những con người đang ngày đêm bám trụ giữ đảo quê hương trong điều kiện khắc nghiệt của miền Trung (gió Lào, bão biển), bỏ qua nguồn lực quan trọng nhất của đất nước – nguồn vốn con người cùng sinh kế của họ. 

Tại trang 13, dòng 16 từ trên xuống các nhà khoa học đã trích dẫn quan điểm tiếp cận của thế giới “Bảo tồn cho phát triển và phát triển cho bảo tồn”. Vậy có thể nói rằng yêu cầu 6 của sản phẩm “bảo tồn và phát triển tài nguyên” mà Bộ KH&CN khẳng định trong quyết định 1580 là hoàn toàn trên quan điểm quốc tế và yêu cầu khoa học ở trình độ khu vực và thế giới. Tính logic mà QĐ 1580 đưa ra đó “gắn với sinh kế”. Có nghĩa rằng bất kỳ một loại hình sinh kế nào dù “mô hình thử nghiệm” hay mô hình triển khai đều phải đảm bảo nguyên tắc “bảo tồn và phát triển tài nguyên” (chỉ có phát triển mới bảo tồn được), như vậy mới “đạt hiệu quả kinh tế sinh thái”. Ra quyết định trên chứng tỏ Bộ KH&CN đang tuân thủ rất nghiêm ngặt Công ước quốc tế về bảo tôn đa dạng sinh học, Luật pháp Việt nam: Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng….

Tại sản phẩm 4 trong thuyết minh của Viện Địa lý, mô hình thứ nhất đã được các chuyên gia đề xuất là “Xây dựng và vận hành thử nghiệm mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn đa dạng sinh học”. Trên thực tế, lâu nay chưa định hướng phát triển du lịch sinh thái đảo, thì loại hình này đã tự phát triển và lượng khách đã gia tăng đến mức quá tải, ảnh hưởng rất nhiều tới đa dạng sinh học cả trên phần nổi của đảo lẫn dưới nước. Vậy nếu không phát triển tài nguyên, thì với sự tự phát của du lịch hiện nay đang khai thác nguồn lợi đa dạng sinh học hiện có, thì đa dạng sinh học tại đây có chịu tải được nữa không, và chịu được tới bao lâu thì sẽ mất hết. Khi đó chắc sẽ lập hội đồng thẩm định để đi tìm nguyên nhân giống như Vũng Áng? Thực tế, các nhà khoa học đã bao giờ biết những vấn đề nóng tại đây là gì chưa? Những gì còn, những gì mất? … Chúng tôi cho rằng nếu xây dựng và quản lý mô hình du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học thì mới gọi là đáp ứng yêu cầu của đơn đặt hàng. 

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến mà thứ trưởng Phạm Công Tạc đã khẳng định: “Người ta có nhiều ý tưởng và phương pháp khác nhau trong đó có thể trùng nhau cách giải quyết vấn đề đặt ra”. “Bảo tồn và phát triển tài nguyên gắn với sinh kế và phát triển kinh tế xã hội” là vấn đề được đặt ra quyết định trong QĐ 1580, là cơ sở pháp lý buộc các đơn vị tham gia tuyển chọn phải quán triệt và tuân thủ khi lập thuyết minh. Như thế có nghĩa là từ tổng quan tài liệu (cơ sở lý luận và thực tiễn) cho tới đề xuất mô hình (ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn), tìm nguyên nhân, phân tích bất cập, đề xuất giải pháp chung và giải pháp đặc thù đều phải đạt tới quy định trên. 

Bộ KHCN đã trả lời “hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau”. Chúng tôi đồng ý phải tham khảo đa chiều, kể cả quan điểm trái chiều phản biện quan điểm bảo tồn và phát triển tài nguyên, đều được quyền nêu lên nhằm mục đích tham khảo, đối chứng, so sánh, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, nhưng cuối cùng vẫn phải đạt mục tiêu mà QĐ 1580 yêu cầu, vì đây là “yêu cầu” của Nhà nước. Nếu không đạt được yêu cầu trên, thì có nghĩa hồ sơ đó đã vi phạm quy định của Nhà nước. Không lẽ Bộ KHCN lại không biết mình đã ra quyết định gì? Chúng tôi biết Bộ có cả Ban Thanh tra và Vụ pháp chế giúp việc cho Bộ.

Mô hình thứ hai được để xuất trong thuyết minh của TS. Uông Đình Khanh chỉ tính tới rạn san hô dưới nước. Vậy nếu xảy ra bất kỳ tác động xấu nào tới rạn san hô, tổn thất về sinh kế của người dân tới đâu? Hoặc khi trào lưu du lịch sinh thái đi xuống, thì sinh kế đặt ra đối với cuộc sống của người dân nhằm sinh tồn là gốc hay phát triển là gốc?

