Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

ĐÀN ÁP BIỂU TÌNH ĐẾN TỪ LỆNH CỦA CẤP CAO NHẤT?

Hàng hàng người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối sau vụ việc cá chết hàng loạt
ở Việt Nam gần đây.

Có chỉ đạo chống biểu tình từ cấp cao?


BBC tiếng Việt
12.05.2016
 

Việc chính quyền được cho là 'nặng tay' với các cuộc biểu tình ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về vụ cá chết hàng loạt là 'có chỉ đạo của cấp trên' cao hơn thành ủy, theo khách mời của Bàn tròn Thứ Năm của BBC Việt ngữ về chủ đề biểu tình ở Việt Nam.

Trao đổi tại bàn tròn hôm 12/5/2016 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, bình luận về trách nhiệm của tân Chính phủ Việt Nam và các quan chức lãnh đạo thành ủy hai thành phố trên.

Xảy ra trấn áp một cách rất mạnh tay và không đúng pháp luật đối với người dân ở hai thành phố thì chắc chắn là hai vị đứng đầu của hai thành phố không thể thoái thác trách nhiệm. Nhưng tôi hiểu ở đây có thể có những chỉ đạo ở cấp cao hơn cả hai ông đứng đầu thành phố
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Tôi cho rằng việc để xảy ra vụ việc ở Formosa, vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung và điều tra chậm, công bố các nguyên nhân chậm, xử lý chậm, thì đấy là trách nhiệm của cấp cao nhất là Chính phủ.

"Còn việc xảy ra các việc trấn áp một cách rất mạnh tay và không đúng pháp luật đối với người dân ở hai thành phố thì chắc chắn là hai vị đứng đầu của hai thành phố không thể thoái thác trách nhiệm.

"Nhưng tôi hiểu ở đây có thể có những chỉ đạo ở cấp cao hơn cả hai ông đứng đầu thành phố.

"Nhưng tôi muốn nói như thế này, đã là người đứng đầu thành phố, thì mình phải có chủ kiến và mình phải chịu trách nhiệm, sẵn sàng chịu trách nhiệm về chủ kiến của mình."

Khi được hỏi, nếu có chủ trương cấp cao đó, thì chủ trương đó tới từ ai, Giáo sư Thuyết nói:

.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đã là lãnh đạo thì cần phải có chủ kiến 
và dám chịu trách nhiệm về chủ kiến của mình.

"Tất nhiên hiện nay tôi không có bằng chứng gì để nói là ở đâu, nhưng tôi tin rằng có chỉ đạo ở cấp cao hơn. Ví dụ tại sao tất cả báo chí Việt Nam im lặng trước những chuyện như thế này?

Thậm chí ngay cả việc ô nhiễm môi trường, cá chết hàng loạt, thì báo chí cũng bị hạn chế đưa bài, đưa tin. Thì tôi nghĩ rằng nó phải có một cấp cao hơn, chứ không phải chỉ là cấp ở địa phương mà có thể quyết định được."

Không có tư cách?

Mạng xã hội Việt Nam mới đây tràn ngập các hình ảnh phản ánh một 'lực lượng mới' được cho là 'Thanh niên Xung phong', được huy động, bên cạnh các lực lượng khác bảo vệ trật tự của chính quyền như công an, trật tự, dân phòng v.v... kể cả lực lượng lâu nay được cho là an ninh, công an mặc thường phục, tham gia 'trấn áp' và 'ra tay nặng' với người biểu tình, kể cả với 'phụ nữ' và 'trẻ em' ở TP. Hồ Chí Minh.

Trong trường hợp như vậy, cần phải có sự khởi kiện, cũng như đề nghị truy tố đối với lực lượng này và đối với những cá nhân này ra trước pháp luật, (vì) đã có những hành vi bạo lực đối với nhân dân
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
Trước câu hỏi, nếu thông tin về lực lượng này tham gia như vậy là có cơ sở, thì 'Thanh niên xung phong' có chức năng, nhiệm vụ trấn áp, dẹp biểu tình hay không, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam - Vusta), nhà nghiên cứu, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm:

"Nếu đó là lực lượng Thanh niên xung phong, thì theo luật pháp của nhà nước, họ không có tư cách gì để thực hiện các hành vi tạm gọi là hành vi chấp pháp cả.

"Cứ cho là nếu họ muốn thực thi công vụ để đảm bảo sự tuân thủ của pháp luật, cứ cho là pháp luật đó vi hiến rồi, nhưng mà ngay cả chức năng của họ không có, vậy thì hành vi của đội ngũ thanh niên xung phong này cần phải được coi như là hành vi của một tổ chức xã hội không có tư cách về mặt công quyền, không được trao nhiệm vụ.

"Và trong trường hợp như vậy, cần phải có sự khởi kiện, cũng như đề nghị truy tố đối với lực lượng này và đối với những cá nhân này ra trước pháp luật, (vì) đã có những hành vi bạo lực đối với nhân dân, thì theo tôi như thế mới là thỏa đáng.



