TP - “Để tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn ứng cử viên xứng đáng để bầu vào Quốc hội, cần tổ chức tranh cử thật sự”, GS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khóa XI và XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trò chuyện với phóng viên Tiền Phong về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội.

GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: LD.
Cử tri không thích đại biểu im lặng
Tại các phiên họp, bên cạnh nhiều đại biểu phát biểu rất hăng say, có chất lượng thì cũng có đại biểu vào Quốc hội dường như chỉ để nghe, hầu như không phát biểu gì, hoặc phát biểu chỉ mang tính hình thức. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?
Các đại biểu có nhiều hình thức thể hiện chính kiến của mình ở Quốc hội. Họ có thể phát biểu tại hội trường, trong các phiên thảo luận tổ, cũng có thể thể hiện chính kiến thông qua biểu quyết. 
Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà ở nước nào người dân cũng mong muốn đại biểu có những đóng góp trên  diễn đàn lớn của nghị trường, đặc biệt phải truyền tải được tâm tư nguyện vọng của cử tri để xây dựng hệ thống pháp luật, thực hiện giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Người ta không thích đại biểu im lặng, cũng không thích các phát biểu cho có lệ.
Còn về nguyên nhân vì sao đại biểu không phát biểu, hoặc phát biểu chỉ cho có lệ, theo tôi, thứ nhất do số lượng đại biểu ở các cơ quan hành pháp nhiều quá. Đại biểu lĩnh vực này ít phát biểu, vì vai chính, vai ăn lương của họ là hành pháp thì khó phát biểu lắm. Dự kiến tới đây sẽ giảm bớt số lượng đại biểu này, nhưng số lượng đại biểu ở các cơ quan hành pháp từ địa phương tới trung ương nhiều lắm, có giảm cũng chỉ giảm các vị ở trung ương thôi. 
Rồi những đại biểu ở cơ sở mà người dân thường gọi là đại biểu “cơ cấu” cũng ngại phát biểu, chủ yếu là do không tự tin, lại ít có điều kiện nghiên cứu vấn đề cho đến nơi đến chốn. Trong tương lai, phải chọn đại biểu thế nào để vừa thể hiện được cơ cấu dân cư nhưng cũng chọn được người nhiệt huyết, có năng lực, chứ không phải tổ chức xếp vào Quốc hội thì vào cho đủ thành phần.
Vậy còn lý do ngại động chạm có phải nguyên nhân dẫn đến tình trạng không phát biểu?
“Tôi mong người dân mình khó tính hơn, có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn đại biểu. Cần nghiên cứu kỹ chương trình hành động, quá trình tham gia các hoạt động xã hội của ứng cử viên xem ai phù hợp hơn, chứ đừng lấy chức danh, chức vụ làm tiêu chuẩn duy nhất”. 
GS Nguyễn Minh Thuyết
Đúng là cũng có nhiều đại biểu ngại động chạm, ví dụ như các vị lãnh đạo tỉnh nếu có nói cũng chỉ là nói những điều chung chung thôi, vì họ không muốn ảnh hưởng đến tỉnh họ cũng như vị trí của họ. Nhất là những ông bà nào còn trẻ, có triển vọng phấn đấu thì càng ngại phát biểu. Ngay các đại biểu không ở vị trí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nhưng đang công tác trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cũng rất ngại va chạm vì sợ ảnh hưởng đến sự đánh giá của tổ chức đối với mình.
Bên cạnh các trường hợp trên, còn có một số đại biểu thấy rằng có phát biểu hăng hái, thuyết phục mấy cũng chẳng ăn thua gì, nên lâu dần “mất hứng”. Nhất là khi góp ý về luật, về dự án, nhiều khi đại biểu góp ý đúng rồi mà cơ quan có thẩm quyền vẫn cứ thuyết phục đại biểu bỏ phiếu ủng hộ. 
Ông có thể ví dụ về những trường hợp “bị ảnh hưởng” sau khi đưa ra những phát biểu, chất vấn?
Không ít đại biểu địa phương khi phê bình hay chất vấn thẳng thắn các bộ có quyền lực đã bị lãnh đạo tỉnh vỗ vai, nhắc nhở không nên chất vấn như thế nữa. Bởi “Nếu phát biểu như thế, sau này tỉnh mình ra Hà Nội gặp họ xin cái này, xin cái kia thì có được không?”. 
Cũng có đại biểu chất vấn lãnh đạo Chính phủ, dẫn câu dân gian truyền miệng “Hành chính hành dân là chính”, sau đó về cơ quan cũng bị làm phiền. Nhưng có phải tự đại biểu nghĩ ra câu nói ấy đâu, đại biểu phản ánh ý kiến của dân đấy chứ.
Quan trọng hàng đầu là đại biểu phải có tâm
Theo ông, tố chất quan trọng nhất của một đại biểu Quốc hội là gì?
