Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Hiệu Minh: THĂM CHIẾN TRƯỜNG THANH THỦY - VỊ XUYÊN

Thăm chiến trường Thanh Thủy – Vị Xuyên

Hiệu Minh
16-2-2016

Xem lại chiến trường xưa sẽ không thể hiểu ai ra lệnh đục bỏ bia ghi tên người ngã xuống cho hoa nở trên biên giới hôm nay. Làm như vậy thung lũng có hang Dơi mãi là nơi những linh hồn oan không thể siêu thoát.


Nhà tưởng niệm Thanh Thủy. Ảnh: HM

Viết entry này, Hiệu Minh Blog cảm ơn anh Nguyễn Văn Biểu và các anh chị trong đoàn đã tận tình và chu đáo trong chuyến đi.

Sau chuyến thăm Hà Giang để ngắm hoa tam giác mạch, trong entry tôi có nhắc đôi lời đến Vị Xuyên. Một bạn đọc viết thư cảm ơn vì vài dòng ngắn ngủi dành cho người lính trận mạc. Mấy ai đi ngắm hoa lại nhớ tới lửa cháy năm xưa. Dòng đời trôi người ta dễ quên đi máu từng nhuộm đỏ núi rừng Hà Giang.


Đó là anh Nguyễn Văn Biểu quê Thái Bình, từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia (1976-1979), vừa giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979 thì ngày 26-2 năm đó, anh được lệnh ra Bắc. Ngày 5-3-1979 anh có mặt tại Hà Giang đúng vào ngày cụ Tôn Đức Thắng kêu gọi tổng động viên chiến đấu với quân xâm lược phương Bắc.

Vào trường đại học Kinh tế Kế hoạch năm 1976 được hai tháng, anh Biểu nhập ngũ, thuộc biên chế sư đoàn 9, quân đoàn 4, ba năm khốc liệt. Tiếc mái trường với bao mơ ước thời đó, đôi lúc anh tự hỏi, hòa bình rồi, tại sao phải đi chiến trường Tây Ninh nơi mà cuộc chiến âm thầm với lính của Pol Pot – Khmer đỏ ngay sau khi TBT Lê Duẩn công bố “không có kẻ thù nào có thể dòm ngó” sau chiến thắng 1975.

Chắc nhiều người hiểu ra sự thâm hiểm của Trung Quốc, chiếm Hoàng Sa, sau đó một phần Trường Sa, đâm sau lưng người bạn Việt Nam cùng chí hướng cộng sản từ hai mặt trận phía Nam và biên giới phía Bắc.

Mãi tới cuối năm 1977, cuộc chiến với Campuchia mới công khai với dư luận quốc tế. Trận chiến phía Bắc với Trung Quốc bắt đầu ngay sau khi thủ đô Phnom Penh thất thủ, dù 10 năm sau rừng thốt nốt được tưới bằng máu của hàng trăm ngàn lính trẻ từ Việt Nam.

Anh Biểu gọi điện hẹn gặp, rủ đi thăm biên giới phía Bắc. Một người đã 3 năm ở Campuchia và 8 năm tại Hà Giang, những điều chia sẻ không thể bỏ qua đối với blogger ưa mạo hiểm.


Anh Nguyễn Văn Biểu và phu nhân trên đỉnh cao Xìn Chải có thể quan sát 1509. Ảnh: HM

Hẹn đi hẹn lại, ngày 22-1-2016 trước Tết vài tuần, có hai xe SUV lên đường vừa du lịch vừa thăm chiến địa. Anh Biểu kể mấy năm gần đây năm nào cũng đi thắp hương đồng đội, một sự lặng lẽ biết ơn không ồn ào.

Ngược Tuyên Quang, ăn sáng ở thị xã, dọc theo hữu ngạn sông Lô chảy xiết từng đi vào trường ca, sau hơn 6 tiếng cả đoàn đã tới Hà Giang. Cũng như bao thành phố nhỏ của Việt Nam, thị xã Hà Giang có cùng kiểu kiến trúc nhà ống, mặt tiền vài mét, nhưng vẻ thanh bình.

Quảng trường thành phố khá rộng, có cột mốc KM số không như bao thành phố khác nhưng riêng với Hà Giang thì cột mốc này có ý nghĩa riêng bởi liền kề bên kia “lúc bạn lúc thù”.

Chuyện về đỉnh Lão Sơn 1509

Chỉ để đồ cá nhân, không kịp nghỉ trong khách sạn Cao Nguyên, đoàn vội lên đường vì sợ trời tối. Dọc theo quốc lộ 4 (trước gọi là 279) thấy cột cây số đề đi Hoàng Su Phì 67km, qua Xin Chải và cầu Thác Nước, đường lên uốn lượn cheo leo, phía bên kia là đồi núi trập trùng, sau khoảng 30km tới được điểm dừng chân mà từ đó có thể thấy được đỉnh 1509.

Đỉnh này Trung Quốc gọi là Lão Sơn, bên ta gọi theo 1509 là độ cao mét so với mặt nước biển. Thời chiến tranh quốc lộ 4 bé tý, mọi tiếp tế lên 1509 đều dựa vào sức người, xe pháo không thể đi được.

Nhìn lên đỉnh 1509 bị mây mù che phủ, hiện bị Trung Quốc chiếm, không thể thấy nó cao bao nhiêu. Từ đó có thể quan sát toàn bộ thị xã Hà Giang, được coi là vị trí quân sự chiến lược, thấy toàn bộ khu vực Thanh Thủy, Thanh Đức, Xin Chải, rồi các đỉnh 1800A, 1800B. Có thể đếm từng chiếc xe chạy trên quốc lộ 4 đoạn từ thị xã Hà Giang đi Thanh Thủy, nhìn rõ sân bay Phong Quang và một vùng rộng lớn.

Ngày 28-4-1984, đỉnh Lão Sơn bất ngờ bị Trung Quốc chiếm vì chúng biết rõ từ đây có thể khống chế Việt Nam và phía Việt Nam không thể quan sát được chúng phía bên kia biên giới. Những trận tái chiếm của Việt Nam sau đó không thể thành công. Hai bên đều thương vong rất cao do đánh nhau chiếm từng hang, từng khu rừng.

Báo chí phương Tây tường thuật dựa vào thông tin do phía Trung Quốc đưa, rồi được một blog lấy từ nguồn tin Việt kiều từ Nhật và Hoa Kỳ, trong cuộc chiến chiếm lại đỉnh cao sau đó làm phía Việt Nam thiệt hại nghiêm trọng, số tử vong lên tới 3700, cao nhất trong lịch sử chiến tranh châu Á sau 1945.

Anh Biểu biết trung đoàn giữ điểm cao quan trọng này và cả người bạn là đại đội trưởng xây doanh trại trên đó. Theo ước đoán của anh, số thương vong của ta khoảng 1100 đến 1200. Ước chừng 70% tử sỹ được chuyển về phía sau, như vậy số còn lại khoảng 400.

Theo phía Trung Quốc nói, do xác nhiều quá nên họ đã cho phép ta tới lấy xác nhưng không được mang theo vũ khí. Tuy nhiên khi thấy khoảng 60-70 lính ta mang theo súng, không như thỏa thuận, chúng đã khai hỏa giết luôn số này. Số xác còn lại như lời chúng kể, đã dùng xăng và súng phun lửa thiêu hủy hoàn toàn.


Trên Xìn Chải. Ảnh: HM

Tuy nhiên, theo hiểu biết của cựu binh Biểu, khi đó chiến tranh vô cùng tàn nhẫn. Phía Trung Quốc dã man hơn cả ác thú, giết hại đàn bà trẻ em, không hề có một thỏa thuận thu xác như chúng nói. Anh cho đó là điều bịa đặt. Nhiều người không hiểu thời cuộc, thích thất bại của Việt Nam, dựa vào đó mà khoét sâu nỗi đau của bao đồng đội đã đổ máu.

Mất 1509, phía Việt Nam rất khó khăn. Từ Hà Giang lên Thanh Thủy, Phương Độ, Phương Tiến hay qua hoặc lên 812, qua 673 hoặc đưa thương binh vào hang Dơi, những nơi anh Biểu đóng quân hoặc đi lại nhiều lần, không thể vận chuyển vào ban ngày mà phải đi ban đêm. Sân bay Phong Quang nơi đóng của pháo binh bị phản pháo tơi bời nhưng nhờ sự dũng cảm của họ mà bên ta giữ được Thanh Thủy, Hang Dơi, Lang Pinh.

Anh Biểu cũng không tin do sự phản bội của tình báo. Lý do chính là chuyển quân đông, thời gian dài, khó mà giữ được bí mật, cùng với chủ quan lính Tầu không biết đánh nhau mà không biết rằng sau một thời gian ngắn (1979-19840, người Tầu đã khác xưa.

Câu chuyện về 1509 có thể viết thành sách trong quân sự nếu như mọi thông tin được bạch hóa. Trong khuôn khổ entry ngắn này, tác giả không dám đề cập một cách chi tiết. Hy vọng một ngày nào đó người Việt biết thêm về một đỉnh cao bị mất, nhưng không phải vì thế mà những người ngã xuống nơi đây không được thế hệ sau vinh danh như những anh hùng dù xác họ đã tan vào trời đất.

Hang Dơi và Thung lũng gọi hồn

Ngay chiều đó cả đoàn về hang Dơi khi chiều đã buông. Từ doanh trại biên phòng, qua một chiếc cầu treo bập bềnh theo gió, phía bên kia là hang Dơi nổi tiếng. Nơi đây từng tập kết thương bệnh binh, từ chiến tuyến gửi về. Hang khá sâu, phía trước có mỏm đá cao chắn nên đạn pháo Trung Quốc nã xuống chỉ rơi vào suối hoặc cánh đồng trước mặt.

Anh Biểu chỉ nơi quân đội tham gia sản xuất, nhà cửa khang trang từng được lính ta gọi là Thung lũng gọi hồn. Suối Thanh Thủy từng là nơi lấy nước nuôi quân. Cạnh đó là một nhà nho nhỏ có các phòng riêng biệt để cấp cứu. Gần đó là bếp trong hang, dù đã 35 năm vẫn còn ám khói đen.

Trong hang Dơi còn nhiều giầy dép, ống quần, tay áo, bao tải dứa…dù đã phủ bụi thời gian nhưng có thể thấy những người lính năm xưa đã phải sống ra sao. Còn những câu khẩu hiệu thề sống mái với quân thù trên hang.

Khắp nơi hương nghi ngút, dường như chỗ nào cũng có người đã nằm xuống. Gió hun hút như tiếng gào thét đau đớn “mẹ ơi” của những đứa con nằm lại, cảm giác rợn người như là nơi các linh hồn ẩn khuất.


Anh Biểu thăm lại Hang Dơi. Ảnh: HM

Anh Biểu chỉ một cứ điểm trên cao đối diện với hang Dơi nơi anh từng đóng quân. Mỗi lần về hang, anh phải lội qua con suối và phải đi vào ban đêm hoặc chạy chí chết. Từ điểm cao gần đó lính Trung Quốc có thể pháo kích trúng chỗ này, nhất là dùng cối tọa độ khá chính xác. Nơi đây ta và địch xen kẽ nhau, chiếm từng mét đất.

Anh còn chỉ cho hai mố cầu Thanh Thủy do một sỹ quan ta đánh sập vì nghe tin Trung Quốc tấn công. Sau này muốn tiếp tế ta phải lội qua sông, vô cùng khó khăn. Lính ta gọi là cầu Sập, lâu ngày thành quen.

Hang Dơi và suối Thanh Thủy xứng đáng là di tích tầm quốc gia, cần được bảo tồn như một điểm nhấn của chiến tranh biên giới tháng 2-1979. Thế hệ tương lai cần biết đúng về sử như từng xảy ra.

Cửa khẩu Thanh Thủy và đôi lời cuối

Thăm cửa khẩu Thanh Thủy bên dòng sông Lô xanh trong, khung cảnh yên bình khi những đèn đường bắt đầu sáng. Dường như chiến trận đã lùi xa, nhà cửa mọc lên khỏa lấp những đau thương của quá khứ. Những chiếc xe tải chở container từ Trung Quốc, người về bên Trung Quốc cũng thế dường như đang về làng mà không phải qua biên giới. Cả nhóm thi nhau chụp ảnh cửa khẩu dù lính Trung Quốc nhìn từ xa vẻ rất thăm dò, không hề thân thiện.


Cửa khẩu Thanh Thủy. Ảnh: HM

Sáng hôm sau thăm sân bay Phong Quang ở xã cùng tên ở Vị Xuyên, nơi từng có trận địa pháo nổi tiếng, dãy núi trùng điệp có hình răng lược, giờ đã đổi khác nhiều, không còn vết tích của chiến tranh.

Trên đường về xuôi, đoàn rẽ vào xã Trung Thành cách thị xã Hà Giang 30km, thuộc Vị Xuyên, nơi anh Biểu có một người bạn chiến đấu sinh sống cùng người vợ hiền. Anh này thuộc vào loại bán trời không văn tự, từng tham gia chiến trường Campuchia, rồi lên biên giới đánh nhau.

Chả hiểu thời gian đâu mà bố ta tán được một cô xinh đẹp trên Hà Giang. Hình như thiếu tiền, anh ta bán cả súng mua phở, bị kỷ luật chiến trường. Bị tòa án quân sự phạt tù, vào trại mấy năm, người vợ trẻ vẫn chờ đợi, đưa cơm. Ra tù anh tự làm lại cuộc đời, hiện có trang trại hàng chục hecta, cam quýt đầy vườn. Giấc mơ của anh là đi buôn hoa quả về xuôi, thay vì bán súng gá nợ.


Trang traị của cựu binh. Ảnh: HM

Cách nhau một dòng sông, biên giới hai nước theo luật từ thời nhà Thanh: phân thủy là đỉnh núi sẽ phân chia dòng chảy cho hai bên, tụ thủy là biên giới giữa dòng sông. Dù đã áp dụng mấy thế kỷ, nhưng lòng tham con người dường như không có giới hạn. Chiến tranh, giết chóc vẫn luôn thường trực đâu đó trong những đám mây mù trên đỉnh Lão Sơn với những tính toán điên rồ.

Vùng đất Thanh Thủy và Vị Xuyên đang thay da đổi thịt, đường có bê tông, nhà trẻ, trường học khang trang. Mìn cài dọc biên giới đang được gỡ đi. Gặp người dân tộc được mời vào uống rượu. Thấy một cậu bé đang nấu cơm bằng bếp củi, tay nhoay nhoáy smart phone, internet đã vào tới miền xa xôi này.

Để dân chúng ở hai bên biên giới đi lại có lẽ khó mà biết được hai quốc gia đang gầm ghè nhau. Vụ giàn khoan biển Đông xảy ra thì nơi đây Trung Quốc cũng chuyển quân rầm rập.

Ý thức hệ, lòng tham của con người, sự độc ác trong tâm dẫn đến đổ máu và hận thù, nguồn cơn của mọi tội ác chống lại loài người.

Người Việt chỉ còn cách xây dựng cho đất nước mạnh lên, tạo dựng nền văn hóa cho phát triển, tự tôn dân tộc, độc lập, thì mọi kẻ thù sẽ ngại. Gặp những chiến sỹ biên phòng trẻ, khỏe, môi luôn nở một nụ cười đang chơi bóng chuyền, nhưng chắc hẳn phía sau còn ẩn chưa bao lo âu cho biên giới thanh bình.

Thung lũng gọi hồn phải là nơi vinh danh những người ngã xuống. Tên tuổi của họ cần được ghi lên bảng vàng và hướng về cả hai phía biên giới để hai dân tộc biết những bài học đắt giá về chiến tranh.


Suối Thanh Thủy và thung lũng gọi hồn. Ảnh: HM

Xem lại chiến trường xưa sẽ không thể hiểu ai ra lệnh đục bỏ bia ghi tên người ngã xuống cho hoa nở trên biên giới hôm nay. Làm như vậy thung lũng có hang Dơi mãi là nơi những linh hồn oan không thể siêu thoát.

Xe về xuôi bên dòng sông Lô cuộn chảy, núi rừng mờ ảo trong mây đẹp đến nao lòng, nhưng lại là nơi chứng kiến mấy cuộc chiến đẫm máu, lòng du khách chợt buồn vì số phận đất nước mình. Biết bao giờ quay lại cùng anh Biểu thắp nén hương cho những người lính trẻ sống mãi tuổi đôi mươi.

Hiệu Minh.
Một chiều cuối năm trên biên giới. 22-1-2016.


Thị xã Hà Giang. Ảnh: HM


Thung lũng gọi hồn. Ảnh: HM


Bút tích của lính ta. Ảnh: HM


Bệnh viện dã chiến bên thung lũng gọi hồn. Ảnh: HM


Dép tông còn lại trong hang Dơi. Ảnh: HM


Anh Biểu thắp hương cho đồng đội. Ảnh: HM


Không thể quên những người đã nằm xuống. Ảnh: HM


Cầu trên suối Thanh Thủy sang hang Dơi. Ảnh: HM


Cam sành Vị Xuyên không chất độc hại. Ảnh: HM


Thanh bình làng quê. Ảnh: HM


Nụ cưi trẻ thơ vùng cao. Ảnh: HM


Ngô xanh bát ngát trên Thanh Thủy. Ảnh: HM

1 nhận xét :

  1. Rất mong có nhiều tài liệu viết về trận đánh cao điểm 1509. Khi lãnh thổ bị mất đi, là một nỗi đau cần được chia sẻ và hiểu nhiều hơn.

    Trả lờiXóa