Là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại Trường Sa cách đây 25 năm, sau sự kiện 14/3/1988 khi Trung Quốc nã súng, 64 chiến sỹ Việt Nam anh dũng hy sinh. Người phóng viên năm xưa nay đã ở vị trí lãnh đạo nhưng trong cuộc đời làm nghề, những ngày tháng tác nghiệp đầy hiểm nguy đó vẫn là những kỉ niệm và kí ức không thể nào quên.
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng (bên trái) trên đường ra Trường Sa năm 1988.Thiếu tướng Hồ Anh Thắng (bên trái) trên đường ra Trường Sa năm 1988.
Trò chuyện về hơn 20 ngày tác nghiệp, đứng giữa sự sống và cái chết Nhà báo, Thiếu tướng Hồ Anh Thắng – phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân- “người đã chai sạn với trận mạc” vẫn đầy sự nghẹn ngào…

Chuyến đi “lành ít dữ nhiều”
Nhà báo, Thiếu tướng Hồ Anh Thắng nhớ lại: Những ngày đó, khi thông tin 64 chiến sỹ Việt Nam ngã xuống để bảo vệ vùng trời biển đảo thì cả nước tràn ngập, sôi sục không khí của chiến tranh. Cả nước hướng về Trường Sa thân yêu. Nhà báo Hồ Anh Thắng khi đó là phóng viên báo Quân đội Nhân dân được cử ra Trường Sa tác nghiệp về sự kiện. Trước khi lên đường, những người đồng nghiệp của ông đã chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn để chia tay. 
Sau này nghe nhà báo Phạm Quốc Toàn nói lại, ông mới biết hóa ra bữa cơm ấy được coi như “ngày cúng”, nếu ông chẳng may không quay về nữa. Còn ông, một người khi ấy đã kinh qua những ngày tháng tác nghiệp trong cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt những năm 1979, một người lính làm báo, đủ dạn dĩ đứng trước gian nguy nên ông rất bình thản. Tất nhiên, chuyến đi “lành ít dữ nhiều” này ông chẳng dám nói với vợ và gia đình, lặng lẽ khoác túi lên đường làm nhiệm vụ.
Những người làm báo có mặt ở Vũng Tàu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra đảo để tác nghiệp ngày đó có Nhà báo Trần Bình Minh (Đài THVN), Ngọc Đản (Báo Nhân Dân), Đình Trân (TTXVN), Lê Phức, Vinh Quang (Báo Ảnh Việt Nam), Đạo diễn Lê Mạnh Thích (Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương), Trung Hiền (Tiền Phong)…, nay người còn người mất. Con tàu cứu hộ Mỹ Á đưa các nhà báo lênh đênh trên biển, khi gần đến đảo Colin thì bị tàu Trung Quốc bao vây. Lính Trung Quốc trên tàu đầu đội mũ sắt, hung hãn và dữ tợn với nòng pháo rê rê hướng về tàu, sẵn sàng nhả đạn. Thuyền trưởng Đặng Ngọc Quý cùng ông Lê Mạnh Thích – trưởng đoàn báo chí tập hợp tất cả anh em phóng viên lại.
 Ông Thích phổ biến nhiệm vụ và ra lệnh: “Tàu ta đứng trước hiểm nguy. Cuộc chiến đấu có thể diễn ra và có thể chúng ta sẽ hy sinh hoặc bị bắt nhưng tuyệt nhiên không để bị rơi vào tay địch, không để mất tài liệu. Nếu tàu Trung Quốc bắn, tình huống tàu ta bị cháy, các đồng chí phải nhảy xuống biển ngay. Sau đó, tất cả đều được phát phao đứng, để trường hợp nhảy xuống biển hạn chế bị cá mập ăn thịt. “Lúc đó thực sự, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ hy sinh, đó là giây phút căng thẳng nhất trong chuyến đi ấy. Quả thực nếu ngã xuống điều tiếc nuối lớn nhất của chúng tôi là rất nhiều tư liệu chưa kịp gửi về đất liền, là những lá thư, những món quà, chưa gửi được tới tận tay những người lính đảo” – nhà báo Hồ Anh Thắng chia sẻ. Tuy nhiên, sau một hồi doạ dẫm, khiêu khích, chiếc tàu mang số hiệu 854 chạy vòng quanh rồi khoảng gần nửa giờ sau, quay đầu về Gạc Ma.
Vị tướng và hồi ức về lần đầu tác nghiệp ở Trường Sa - ảnh 1Thiếu tướng Hồ Anh Thắng (bên trái) cùng nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Như Thính ngày 22/4/1988 tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.