Theo tôi, cái quan trọng hàng đầu là đại biểu phải có tâm. Theo kiểu lựa chọn đại biểu Quốc hội của mình, người hoạt động chính trị chuyên nghiệp ở Quốc hội rất ít, số đại biểu vào Quốc hội có hiểu biết về chính trị cũng không nhiều. Nhưng trong quá trình hoạt động Quốc hội, một số đại biểu nổi bật được lên vì họ có tâm với công việc, với cử tri.
Có tâm thì đại biểu mới chịu khó tiếp xúc với cử tri, lấy ý kiến cử tri, tìm hiểu đời sống, nghiên cứu tài liệu để phát hiện vấn đề. Có tâm thì đại biểu mới dám mạnh dạn nói.
Sau cái tâm là cái tài, tức là đại biểu phải có hiểu biết, có năng lực để xây dựng ý kiến của mình và phát biểu cho mạch lạc, góc cạnh.
Vậy cái được lớn nhất và cái mất lớn nhất nếu có của đại biểu Quốc hội là gì, thưa ông?
Cái được lớn nhất là có một diễn đàn mà nhiều người mơ ước cũng không có để nói lên tiếng nói của mình, của cử tri. Về cái mất, nếu nói đến cái mất chung của tất cả đại biểu thì đó chỉ là mất thời gian để lo công việc thôi. Còn chuyện mất lòng, mất ghế cũng có thể  xảy ra, nhưng đã tự nguyện gánh vác công việc thì phải sẵn sàng chấp nhận.
Xúc phạm người ứng cử là vi phạm pháp luật
Vào thời điểm này, khi việc tiếp nhận hồ sơ đang được diễn ra, chuẩn bị đến ngày bầu cử cũng là lúc đang có những ồn ào từ một số người tự ứng cử. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không phân biệt người tự ứng cử và người được tổ chức giới thiệu ứng cử. Ai cũng được, miễn là họ có cái tâm với công việc, xác định được trách nhiệm của mình vào Quốc hội để gánh việc nước,… Tất cả những ai có cái tâm như thế đều đáng hoan nghênh và tôi sẽ bầu cho họ.
Còn cách vận động bầu cử, có người ồn ào, nhưng cũng có người đúng mức mà hiệu quả. Bầu cử ở các nước cũng thế, như bầu Tổng thống Mỹ hiện nay, có ông rất ồn ào, nhưng cũng có những ứng cử viên rất sâu sắc. Ở nước ta, trong lần bầu cử này, có những vị nói ứng cử chỉ để “thử” thôi. Tôi e rằng chỉ thử thì rất khó trúng. 
Cuộc sống vốn rất đa dạng, tùy từng người có cách thể hiện khác nhau; một xã hội dân chủ phải quen với sự đa dạng này. Tôi phản đối những lời lẽ công khai xúc phạm người ứng cử. Đó là hành vi vi phạm pháp luật. Còn về phía ứng cử viên, theo tôi, ai có cách vận động phù hợp với tâm nguyện của cử tri và văn hóa Việt Nam thì dễ chinh phục cử tri hơn. 
Rút kinh nghiệm từ khóa XIII khi có tới hai đại biểu tự ứng cử bị bãi nhiệm, theo ông vấn đề gì quan trọng nhất trong bầu cử, để lựa chọn người ưu tú nhất, xứng đáng nhất?
Điều quan trọng nhất là Đảng, Nhà nước và xã hội nói chung phải thực hiện đúng chủ trương của Đảng, đúng quy định của Hiến pháp về dân chủ. Từ trước đến nay vẫn có cách ứng xử không bình đẳng giữa các đối tượng ứng cử. Điều đó là không đúng. Để tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn ứng cử viên xứng đáng để bầu vào Quốc hội, cần tổ chức tranh cử thật sự, chứ không hình thức. 
Nhưng cử tri mà đi bầu một cách hình thức, chiếu lệ thì người thiệt thòi lại chính là cử tri. Bởi vậy, tôi mong người dân mình khó tính hơn, có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn đại biểu. Cần nghiên cứu kỹ chương trình hành động, quá trình tham gia các hoạt động xã hội của ứng cử viên xem ai phù hợp hơn, chứ đừng lấy chức danh, chức vụ làm tiêu chuẩn duy nhất. Có như vậy mới lựa chọn được người đúng ý mình.
Cảm ơn ông.
Không ít đại biểu địa phương khi phê bình hay chất vấn thẳng thắn các bộ có quyền lực đã bị lãnh đạo tỉnh vỗ vai, nhắc nhở không nên chất vấn như thế nữa. Bởi “Nếu phát biểu như thế, sau này tỉnh mình ra Hà Nội gặp họ xin cái này, xin cái kia thì có được không?”.