 
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng lực lượng 'Thanh niên xung phong' không có chức năng chấp pháp và hành vi bạo lực với dân phải bị xử lý trước pháp luật.

"Chứ không thể coi đương nhiên đây là một lực lượng chấp pháp được. Nếu đó là công an, thì coi như là họ thực thi công quyền, nhiệm vụ, đó lại là chuyện khác, nhưng trong trường hợp này, đây là một lực lượng được coi như một tổ chức xã hội, được thành lập trong quá trình động viên tuổi trẻ xây dựng, phát triển kinh tế.

"Và bác Võ Văn Kiệt (cố Thủ tướng Việt Nam) cũng đã rất tự hào về lực lượng này, và tôi được biết, không phải đàn anh của lực lượng thanh niên xung phong hiện nay đồng tình với những hành vi của những thanh niên xung phong trẻ tuổi hiện nay.

Kinh nghiệm quốc tế

Chia sẻ với BBC Việt ngữ ngay trước thềm Bàn tròn thứ Năm, phóng viên Soe Win Than từ ban BBC Burma (Miến Điện) so sánh về xử lý và đối phó biểu tình ở Việt Nam với cách thức của chính quyền quân sự của Myanmar nhiều năm về trước.

Lý do các chính quyền nặng tay với nhân dân và người biểu tình, sử dụng các biện pháp trấn áp, đàn áp, đe dọa, thậm chí khủng bố, là như vậy và là do họ không tin, chưa dám tin vào nhân dân
Nhà báo Soe Win Than, BBC Myanmar
Ông nói: "Các chính quyền chưa chấp nhận dân chủ luôn quan ngại các cuộc biểu tình, phản đối của công chúng. Họ e rằng nếu đi quá giới hạn, thì sẽ thách thức quyền lực của chính quyền.

"Lý do các chính quyền nặng tay với nhân dân và người biểu tình, sử dụng các biện pháp trấn áp, đàn áp, đe dọa, thậm chí khủng bố, là như vậy và là do họ không tin, chưa dám tin vào nhân dân.

"Ngày nay, ở Myanmar, mặc dù còn chưa hoàn chỉnh, nhưng các cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị, phản đối có thể diễn ra mà không có sự e ngại như trước, vì tôi tin rằng chính quyền đã dám tin vào nhân dân, đã biết tôn trọng nhân dân.

"Mặt khác, họ biết rằng khủng bố, đàn áp người dân, anh không thể thực hiện được đại trà, làm được hết, anh chỉ làm được điểm, mà nếu anh nặng tay quá, có thể để lại hậu quả rất khó lường cho tương lai. 

.
 
Người dân Myanmar hiện đang được hưởng một bầu không khí dân chủ và vừa trải qua 
một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu tự do.

"Tốt nhất là tôn trọng dân, lắng nghe dân và các cuộc biểu tình của sư sãi, sinh viên ở Myanmar ngày trước, bị khủng bố, đàn áp, trấn áp mạnh như thế, nhưng có ngăn nổi các phong trào và xu thế dân chủ, dân quyền và cải tổ ở đất nước của chúng tôi đâu," nhà báo Soe Win Than nói.

Quan sát tình hình các vụ biểu tình ở Việt Nam gần đây trong vụ cá chết hàng loạt, cũng như theo dõi phản ứng đối phó biểu tình của chính quyền Việt Nam, nhà báo Ngô Ngọc Văn, từ BBC Tiếng Trung và Thế giới vụ (World Service) nêu quan điểm:

"Tôi thấy chính quyền Việt Nam nên đi thẳng vào vấn đề, xem xét nguyên nhân, tìm hiểu thiệt hại, bàn bạc phương án bồi thường thiệt hại, xử lý môi trường, tổ chức đối thoại, lắng nghe dân chúng v.v... hơn là có các động thái mà tới nay bị cáo buộc là khá nặng tay với dân, với người biểu tình.

Tôi cũng chưa rõ vì sao ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama mà Việt Nam chọn cách này để đối phó với các phong trào dân sự?

Bà Ngô Ngọc Văn
Ở Trung Quốc, cảnh sát và quân đội hiện cũng đã ngại nặng tay với người dân, với người biểu tình, sau vụ đàn áp Thiên An Môn, ở phương diện cá nhân, nhiều viên chức bị hội chứng ám ảnh 'flash-back', sau khi tham ra các vụ ra tay ấy, còn với chính quyền, thì các chính phủ ngại bị cộng đồng quốc tế lên án, phê phán.

"Tôi cũng chưa rõ vì sao ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama mà Việt Nam chọn cách này để đối phó với các phong trào dân sự?

"Cách thức mà sử dụng bạo lực có thể có vẻ ổn ngay hôm nay, tức thì với chính quyền, nhưng về lâu về dài, nó có thể gây phương hại, rủi ro rất lớn cho vị thế của các chính quyền, chính phủ lựa chọn những cách thức ấy," nhà báo Ngô Ngọc Văn nói với BBC Việt ngữ.

BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến của khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn về biểu tình ở Việt Nam trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.

.

8 nhận xét :

  1. Không biết đến cuối thế kỷ này VN có bằng được Myanmar năm 2015?

    Trả lờiXóa
  2. Đàn áp nhân dân càng mạnh, là một hình thức hữu hiệu làm mất lòng tin của nhân dân với chính phủ mới, gây nghi ngờ ác cảm với cộng đồng quốc tế, chưa có nước nào lại đánh đổ máu nhân dân biểu tình vì môi trường bất chấp họ là người già, phụ nữ hay trẻ em. Khi mà cả thế giới đều lo ngại, quan tâm đến môi trường, khí hậu thì VN lại làm ngược lại, người bảo vệ môi trường là kẻ thù của chế độ.

    Trả lờiXóa
  3. Trong 2 cuộc kháng chiến với cái gọi “cướp chính quyền và giải phóng dân tộc” dân tộc ta đổ cả núi xương với mục đích dành lại quyền tự do dân chủ ấm no cho mình.song những cái ghế được thay thế ấy lại tỏ ra vô học tham ô tham nhũng đàn áp nhân dân vô tội vạ và tàn bạo hơn rất nhiều. những hình ảnh phản phúc ấy càng ngày càng lộ rõ nguyên hình qua các hành vi đánh đập tàn bạo đàn bà trẻ em phụ nữ không một tấc sắt trong tay trong cuộc biểu tình ôn hòa để bảo tồn thiên nhiên và sự sống.

    Trả lờiXóa
  4. Không những các chính trị gia lão luyện hay các nhà quan sát thới cuộc nhạy bén mà ngay cả người dân thường Việt Nam có mặt ở khu vực Nhà thờ Đức bà, Q.1 tp Sài Gòn sáng ngày 08/5/2016 đều nhận thấy việc đàn áp dã man và đẫm máu người dân biểu tình ôn hòa là có chỉ đạo từ cấp cao nhất!
    Hãy xem các lực lượng tham gia đàn áp chỗng biểu tình: Lực lượng nổi mang sắc phục gồm có: CA khu vực, cảnh sát giao thông, cảnh sát 113, cảnh sát PCCC, Cảnh sát An ninh, Dân Phòng, bảo vệ chuyên nghiệp tại cac công sở với đầy đủ xe pháo và trang thiết bị hiện đại! Lực lượng chìm (Công an giả Côn đồ và/hoăc Côn đồ giả Công an) chia làm 3 lớp trà trộn vào hàng ngũ người biểu tình để chia cắt, chỉ điểm và ra tay bắt và đánh đập khủng bố người tham gia biểu tình rất chuyên nghiệp! Một điểm khác biệt là người dân đã nhận mặt nhiều kẻ bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn người biểu tình tại Nhà thờ Đức Bà sáng 8/5 là quân nhân thuộc Bộ CHQS tp Sài Gòn cải trang trong trang phục TNXP!
    Để huy động các lực lượng vũ trang chính quy của thành phố lớn nhất Việt nam tham gia vào đàn áp người biểu tình, chắc chắn phải có sự đồng ý của cấp lãnh đạo cao nhất Việt nam. Đó là Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, CTN Trần Đại Quang, BTQP Ngô Xuân Lịch, và hai UVBCT Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng. Phối hợp với sự đàn áp bài bản, chuyên nghiệp và thâm hiểm này là sự nhất loạt im lặng của truyền thông nhà nước về các cuộc biểu tình ngày 08/5/2016, lực lượng này do Đinh Thế Huynh thực quyền lãnh đạo!
    Xem ra, ban lãnh đạo đảng CSVN đang muốn chơi Canh bạc Tất tay với Nhân dân!

    Trả lờiXóa
  5. Một cuộc biểu tình bị đổ máu nhưng đạt được thành quả vô cùng to lớn,nó đã lột được bộ mặt tàn bạo man rợ giả giối lừa dân mà bấy lâu nay cứ tưởng nó sống vì dân vì nước.

    Trả lờiXóa
  6. Đảng ta thích xây dung nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự nhưng làm thì cái gì cũng vi hiến. Không rõ các bác ấy có biết đang đứng trên pháp luật hay không nữa !!!

    Trả lờiXóa
  7. Hà Nội chưa thấy tin gì cho 15/5 hả các bác? Sốt ruột quá

    Trả lờiXóa
  8. Loay hoay đối phó
    Bởi chưa có luật biểu tình?
    Lỗi đâu ở tại dân mình
    là vì quốc hội lình xình chưa ra
    Cuối nhiệm kỳ lại bỏ qua
    Dành cho khóa mới xét ra luật này!
    Chưa có luật có cái hay
    Cứ theo Hiến pháp ghi nay rành rành?
    ...

    Trả lờiXóa