Gần 20 bài viết và tác phẩm bị đánh dấu đỏ…
Con tàu Mỹ Á không chùn bước, vẫn tiếp tục tiến đến Côlin. Đặt chân tới đảo, chứng kiến con tàu HQ 505 mang trong mình 50 vết đạn, hiên ngang bám chặt vào mình đảo, tạo thành một cột mốc chủ quyền oanh liệt khiến những người làm báo không khỏi xúc động. Nhà báo Hồ Anh Thắng kể lại rằng, người thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vô cùng anh dũng, sau khi tàu bị quân Trung Quốc bắn 50 phát đạn, biết rằng không thể cầm cự được nữa, ông mở hết tốc lực, đánh mũi tàu vút lên đảo như một cách để khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Côlin. 
Những gì còn lại chỉ là đống đổ nát, tàu bị cháy rụi, hàng hóa chỉ còn là đống tro tàn. Thế nhưng, những người chiến sỹ Hải quân Nhân Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ, vẫn lạc quan và hạnh phúc đón nhận thư, quà của đất liền gửi ra. Trong cảm xúc của người chứng kiến, thiếu tướng Hồ Anh Thắng vẫn nhớ như in hình ảnh người lính reo vui khi có nước ngọt, nâng niu hấng từng giọt, từng tia nước, vừa xót xa vừa trân trọng. 
Rồi câu chuyện về những em học sinh tiết kiệm tiền ăn sáng gửi tặng 3000 đồng cho các anh chiến sỹ ngoài đảo xa, những người lính xung phong ra giữ đảo, những chiến sỹ kiên cường sẵn sàng trở thành cột mốc hữu hình, quyết bám đảo đến giây phút cuối cùng… Biết bao những tấm gương, biết bao những câu chuyện cảm động và những ngày tác nghiệp đã được nhà báo Hồ Anh Thắng ghi chép và viết liên tục gần 20 tác phẩm đăng trên báo Quân đội Nhân dân, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người đọc những năm tháng ấy như: ghi chép ở Trường Sa, hai anh em trên đảo Trường Sa, mười ba năm gắn bó với Trường Sa, Câu trả lời ở Trường Sa…
Câu chuyện xúc động nhất mà vị phó Tổng biên tập ngồi trước mặt tôi kể lại trong nghẹn ngào đó là khi đoàn nhà báo lên đảo được chứng kiến cảnh các chiến sỹ chôn cất những liệt sỹ hy sinh là anh Phạm Hữu Đoan – thuyền phó tàu HQ 605, Võ Văn Tứ, và thiếu úy Trần Văn Phương – người chiến sỹ cho đến phút cuối cùng ngã xuống vẫn giương cao lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma. Hình ảnh những người lính chiều chiều nhặt từng con ốc nón xếp lên những nấm mồ đồng đội để tránh bị sóng biển đánh, cứ ám ảnh ông đến tận bây giờ. Ông đã nhắc đến trong “ghi chép ở Trường Sa” và cũng bởi hình ảnh này, ông đã nhận một bài học vô cùng quý giá trong nghề, từ cố Tổng biên tập – Thiếu tướng Trần Công Mân. 
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng kể: Ngay khi về đất liền, tôi đã viết tác phẩm ấy và rất hài lòng về bài viết. Khi đưa tác phẩm lên cho Tổng biên tập duyệt, tổng biên tập đọc một lượt rồi đánh dấu đỏ và đề nghị sửa lại. Sau khi chỉnh lại, tôi lại tiếp tục mang lên cho ông xem, vẫn thấy ông đánh dấu đỏ… một cách lạnh lùng. Trong đầu suy nghĩ nhiều lắm, nghĩ mãi không sao hiểu được vì sao mình tâm đắc thế, viết xúc động thế mà vẫn bị Tổng biên tập đánh dấu đỏ nhiều lần. 
Sau khi sửa chữa hoàn chỉnh, Tổng biên tập Trần Công Mân ôn tồn nói với tôi: Nhà báo phải lấy sự kiện để làm thông tin chứ không được khóc thay cho sự kiện. Nếu nước mắt có thể làm cho xã hội bớt đi những điều ác thì có lẽ thế giới tràn ngập nước mắt… Rồi ông nói một câu rất hình ảnh: “Hai người cùng nhìn xuống, người bình thường thì thấy hồ nước, nhà báo thì phải thấy những vì sao”.
Dừng lại câu chuyện về ngày xưa, trách nhiệm của một nhà báo đã có hơn ba thập niên trong nghề, ông lại trần tình nói với tôi: Mỗi thời mỗi khác, trong công tác tuyên truyền của chúng ta hiện nay cần linh hoạt. Độc chiếm Biển Đông là âm mưu của Trung Quốc và Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu đó. Những người làm báo là những chiến sỹ cầm bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. Ngòi bút là vũ khí của chúng ta, vì vậy ngòi bút phải sắc, phải bén mới bảo vệ được trận địa của mình.
Theo congluan.vn