Thêm nữa, trong cả hai mô hình đề xuất, TS. Uông Đình Khanh đã luận giải: 

- Khảo sát địa bàn và lựa chọn địa điểm và đối tượng tham gia mô hình
- Xây dựng kế hoạch chi tiết
- Chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ và vật dụng
- Triển khai thực hiện mô hình
- Theo dõi, giám sát và điều chỉnh các nọi dung công việc trong quá trình thực hiện mô hình cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Vậy đây có được công nhận luận giải nội dung phù hợp với tiêu đề không, và nội dung mà TS. Uông Đình Khanh “luận giải” theo kiểu trên có mang thông điệp về “tính khả thi” hay không? Có thể toát lên được giải pháp thực tiễn “mang lại hiệu quả kinh tế và có thể nhân rộng” như quy định trong QĐ 1580. Đó cũng là điều dễ hiểu vì sao TS. Uông Đình Khanh phớt lờ đề xuất phân phân kỳ thực hiện (Chỉ sao chép nguyên bản của Quyết định 1580 đặt vào mục 22. sản phẩm KHCN chính của đề tài- trang 84, mục 8 cột 2, dòng 5 từ dưới lên)

Bộ KHCN đã nhiều lần khẳng định đúng quy định nhà nước, và thay mặt Bộ KHCN, bà Nguyễn Thị Thanh Hà đã giải thích với công dân khiếu kiện chúng tôi về quy trình tuyển chọn. Vậy với chức năng kiểm tra hồ sơ “có hay không” việc tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước (chứ chưa bàn luận tới nội dung chi tiết trong đó), Vụ KHXH và TN đã hoàn thành đúng chức năng nhiệm vụ mà Bộ giao cho hay chưa? Vì sao để lọt lưới  những hồ sơ hồ sơ sai phạm quy định nhà nước, đã vậy lý do nào mà TS. Uông Đình Khanh được bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó vụ trưởng vụ KHXH-TN bảo vệ tới cùng trong cuộc họp ba bên: Ban Thanh tra của Bộ, Vụ KHXH và tự nhiên, Viện Địa lý KTXH và phát triển ngày 31 tháng 3 năm 2016? Đã vậy còn khẳng định rằng chính chúng tôi vi phạm quy định (chúng tôi xin được bàn luận chi tiết này trong một phần tiếp theo).

Chúng tôi đánh giá rất cao một tập thể 14 chuyên gia mà trong đó tới 12 nhà khoa học có học hàm học vị PGS. TS., dầy dạn kinh nghiệm, năng lực trong cả công tác nghiên cứu lẫn giảng dạy. Nhưng câu hỏi đặt ra, với trình độ và kinh nghiệm như thế, vì sao lại có thể lập nên một bản thuyết minh dưới tầm năng lực và kiến thức như vậy? Yêu cầu trong quy định 1580 đã ghi rõ “đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên”, vậy mà tại thuyết minh của mình trong quá trình tổng quan lý thuyết, luận giải và đặc biệt đề xuất mô hình sinh kế cho người dân, các nhà khoa học lại đánh rơi mất hai chữ “phát triển” (chìa khóa cốt lõi của sự hài hòa), và đưa ra giải pháp vi phạm công ước quốc tế, đi ngược với định hướng của nhà nước, vi phạm luật pháp Việt Nam, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của đơn đặt hàng. 

Ngày 20 tháng 6 năm 2016, Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng. Có phải Bộ KH & CN cùng các nhà khoa học đã tham gia trong Hội đồng cho rằng rạn san hô và hệ sinh thái trên đảo không được gọi là rừng? Nên lệnh Thủ tướng Chính phủ đóng cửa rừng chỉ có tác dụng đối với địa bàn Tây Nguyên và đối với trên đất liền?

------

Loạt bài: Tuyển chọn đề tài cấp nhà nước - những chuyện khó tin

Tin HOT: GIAN LẬN TRONG KHOA HỌc, VẪN ĐƯỢC HỘI ĐỒNG CHẤM

TUYỂN CHỌN ĐỀ TÀI CẤP NHÀ NƯỚC - NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÓ TIN Trần Quân - Hồng AnhBài 2: Gian lận trong khoa học, hồ sơ vẫn được Hội đồng đánh giá cao           Tố cáo TS. Trần Ngọc Ngoạn, Viện trưởng Viện Địa Lý nhân văn đạo văn Tham dự tuyển chọn nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước tổ chức vào...
Đọc tiếp...

Thứ Ba, ngày 02 tháng 8 năm 2016

TUYỂN CHỌN ĐỀ TÀI CẤP NHÀ NƯỚC - NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÓ TIN

Bà Nguyễn Hồng Anh - nạn nhân của sự gian lận, bảo kê khuất tất trong đấu thầu  tuyển chọn các dự án cấp nhà nước. TUYỂN CHỌN ĐỀ TÀI CẤP NHÀ NƯỚC  - NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÓ TIN Trần Quân - Hồng Anh Bài 1: Tổng quan Ngày 5 tháng 1 năm 2016, Bộ KHCN đã tổ chức mở cuộc truyển chọn cho nhiệm vụ (đề tài) khoa học cấp Nhà nước...
Đọc tiếp...

2 nhận xét :

  1. Di chuyển máy bay từ TSN ra Biên Hòa, ngày 25/7/2016
    https://www.youtube.com/watch?v=Ua10oh9QjLQ

    Trả lờiXóa
  2. Trần Thị Thảolúc 10:46 3 tháng 8, 2016

    " Khoa học là khách quan " , nhưng ở VN không phải như vậy. Suốt mấy chục năm qua , không một ai có thể tính chính xác được có bao nhiêu giáo sư + tiến sĩ rởm ? Vậy họ đậu được bằng giáo sư tiến sĩ là do đâu ? Câu trả lời thật dễ dàng , đó là TIỀN .

    Trả lờiXóa