Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

BÁC TRẦN NHƯƠNG "CHẤT VẤN" GS NGUYỄN MINH THUYẾT


HỎI CHUYỆN GS NGUYỄN MINH THUYẾT 
VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI

Trần Nhương thực hiện
TranNhuong.net.

TNc: Trang trannhuong.com là trang cá nhân làm cuộc phỏng vấn mini này, không biết GS Nguyễn Minh Thuyết có chiếu cố cho không. Tôi nghĩ trong kinh tế có nhiều thành phần thì trong truyền thông cũng vậy nên chắc Anh không "ghẻ lạnh". Vì không thông tỏ về việc bầu cử Đại biểu Quốc hội nên "gõ cửa" đúng địa chỉ để giải thích đôi diều thắc mắc.


NMT: Anh Nhương ơi, tôi đọc free trannhuong.com bao nhiêu năm nay, có dịp cũng phải trả nghĩa chứ! Anh cứ coi đây là cuộc trò chuyện giữa hai người bạn thôi.


1- TN: Thông lệ thì Quốc hội khóa nào bầu lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khóa ấy, sao lần này “anh cũ” bầu hộ “anh mới” ? Các Đại biểu khóa 14 tự dưng mất đi cái quyền lẽ ra mình có. Vậy so với Hiến pháp 2013 có "khác thường" gì không Anh ?

NMT: Theo thông tin của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, với báo chí thì các vị được bầu và phê chuẩn giữ các chức danh lãnh đạo lần này chỉ tiếp tục nhiệm kỳ hiện nay thôi. Đến tháng 7, Quốc hội khóa mới sẽ bầu và phê chuẩn các vị lãnh đạo nhiệm kỳ mới.

2- TN: Nếu giải thích là để tránh "hoàng hôn nhiệm kỳ" thì chả hóa mình quy cho mấy vị lãnh đạo lại đến nỗi "hoàng hôn" thế sao ?


NMT: Cụ Nguyễn Du đã bảo”Thịt da ai cũng là người” mà. Nhưng câu đó chắc là dành cho người bình thường thôi. Còn các vị lãnh đạo, dù xuất hiện thường xuyên hay ít xuất hiện trên báo chí, cũng đều đang làm việc tích cực cho đến phút có người thay thế. Nhưng nếu các vị lãnh đạo này phải giữ chức vụ đến tận cuối tháng 7 thì có nhiều vấn đề khó lắm. Chẳng hạn, nếu Thủ tướng không phải Ủy viên Bộ Chính trị thì phải thường xuyên nhận chỉ thị từ Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng là Ủy viên Bộ Chính trị?

3- TN: Đến tháng 7, thời gian không có là bao, chúng ta tạo ra một thông lệ "anh cũ áp đặt anh mới" làm cho cử tri thấy như có chuyện gì đó bất ổn. Các vị lãnh đạo đều là đảng viên xuất sắc chắc đều ý thức tinh thần trách nhiệm đến lúc miễn nhiệm. Trên thực tế Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH đang hoạt động rất hiệu quả.


NMT: Như ông Nguyễn Hạnh Phúc đã giải thích, không có chuyện “anh cũ” áp đặt bộ máy cho “anh mới” đâu. Chỉ có điều trong vòng 4 tháng mà phải bầu lãnh đạo đến 2 lần thì quả là cồng kềnh

4- TN: Nói dại, nếu vì lí do bất khả kháng, QH khóa 14 phải bãi nhiệm một vị lãnh đạo nào đó thì có đúng luật không, vì họ không được bầu các vị đó?


NMT: Quyền lực nhà nước là liên tục, không phân biệt nhiệm kỳ. Trên thực tế, từ trước tới nay, Quốc hội khóa mới trong kỳ họp đầu tiên bao giờ cũng làm công tác nhân sự, miễn nhiệm người đã hoàn thành nhiệm vụ, bầu và phê chuẩn người mới.

5- TN: Đất nước có Hiến pháp từ năm 1946, giờ đã 70 năm mà tôi cảm thấy điều gì đó rất "ngẫu hứng". Có phải thế không Anh ?


NMT: Có một số ý kiến cho rằng việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao khi nhiệm kỳ chỉ còn vài tháng là không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đúng là Hiến pháp tại các điều 87, 97 có quy định nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Nhưng theo các điều 74 và 88 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; và Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Nhìn lại các nhiệm kỳ gần đây, có một số vị đã được miễn nhiệm sớm hoặc bầu sớm, ví dụ: Tháng 6/2001, sau Đại hội Đảng lần thứ IX 2 tháng, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và bầu ông Nguyễn Văn An thay thế vì ông Mạnh đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 6/2006, sau Đại hội Đảng lần thứ X 2 tháng, Quốc hội miễn nhiệm các ông Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An và bầu các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng thay thế. Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng lần thứ XI, các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng vẫn phải gánh vác nhiệm vụ cho đến cuối tháng 7/2011 mới được thay thế bằng ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Sinh Hùng. Trong tương lai, cần tính toán thời gian tổ chức Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội sao cho “khớp”. Lập nước hơn 70 năm rồi thì phải có lập trình ổn định về việc bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cao cấp.

TN: Xin cám ơn Anh đã chia sẻ, giải đáp và nhiệt tình tiếp chuyện anh cá thể trannhuong.com. 


.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét