Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

NGƯỜI THẤT NGHIỆP CŨNG CẦN PHẢI CÓ TIẾNG NÓI TẠI QUỐC HỘI!

Uỷ ban bầu cử TP Hà Nội thông qua đã thông qua danh sách sơ bộ 
những người ứng cử ĐBQH khoá XIV.
.
“Không nên đưa người thất nghiệp vào Quốc hội” 
Thứ Năm, ngày 17/03/2016 15:54 PM (GMT+7)

Nguyên Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội [Trương Tùng] cho rằng nên loại bỏ những người thất nghiệp ra khỏi danh sách ứng cử ĐBQH khoá tới. 


Sáng nay 17.3, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIV.

Hội nghị đã thông qua biên bản và danh sách sơ bộ 87 người ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó 39 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và 48 người tự ứng cử.

Có một số ứng viên đại biểu Quốc hội được nhiều người biết tới, như: tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; nghệ sĩ ưu tú Minh Ánh, Hiệu trưởng Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội; nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến, nguyên phát thanh viên, biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam, nghệ sĩ hài Công Vượng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa…

Người ứng cử ĐBQH trẻ nhất sinh năm 1993, hiện đang làm phóng viên một tờ báo ở Hà Nội. Trong số danh sách ứng cử sơ bộ ở Hà Nội có một số người là lao động tự do, “không có nơi làm việc cố định” .

Ông Trương Tùng, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi cho rằng không nên đưa những người thất nghiệp vào Quốc hội. Bởi ngay cả bản thân mình họ còn không lo được, nói gì đến chuyện lo cho dân cho nước”.

Theo ông Tùng, những người không có nơi làm việc cố định, “nay đây mai đó” khó có thể làm tròn trách nhiệm mà người dân giao phó, đóng góp ý kiến cho Quốc hội.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội lại cho rằng danh sách sơ bộ người ứng cử thể hiện rõ sự dân chủ trong bầu cử.

“Người được cơ quan, tổ chức giới thiệu thì đương nhiên tôi rất tin tưởng. Người tự ứng cử, đó là quyền của người ta. Danh sách lần này thể hiện rõ sự cởi mở dân chủ trong bầu cử. Chúng ta không thể gạt bỏ họ được mà hãy để cử tri tự quyết. Trừ trường hợp phát hiện người ứng cử vi phạm pháp luật, còn lại không phân biệt ngành nghề”, ông Liên nói.

Theo ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, danh sách sơ những người ứng cử ĐBQH của Hà Nội đảm bảo tính dân chủ, quyền tự ứng cử của mọi công dân.

“Tất cả hồ sơ nhận người tự ứng cử, người được cơ quan tổ chức giới thiệu nên trình bày tập thể, nguyên văn. Người tự ứng cử nộp hồ sơ đúng luật thì chúng ta phải đồng ý đưa vào danh sách rồi thực hiện các bước tiếp theo. Kể cả người được giới thiệu lẫn tự ứng cử đều bình đẳng như nhau”, ông Bình nói.

Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Uỷ ban MTQ Việt Nam TP Hà Nội cho hay, bước quan trọng tiếp theo sau khi lập danh sách sơ bộ là lấy ý kiến cử tri nơi làm việc và nơi cư trú về người ứng cử. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các đại biểu sẽ được thể hiện ý kiến về từng người ứng cử.

Tại hội nghị hiệp thương lần 1, tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến phân bổ cho Hà Nội là 30, số người giới thiệu ứng cử là 60, trong đó 5 người tự ứng cử (trong phân bổ không có cơ cấu cho đại biểu tự ứng cử). Đến ngày 27/4, danh sách ứng cử viên sẽ được công bố. 

.
Tất Định 
___________

Thưa Ông Trương Tùng, người thất nghiệp càng cần phải có tiếng nói trên diễn đàn Quốc hội. Nay mai đây, người thất nghiệp sẽ càng tăng, vì vậy tiếng nói của họ tại Quốc hội sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, nhất là Bộ Lao động Thương binh Xã hội kịp thời điều chỉnh để xã hội được ổn định.
 

5 nhận xét :

  1. Xúc phạm quá nặng nề rồi, càng thể hiện sự ấu trĩ dốt nát. Ông này chắc không biết có những CEO, huấn luyện viên bóng đá mỗi khi "thất nghiệp" họ lại được hưởng những khoản tiền lớn như thế nào. Nhiều người kinh doanh, đầu tư tự do sống khỏe gấp vạn lần đám công chức cắp ô ăn hại chỉ để mang danh có việc làm và chờ sổ hưu. Cũng cần nói rõ không ai cần các ông chăm lo, chính các ông đang ăn bám tiền thuế của dân mà không làm được việc, hồ khô đồng cạn cả nước chết đói đến nơi rồi.

    Cái gọi là "có việc làm, không thất nghiệp" của các ông đây:
    https://m.youtube.com/watch?v=5CNCH6doNKo

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Trương Tùng, nguyên PCT HĐND thành phố Hà Nội, nói có lý nhưng không có lẽ? Người thất nghiệp là do cơ hội không có việc làm của quốc gia tạo nên, chứ không phải lỗi của họ? Hiện rất nhiều cử nhân, Thạc sĩ lâm vaò tình trạng không có việc làm chứ có phải đâu họ là người không được đào tạo. Vì vậy liệu QH có cần tiếng nói của người thất nghiệp?
      Nếu ta quan niệm được rằng ĐBQH chỉ là người đại diện cho cử tri của họ mà không phải quan chức hay chính khách, thì không cần khắt khe với người thất nghiệp phải sống bằng lao động tự do !

      Xóa
  2. Thì cái anh chàng Trương Tùng này hồi công tác ở thành phố Hà nội có làm được cái tích sự gì đâu mà giờ vẫn cao giọng thế ?

    Trả lờiXóa

  3. Chính cái cách "suy và luận" hết sức đơn giản như của ông Trương Tùng này mới là chết thiên hạ đấy ! Ông không biết gì về xã hội, kinh tế, người lao động nó là một...Người lao động lao đao vì kinh tế đi xuống...hay như hiện nay là rõ nhất mà ông phải là một trong những người không thể bịt mắt bịt tai được, đó là tình trạng người Tàu chiếm gần như tất cả công trình xây dựng trên đất nước này mà số công nhân rất lớn họ mang sang với sự tiếp tay, làm ngơ của "chính quyền" ! Ông dề cập đến người thất nghiệp với cái giọng phỉ báng mà chẳng chịu mở mắt ra, động cái não của mình một tí ti nào cả, Đất nước này phải chịu đựng mấy con rối này cho đến bao giờ !

    Trả lờiXóa
  4. Các đại diện của tầng lớp lãnh đạo có quá nhiều trong Quốc Hội nên mới tạo nên tầng lớp thất nghiệp đông đúc như hiện nay.Muốn đất nước phát triển cách tốt hơn là nên đưa tầng lớp thất nghiệp này vào Quốc Hội vì họ chắc chắn sẽ năng động hơn loại đại biểu chỉ biết gật và ngủ do nhờ"cử"vào QH theo cơ cấu.Bằng chứng có đoàn ĐB mấy nhiệm kỳ mà chỉ có vài ý kiến ất ơ,chẳng biết họ đang nói về vấn đề gì(như Nghệ an đó)

    Trả lờiXóa